5695. Số Chó

Số Chó
Truyện ngắn: Trần Kỳ Trung

(Trần Kỳ Trung) - Câu chuyện này tôi viết đã lâu, cách đây khoảng hơn hai mươi năm, nói về số phận con người trong xã hội này. Suy cho cùng, người nghèo, những thân phận lạc loài, thấp cổ bé hỏng vẫn là những người khốn khổ nhất. Truyện ngắn “SỐ CHÓ”có thể chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc, như thế vẫn còn hơn không. 
Là con người tự nhận có “Lương tâm”, chúng ta không thể phó mặc những số phận như thế!
Vậy, tôi nghĩ chuyện nhà nước định xây nghĩa trang với số tiền 1.400 tỷ dành chỗ “nằm” cho mấy ông “to”, mà không nghĩ số phận con người, như trong truyện ngắn này, không hơn số phận con chó, thực đau lòng.
Nhân sắp năm con chó, bạn văn Nguyễn Ngọc Dương (Lào Cai) 
có nhắn với tôi, nên đăng lại truyện ngắn: “Số chó”.
Một ý kiến hay, tôi đăng lại truyện ngắn này.
Truyện ngắn “Số chó” đã đăng trên tạp chí “Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh”, báo “Nhà báo và thời đại”, tuyển tập truyện ngắn “Cô bé và cành mai” – NXB Văn học – 1997, tuyển tập truyện ngắn: “Giá tôi là đàn bà” - NXB Phụ Nữ - 2016 và trên trankytrung.com

SỐ CHÓ - Truyện ngắn
Lão Khả có một sở thích duy nhất là “Chơi chó”. Nghe từ “chơi chó” mới đầu thấy thế nào ấy. Nhưng nói cho đúng, khi người ta chơi hoa, chơi đá cảnh, chơi gà chọi…thì làm sao lão Khả lại không “chơi chó”.
Hồi lão còn làm Tổng giám đốc công ty “…Mếch” nọ, được đi nước ngoài nhiều, chỗ nào lão cũng thấy người ta nuôi chó, chăm chó đến độ coi con chó như con người. Khi về nước hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong đầu lão. Lão Khả cho viên thư ký lùng mua bằng được một con cái Nhật. Mới đầu lão cũng định nuôi cho vui, ra dáng người văn minh. Ai dè, được hơn một năm, sau lần đi tơ, con chó cái giống Nhật ấy đẻ cho lão bốn con chó con, đẹp như tranh vẽ. Các chiến hữu nghe tin, đến đặt cho lão toàn tiền to, đòi mua bằng được. Lời trông thấy! Với tuổi sắp hưu, trong đầu lão Khả hình thành một “phương án” làm ăn khi rời công ty “…Mếch” nọ. Lão mua sách viết về cách nuôi chó, đi tìm thầy, cố học những kinh nghiệm dân gian về phương pháp dạy chó khôn. Những năm, những tháng cuối cùng trụ lại với công ty, lão tận dụng hết trí não để tích luỹ kinh nghiệm nuôi chó. Biệt thự của lão nằm biệt lập với xung quanh, phía sau được xây một cái chuồng nuôi cẩu. Số tiền tích góp lão săn lùng được nhiều giống chó đẹp. Sau mấy năm học hỏi, bây giờ chỉ cần “ngửi hơi” là lão đánh giá con chó đó mấy cân. Một con chó vừa đẻ, chỉ cần nhìn dáng đi là lão biết nuôi nó lớn sẽ sử dụng vào việc gì? Một con chó cái, chỉ thoáng nhìn, lão ước tầm nó có thể đẻ thêm mấy lứa nữa. Trên hết, giỏi ở lão là định liệu được giá bán, nơi cần mua.
Tóm lại, khi về hưu được năm năm, lão Khả nổi tiếng là một chuyên gia “chơi chó”.
Tối nay tự nhiên lão Khả thấy trong người rạo rực, có phải do mấy quả thận chó sao vàng ngâm rượu giúp cho lão có thêm sinh lực lúc xế chiều. Lão đang cần đến một tấm thân đàn bà để ôm ấp. Vợ già khú đế, lão tống về trông nom một trang trại ở quê. Cái biệt thự to đùng này chỉ có lão và đàn chó. Đàn chó là bạn tâm giao với lão. Có nhiều lúc lão cũng muốn bồ bịch, ở thành phố này không ít đàn bà, con gái thích lão. Nhưng bồ bịch để làm gì? Quá khứ của lão đã có một bề dày đầy thành tích, huân, huy chương treo đầy nhà. Khi về hưu lão vẫn phải đạo mạo, uy nghi. Ban ngày là vậy, ban đêm mới thấy khốn nạn. Nằm một mình trên đệm dày, mênh mông lăn bên này, ủi bên kia trằn trọc không sao ngủ được. Ngồi dậy uống cà phê, nghe nhạc… rồi cũng đến hồi hạ màn. Đêm nay lão cần thay đổi “không khí”.
Biết thế, nhưng lão Khả không thể đi sớm, kinh nghiệm cho hay những người như lão, bọn con gái choai choai chém không “đẹp”, không ăn tiền. Tiền nuôi chó của lão không phải tiền “chùa”. Đi khuya một tý, lão thấy có mấy cái lợi, dễ ẩn tích, bạn vong niên lúc đó chui vào chăn, ngáy khò khò, còn ai đi ra đường để lão gặp. Lợi điều nữa, lão hiểu đêm khuya dễ gặp gái nhà lành. Mấy con bé công nhân làm xong ca hai, mười một giờ đêm đi tìm “khách”. Bọn này bảo đảm sạch sẽ, “làm thêm” để kiếm thêm thu nhập, không đòi hỏi tiền cao. Lại nữa, lão Khả cũng liệu sức mình, sinh lý tuổi xế chiều, bốc lên như lửa phải xăng, nhưng chẳng có bao nhiêu, đánh nhoáng một cái, nhanh hơn tia lửa điện là cạn, ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Vậy chỉ nên gặp đối tượng sạch sẽ, “đánh nhanh, rút nhanh”.
Lão Khả ngồi nhâm nhi đếm từng giọt cà phê rơi, nghĩ ngợi mông lung. Khi chuông đồng hồ điểm mười tiếng, uống xong tách cà phê lão đứng dậy đến trước gương sửa lại mái tóc. Nhìn mái tóc ngoài sáu mươi tuổi, chưa có sợi bạc, tự khen mình trẻ rồi lão mặc một chiếc quần Jin Mỹ, đi giày thể thao, mặc một chiếc áo pun trắng, khoác bên ngoài một chiếc áo da. Trông lão còn cường tráng lắm.
Dắt chiếc xe máy đắt tiền ra đến cổng, đã định nổ máy lão lại chần chừ, chưa yên tâm cho đàn chó trong chuồng. Lão dựng xe đi kiểm tra chuồng chó một lần nữa. Đàn chó nghe bước chân chủ tới gần đều thức dậy, đuôi con nào, còn nấy ngoáy tít, đầu gá lên song cửa chuồng, cổ chúng phát ra những âm thanh mừng rỡ, mắt hấp háy biểu hiện sự hàm ơn. Lão Khả thò tay qua song chuồng xoa đầu từng con, chúng thè lưỡi liếm tay lão. Cảm giác mơn man da thịt ấy làm lão thích thú. Cuối dãy chuồng còn một ngăn bỏ không. Phải kiếm một ổ chó nữa bỏ vào. Cái ngăn chuồng ấy có vía lành, bất cứ ổ chó nào vào đây đều bán được giá cao.
Đi hết một lượt dọc chuồng chó, lão vào bếp cắt ra mấy khoanh chả, xắt ra thành từng miếng nhỏ. Lão đưa từng miếng cho từng con chó. Lũ chó ăn thong thả như tận hưởng hết vị béo ngọt. Con nào ăn xong lặng lẽ đi vào ổ của mình được lót bằng những chiếc chăn dạ. Chúng khoanh tròn, nghếch mõm, ngủ thiếp. Đợi cho chúng vào ổ xong, lão hạ tấm liếp xuống, che cho cả chuồng. Lão sợ cái rét về đêm, hại lũ chó.
Xong mọi việc, xem đồng hồ, chiếc kim dạ quang chỉ mười giờ mười lăm, ngoài đường lặng ngắt bóng người, lão Khả yên tâm khoá cổng dắt chiếc xe đi. Sau cánh cổng sắt, hai con chó bẹc giê to đùng đứng sừng sững nhìn theo ánh đèn đỏ loét của chiếc xe Honđa đang rồ máy.
Đêm cuối thu, trời rét ngọt, ánh đèn cao áp hắt những ánh sáng xanh xuống lòng đường. Đường về khuya như rộng ra, nhìn thông thống. Hai bên là những hàng cây với tán lá rộng che đen từng mảng. Cạnh vài gốc cây có một, hai mụ bán thuốc lá lẻ ngồi cạnh một chiếc đèn dầu, ánh sáng vàng vọt toả ra tù mù, gió đưa đẩy lập loè. Thấy xe lão đi qua, một mụ gọi: “Anh ơi ! Mua thuốc cho em đi. Thuốc ngon lắm!”. Bọn này lão kiếu, toàn là lũ “cò” mất dạy, chuyên đi móc tiền của người khác. Lão cho xe vọt đi luôn.
Lượn mấy phố chẳng gặp được đối tượng như lão mong muốn, chán thật. Lão thở dài, cố lượn thêm vài vòng nữa, để mắt vào mấy chỗ tối… chẳng có ai. Một cảm giác bực bội tự nhiên ám ảnh, lão dấn ga cho chiếc xe lao vọt. Chiếc xe máy đang bon bon bỗng đứng khựng lại, tiếng máy nghe lạo sạo rồi chết hẳn: “Số mình tối nay đen”- Lão Khả thầm nghĩ. Lão dắt chiếc xe đến dưới ánh sáng một ngọn đèn cao áp để xem.
Đến gần, lão Khả thấy một gã đàn ông đang đứng dựa cột đèn như ngủ gật. Quần áo của gã mặc trông đúng là thằng lam lũ, trên đầu sùm sụp một chiếc mũ công nhân, che hết nửa mặt không biết nó là thằng già hay thằng trẻ. Lão Khả thoáng nghi ngại định dắt chiếc xe máy đi chỗ khác thì gã choàng tỉnh:
- Xe bác chắc bị hết xăng, bác dắt chiếc xe đến chỗ có cái cửa đen ấy – Gã lấy tay chỉ, nói với giọng thành thật – Bác cứ gõ cửa gọi, họ bán xăng đấy.
Thấy gã này nói vậy, lão Khả yên tâm, dừng chiếc xe cúi xuống xem hỏng bộ phận nào. Gã đàn ông nhìn lão chăm chú:
- Xe của bác bị hỏng à ! Thế mà bác không nói ngay, để cháu xem cho.
Bây giờ lão Khả mới để ý đằng sau cột đèn có một hòm đồ nghề. Gã đàn ông lấy đồ nghề tháo buri xem qua, rồi lắp lại. Gã để nghiêng xe, lấy một cơlê nhỏ vặn vặn cái gì đó bên dưới xe. Xong một việc, gã đề máy, máy của chiếc xe lại nổ ròn tan. Gã lấy giẻ chùi tay, nói với lão Khả:
- Xe của bác chẳng làm sao đâu, bị kẹt xăng thôi.
- Anh lấy tôi bao nhiêu tiền?
- Bác cho cháu năm ngàn.
- Sao rẻ thế? – Lão Khả ngạc nhiên.
- Cháu lấy đúng giá, chẳng nên lợi dụng cảnh đêm hôm để “chém” người khác.
Lão Khả thấy ngờ ngợ, thời buổi thế này mà vẫn có thằng tử tế. Lão cười:
- Anh đứng cả đêm, làm nghề chữa xe với giá như thế này, chẳng bõ bèn…
Gã đàn ông thở dài, giọng ngán ngẩm:
- Chẳng giấu gì bác, làm nghề chữa xe như cháu thời buổi này chỉ có nước ăn cám. Cháu đứng thế này còn làm việc khác nữa chứ.
- Việc gì ?
Nghe lão Khả hỏi như vậy, tự nhiên gã chữa xe nhìn lão chăm chú. Hình như gã phát hiện điều mà lão Khả cần tìm:
- Cháu hỏi thật, bác giận bác gái phải không ? Hoặc là…- Gã cố tìm từ để diễn đạt - Nếu cháu nói không phải, bác cũng đừng mắng cháu, bác chán bác gái muốn đi tìm “của lạ”?
- Tại sao anh lại hỏi tôi thế?
- Nói bác đừng giận, chứ đêm khuya thế này mà bác còn chịu khó đi giữa phố thì…chỉ có đi tìm “của ấy” thôi. Nếu bác muốn, cháu chỉ cho.
Gã này ngoài nghề chữa xe máy, có thêm nghề này nữa. Lão Khả nhìn gã ngạc nhiên, tưởng chỉ có mấy mụ sồn sồn, nạ dòng làm nghề đó. Ai ngờ cả một gã đàn ông trông hiền lành, mà cũng “dấn thân”. Không thấy phản ứng của lão Khả, gã đàn ông cố thuyết phục:
- Bác tin cháu đi, cháu sẽ chỉ cho bác một người tử tế, lấy giá vừa phải.
- Có thật không ?
- Thật chứ ạ! Cháu đi tìm khách cho vợ của cháu mà, nên cũng phải chọn người.
- Cái gì ? Anh chọn khách cho vợ anh? - Lão Khả không tin.
- Dạ! - Tưởng lão Khả chưa nghe rõ, gã đàn ông nhắc lại – Cho vợ cháu. Cháu biết chứ, những người như bác điều đầu tiên các bác cần người sạch sẽ, thứ nữa phải kín tiếng, thứ ba, giá cả vừa phải - Gã đàn ông cười nịnh, nói nhỏ đủ vừa cho lão Khả nghe.
Từ hồi lão Khả biết mùi lạ đàn bà, thì cảnh này lão mới gặp là một. Lão hỏi lại cho chắc chắn:
- Có đúng là vợ của anh không ?
- Cháu nói dối bác, cháu chết – Gã thề, để chứng minh lời nói của mình là đúng, gã quay vào phía trong, đến một ngôi nhà cạnh đó, khẽ gọi – Nhà nó ơi, có khách.
Lão Khả nghe thấy tiếng dép đi loẹt quẹt, tiếng người phụ nữ còn ngái ngủ:
- Ai thế anh?
- Khách – gã đàn ông trả lời – Nhà ra nhanh cho bác đây xem mặt
Cánh cửa mở, từ trong nhà bước ra một người đàn bà, dáng tầm thước, nét mặt trông thật thà. Thấy lão, người đàn bà nói lí nhí:
- Em chào bác !
Gã đàn ông nhìn lão với ánh mắt thăm dò, thấy như có vẻ lão Khả đã tin, gã dắt người đàn bà đến gần:
- Vợ cháu làm ở Công ty…lương tháng này chưa có, gia đình neo bấn, không biết làm gì đển kiếm thêm tiền, cũng gần tết rồi...đành phải…chứ chẳng phải là nghề “chuyên môn” đâu. Không tin, tý nữa bác về nhà cháu, bác cứ khám kỹ.
Lão Khả gật đầu. Trong suy nghĩ, lão tính: “Thế là tối nay mình vẫn gặp hên. Của này chắc chắn nó không khảo tiền”. Hơn nữa, vợ gã chữa xe đúng mẫu lão chọn, mặt mũi không đến nỗi nào, cái dáng mơn mởn tròn chắc thế kia, ôm đã thấy sướng. Dẫu vậy gã đắn đo:
- Nhà anh ở kia – lão nhìn vào căn nhà mà vợ gã đàn ông vừa mới bước ra - Gần đường thế này, công an biết, họ gô cổ ấy chứ !
- Dạ, không phải –Gã đàn ông lắc đầu - Đấy là nhà ngưòi quen thôi. Nhà cháu ở dốc Mai Thọ kia.
- Vợ anh đi với tôi chứ !
- Dạ.
- Còn anh ?
- Cháu đạp xe về trước còn chuẩn bị. Bác yên tâm, cháu sẽ đảm bảo chữ “tín” để còn lần sau bác biết nhà mà đến. - Gã đàn ông tỏ vẻ săng sái như sợ lão Khả đổi ý.
Sau khi thống nhất giá, với cái giá lão Khả chấp nhận được, gã đàn ông lấy một chiếc xe đạp, đạp hối hả.
Xóm dốc Mai Thọ đã mấy lần lão Khả đến đây lùng mua chó. Ở đây có nhiều giống chó khôn, lão thuộc gần như từng ngõ ngách, nhưng gia đình gã đàn ông này lão không biết. Mà biết để làm gì, mình có cần nó đâu!
Đợi cho gã đàn ông đi khuất, lão Khả định dẫn người đàn bà vào một quán cà phê còn mở cửa. Người đàn bà không chịu:
- Cháu xin bác, cháu không dám vào đó, cháu không quen. Hơn nữa …- Người đàn bà định nói thêm câu gì nữa, rồi lại thôi.
- Em cần gì nào ? – Lão Khả đổi cách xưng hô khi nhìn thấy ánh mắt ướt của người đàn bà long lanh dưới ánh đèn, đôi má đầy đặn, tất cả như hút hết sinh lực của lão.
- Bác dành tiền ấy mua cho em cái bánh mỳ
Tưởng nó đòi gì, một cái bánh mỳ chứ chục cái lão mua cũng được. Lão lại thầm so sánh những lần bỏ tiền mua thức ăn cho đàn chó.
Cầm chiếc bánh mỳ kẹp thịt lão Khả đưa, người đàn bà tần ngần. Lão giục:
- Em ăn đi!
- Bác tốt quá! Em cảm ơn. Nhưng em không ăn.
- Sao thế ?
Không trả lời lão, người đàn bà lấy một tờ báo bọc cái bánh mỳ thật cẩn thận cho vào chiếc làn đang xách ở tay, nói nhỏ nhẹ:
- Em phần cho thằng bé ở nhà. Em hứa với nó mấy lần rồi.
Một bằng chứng càng khẳng định cho lão yên tâm là gặp gái nhà lành, khỏi phải sợ bệnh tật. Xem đồng hồ, lão bảo người đàn bà lên ngồi sau xe. Chiếc xe từ từ tăng tốc độ, gió thổi ngược chiều nghe vù vù. Lão Khả nói với người đàn bà:
- Em ngồi xích lên, ôm thật chặt. Vừa ấm, vừa an toàn vì tôi phóng nhanh.
Người đàn bà nghe theo. Phía lưng của lão, cả mảng ngực to của người đàn bà ấp vào gợi cho lão một cảm giác nhột nhột, êm êm. Như có luồng điện chạy rần rật trong người, khiến đầu lão như bốc lửa, toàn thân nổi gai ốc. Quả là cật chó sao vàng pha thuốc bắc ngâm rượu qúa hiệu nghiệm. Sinh lực của lão đang tìm chỗ thoát.
Theo sự hướng dẫn của người đàn bà, lão dắt chiếc xe máy xuống một cái dốc nhỏ. Trong bóng đêm con đường rải đá hiện lên nhờ nhờ, hai bên là những ngôi nhà mái lá lụp sụp, đóng kín cửa. Có tiếng chó gầm gừ phát hiện ra tiếng bước chân lạ, đôi ba tiếng ho khan vẳng ra. Phía trước người đàn bà vẫn lầm lũi bước. Đến một căn nhà mái lợp rạ, người đàn bà đẩy cửa, nói nhỏ:
- Bác cho xe vào đi, đừng sợ, ở đây yên ổn lắm!
Lão sợ gì! Ma còn sợ lão, huống hồ là người. Lão Khả quen hết dân tứ chiếng đến người tử tế. Đã đến đây lại còn bảo lão “đừng sợ!”, chỉ lo hão. Lão nói với người đàn bà kéo rộng cửa, để lão đẩy xe vào.
Căn nhà chỉ có vách, chứ không có buồng. Ban đêm nhìn thấy rộng. Một góc nhà để một chiếc giường đã buông màn. Một chiếc giường đối diện hình như có hai đứa trẻ đang ngủ, đắp chăn. Lão đưa mắt, quan sát. Chắc “hành sự” trên chiếc giường buông màn kia. “ Thế còn thằng chồng sẽ đứng đâu?” – Lão Khả nghĩ.
Nghe thấy tiếng động, gã đàn ông từ dưới bếp đi lên, nói :
- Em đang đun nước sôi, để tý nữa bác rửa. Bác ngồi chơi xơi nước, để vợ em chuẩn bị.
Gã khêu to ngọn đèn dầu. rót nước mời khách. Con vợ của gã ra phía sau rửa chân tay, chắc rửa cả mình nữa. Lão nghe có tiếng nước đổ ào ào, tiếng cọ da rìn rịt. Bên kia là căn nhà bếp, ánh lửa bập bùng khi nhỏ, khi to hắt qua những lỗ li ti của vách nứa tạo nên muôn đốm sáng. Lão Khả ngồi sốt ruột, hưng phấn đang thời kỳ cao điểm, tay chân ngứa ngáy, muốn nặn, muốn bóp, sức lực dôi thừa chờ cơn bộc phát. Lão lắng tai nghe ngóng xem con vợ của gã đàn ông kia đã rửa ráy xong chưa ? Chắc xong rồi vì lão nghe thấy tiếng thằng chồng bảo con vợ:
- Em mang gối, chiếu ra đi. Em nói với bác ấy làm nhẹ nhàng cho ông ngủ.
Vợ gã đàn ông đi vào, trên tay ôm một chiếc chiếu và một bao gối. Nó trải chiếc chiếu xuống đất, đặt cái gối cho ngay ngắn. Thấy vậy lão Khả khó chịu:
- Sao lại nằm ở đây? Không lên giường à!
- Ấy, bác nói khẽ chứ - Vợ gã đàn ông đưa tay lên miệng ra hiệu- Trên giường là của bố chồng em. Cụ bị ốm mấy tháng nay - Mụ ta chỉ sang chiếc giường đối diện – Còn giường này là hai đứa con em đang ngủ, chẳng biết đưa chúng đi chỗ nào ?
Trời! Thế mà mình không để ý, lúc nãy có tiếng trở mình cứ nghĩ khéo là con nó, té ra trong nhà còn có một lão già đang ốm dở nữa. Nằm dưới đất, lão không chịu được, nó thế nào ấy. Lão hết nhìn chiếc giường có màn buông rồi nhìn sang chiếc giường có hai đứa trẻ nằm, rồi lại nhìn người đàn bà. Vợ gã đàn ông nhìn lão, giục:
- Bác đừng ngại! Bác cởi quần áo ra đi, nhà cháu ra ngoài canh cửa rồi.
Cả đời, chưa bao giờ lão nằm ngủ dưới đất, nhất là khoản này, lão càng sợ, hơi đất độc lắm. Cứ nghĩ thế bao nhiêu sức lực chuẩn bị, giờ như quả bóng xì hơi, tụt xuống nhanh chóng, lão Khả chán, lắc đầu:
- Thôi, không “chơi” nữa !
- Bác nói gì ạ! - Người đàn bà có vẻ sợ lão bỏ - Thế bác muốn nằm trên giường ạ! Khổ, cụ cháu đang ốm – Suy nghĩ một lát, người đàn bà hỏi lão – Bác “chơi” có nhanh không ?
Lão Khả không buồn trả lời. Khổ thế, tuổi của lão không thể so sánh với tuổi thanh niên. Cái khoản này rất mau thèm nhưng cũng rất chóng chán, có khi chỉ “trục trặc” nhỏ thì có “bơm sâm” cũng không hành sự được.
Thấy lão im lặng, người đàn bà tưởng lão đồng ý đi lại chiếc giường có người đang thở khò khè. Lão Khả nhìn theo. Chợt! Ánh mắt lão sáng lên, qua ánh đèn dầu, lão nhìn thấy dưới gầm giường có một ổ chó. Lão vội đi theo người đàn bà:
- Em cho tôi mượn chiếc đèn.
- Để làm gì ạ !
Hỏi thế nhưng người đàn bà vẫn đưa chiếc đèn dầu cho lão Khả. Lão cúi thấp người xuống, giơ cao chiếc đèn dầu lên để xem. Đúng là một ổ chó hoa văn hình nhện lão đang cần tìm.
Trong đầu lão hiện lên ngăn chuồng chó bỏ không, có vía lành. Cả bốn con chó con và con chó mẹ đều tai to, chân đốm khoan. Bốn con chó con ngủ vùi trong khoan bụng của chó mẹ. Mặc cho con chó mẹ thấy người lạ, phát ra tiếng gầm ngừ, lão Khả sướng run, trầm trồ:
- Ổ chó đẹp quá !
- Dạ, nó mới đẻ được hơn hai mươi ngày - Người đàn bà nói.
Nhìn ổ chó, một con tính nhẩm vụt hiện lên trong đầu lão Khả. Ổ chó này chỉ cần chăm bẵm hơn hai tháng nữa là dễ có bạc triệu trong tay. Lão quên phắt mục đích ban đầu đến đây, quay lại hỏi người đàn bà:
- Nhà chị có bán ổ chó này không ?
-Thế bác không định …- Gã đàn ông từ ngòai cửa lách vào hỏi.
- Thôi, để khi khác! Tôi hỏi, có bán ổ chó này không?
- Bác mua ?
- Tôi mua cho.
Vợ chồng gã chữa xe đưa mắt nhìn nhau. Gã đàn ông nói nước đôi:
- Mấy con chó này nhỏ quá, em chưa định bán.
Lão biết tỏng, chú chàng thấy ta cần, định làm cao. Lão vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau, gật gù:
- Thôi tôi tính thế này, tôi sẽ đưa tiền cho chú với cô để làm tin, ngày mai tôi mới đến bắt.
- Thực tình em cũng không biết giá cả như thế nào. Tuỳ bác – Gã đàn ông nhìn lão đắn đo.
- Anh chị cứ tính giá đi, tôi không phải là người hay mặc cả.
- Nhưng sao lúc đầu bác nói với cháu đến đây định…mà bây giờ lại mua chó ? – Gã đàn ông nhìn lão rồi nhìn vợ như chưa hiểu hết câu chuyện.
Khung cảnh của căn nhà này còn tệ hơn nhà xác, cứ nghĩ nằm trên đất đã sợ, nay lại nằm trên giường của một ông già đang ốm nặng thì lão còn tâm trí nào mà “hành sự”. Giờ đây điều hưng phấn của lão chính là ổ chó có hoa văn hình nhện kia. Lão giải thích:
- Tôi đến đây cũng định làm việc đó, nhưng thấy gia đình chú thế này tôi không nỡ. Tính tôi hay thương người nghèo.
- Dạ!
- Để giúp cô, chú tôi sẽ mua ổ chó này. Tôi nhắc lại, tuỳ cô, chú tính giá.
- Bác tốt quá !- Gã đàn ông không dấu được sự xúc động – Thôi, bác nói vậy, vợ chồng em đồng ý – Gã hỏi vợ - Em định tính với bác ấy bao nhiêu?
- Tuỳ bác ấy thôi!
- Thôi, thế này ! – Lão nói như một sự cứu vớt, ban ơn - Vì thấy gia cảnh của cô, chú khổ quá, tôi mới mua ổ chó, chứ tôi tin chẳng ai thích rước của nợ này về - Lão dừng lại quan sát, xem thái độ phản ứng của vợ chồng gã chữa xe. Vợ chồng gã không phản ứng, lão nói tiếp - Để tiện cho cô, chú có một món tiền sắm sửa, chạy chữa cho bác, cả ổ chó này, tôi tính cho vợ, chồng chú ba trăm ngàn đồng.
- Sao rẻ thế ạ! – Gã đàn ông ngạc nhiên, trợn mắt – Riêng con chó mẹ, có người đã trả cho cháu hơn cái giá đó rồi. Đằng này bác còn được thêm bốn con chó con. Thế mà cháu cứ tưởng…
Té ra vợ chồng gã cũng biết giá. Lão Khả bật cười, định lừa chúng nó một vố, ai dè vợ chồng gã này cũng khôn chứ không dại như mình nghĩ. Lão nói:
-Vậy cô, chú tính bao nhiêu. Mấy con chó ranh này ai người ta để ý.
- Bác cho cháu năm trăm ngàn đồng.
Lão Khả nghe vậy, cười khẩy:
- Này ! Cô, chú đã đánh mất ý nghĩ tốt trong đầu tôi rồi đấy. Một ổ chó này làm gì có cái giá đó – Lão đội mạnh cái mũ lên đầu, nói giả giọng dứt khoát- Thôi, tôi về.
Đêm về khuya, rét đậm, tiếng ông già đang ốm nằm trên giường thở khò khè, nghe rất rõ. Bên kia tiếng mấy đứa trẻ trở mình, ú ớ. Người đàn bà suy nghĩ một lúc, rồi hỏi:
- Vậy bác định trả cho chúng cháu bao nhiêu?
Dắt thật chậm chiếc xe máy ra gần cửa, lão quay lại:
-Thôi, tôi nói một câu dứt khoát nhé. Bốn trăm ngàn đồng. Cô, chú đồng ý, tôi lấy.
Lão ngừng lại, chờ đợi. Vợ chồng gã chữa xe trao đổi thì thầm với nhau. Xong cuộc trao đổi, gã đàn ông nói vội:
- Vợ chồng cháu đồng ý bán cho bác!
Dựng chiếc xe máy đứng thật thẳng, lão móc tiền trong túi. Nhưng một ý nghĩ chợt đến khi Lão thấy ổ chó nằm trên nền đất lạnh. Từ giờ phút này trở đi, ổ chó hoa văn hình nhện kia thuộc về lão, không thể để ổ chó đẹp nằm như thế được. Lão vỗ vai gã đàn ông:
- Tôi mua ổ chó của cô, chú cũng vì tình, vì nghĩa. Nhìn cảnh cô, chú quá nghèo không có gì ăn lại nuôi thêm ổ chó này, tôi không đành lòng. Tôi sẽ trả thêm cho cô, chú năm chục ngàn đồng nữa với điều kiện…
- Điều kiện gì ạ !
- Chú lâý một cái chăn lót cho mấy con chó con – Lão chỉ cái chăn đang đắp cho hai thằng bé ngủ - Được chứ!
Gã đàn ông gật đầu, trả lời ngay:
- Dạ, được.
- Tốt, có vậy chứ. Tôi là người chúa ghét những chuyện không minh bạch – Nói rồi lão xỉa tiền trả ngay cho vợ chồng gã chữa xe – Cô chú cầm lấy tiền, đủ đấy. Sáng mai tôi sẽ cho người đến bắt ổ chó này.
Sướng như có cờ phất trong bụng, nhưng ra đến ngoài cửa lão không đi ngay. Lão nghi ngại không biết vợ chồng gã đàn ông chữa xe này có thực hiện yêu cầu của mình không? Lão dựng xe đi rón rén, dừng lại cạnh bức vách nghe ngóng bên trong. Bên trong tiếng gã đàn ông:
- Em lấy cái chăn của con xuống lót cho ổ chó đi.
- Con đang nằm ấm thế này cơ mà - Tiếng mụ vợ.
- Mai lấy tiền mua cái khác - Tiếng gã đàn ông gắt gỏng – Mình đã lấy tiền, rồi hứa với họ rồi. Sáng mai họ cho người đến sớm, thấy không phải vậy, ăn nói với họ thế nào? Tính tôi đâu có lừa người, hứa đểu, mình hiểu chứ ! Mà bác ấy tốt như thế, người như vậy, hiếm lắm – Gã đàn ông trầm trồ.
Có tiếng kéo chăn đắp, có lẽ bị lạnh đột ngột tiếng hai thằng bé khóc thét lên, rồi có tiếng mụ vợ:
- Anh để ổ chó vào chăn nhè nhẹ chứ, đừng để chúng kêu, ông đang ốm - Tiếng mụ vợ thở dài ngán ngẩm - Số chó thế mà sướng!
Lão Khả nghe vậy, yên tâm rồ chiếc xe máy, phóng đi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.