5656. Món hàng: "Đàn bà Việt Nam" bán ra nước ngoài !!
MÓN
HÀNG: “ĐÀN BÀ VIỆT NAM” BÁN RA NƯỚC NGOÀI !!
Tác giả: Phan nguyên Luân/ Ngày 22-11-2017
PNTB: Bạn bè yêu quý gửi cho bài này, một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Đưa lên đây để bạn đọc của trang PNTB có thêm thông tin.
Một bài phóng sự được đặc phái viên của Pháp đưa
lên “Mổ xẻ” trên đài truyền hình France Television/France 2 đã làm phẩn nộ đồng
bào Việt trong nước lẫn hải ngoại. Trước hết, người xem có cùng cảm xúc trái
tim bị co thắt lại vì xót xa cho phận đàn bà Việt Nam ngày nay.
Chúng ta hãy nhìn lại, chưa có một triều đại nào từ thời lập quốc
Việt Nam của Vua Hùng Vương đến ngày nay mà Phụ Nữ Việt Nam bị khinh rẻ tàn mạt
đến như vậy: 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ, dân tộc ta, người Phụ Nữ cũng không
bị bán thân, đẩy ra hải ngoại làm tôi tớ như món hàng. Và gần đây nhất, trên 100
năm bị giặc Pháp đô hộ, phụ nữ vẫn bình yên sống, những năm phát xít Nhật xâm
chiếm, phụ nữ Việt Nam cũng không bần cùng, 21 năm chiến tranh Nam Bắc, phụ nữ
Việt Nam cũng chưa bao giờ bị khinh miệt như vậy. Thế thì… tại sao Việt Nam sau
42 năm không còn tiếng súng, hòa bình trên khắp quê hương, mà người Phụ Nữ bị
rao bán một cách nghiệt ngã tang thương?...
Sau đây là bài phóng sự
được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp, nói về chuyện tổ chức bán đàn bà
VN cho người Tầu. Thú thực, tôi không dám coi hết, như không có đủ can đảm nhìn
vết thương nhầy nhụa trên thân thể mình.
Phóng sự chiếu trên TV cùng ngày với đám tang ông Stéphane Hessel
(Tổng thống Pháp chủ tọa), tác giả cuốn 'Indignez-vous' ! (Hãy Nổi Giận)..
Nếu chuyện bán đàn bà cho người Tầu không làm chúng ta nổi giận, chắc chúng ta
sẽ chấp nhận bất cứ sự sỉ nhục nào...
Không ưng được đổi lại (bài viết này đề cập đến đề tài đường dây
buôn bán phụ nữ V.N sẽ được chiếu trên TV Pháp). Khán giả ti vi ở Pháp sẽ được
coi một chương trình đặc biệt, một phóng sự hình ảnh về đề tài, nạn mua bán đàn
bà Việt Nam đưa sang Trung Quốc (Les Branches esseulées: Trafic de femmes
vietnamiennes en Chine). Nhà bình luận Ngô Dân Dụng, nhận định một cách khá chi
tiết về sự kiện “mua đàn bà Việt Nam” qua tựa đề “Les Branches esseulées” dịch
nguyên văn hai chữ Hán mà người Tầu phiên âm là “Guang-gun,” đọc lối Hán Việt
là “Quang Côn..” Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong
quang, quang đãng.” Côn là cây gậy, có thể dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức
lược thao gồm tài” (Truyện Kiều). Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây
không lá không hoa. Trong từ điển Hán Việt ghi nghĩa thông dụng nhất của từ này:
Quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, thường gọi là ế vợ.
Hai nhà báo công ty truyền thông CAPA, Patricia Wong và Gaël Caron,
đã bỏ mấy tháng trời theo dõi một chàng trai người Trung Hoa đi mua vợ ở tận
vùng gần Sài Gòn, Việt Nam, cách xa làng anh ta 3,500 cây số. Tên anh ta là
Xiao Lu, 30 tuổi, chưa có vợ bao giờ. Anh làm công nhân đồn điền trà, ở một
làng tên là Ting Xia. Tìm trong các mạng ở Trung Quốc thấy có làng trồng trà có
tiếng tên là Thôn Ðình Hạ.. Chương trình Quang Côn này sẽ được chiếu trên đài
France 2. Hai nhà báo đi theo anh Xiao Lu trên con đường thiên lý tầm thê đó.
Nhưng bài phóng sự cũng mô tả chung nạn mua bán đàn bà con gái từ các nước Việt
Nam, Lào, Miến Ðiện và Indonesia, để đưa sang Tàu.
Trước đây đã nhiều nhà
báo viết về nạn buôn phụ nữ Việt Nam bán sang Tầu, như trên tờ Wall Street
Journal đã kể câu chuyện một cô quê ở Nam Ðịnh bị bán sang Quảng Ðông. Cô phải
sống ở một làng miền núi, bị gia đình chồng và cả hàng xóm của họ canh giữ
nghiêm ngặt không cho trốn đi. Sau cố lén gửi được thư cho gia đình tại Việt
Nam, rồi một người anh trai lặn lội đi tìm được làng cô ở và bày mưu cứu cô về.
Năm 2004 hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer viết cuốn sách tiếng Anh
mang tựa đề “Bare Branches,” Cành Trụi, dịch sát hai chữ Quang Côn, trình bày
tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tầu ế vợ, do nhà xuất bản Ðại Học MIT in.
Bản tin loan báo chương trình Quang Côn, Les Branches esseulées,
cho biết những “cô dâu” được “nhập khẩu” qua Tầu, trên nguyên tắc để làm vợ cho
các quang côn, những cành cây trụi lá; nhưng họ được đem bán như bán nô lệ. Sớm
muộn họ sẽ chạm mặt với thực tế phũ phàng, khác hẳn những gì được ông chồng
tương lai hứa hẹn. Họ sẽ lao động cực nhọc ở các làng quê hẻo lánh, ngoài việc
lo sinh đẻ. Nhiều cô dâu đã tìm đường trốn đi, nhiều cô đành chịu đựng số phận.
Hai nhà báo Patricia Wong và Gaël Caron bắt đầu chương trình với
cảnh mua vợ của Xiao Lu tại vùng phụ cận Sài Gòn. Các quang côn được tập trung
tại một khách sạn; họ bị ngăn cản không cho đi đâu, vì bọn lái buôn đã tịch
thâu giấy thông hành, hộ chiếu của họ. Rồi họ được đi xem mặt hàng, là các cô
gái Việt Nam tuổi ở 20. Một chuyến đi mua vợ như vậy tốn khoảng 5,000 đồng
Euro, vào khoảng 8,000 đô-la Mỹ; những cô còn trinh được trả giá cao hơn. Giống
như các siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn ở Mỹ, khách tiêu thụ không hài lòng
với các “món hàng” này có thể đem đổi lấy món hàng khác tương đương,
“échangeable” trong nguyên văn. Bọn buôn người gồm cả người Tầu và người Việt.
Trong gian phòng khách
sạn, nhà báo quay cảnh Xiao Lu gặp cô dâu tên là Thu Yến, một cô gái quê sợ
sệt, nhút nhát. Hai người không thể nói chuyện gì với nhau cả vì ngôn ngữ bất
đồng. Tất nhiên không ai mở miệng nói đến chữ “yêu.” Mấy ngày sau, họ về làng
của cô gái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm lễ cưới, một nghi lễ không có giá
trị pháp lý. Sau đám cưới, bà mối người Tầu tên là bà Vương (Wang) đưa cho Thu
Yến hộ chiếu với visa nhập cảnh Trung Quốc. Mấy ngày sau, Thu Yến về đến nhà
chồng, ở một làng trong một thung lũng hẻo lánh; mọi người chung quanh nói thứ
tiếng cô không hiểu được.
Trung Quốc có rất nhiều đàn ông ế vợ, một phần vì chính sách của
Mao Trạch Ðông chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có một đứa con, áp dụng cho phần
lớn nhưng không phải tất cả dân Trung Hoa. Vì mong có con trai nối dõi, nhiều
người đã giết chết các trẻ sơ sinh con gái, nhiều nhất là ở miền quê; gây ra
cảnh trai thừa gái thiếu hiện nay.
Theo báo Nhà Kinh tế (The
Economist, March 6, 2010), đầu năm 2010 Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS)
đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tầu cứ năm (5) thanh niên đến tuổi cưới
vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về.” Con số này tính ra
dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước.
Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên
“thặng dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là họ không thể nào có vợ
– trừ khi nhập cảng phụ nữ hoặc xuất khẩu đàn ông !
Ðể độc giả thấy rõ con số
đó lớn hay nhỏ ra sao, báo Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng
tất cả số thanh niên cùng tuổi ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ... Trong lịch sử loài người, trong thời gian không có chiến tranh, chưa bao giờ
một nước nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ
cao đến thế. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng xấp xỉ một
nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt,
kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.
Trong các xã hội bình
thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai.
Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến
tuổi lập gia đình thì số trai gái cao xấp xỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước
hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989,
tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có
108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm,
100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và Trung
nước Tầu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.
Tỉnh Quảng Ðông, ở sát
nước ta, là nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai. Ðến năm 2025, 2030, cứ
100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ.. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh
trù phú nhất Trung Quốc này, mà có độ dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có
ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?
Chương trình ti vi trên đài France 2 chắc sẽ làm các khán giả người
Pháp kinh ngạc. Nhưng đối với khán giả người Việt Nam thì chắc đó cũng là một
mối sỉ nhục. Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ có cảnh phụ nữ được đem bày
hàng để bán, với điều kiện “không hài lòng thì đổi” để tận tình phục vụ người
tiêu thụ.
Có một quy luật dân số
học, trong quá khứ, nhận thấy rằng các nước nhiều thanh niên ế vợ thường hay
gây chiến với lân bang. Khi dân số nước đó tăng lên nhanh hơn khả năng sản
xuất, số thanh niên trai tráng nhiều hơn, đa số trong tuổi lao động bị thất
nghiệp, quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì
chiến tranh có thể giúp giải quyết cả ba vấn đề một lúc: thất nghiệp, dân số
đông, và đàn ông ế vợ. Chính quyền một quốc gia quá đông “quang côn” thấy đó là
một cách giải quyết số đàn ông thặng dư.. Nếu không, đám thanh niên “bức xúc”
và bất mãn đó sẽ dùng thời giờ không làm việc để gây tội ác, hoặc quay ra làm
cách mạng, nổi loạn chống chính quyền. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xẩy
ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư
đông quá thì, khi kinh tế suy yếu, người cầm quyền thường gây chiến.
Ở Trung Quốc, ông Tập Cận
Bình mới nhậm chức đã gia tăng ngân sách quân sự, tỷ số gia tăng lớn quá đến
nỗi Bắc Kinh phải lên tiếng giải thích, khi nhiều quốc gia tỏ ý lo ngại. Ông
Tập Cận Bình tăng ngân sách quốc phòng chỉ để mua chuộc các tướng lãnh Trung
Quốc? Hay ông đang lo trước vấn đề do 35 triệu quang côn sẽ gây ra trong mười năm
sắp tới?
Kiếp đàn bà của dân tộc
Việt chúng ta đang sống trong nước coi như đã là “món hàng trao đổi, mua bán”
cho ngoại bang nay đã trở thành bình thường. Phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ bị
khinh bỉ, rẻ rúng như ngày nay..
PHAN NGUYÊN LUÂN
Xem thêm:
>>Phóng sự Đường dây buôn bán phụ nữ Việt Nam
sang Trung Quốc (YouTube)
(PNTB xin lỗi tác giả, biên tập bài viết – đã cắt một số câu chữ để phù hợp với tính chất của trang chủ).
Nhận xét