5693. VỚI NGƯỜI HAY CẦM GIẤY ĐỌC

VỚI NGƯỜI HAY CẦM GIẤY ĐỌC
(Phóng viên Vũ Thị Hân Hoan thực hiện) 

- Phóng viên (PV): Sao tóc anh chải mượt thế?
- Người hay cầm giấy đọc (NHCGĐ): Anh là lãnh đạo.
- PV: Sao khi nói, mồm anh tròn thế?
- NCGĐ: Cũng vì anh là lãnh đạo.
- PV: Sao anh có bộ com lê oai thế?
- NHCGĐ: Người lãnh đạo phải thế!
- PV: Tại sao khi phát biểu anh hay cầm giấy đọc?
- NCGĐ: Vì đây là tác phong người lãnh đạo. Ở nươc ta ai không cầm giấy đọc trước cử tọa, là không phải người lãnh đạo.
- PV: Nhưng em nghĩ đã là Tiến sỹ mà lại cầm giấy đọc, chẳng lẽ trình độ của anh “ghê” như thế mà không thể nói “vo” một vấn đề mà người nghe đang quan tâm?
- NHCGĐ: (cười) …
- PV: Anh cười là em hiểu bằng “Tiến sỹ” của anh như thế nào rồi!!! Thế sao em thấy bên Tây mấy ông lãnh đạo khi nói với cử tọa, rất ít khi cầm giấy đọc!
- NHCGĐ: Các ông ấy liều, vô văn hóa, không có nhân cách và rất dốt.
- PV: Anh nói, em không hiểu?
- NHCGĐ: Các bố ấy liều, là nói không có giấy rất dễ đi sai đường lối, sai chỉ đạo chung. Vô văn hóa, nhỡ đâu, không có giấy, lại ăn nói kiểu nông dân, văng tục trước mọi người thì sao? Không có nhân cách, vì đọc không có giấy, nhân tiện trong đầu cứ nghĩ mình nhất, thế là nói văng mạng, tự đề cao mình, chửi đổng bạn bè, có khi chửi cả mấy người trí thức chân chính. Nói không có giấy viết sẵn sẽ lòi ngay cái dốt ra. Nói dài, nói dại. Nói mà không biết mình đang nói vấn đề gì…
- PV: Nhưng em thấy mấy ông lãnh đạo bên Tây, đã có ai dính vào trường hợp ấy đâu?
- NHCGĐ: Họ “dính vào chuyện ấy”…lại đi nói cho cô biết, có mà…
- PV: À! Em hiểu rồi, bên mình có chuyện đó, nên những người như anh mới “phải cầm giấy để đọc”?
- NHCGĐ: Đấy là cô nói chứ không phải tôi nói.
- PV: Nói thật với anh! Anh cứ cầm giấy cắm cúi đọc, chỉ thỉnh thoảng mới ngẩng mặt lên, khua tí tay, uống một hớp nước, giải thích dăm ba câu cho có lệ, rồi lại cúi xuống đọc, trông mất “uy” quá, thiếu tự tin.
- NHCGĐ: Tôi cần gì “uy”! Mà giả sử tôi không có “uy”, tôi vẫn là người lãnh đạo, chẳng ai làm gì tôi. Còn cô nói “thiếu tự tin”, tôi cho cô nói câu này đúng.
- PV: Vì sao thế ạ?
- NHCGĐ: Thiếu tự tin, cụ thể hơn, luôn lo sợ là bản chất người lãnh đạo.
- PV: Lãnh đạo ở đâu? Thưa anh.
- NHCGĐ: Ở tôi, chứ đâu!
- PV: Em cảm ơn anh đã nói ra sự thật. Nhưng trông anh “oai” thế kia, lại ở vị trí lãnh đạo, có việc gì mà phải sợ?
- NHCGĐ:  Tôi lên được vị trí này cô tưởng dễ à! Chạy qua bao nhiêu cửa, “chơi” không biết bao nhiêu kiểu, để hạ gục những thằng định tiếm quyền chức này. Rồi còn chuyện hy sinh về kinh tế nữa, nói ra cô không tin đâu! Tôi mới ngồi được ở ghế lãnh đạo. Tuy nhiên vẫn chưa yên, nhiều thằng đang muốn hất văng tôi ra khỏi ghế này…Làm sao mà không lo sợ.
- PV: Để đối phó việc đó, anh phải làm gì?
- NHCGĐ: Thì cô thấy đấy, cần phải giấu trình độ của mình, không cho chúng nó biết, bằng cách kiếm bằng “Tiến sỹ”, “Thạc sỹ”, rồi ăn mặc thật đẹp mỗi khi phát biểu. Khi đã phát biểu thì phát biểu thật đúng, thật hay cũng lại bằng cách để cho người khác viết, rồi mình “cầm giấy đọc” bài phát biểu ấy trước cử tọa.
- PV: Anh đọc như thế, em sợ, có khi chính anh cũng không biết mình đang đọc gì?
- NHCGĐ: Điều đó không quan trọng lắm, đối với tôi.
- PV: Anh không tôn trọng người nghe hay sao?
- Cô thử hỏi họ, họ có tôn trọng tôi không? Mà tôi đi tôn trọng họ.
- PV: Nhưng họ đang nghe anh nói cơ mà?
- NHCGĐ: Tôi thừa biết có khi tôi đang đọc “phát biểu”, họ ngồi im lắng nghe. Thực ra là giả vờ hết, tiện cho việc quay ti vi, khỏi bị công an, trật tự viên nhắc nhở. Còn khi ra ngoài hội trường mọi việc đâu lại vào đó, bài phát biểu “đọc” của tôi họ không nhớ đến một câu, chẳng có một tác dụng gì hết.
- PV: Nghe anh nói như vậy, em buồn thật.
- NHCGĐ: Vì sao cô lại buồn?
- PV: Thế thì…anh phát biểu làm gì?
- NHCGĐ: Cô hỏi thật buồn cười, vì tôi là người lãnh đạo. Đã lãnh đạo thì phải “phát biểu” chứ. Vì không “phát biểu” tôi còn biết làm việc gì nữa. Cô hiểu chưa?
….
PNTB:  “Với người hay cầm giấy đọc” là một bài báo của CTV Trần Kỳ Trung với bút danh “phóng viên Vũ Thị Hân Hoan” đã đăng trên chuyên mục: “TRONG ĐÁM ĐÔNG, HỎI LẤY MỘT…!”, báo “VĂN NGHỆ TRẺ”, khoảng 20 năm trước, khi công cuộc đổi mới của Đảng ta mới khởi xướng chưa lâu.

Nhắc lại những kỷ niệm này, TKT viết: “Với mục “Trong đám đông, hỏi lấy một…!”, BBT báo Văn Nghệ Trẻ đã thực hiện đúng chức năng của báo chí, cho phép người viết chọn đúng đối tượng phê phán. Phải nói đây là bản lĩnh của những người làm báo. Tôi lại thử hỏi, với những bài phỏng vấn như bài báo tôi viết trên, hiện tại, liệu có báo giấy nào dám đăng!!!.

Điều đó cũng giải thích vì sao một thời báo Văn Nghệ cũng như báo Văn Nghệ Trẻ được đông đảo bạn đọc đón nhận. Cũng phải nói thêm, có một thời, như những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, chúng ta, nhất là báo chí được phép “mở miệng”, rất ít vùng bị “cấm”, viết được nhiều đề tài mà bây giờ gọi là “nhạy cảm”, nhưng không hề sợ bị gọi là “các thế lực phản động lợi dụng” !!!”.

Trên đây là trích một phần bài NHỚ MỘT THỜI LÀM CỘNG TÁC VIÊN CHO BÁO “VĂN NGHỆ TRẺ” của nhà văn Trần Kỳ Trung, rút trong tập NHỚ, THƯƠNG… VÀ HỘI AN (Tản văn), NXB Đà Nẵng 2017.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.