5582. Vụ ‘Vũ nhôm’ và cuộc chiến không vùng cấm

Vụ ‘Vũ nhôm’ và cuộc chiến không vùng cấm
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Học viện Chính sách & Phát triển
Tác giả đặt câu hỏi liệu với các tình tiết, tính chất phức tạp
với nhiều 'ẩn số', vụ ông 'Vũ nhôm' có thể trở thành một đại án?
Cho đến khi các báo nhà nước đồng loạt đưa tin Vũ nhôm bị áp giải về sân bay Nội Bài chiều ngày 4 tháng 1 năm 2018, người dân mới tin rằng sẽ có một vụ án gọi nôm là 'Vũ nhôm'.
Trước đó hàng loạt các sự kiện dồn dập thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
§  Ngày 21/12, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ nhôm) về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước;
§  Ngày 23/12, Công an khám xét nhà Vũ ở 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng; Công an thành phố có lệnh truy nã khi ông Vũ trốn khỏi nơi cư trú;
§  Ngày 02/1/2018, Singapore xác nhận tạm giữ Vũ do vi phạm luật di trú; Ngày 4/1, phía Việt Nam tiếp nhận bắt giữ ông Vũ.

Từ lâu người dân Đà Nẵng đã biết đến ông Phan văn Anh Vũ, như một đại gia bất động sản 'máu mặt' giàu có với đứng tên lãnh đạo nhiều công ty và dự án 'khủng'. Vũ, theo dư luận, có quá trình quan hệ 'gần gũi' với các quan chức thành phố và có thể tác động đến chính quyền nhằm trục lợi, đe dọa những người chống đối ông ta…
'Tác nhân ngầm'?
Ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, giữa)
từng được biết đến là một doanh nhân
có nhiều dự án ở thành phố Đà Nẵng
Ông Vũ được cho là một trong những 'tác nhân ngầm' gây mất đoàn kết trong thành ủy Đà Nẵng, dẫn đến việc Đảng kỷ luật cách chức bí thư và ủy viên Ban chấp hành trung ương của Nguyễn Xuân Anh, cảnh cáo đối với chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ…
Vụ án trở nên nghiêm trọng hơn khi đương kim bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa trong cuộc nói chuyện với các cựu chiến binh, cán bộ quân đội nghỉ hưu của thành phố nhân dịp kỷ niệm ngày Quân đội Nhân dân 22/12, tiết lộ ông Phan Văn Anh Vũ là sỹ quan cao cấp của Bộ Công an, rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo vụ này…
Dư luận đang quan tâm 'bí mật nhà nước' mà ông Vũ nhôm tiết lộ là gì? Anh ta có nhiều hộ chiếu, chứng minh thư là thật hay giả? Khối tài sản 'khủng' mà anh ta đứng tên liệu có đúng 'quy trình'? Xe sang và những căn nhà biếu tặng lãnh đạo như thế nào? Nếu Vũ Nhôm là sỹ quan an ninh thì quá trình thoái hóa biến chất thế nào? Liệu có 'thế lực' nào chống lưng?...
Mọi người đều biết quá trình 'thoái hóa, biến chất', cấu kết với chính quyền để trục lợi, như Vũ nhôm hay qua các vụ đại án đã và đang xét xử, đều diễn ra trong một thời gian dài, cho thấy sự bất cập của thể chế. Mặc dù Đảng có nhận định là 'có yếu kém, khuyết điểm' trong quản lý kinh tế và cán bộ, nhưng đó là trực tiếp, bề ngoài. Nguyên nhân sâu xa là tha hóa quyền lực, quyền lực vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, từng phát biểu rằng nhiều cán bộ đã biến quyền lực công thành tài sản cá nhân mang đi ban phát và trục lợi.
Thông qua việc kỷ luật các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Đảng đang gửi thông điệp mạnh mẽ rằng lãnh đạo các địa phương phải tuân theo các nguyên tắc làm việc và kỷ luật của Đảng. Đảng đang kiên quyết tái tập trung quyền lực.
Nhìn chung, Đảng Cộng sản đang củng cố tổ chức, mở rộng và tăng cường chống tham nhũng 'không có vùng cấm'. Nhiều vụ đại án đang và sẽ được xét xử. Đảng ban hành nhiều quyết định 'siết' lại kỷ luật nội bộ, quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Liệu có thể thông qua nhân dân để giám sát quyền lực? Lắng nghe tâm tư của người dân, qua những phát biểu tâm huyết của các cựu chiến binh, lão thành cách mạng trong cuộc gặp của bí thư Trương Quang Nghĩa với họ mà bài viết nêu ở trên, rằng người dân biết vụ việc từ lâu, nhưng nếu 'lên tiếng' một mặt 'sợ ảnh hưởng tới điều tra của Công an, mặt khác, e sợ Vũ nhôm 'trả thù' trực tiếp hoặc thông qua tác động đến lãnh đạo sẽ gây 'khó dễ' cho người 'phản ánh' và gia đình họ…
Người dân hiện còn chưa có cơ chế hữu hiệu để nói lên tiếng nói của họ. Chính quyền chỉ biết khi sự việc đã xảy ra, mặc dù có nỗ lực 'chữa cháy'.
Họ đôi khi thể hiện 'sự bất bình' khi không thỏa mãn với mức án đã tuyên cho những bị cáo tội tham nhũng trong những dịp lãnh đạo cấp cao của Đảng gặp gỡ cử tri. Dường như họ đang trút 'cơn giận' lên những kẻ tham nhũng với những bản án nặng nhất có thể.
Để có được niềm tin trong nhân dân Đảng phải thể hiện tính chính danh của mình, đồng thời thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp, tạo nhiều cơ hội cho người dân biểu đạt, họ phải được hiểu đúng và được bảo vệ.
Nhờ đó thể chế mới bền vững, người dân mới tự do, hạnh phúc, đất nước mới thịnh vượng.
Với vụ án 'Vũ nhôm' với tính chất phức tạp, còn chứa nhiều ẩn số liệu có trở thành một đại án?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia về chính sách côngtừ Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam.
(BBC)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.