5688. VỀ THĂM CÂY MUỖM
Về thăm cây muỗm
Tản văn của Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB
Năm
1965, gia đình tôi đi khai hoang, lập quê mới ở xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng
(Lào Cai). Bốn năm đầu, có 3 lần làm nhà ở 3 vị trí khác nhau. Lần cuối là ngôi
nhà 3 gian, cột chôn chống nóc, mái tranh, vách nứa được dựng ở một dệ đồi hình
mui rùa. Tất cả 10 cái cột đều làm bằng cây lõi thọ, tuy xù xì nhưng độ bền
cao, chôn xuống đất không bị mối mọt… Theo như quan sát bằng mắt thường của tôi
thì đây là một vị trí “đắc địa”. Phía sau nhà cao dần lên là một đồi chè, hai
bên và phía trước thấp dần xuống là một tràn ruộng nước mới khai hoang, không
gian thoáng đãng, hướng Đông - Nam, nhìn về quê gốc Hải Phòng. Vị trí quả đồi nằm
song song và cách con đường số 4 khoảng sáu bẩy mươi mét về phía bên phải. Con
đường này năm 1968 - 1969 do quân đội Trung Quốc giúp nâng cấp, nên đổi tên là
đường “hữu nghị 7”. Mười năm sau đó, khi cần “cho VN bài học,”, ông Đặng Tiểu
Bình đã có sẵn đường cho bộ binh tiến sâu vào ba bốn chục km. Sau “trận đòn” đó, đường “Hữu nghị 7” được đổi
tên là “Quốc lộ 70”, nối từ ngã ba Bản Phiệt (Lào Cai) đến ngã ba Đoan Hùng
(Phú Thọ), đi qua địa phận tỉnh Yên Bái với độ dài 185 km.
Đầu
những năm bẩy mươi, khi đang làm công tác ở cơ quan Ủy ban hành chính huyện,
cách nhà khoảng 20 km, tôi thường về thăm thày bu và các em vào chiều thứ Bẩy
hàng tuần. Cơ quan tôi có mấy cây muỗm rất to, được trồng từ trước năm 1945. Mùa
quả, anh em thường lấy sào chọc ăn chơi. Đôi lúc có quả chín sót, rụng xuống gốc
rồi mọc mầm. Một lần tôi gói ghém 2 cái mầm như thế mang về trồng. Tôi trồng ở
hai bên tả - hữu đầu nhà hai cây muỗm, tạo thế như hai cái tay ngai của ngôi
nhà tranh vách nứa. Đó là vào năm 1971…
Đến
tháng 2 năm 1975, hai cây muỗm đã lên cao ước chừng khoảng bẩy, tám thước ta
thì bỗng cả vùng gặp một cơn lốc xoáy lịch sử quét dọc hai xã Phong Niên, Phong
Hải. Riêng xã Phong Niên bị đổ và tốc mái trên 400 nóc nhà. Ngôi nhà của thày
bu tôi và các em đang ở bị “nhấc” khỏi nền, tung ra phía trước gần chục mét, lộn
ngược xuống, nóc nhà nằm trên đất, cả 10 cây cột giơ lên trời, y như một con
trâu bị phải gió. Hai cây muỗm đều bị đổ, bật rễ. Hôm sau, thày tôi đã dựng lại
cả hai cây, nhưng được một thời gian, cây muỗm phía bên tả bị chết. Còn cây bên
hữu vẫn xanh tốt đến bây giờ.
Thấm
thoát cây muỗm đã có 47 tuổi rồi. Những ai sinh ra từ năm 1971, khi tôi trồng
cái cây này thì bây giờ có người đã lên đến cấp tướng, là bí thư, chủ tịch tỉnh,
thậm chí ủy viên trung ương đảng, hàm bộ trưởng… Và, cây muỗm của tôi cũng đã
trưởng thành thật sự! Nhưng rất tiếc, sau khi thày bu tôi về giời, vì quá khó
khăn, chú em út ở đó đã bán rẻ cả khu đất ở có cây muỗm cho một người cùng
làng. Mỗi lần có công việc đi trên quốc lộ 70, qua đây, dù xe chạy nhanh đến mấy
tôi vẫn ngoái nhìn cây muỗm và thầm chào nó như chào một người thân.
Hôm
nay, nhân ngày đẹp trời, tôi phi xe máy 36 km, về Phong Niên chỉ để thăm lại
cây muỗm, thăm lại mảnh đất mà gia đình lớn của tôi đã một thời gắn bó với bao
nỗi buồn vui, vẫn còn nguyên trong ký ức. Bu tôi đã đột ngột ra đi vào khoảng 9
giờ sáng ngày 11/5/1975 (tức 2/4 năm Ất Mão) ở chính mảnh đất này, trong gian bếp
khoảng 15 m2, bởi ngôi nhà vừa bị trận lốc quật đổ hồi tháng Hai…
Vẫn
trên nền đất nhà tôi năm xưa, người chủ bây giờ đã xây một ngôi nhà cấp 4 hiên
tây xinh đẹp. Cây muỗm đứng hiên ngang, trầm mặc ngay cạnh lối vào nhà. Nó dường
như đã tôn vẻ đẹp và mang lại sự bình yên cho khuôn viên ngôi nhà. Dẫu đã gần nửa
thế kỷ, bao vật đổi sao dời, hôm nay thăm lại cây muỗm trên mảnh đất thiêng
liêng, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Thăm
lại cây muỗm với mảnh đất và không gian ắp đầy kỷ niệm khi đã mất quyền sở hữu,
trong lòng tôi dâng lên nỗi nhung nhớ, một cảm xúc khó tả xen lẫn tâm trạng xót
xa. Người chủ nhà đi vắng, tôi len lén rút điện thoại chụp mấy bức ảnh cây muỗm
mà có cảm giác như mình là một tên ăn trộm…
Lào Cai, ngày 22 tháng 01 năm 2018
Nhận xét