5709. Văn nghệ đầu năm: Ăn Tết thời sản
Văn nghệ đầu năm: Ăn Tết thời sản
Posted
on Tháng
Hai 19, 2018 by chumonglong
Ghi chép của Chu Mộng Long
![]() |
Kiệt tác của Francois Rabelais và tranh minh họa của Louis Icart French |
Viết về cái sự ăn mà không viết về cái sự ỉa là một thứ văn chương
vô hậu. Bởi ăn và ỉa là một quan hệ biện chứng giữa đồng hóa và dị hóa. Cho
nên, đại văn hào Pháp F. Rabelais đã phải cực tả chủ nghĩa anh hùng
Gargantua bằng hình tượng những cục phân khổng lồ để chất vấn thứ văn
hóa giáo điều Trung cổ, rằng người hùng ăn khổng lồ mà tại sao không được phép
ỉa???
Ăn sung thì ỉa phải sung. Chất lượng ỉa đánh giá chất lượng ăn.
Cũng như kinh tế học lấy sản phẩm đầu ra làm thước đo để nhập nguyên liệu đầu
vào…
Không biết ngày xưa ông bà ta ăn Tết thế nào. Có biết chăng chỉ là
trong sách vở. Mà sách vở thì chỉ có đẹp đẽ, sung túc trở lên. Đến thơ Tú Xương
cũng chỉ thấy sự sung túc, vì không thấy cụ Tú mỉa mai vào sự nghèo hèn.
Sinh thời ba tôi kể rằng, ngày xưa ăn Tết kéo dài một tháng.
Câu Tháng Giêng là tháng ăn chơi là nói thời gian ăn
Tết đấy. Lễ hội bây giờ là tồn sinh của Tết xưa. Ba nói, sau này giảm xuống một
tuần và hiện nay là còn ba ngày mà không giải thích vì sao. Tôi hỏi, dân mình
đa số nghèo hèn, lấy gì mà ăn Tết cả tháng hay cả tuần? Ba nói liệu cơm gắp
mắm. Nhà giàu thì mổ trâu mổ bò, nhà nghèo thì cũng bỏ bùng binh một con heo,
nuôi đầu năm đến cuối năm thì mổ thịt. Heo không to lớn thì cũng được chục ký
cả xương lẫn da. Câu Nhà anh chẳng giàu thì nghèo,
ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà là mang nghĩa ấy. Ra thế.
Đói quanh năm nhưng Tết vẫn sang!
Tôi lại hỏi nếu nghèo đến mức ăn nhờ ở đậu nhà địa chủ thì lấy gì
mà nuôi heo để dành cho bữa ăn Tết? Hỏi đến đó thì vẻ mặt ba tôi buồn hẳn. Ba
nói, thì ăn nhờ của địa chủ. Nhà họ Chu có giỗ vào mùng hai Tết là do có người
ăn thịt của địa chủ no quá mà lăn ra chết. Tôi trố mắt. Nội tôi tiếp lời ba
tôi, rằng thời ông cố, họ Chu thất thế, ruộng đất vào tay địa chủ gần hết, rất
nhiều ông bà của tôi phải đi ở đợ. Cái ông mà hàng năm giỗ vào đúng Tết là do
đói. Ngày 30 nhà địa chủ làm heo làm bò nhưng không cho tá điền ăn. Mãi đến
chiều mồng một mới đem đồ thừa cho ăn. Ăn phải đồ thiu thúi nên đi chảy một đêm
rồi lăn ra chết…
Câu chuyện gần giống như truyện Một bữa no của
Nam Cao.
Tôi hình dung, thời xưa ấy dù có ăn uống phải đồ thiu thúi chắc
cũng thấy rất ngon. Đói làm cho con người ăn gì cũng ngon. Vì thấy ngon nên mới
ăn cho đến chết. Thà chết no!
Chắc mọi người còn nhớ mấy chục năm ăn Tết dưới thời sản. Thời hợp
tác xã ấy. Chỉ có những năm đói nhất thì mới xếp hàng mua thịt ở cửa hàng mậu
dịch. Xếp hàng từ sáng đến chiều mới đến lượt mua được cân thịt bầy nhầy bạng
nhạng. Thịt ngon ưu tiên cán bộ và gia đình có công. Thường thì vẫn giữ phong
tục ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà. Năm nào cũng như
năm nào, sau tháng Giêng là mẹ tôi không quên nuôi một con heo cho Tết tới. Lễ
nhập chuồng là lễ khấn vái tổ tiên, cô hồn các đảng phù trợ độ trì cho heo
chóng nhớn để đến ngày 30 làm lễ tạ ơn, trước cúng sau ăn.
Mẹ tôi rất tin, và có lẽ thiêng lắm, cho nên cả năm dù heo chỉ ăn cám với rau
chuối mà nó lớn vùn vụt. Mẹ nói, bề trên nuôi nó đấy!
Bây giờ thì thấy Tết cứ đến vù vù chứ thời ấy bọn trẻ con chúng
tôi thao thức chờ Tết dài như cả thế kỷ. Chờ để được ăn miếng thịt bù đắp 365
ngày toàn ăn mì độn cơm. Đúng sáng ngày ba mươi, không khí rộn ràng hẳn. Những
gương mặt hốc hác vì đói khát bỗng rạng rỡ hẳn khi cả làng vang lên tiếng heo
bị chọc tiết. Bây giờ nhớ lại hình ảnh người thợ chọc con dao vào cổ con heo
máu chảy ồng ộc mà rùng mình chứ thời ấy nhìn cái chậu máu đỏ tươi là cả đám
người xung quanh liếm mép và nuốt nước bọt ừng ực. Sau khi tắm trắng cạo lông cho
heo bằng phương pháp của chị Tấm dành cho Cám, người ta xả thịt heo ra thành
nhiều tấm, phần cho vào chĩnh muối để ăn dần, phần xỏ lạt cột treo giàn bếp để
nấu ba ngày Tết. Riêng phần đầu, nọng, và một phần thịt mang ra cúng tất niên.
Các món đơn giản trong bữa tiệc tất niên chỉ là tiết canh, luộc, lụi (nướng),
nấu cháo. Phần nhiều nhất dành cho trẻ con là cái đầu heo và thịt mỡ. Cả nhà
quây quần quanh một cái nong. Không cần chén đũa. Ăn bốc. Ăn ngốn ngấu. Khoái
nhất là cầm cục xương má heo gặm, đứa nào cũng hai bên má nhẵn bóng. Bọn trẻ
chúng tôi thi nhau gặm sạch đến mức mấy con chó cũng ganh tị sủa toáng lên.
Chiều tối ba mươi ấy, bụng đứa nào cũng căng cứng. Ăn như chưa bao
giờ được ăn. Hậu quả là sáng mồng Một, Gò Ỉa đông hơn đi hội. Mà không chỉ đi
một lượt. Ai cũng phải đi ít nhất dăm bảy lượt. Tôi còn nhớ vừa toẹt một vệt
dài đến hết cả lô ỉa dành cho mỗi người, trịn lên hai ba lượt cái bia đá xong
là cái bụng nó lại đòi toẹt tiếp. Có người tưởng đã xong, vừa kéo quần lên đi
về nhà được nửa đường thì phải quay đầu trở lại Gò Ỉa. May mà Gò Ỉa có nhiều
ngã đến nên không bị kẹt đường.
Ngày mồng Một Gò Ỉa có một cái mùi đặc trưng khác với thường ngày:
nó thúi cái mùi chua loét.
Tôi bụng yếu từ nhỏ, cho nên cả mồng Một chỉ có đi ỉa toẹt mà
không thể ăn gì thêm. Tối đến, anh tôi không cho ngủ chung vì bảo tôi trịn
không sạch, chua lắm! Vậy là phải ra chõng sau hè ngủ một mình.
Mẹ có món thuốc trị chảy gia truyền là bắt tôi ăn lá ổi thật
nhiều. Vậy là ba ngày Tết chủ yếu ăn lá ổi. Ba tôi mắng: tham thực cực thân con ạ!
Vào khoảng năm 1986, 1987, tức giai đoạn khoán 10, thời gian mà
người ta ngợi ca Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh như vị cứu tinh ấy, cũng là lúc có
đến mấy cái Tết bọn trẻ con chúng tôi không được ăn thịt heo thoải mái nữa. Năm
đó, vào tháng Giêng, tháng Hai, như thường lệ, mẹ tôi vẫn bỏ chuồng một con heo
chuẩn bị cho Tết năm tới. Vẫn làm lễ nhập chuồng, mẹ khấn vái cô hồn các đảng
phù trợ cho heo mau ăn chóng nhớn. Và năm ấy, nó lớn nhanh như thổi, đến tháng
Chạp thì nặng gần cả tạ. Năm ấy tôi không còn là trẻ con nữa, nhưng vẫn háo hức
Tết. Ăn Tết đồng nghĩa với ăn thịt heo. Ăn cho thật đã dù biết đến mồng Một
mồng Hai là phải ăn toàn lá ổi. Không chỉ tôi, cả nhà ai cũng mơ màng chờ Tết
ăn thịt heo cho thỏa bụng.
Nhưng Tết năm ấy tôi không phải ăn lá ổi nữa, vì ngày ba mươi nhà không có tiếng heo kêu.
Nhưng Tết năm ấy tôi không phải ăn lá ổi nữa, vì ngày ba mươi nhà không có tiếng heo kêu.
Con heo vái cô hồn các đảng nuôi lớn nhanh như thổi ấy đã bị cô
hồn các đảng bắt đi nguyên con từ sớm. Mùa đông năm ấy, mấy hecta ruộng khoán
nhà tôi gặt lên dù chất đầy sân nhưng không đủ cân “nghĩa vụ” cho hợp tác xã.
Mẹ nhìn đụn lúa to giữa sân, lần đầu tiên mừng như địa chủ được mùa. Ai cũng
nghĩ cái đói và sự ăn mì độn cơm có lẽ từ đây chấm dứt. Nhưng khi cân nộp cho
hợp tác xã, cân gánh một hồi vét sạch vẫn không đủ số lượng phải nộp. Nhìn cái
sân nhà chỉ còn mấy hạt dính qua kẽ gạch, mẹ tôi lăn ra khóc. Mẹ khóc mấy ngày,
không chỉ vì lo cả nhà đói mà lo chính quyền hoạnh họe vì không hoàn thành
nghĩa vụ. Ba làm giấy xin khất nợ, nhưng hợp tác xã không chấp nhận. Khoảng
rạng sáng đêm ấy, sau tiếng chó sủa dữ dội là một đội quân tấn công vào nhà.
Nhà có gì chúng siết nấy. Chúng siết luôn cả con heo mang đi…
Mấy năm sau đó mẹ không nuôi heo để cúng tất niên nữa. Mẹ nói,
loại cô hồn các đảng sống này đáng sợ lắm, bọn này lừa mình làm ruộng, nuôi
heo, có được bao nhiêu chúng vét sạch, ăn sạch, đến mức cứt cũng không để lại
cho người nuôi trồng. Trước cúng sau ăn thì
mới cúng chứ không được ăn miếng nào thì thôi. Từ đó nhà có gì dùng nấy. Gần
Tết, tát cái ao cá cạnh nhà, kho mặn một nồi trước dăm mười ngày, đến ba mươi
ra chợ mua cân thịt để cúng tổ tiên, vậy là xong cái Tết.
Nhiều gia đình lâm vào tình cảnh tương tự như nhà tôi. Gần một nửa
làng nửa đêm dọn nhà bỏ chạy khỏi quê hương, quên mồ mả tổ tiên, vào tận Long
Khánh, Lâm Đồng để lập nghiệp chỉ vì trốn nợ hợp tác xã. Khoán 10 đã biến hợp
tác xã thành tên địa chủ khổng lồ, dân vắt kiệt sức làm giàu cho ông hợp tác
xã, đến mức tục lệ ba mươi tết thịt treo trong nhàcũng không còn nữa.
Không khí lễ hội ở Gò Ỉa bắt đầu từ những năm ấy cũng thưa người.
Mùa chua chua thủm thủm cũng tan dần theo thời gian vì dân đói đến mức không
còn gì để ỉa…
Mồng Bốn Tết Mậu Tuất
CML
(Theo Blog Chu Mộng Long)
Nhận xét