5645. VĂN HÓA MỜI CƯỚI

VĂN HÓA MỜI CƯỚI 
Nguyễn Ngọc Dương/PNTB 

Ma chay cưới xin vốn là một nét VĂN HÓA có sức nặng trong đời sống. Người ta viết về những vấn đề này xưa nay đã quá nhiều. Nhưng không vì thế mà không còn gì để viết. Bởi VĂN HÓA là phần quan trọng nhất của cuộc sống, nó là PHẦN NGƯỜI trong CON NGƯỜI. Nếu bỏ mất phần Người, con người sẽ thành cái gì, chắc ai cũng biết. Vì Văn hóa là phần quan trọng nhất của cuộc sống, mà cuộc sống thì không đứng im, nên văn hóa cũng biến động không ngừng. Tuy biến động nhưng không thể trượt ra ngoài “đường ray” truyền thống dân tộc. Chỉ có như thế thì mới giữ được BẢN SẮC, mới có cái để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác trên thế giới.
Hôm nay mình chỉ “chém gió” một tẹo, chỉ một chi tiết trong Văn hóa cưới. Đó là Mời cưới con.
Một trong những nét dị biệt của tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc khác là đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt thể hiện sắc thái tình cảm, đôi khi dùng nhầm ngữ cảnh, có thể bị cho là sự xúc phạm. Mình còn nhớ, có một bạn trẻ gặp một người làng cỡ tuổi cha chú, liền chào: “Chào anh!”. Ông người làng quay ra chỉ mặt anh bạn này mắng: “Này, tao “anh” với thằng bố mày chứ “anh” với mày à!”…
Người Việt trong truyền thống, dù chỉ là người dưng, không họ hàng gì, nhưng khi trưởng thành, đã có con, và thân quen thường gọi người ít tuổi hơn là CHÚ, CÔ thay con, người hơn tuổi là BÁC, BÁ thay con. Khi đã có cháu thì gọi bạn cùng lứa là ÔNG, BÀ thay cháu. Đó là nét VĂN HÓA chung. Khi mời cưới con mình thì nên sử dụng những đại từ nhân xưng đó, nó thể hiện tình cảm của người mời, coi người được mời như người thân. Đó chính là VĂN HÓA, chỉ một đại từ nhân xưng đã tạo sự thiện cảm, không thể mua được bằng tiền.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bày vai với nhau mà thiếp mời lại ghi: “Trân trọng kính mời ANH, đến dự Lễ thành hôn của hai CON chúng tôi”, thì người nhận thiếp (hiểu sâu sắc về văn hóa), có cảm giác như người mời đã hạ người được mời xuống hàng con cháu, chứ không phải bày vai…Đôi khi người được mời nhận tấm thiếp, hình thức đẹp hay không, không quan trọng bằng việc sử dụng đại từ nhân xưng thể hiện được tình cảm trong lời mời của người phát tấm thiếp...  
Nét văn hóa nữa là sự trân trọng, “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Còn nhớ một lần, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đến mời cưới. Bí thư nhỏ tuổi hơn và có quan hệ thân tình với mình từ thủa hàn vi, ngoài quan hệ công tác, mình thường xưng hô “chú chú anh anh”. Hôm ấy mình làm việc ở cơ quan, Bí thư đến gõ cửa. Mình mở cửa phòng và ngạc nhiên vì thấy “sếp” trên xuống đường đột lại không báo trước, liền hỏi: “Bí thư đến có việc gì mà bất ngờ thế?”. “Có việc riêng. Thông báo với bác là cháu gái bác sắp lấy chồng. Em xuống mời để hai bác bớt chút thời gian mấy hôm nữa đến dự lễ vu quy mừng cho các cháu…”. “Ồ, thế thì chúc mừng cô chú, mừng các cháu đã trưởng thành. Nhưng sao công việc bận thế không bảo mấy đứa văn phòng nó chuyển cho. Bí thư tỉnh ủy mà đi mời trực tiếp từng người một, thì đến bao giờ?” “Ấy không được. Đây là việc riêng của nhà mình, việc tình cảm, không thể giao cơ quan mời hộ như đưa công văn được. Em phải xin lỗi bác, lẽ ra phải xuống tận nhà thưa chuyện với hai bác…Nhưng vì công việc, không nghỉ phép được, phải tranh thủ nên đến cơ quan…Bác hết sức thông cảm cho”. Mình bảo: “Chú nói thế cũng phải. Nhưng ở cơ quan, tôi đã quen nhận thiếp mời cưới của nhiều người bằng đường… “công văn” rồi…”.
Bí thư tỉnh ủy ra khỏi phòng, mình nghĩ: có lẽ đây là trường hợp hiếm hoi khi nhận một Thiếp mời cưới con của một vị lãnh đạo cấp trên.  Có rất nhiều vị trong công tác chả có quan hệ gì, tình cảm riêng tư lại càng không, nhưng mình vẫn nhận được thiếp mời. Đó là văn phòng của cơ quan X gửi đến cơ quan mình một tập thiếp mời của ông lãnh đạo nào đó gửi mời những người ở cơ quan mình. Một hình thức mời như chuyển công văn, như chuyển giấy “tống đạt”! Đi cũng dở, không đi cũng áy náy…”.
Lại nhớ có anh bạn rất thân từ mấy chục năm rồi. Nhưng một bận, bạn cưới đứa con thứ ba, chả thấy hắn mời, chờ đến ngày vẫn không nhận được thiếp. Mình nghĩ, chắc túi bụi với công việc nên hắn quên. Cũng dễ hiểu thôi. Đôi khi do phải lo quá nhiều việc nên người ở xa thì nhớ, mà ở gần, thậm chí thân tình lại quên cũng là điều dễ hiểu. Đến ngày cưới, mấy ông bạn rủ: “Ông có đi đám cưới con nhà T không?”. Mình bảo: “Có chứ”. Thế rồi chẳng cần giấy mời, cứ đi… Đến nơi, thấy ông bạn đứng ngay cửa hôn trường đón khách. Bắt tay xong, bạn ghé vào tai nói nhỏ: “Bốn lần tôi đến tận nhà mời ông bà nhưng đều không gặp ai. Tôi đành quay về và nghĩ, sẽ sẵn sàng “chịu trận” với ông, chứ quyết không gửi thiếp mời qua tay người khác. Tính tôi, việc riêng của mình phải trân trọng nhau…”. Mình bảo: “Tôi hiểu. Nhưng với ông, không biết thì thôi, chứ đã biết, ông không mời tôi vẫn đến…”.
Ở hàng xóm nhà mình có một ông cán bộ hưu trí. Một hôm nhận được cái thiếp mời cưới. Tờ thiếp ghi: “Kính mời: bà N. Trân trọng kính mời bà đến dự Lễ thành hôn của 2 con chúng tôi”. Ông ấy bức xúc bảo: “Bà không được đi cái đám cưới này nhé. Xưa nay trong thiếp mời cưới, khi còn vợ, còn chồng thì phải mời Ông Bà, Cô Chú, hay Hai bác…tùy theo mối quan hệ. Đằng này nó làm như tôi chết rồi không bằng. Tất nhiên mời cả đôi chả mấy ai đi cả, trừ mối quan hệ đặc biệt. Nhưng nó ngu. Đi đám cưới con một thằng ngu thì đi làm gì!”. Thực ra ông ấy bức xúc cũng có lý khi hai người có hai cái “phông văn hóa” khác nhau.
Ấy là mình cứ “chém gió” linh tinh theo suy nghĩ của mình thế. Ai nghĩ khác thì bỏ qua cho lão già này nhé. Bởi Văn hóa là ứng xử tự giác, tự thân, theo nhận thức của mỗi người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.