5710. VỀ CÁI SỰ ĂN

VỀ CÁI SỰ ĂN
Tản văn của Nguyễn Ngọc Dương 


Có lẽ không có từ nào trong tiếng Việt lại có nghĩa phong phú như từ ĂN. Thực ra, ăn với nghĩa chung nhất chỉ là động tác nhai và nuốt. Nhưng từ ăn được ghép với nhiều từ khác để phản ánh những nét nghĩa khác nhau thì mất gần hết một mục nguyên âm “Ă” trong cuốn Từ điển tiếng Việt. Nào là ăn giỗ, ăn tết, ăn bám, ăn chặn, ăn báo cô, ăn bẩn, ăn của đút; nào là ăn chẹt, ăn chay, ăn độn, ăn đất, ăn cướp; nào là ăn hại, ăn kiêng, ăn dè..., nhiều lắm. Tuy nhiên trong bài này, người viết chỉ nói về cái sự ăn với nghĩa gốc của nó.

Gần 40 năm trước, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng lý giải cho chúng tôi là do lịch sử xứ mình nghèo đói liên miên, nên cái gì cũng nghĩ đến ăn. Ăn phải là nhân tố đầu tiên trong nhiều hoạt động như tết nhất, giỗ chạp, cưới xin, ma chay, mừng thọ,... Ngày xưa đến nhà, câu chào cửa miệng thường là: “Ông bà… ăn cơm chưa?”. Đến lời chào cũng phải gắn với ăn. Ra đường “Chào cụ, cụ đi đâu đấy ạ?”. “Vâng, chị ăn cơm chưa? Hôm nay tôi đi ăn giỗ cụ Bá”.

Mỗi dân tộc trên thế giới có những món ăn và phong cách ăn khác nhau. Đó là do điều kiện thiên nhiên và lịch sử …đã giúp họ sáng tạo về ăn uống mà lâu nay ở nước ta thường gọi là “văn hóa ẩm thực”. Vì là văn hóa, nên ăn uống thể hiện mối quan hệ giữa người với người nhiều hơn là ăn để sống, dù ăn để sống là mục đích chính của sự ăn. Với những người lao động nhọc nhằn, suốt ngày chỉ lo mưu sinh thì ăn thường cốt để chống đói, để sống, nên nhiều khi “ăn xó mó niêu”, không có thì giờ bày biện món ăn đàng hoàng với ý nghĩa văn hóa. Xưa có câu: “Một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, riêng về nghĩa đen của nó là để chỉ về văn hóa ăn khi tiếp xúc với xã hội, thậm chí ngay trong gia đình, chỉ hai người đã khác với một người. “Vì chàng thiếp phải mua mâm/ một mình thiếp những ăn thầm cũng xong” (Ca dao)...                                                                                                   
Một dân tộc triền miên đói khát luôn quan trọng hóa cái sự ăn, đưa cái sự ăn lên hàng đầu khi tiếp xúc bạn bè thân hữu. Gặp nhau phải có ăn, phải có rượu, không ăn không rượu là cảm thấy “nhạt như nước ốc ao bèo”! Đói no bất kể, hễ “gặp bạn là gặp rượu”(*), tất nhiên rượu mấy khi uống suông mà rượu phải đi liền với thịt, với những món ăn ngon, ăn lạ. Người Việt Nam quan niệm quý nhau phải mời nhau ăn uống, càng linh đình, càng như để thể hiện tấm lòng của mình với bạn bè. Khi nghèo quá, không có gì tiếp bạn thì xót xa. Ai chẳng biết những câu thơ Nguyễn Khuyến: “Chẳng mấy khi bạn đến chơi nhà /Vợ thời đi vắng, chợ thời xa. /Ao sâu nước cả, khôn chài cá/Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà…”.

Cái truyền thống ăn uống linh đình, hoành tráng trở thành nét văn hóa ngấm vào con người Việt Nam như một thứ máu không dễ gì thay đổi. Nói thực với các bạn, hiện nay chúng ta chưa phải giầu có gì nhưng sau khi thoát cảnh “tem phiếu”, thực hiện “cơ chế thị trường”, là thực phẩm đã ê chề. Trừ một số bà con ở vùng sâu vùng xa còn đói, thì đa số người dân bây giờ không thiếu cái ăn. Nhiều nhà quanh năm tủ lạnh chất đầy món, ăn cả tuần cả tháng, đói khát gì đâu? Gần đây, tôi xem một chương trình bàn tròn trực tuyến của BBC Việt ngữ dịp tết Mậu Tuất, một bác nông dân ở ngoại thành Hà Nội nói: “Bây giờ ăn uống cũng không thiếu gì. Có ăn được đâu, thịt lợn, thịt gà…cũng chán rồi. Tôi chỉ ăn rau thôi, rau nhà trồng, đỡ lo độc hại…”.  Nhưng khổ nỗi, cái “máu ăn” đã ngấm trong người, thì mọi hoạt động vẫn đẩy vấn đề ăn lên hàng số một. Không có thì thôi, đã có thì phải ăn thừa ăn thãi, ăn xong đứng lên, mâm vẫn còn đầy mới là “lịch sự”. Ở gia đình,  ăn thừa, đổ đi thì tiếc, lại nghĩ rằng, trong xã hội ở đâu đó vẫn còn có người đói, nên xót lắm, “ngọc thực” mà, ăn cố không hết thì cất vào tủ lạnh, tất nhiên bữa sau ăn mất ngon, thậm chí để lâu, mất vệ sinh, ăn vào không lợi cho sức khỏe. Hiện nay đi ăn cỗ cưới, khi đứng lên, người ta thường thấy mâm nào cũng vẫn còn đầy thức ăn, có món chưa ai động đũa. Nhiều người nói, biết vậy nhưng vì lịch sự với khách nên không thể khác, phải đặt cỗ to cho tương xứng với cái phong bì “mừng hạnh phúc”, kẻo “người ta cười cho”! Mà có khi bị “cười” thật. NGHÈO nhưng SĨ vẫn luôn là ý thức của nhiều người Việt Nam ... Chắc có sửa được cũng phải trải qua nhiều thế hệ nữa, khi dân ta tiếp thu được nền văn minh nhân loại. Nghiệm ra ở đâu trình độ văn minh càng cao thì sự tiết kiệm càng lớn. Ngược lại, khi văn hóa càng thấp thì lãng phí càng nhiều. Cái “máu ăn tàn phá hại” chỉ có thể sinh ra ở những xã hội mà nền văn hóa còn thấp, còn nặng tính tham lam.

Những dân tộc văn minh không như vậy. Bạn tôi ở Sa Pa có một cửa hàng chuyên bán đồ ăn cho “Tây”. Nhiều lần đến chơi tôi để ý, người Tây họ đãi bạn bè rất tình cảm nhưng không bao giờ ăn thừa, đổ đi. Ăn đến đâu, gọi đến đấy, ăn đĩa nào vét sạch đĩa ấy, thậm chí còn liếm đĩa rồi mới gọi món khác. Hành vi ấy khó chấp nhận dưới con mắt nhiều người Việt. Rất có thể sẽ bị một câu rủa thầm: “Đồ ti tiện, quân vét đĩa”! Điều đáng nói là chính những người “ti tiện”, “vét đĩa” ấy lại rất nhiều tiền, chứ không rỗng túi như mình. Người Tây quan niệm ăn hết món, vét đĩa là thể hiện tôn trọng sự lao động từ người sản xuất đến người chế biến món ăn, chứ không hắn đó chỉ là tiếc cho sự “lãng phí thời gian vật chất” của xã hội. Hãy hình dung xem, nếu mình là một người chế biến món ăn mà thực khách ăn hết thì đó sẽ là niềm hạnh phúc như thế nào, và ngược lại? Còn nữa, ăn thừa sẽ xả thêm rác, gây thêm ô nhiễm môi trường sống. Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, dù không nói ra nhưng trong lòng tôi vẫn thầm thương cảm các cô công nhân môi trường đi gom rác. Nào là cành đào, cây quất, nào là vỏ chai, vỏ lon bia, nào là giấy hộp bánh kẹo, vỏ hạt giời… chất lên như núi. Nhưng khổ nhất vẫn là chị em bất đắc dĩ phải ngửi những món thức ăn thừa trong đống rác bốc mùi như bãi mèo nôn!

Tôi đã có mặt ở một số khách sạn lớn, trong những bữa ăn sáng “búp phê”. Ở đây có người tỏ ra hiểu biết ghé tai nhau: “Ăn tự do thế này, nhớ ăn đến đâu lấy món đến đấy, chớ thấy nhiều món mà tham lam vục đẫy vào, ăn không hết bỏ lại là người ta cười cho thối mũi!”. Đó chính là yếu tố manh nha của văn hóa ăn hiện đại? Bạn tôi kể: Gần đây, đi chơi tết, được đãi một bữa ở cửa hàng ẩm thực Nhật Bản, có nhiều món ăn ngon. Chị phụ trách cửa hàng vừa giới thiệu món ăn vừa “chăm sóc khách hàng” bằng cách gắp vào đầy bát. No rồi, nhưng vì nghĩ, đây là cửa hàng dành cho người Nhật và những thực khách ăn theo phong cách Nhật, một dân tộc văn minh bậc nhất châu Á, nên mình phải ăn cố những món đã được bón vào bát, húp hết cả nước, không để thừa, mất lịch sự. Kết cục là phải chịu một bữa ăn quá tải, dù món ăn rất ngon và rất bảo đảm vệ sinh, nhưng về nhà vẫn phải nhịn một bữa cho bộ máy tiêu hóa được “hoàn hồn”, phòng rối loạn đường ruột… 

Đúng là không ở đâu như ở ta, khi mời nhau ăn cỗ, quý nhau thường gắp vào bát cho nhau. Nhằm trong mâm có đĩa nào “chủ lực” là gắp vào bát người khác để thể hiện sự quý mến. Nhưng thời đói khát của chế độ bao cấp qua lâu rồi. Bây giờ mà “quý nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Có khi vớ cái món ăn phải kiêng hoặc bụng đã no mà được/bị gắp vào bát sẽ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”! Gắp ra hoặc giấu giấu ném xuống gầm bàn, hoặc để ra góc mâm... đều cảm thấy mất lịch sự, cảm thấy không nỡ. Nhưng ăn vào thì không thể. Đành “chịu trận”, ăn mất ngon. Nhân bài viết này, người viết muốn khuyên các bạn, thời nay đi ăn cỗ chớ nên quý nhau, yêu nhau kiểu đó…

Tôi rất tâm đắc với câu nói ấn tượng của bạn Chu Mộng Long (Đại học Quy Nhơn): “Viết về cái sự ăn mà không viết về cái sự ỉa là thứ văn hóa không có hậu”. Đúng vậy, nhưng về cái sự ỉa tôi đã có một bài đăng trên facebook và blog với tiêu đề “Bàn về đầu ra”. Đăng ở đây hoặc ở đây .


25/2/2018 - NND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.