5670. Lan man về ô nhiễm âm thanh

Lan man về ô nhiễm âm thanh
PNTB


Trong cuộc sống quanh ta, âm thanh vô cùng phong phú, đa dạng. Nhưng tựu trung, người ta đã chia chúng ra làm hai loại: Âm thanh tự nhiên và Âm thanh nhân tạo.

Âm thanh tự nhiên là tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấm sét, tiếng suối reo, tiếng sóng biển, tiếng chim kêu, vượn hót trong rừng… Âm thanh tự nhiên ít ảnh hưởng đến cuộc sống con người, đôi khi nó còn làm đẹp cho đời, giúp các nhà văn nhà thơ tạo ra những áng văn, câu thơ bất hủ…

   Âm thanh nhân tạo do con người vô tình hay hữu ý tạo ra, có khi gây tiếng ồn làm phiền người xung quanh hay cả khu vực dân cư. Tiếng ồn là thứ âm thanh con người không muốn nghe, dù nó có ý nghĩa hay không. Tiếng ồn quá lớn có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Theo các chuyên gia về sức khỏe, tiếng ồn 50 dB (đề xi ben): làm giảm hiệu suất làm việc, nhất là đối với lao động trí óc. Tiếng ồn 70dB: làm tăng nhịp thở và nhịp đập của tim, tăng nhiệt độ cơ thể và tăng huyết áp, ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và giảm hứng thú lao động. Tiếng ồn 90dB: gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Người có văn hóa khi tạo ra âm thanh, kể cả tiếng nói, bao giờ cũng phải cân nhắc sự tác động xấu đến người xung quanh. Và Pháp luật nhà nước cũng đã phải có những điều luật điều chỉnh hành vi gây tiếng ồn quá mức, không đúng lúc, không đúng chỗ. Đôi khi chỉ có hai ba người chuyện trò với nhau mà cứ như… cái chợ!... Rồi ngồi trong cuộc họp, xem phim trong rạp… nói chuyện riêng khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu.

Hiện nay về tiêu chuẩn tiếng ồn cũng như giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn khu vực công cộng và dân sự (theo mức âm tương đương) được xác định theo quy định TCVN (*)… Theo đó mọi loại tiếng ồn do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt… không được gây ra cho khu vực công cộng và dân cư mức ồn vượt quá giá trị quy định (dB), theo Khu vực, theo thời gian cụ thể… Trong trường hợp vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó thì mức phạt tiền thấp nhất với vi phạm trong lĩnh vực này sẽ từ 2.000.000 đồng, mức phạt cao nhất là 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong thực tế tôi cũng chưa thấy vụ điển hình nào bị phạt về việc này.

Trong đời sống hiện nay ở nước ta, việc gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe con người không hề ít. Có thể nói, cùng với sự ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm chất độc hại trong thực phẩm, khói bụi công nghiệp, phương tiện giao thông trong không khí, thì ô nhiễm âm thanh cũng không thể coi thường. Có thể nói, trong điều kiện hiện nay, việc tìm được một chỗ ở yên tĩnh cũng không dễ dàng, nhất là ở những nơi phồn hoa phố thị.

Tiếng ồn trong đời sống bây giờ có thể kể đến như các hoạt động cơ khí trong sản xuất công nghiệp, âm thanh loa đài ở nơi đông dân cư như âm nhạc, nhà hàng karaoke, ca hát trong tiệc cưới, hội nghị, đám tang ở khu dân cư… đều có thể có vi phạm các văn bản pháp quy của nhà nước về tiếng ồn. Từ khi kỹ thuật âm thanh điện tử phát triển, có những bạn trẻ mua được dàn âm thanh khủng chỉ muốn vặn hết công suất “khoe” với những người, những nhà xung quanh. Khổ nỗi không phải ai cũng muốn nghe nên nó trở thành tiếng ồn. Đối với người có tuổi, người làm việc trí óc đôi khi cảm thấy như bị khủng bố, không chạy đâu khỏi được những tiếng ồn thiếu văn hóa của con người thời hiện đại.

Có nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam đã thổ lộ nỗi sợ hãi về tiếng ồn. Họ nói ở Việt Nam, xe đi trên đường có những anh tài bóp còi vô cớ, vô tội vạ hoặc dùng còi hơi không đúng quy định, bạ đâu bóp đấy. Người viết bài này đã mấy lần đang đi xe máy bị một “ông tướng” bò ma bóp còi hơi ngay sau lưng, giật bắn người, nếu thần kinh không vững có thể mất lái lăn đùng ngã ngửa. Hành vi bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định thì bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng; nếu gây tai nạn, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (khoản 3, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…).

Ở những cuộc kỷ niệm, lễ lạt của đia phương, đơn vị, thường có chương trình “văn nghệ chào mừng”. Khi tổ chức trong hội trường lại được các kỹ thuật viên âm thanh đôi khi “tự sướng”, phát công suất loa khiến cử tọa ù tai, tức ngực. Họ đã vô tình biến nghệ thuật thành “võ thuật”?... Rồi từ các cuộc tiệc tùng lớn của cộng đồng đến những nhóm người tụ tập liên hoan che chén…thì sự ồn ào khiến trong bữa tiệc không thể ai nói ai nghe, nhất là sau khi tửu nhập, ngôn xuất thì tranh nhau nói lấy nói để, ai nghe thì nghe, chả nghe thì đừng…

Ở nhiều vùng từ nông thôn đến thành thị lâu nay xuất hiện một tục lệ bất thành văn là “ăn nháp” trong đám cưới. Đôi khi bữa phụ tối hôm trước cũng hoành tráng không kém gì tiệc chính ngày hôm sau. Nhưng trong tiệc nháp “chương trình văn nghệ tự phát” thường nẩy nở.  Các nam thanh nữ tú trong tiệc nháp thường tranh nhau cái micro của dàn âm thanh để thể hiện tiếng hát của mình, mà không biết rằng, những người xung quanh, những bà con xóm giềng đang phải chịu trận.…

Tôi ít được đi nước ngoài, nhưng một lần sang Thái Lan, quốc gia châu Á mang nhiều nét văn hóa tiến bộ trên thế giới. Khi vào ăn sáng ở một phòng ăn tập thể của khách sạn 4 sao tại Băng Cốc, vẫn nghe rất rõ giai điệu bản nhạc cổ điển Đức của D. Vorak rất nhẹ nhàng phát ra từ đâu đó mà ngồi ở vị trí nào trong căn phòng, âm lượng cũng không thay đổi. Bản nhạc phảng phất như tiếng gió thu, lúc trầm lúc bổng, tạo ra một không gian trong trẻo, nhẹ nhàng. Bước vào đó, kể cả những người vốn “ăn to nói lớn” cũng tự dưng không nỡ phát ngôn tùy hứng, thậm chí còn nhẹ tay, tránh va chạm mạnh cái bát cái thìa trên bàn ăn. Bởi làm ngược lại thì anh ta trở thành thằng hề trước mặt mọi người…

Bao giờ văn hóa Việt Nam được như thế?
---------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.