5657. Chuyện năm 1972

Chuyện năm 1972
Nguyễn Thông
Một góc phố Hà Nội 1972. Ảnh trên mạng
Đến thời điểm này, năm 2017, thì chuyện năm 1972 đã lùi xa gần nửa thế kỷ, chính xác là 45 năm. Nhưng đó là thứ dấu mốc lịch sử âm thầm mà dữ dội.
Miền Bắc 1972. Tôi biên ra những điều chính tôi biết và còn nhớ ở miền Bắc, chứ không biết miền Nam năm ấy thế nào. Tới năm 1972, cuộc chiến tranh kéo dài, chỉ thiếu 2 năm nữa thì tròn 2 thập niên, đã làm cho cả dân tộc mệt mỏi. Sự chán chường hằn lên mỗi khuôn mặt người. Bi thảm như chiến tranh. Thế hệ chúng tôi tuổi giao thời trẻ con-người lớn vào đúng khoảng này.
Miền Bắc, từ đầu năm 1969 Mỹ tạm ngưng ném bom. Đánh mãi nó cũng chán. Dân đuối lắm rồi. Chỉ có đảng còn hăng, vì vậy người dân vẫn không có hòa bình. Vừa lo “tất cả cho tiền tuyến”, đưa người, vũ khí, lương thực vào Nam, vừa chuẩn bị đề phòng Mỹ đánh trở lại. Những cái hầm chữ A, hố phòng không cá nhân ven đường vẫn được giữ nguyên, tu bổ, bồi đắp cho dày hoặc nạo vét thường xuyên. Bộ đội tên lửa trận địa Mả Đò gần nhà tôi vẫn luyện tập hằng ngày, hú còi báo động liên tục. Đêm đêm xe bánh xích chạy rầm rầm.

Vào đầu năm 1972, không khí chiến tranh vẫn hừng hực, thậm chí nóng hơn 2 năm trước. Tôi đang học lớp 10 (hệ 10 năm), năm nay sẽ thi tốt nghiệp, và đây cũng là lần thứ 2 nhà nước tổ chức thi đại học, trước đó chỉ xét tuyển vào các trường. Lo học, nhưng nghe phong thanh sắp có đợt tổng động viên (hoặc gần như thế) để vét người đưa vào chiến trường, sắp mở chiến dịch lớn, nên đứa nào cũng lo. Chả biết mình có còn được bút nghiên trọn vẹn tới ngày trường thi xướng danh đậu hay rớt. Thày Duyên dạy môn chính trị (Trường cấp 3 Kiến Thụy, HP) úp mở rằng thế nào trường ta cũng bị bắt lính, có khi cả thầy giáo cũng đi bởi… sắp đánh lớn lắm.
Hồi ấy đỗ lớp 10 thì được gọi là tốt nghiệp phổ thông cấp 3. Không ai gọi là thi tú tài bởi nhà nước ghét những tàn tích mang màu sắc phong kiến. Những cách gọi cũ bị thay gần hết. Không gọi là tiểu học hay trung học, cứ phải đổi mới cho có tính cách mạng triệt để. Học trò học từ lớp 1 tới hết lớp 10 đều là học sinh phổ thông, chia làm 3 cấp, cấp 1 (tương đương tiểu học bây giờ, hết lớp 4), cấp 2 (tương đương trung học cơ sở, hết lớp 7), và cấp 3 (THPT). Cứ anh cả Liên Xô thế nào thì xứ ta bê nguyên xi về như thế. Điểm cũng chấm kịch trần 5 điểm. Bài làm đạt 5 điểm là giỏi.
Đầu năm 1972, ở vùng Lào Cai, Yên Bái trên mạn ngược bị mấy trận mưa đá. Lúc ấy sau tết âm lịch, khoảng cuối tháng 2 tây. Báo Nhân Dân thông tin, thày tôi đọc cho cả nhà nghe, còn bảo lạ, cữ này mà lại mưa đá. Chị Dìn chị họ tôi chục năm trước cả nhà kéo nhau lên khu kinh tế mới Cam Đường hay Bảo Lạc gì đó trên Lào Cai khi về cũng kể vậy. Không hiểu từ đâu truyền tai nhau câu văn vần “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình”, chính tai tôi từng nghe người ta đọc, ngay từ đầu năm, sau trận mưa đá nói trên. Chắc nhiều người thế hệ sinh 50-60 còn nhớ câu lan truyền ấy. Cũng chẳng lấy gì làm tin cho lắm, bởi mưa đá thì đã xảy ra, nhưng bắn phá có lẽ chuyện tào lao vì Mỹ nó tuyên bố ngưng ném bom rồi. Tuy nhiên không ai dám nghĩ tới hòa bình. Khuôn mặt chiến tranh đang quá dữ dội. Vài người nhớn ra vẻ hiểu biết bảo đấy là sấm của cụ Trang Trình bên Cổ Am Vĩnh Bảo, cứ chờ xem, lại nửa tin nửa ngờ. 
Tâm trạng con người ta lạ lắm. Suốt bao năm chiến tranh ùng oàng bom đạn, sự lo sợ mau chóng biến mất, chứng kiến mọi điều nguy hiểm chết chóc cứ như không. Hằng ngày nhìn từng đàn máy bay Mỹ lặc lè bom từ biển bay vào thả xuống những kho tàng, bến cảng, cầu cống ở nội thành Hải Phòng, chúng tôi cứ kệ, việc nó nó làm, việc mình mình làm, thậm chí không thèm xuống hố trú ẩn cá nhân. Đêm cũng vậy, trải chiếc chiếu ra giữa sân, nằm ngửa đón gió mát, đếm sao bò. Gọi là sao bò, thực ra là đám máy bay không người lái của Mỹ bay vào trinh sát để chuẩn bị cho những trận bỏ bom hôm sau. Rồi đèn dù chúng thả sáng trưng mạn Quần Mục, Bàng La, Đồ Sơn, thấy bảo để phát hiện những chuyến tàu biển từ vùng đó xuất phát chở quân và vũ khí vào Nam. Chiến tranh thường xuyên đã không làm người ta sợ.
Nhưng sau khi Mỹ ngưng ném bom từ tháng 11.1968 thì miền Bắc được hưởng chút không khí hòa bình. Rồi đâm ra ngại đánh nhau, ngại bom đạn, sợ chết chóc. Đầu năm 1972, khi nghe phong thanh Mỹ nó sẽ đánh trở lại, nhiều người lo lắng. Chỉ nghĩ cảnh phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm dắt díu bồng bế nhau đi sơ tán đã đủ mệt. Cuộc sơ tán năm 1964 còn chưa phai trong ký ức, chả nhẽ lại sơ tán nữa. Mà nó đánh thật. Đầu tháng 4.1972, Mỹ tuyên bố ném bom trở lại. Đêm 16.4.1972, máy bay Mỹ kéo đến đặc trời, cả Hải Phòng chìm trong khói lửa. Nặng nhất là nó đánh trận địa pháo bảo vệ cầu Niệm, rải thảm bằng B-52 ở thôn Phúc Lộc, xã Hưng Đạo làm gần 4 chục dân thường bị chết. Đêm đó, tôi ở nhóm lớp 10 trực canh gác Trường cấp 3 Núi Đối, cùng với hai bạn Vũ Trường Thành và Phạm Thị Nga, nhìn về phía nội thành thấy lửa sáng rực trời, bom nổ dậy đất, đứa nào cũng phát hoảng, lẩm nhẩm cầu giời khấn phật nó đừng đụng đến mình.
Lời thầy Duyên dạy chính trị đã hiệu nghiệm. Nhà trường thông báo trong tháng 5 sẽ có đợt lên đường làm nghĩa vụ quân sự, rất nhiều thầy trò ra đi. Cả trường nhốn nháo, buồn bã. Chỉ còn hơn tháng nữa là thi tốt nghiệp, nhưng chiến tranh, biết làm sao. Lớp tôi bị gần chục người, những anh nào nhà còn anh em trai đều có tên trong danh sách. Cả thầy chủ nhiệm, thầy Nguyễn Văn Mễ dạy môn vật lý cũng đi. Dành nguyên một ngày giữa tháng 5.1972, cả lớp kéo nhau đến từng nhà làm cuộc chia tay, động viên người vào lính. Thấy bảo sẽ chỉ huấn luyện rất ngắn ngày rồi lên đường vào B ngay bởi mặt trận đang rất khốc liệt. Quân ta đánh giải phóng Quảng Trị nhưng quân “ngụy” phản công dữ lắm, giành nhau từng tấc đất, chết không biết bao nhiêu mà kể. Ra trận lần này, không hẹn ngày về. Đầu tiên đến nhà thầy Mễ. Ôi người thầy mà chúng tôi rất quý mến, dạy lý thật hay, dễ hiểu, ngày mai thầy đi rồi. Đứa nào cũng khóc. Thầy cười buồn, các em ráng ôn cho kỹ để thi cho tốt nhé, đứa nào rảnh nhớ viết thư cho thầy, thỉnh thoảng tới thăm cô cho cô đỡ tủi thân. 
Cả lớp lần lượt tới nhà các tân binh Nguyễn Văn Biên (Biên tây, bởi lai tây, cao lớn, da đỏ như gà chọi, cùng xã Thuận Thiên với thầy Mễ), Vũ Trường Thành, Lương Xuân Thắng (xã Minh Tân), Trương Văn Lĩnh, Nguyễn Văn Sơn (Thanh Sơn), Ngô Trọng Tiến (Thụy Hương), Phạm Văn Như, Nguyễn Văn Thảo (Hợp Đức), Nguyễn Văn Thắng (Đại Hà), Vũ Xuân Thanh (Ngũ Đoan), còn hai ba đứa nữa ở xã Tân Trào tôi quên mất tên do đã quá lâu. Bọn con gái mắt đỏ hoe, chả còn nước mắt mà khóc nữa. Thằng Vũ Trường Thành vốn xưa nay tếu táo, chiều hôm ấy chỉ ngồi ôm thằng Thi em nó, rồi bảo nhỏ chúng mày phải cười lên không thì tao khóc đấy. Bọn chúng tôi, những đứa ở lại cũng chả nói gì bởi nói mấy cũng bằng thừa, chỉ nhìn nhau đưa tiễn ngậm ngùi. 
Ngày hôm sau, cả trường làm lễ tiễn tân binh, rồi lại lao vào chuyện học hành. Lớp vắng hẳn, ngồi dồn lên phía trên, rộng thênh thang. Rồi thi tốt nghiệp cấp 3. Đề thi văn năm ấy yêu cầu bình luận câu nói nổi tiếng của chiến sĩ Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Hồi cấp 2 thì học tập tấm gương Vương Đình Cung (con vị bí thư tỉnh ủy Hải Hưng, không đi nước ngoài mà cứ dứt khoát đòi ra trận), lên cấp 3 thì Lê Mã Lương, nên thi cử cũng phải vận vào các anh ấy.
Giữa tháng 4, máy bay Mỹ đánh rất ác, cả ngày lẫn đêm. Kho xăng Sở Dầu bên Thượng Lý cháy suốt mấy ngày đêm, khói đen ngút trời, ban đêm lửa bốc cao cách cả chục cây số vẫn nhìn thấy. Một hôm có người ở nội thành Hải Phòng đạp xe về báo tin bom đánh trúng khu nhà dân gần Sở Dầu, cả hai vợ chồng thầy Sơn - cô Quý đều chết, bỏ lại hai đứa con đã đi sơ tán. Hai thầy cô trước kia đều cùng dạy ở trường xã tôi, sau mới chuyển ra Phòng. Thầy rất hiền, còn cô đẹp lắm, mái tóc phi dê bồng bềnh sang trọng hơn hẳn các cô giáo vùng nông thôn. Thật tội nghiệp.
Thế là cái câu sấm người ta truyền nhau từ đầu năm (mà tôi đã nhắc ở cuối bài phần 1) “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình” đã ứng nghiệm 2 phần, liệu phần còn lại có thành sự thật không. Tự dưng, ai cũng mong mỏi năm nay qua đi thật nhanh, cho điều thứ 3 ấy tới. (còn tiếp)
(Theo Blog Nguyễn Thông)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.