5644. ĐÁM CƯỚI LÀNG

ĐÁM CƯỚI LÀNG 
Tản văn của Trần Kỳ Trung
Ảnh minh họa
PNTB: Đang vào mùa cưới năm nay, đọc bài này rất hợp, như uống rượu ở xứ lạnh, vào lắm.
Người cháu bên vợ làm đám cưới. Vợ nói: “ Anh có khiếu ăn nói, đi đám cưới cho cháu, thay mặt bên đằng trai, làm chủ trò nhé.”.  Một đám cưới vùng nông thôn, cách chỗ mình ở hơn hai trăm cây số, tận một làng ở Hoài Nhơn ( Bình Định)  muốn tìm hiểu, mình liền đồng ý với yêu cầu của vợ.
Đám cưới làng, mình đọc báo nhiều, xem ti vi, rồi youtube… cung cấp, thường đó là đám cưới ở nông thôn bây giờ  “mới”, “ cũ” … lộn tùng phèo, bia rượu ngả ngớn, say nói lè phè, thậm chí cả đánh nhau, còn MC pha trò với những câu chuyện tiếu lâm chọc cười rẻ tiền… nghĩa là văn hóa nhiều đám cưới làng đã “về mo”.
Nhưng, đám cưới mình dự, một đám cưới làng, không hiểu sao để lại trong mình một sự cảm thông, thương đến là thế.
Con đường dẫn vào nhà cô dâu, dễ cả mấy chục năm vẫn vậy. Một còn đường đất lồi lõm như sống trâu, qua cơn mưa tối trước, loang lổ những hố nước nổi váng vàng chân lội vào bước lên, thụt xuống phát ra những tiếng lõm bõm. Hàng cây dừa, muôn đời với những dáng độc, như một thân người gầy, gắng gượng sống, cố vươn lên, thi gan  chống chọi với thời gian. Ven đường là những ngôi nhà mái tôn màu xỉn loang lổ, chúi thấp mái như một người ăn mày ngồi ngủ gật, không có ai đỡ. Vẫn những đứa trẻ áo quần không lành lặn, chân đất đứng trước cổng nét mặt bám bụi sau những trò đùa nghịch ngợm, ánh mắt ngạc nhiên nhìn theo đoàn người đón dâu đi qua… Một hình ảnh không thay đổi của nông thôn Việt Nam, có dễ đến hơn ba mươi năm mình chứng kiến, vẫn y như vậy. Quang cảnh này gợi lên một hoài niệm tưởng như đã gìm chặt vào dĩ vãng, giờ cứ thế hiện rõ, cụ thể, không phải tưởng tượng, làm cho mình xúc động.
Một rạp cưới nhà gái dựng, không thể đơn giản hơn. Mấy miếng vải hồng, che xung quanh. Dăm ba  bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ đơn sơ được sắp đặt thành hàng, thành lối trên nền sân lầm cát, còn trên bàn là ngay ngắn những chén, ly sàng sứ sạch sẽ  để chủ nhà chuẩn bị đãi khách… Nhìn kiểu sắp đặt như vậy, mình cũng hiểu, đám cưới chắc cũng không nhiều món sang như những đám cưới thành phố mình đã dự. Mà cách bố trí này, gợi lại đám cưới hồi thời bao cấp, cũng nghèo, phông màn đơn sơ, vài bộ bàn ghế cũ kỹ… Cũng có điều hơn đám cưới thời bao cấp là ban nhạc quê, bao gồm mấy thanh niên biết đánh đàn tụ họp lại, nét mặt chất phác, áo quần không sang, phục vụ đám cưới tận tâm, ai hát cũng đánh đàn phụ họa theo, bất kể bài gì…
Họ nhà trai đến, bên ngoài chiếc cổng kết hoa nhựa, treo tòn ten hai chiếc đền lồng màu đỏ là họ nhà gái. Mấy người đàn ông, có lẽ lần đầu thắt caravat, mặc comlê… nên trông họ có phần ngượng nghịu. Lại mấy người phụ nữ, cũng áo dài, tóc búi, trên nét mặt có thoa chút phấn son… chỉ thế thôi mà họ cũng có vẻ như không quen, thỉnh thoảng lại ngoảng mặt đi chỗ khác, cười khúc khích. Đứng xung quanh là mấy người thanh niên cả nam lẫn nữ nhìn mình cùng họ hàng nhà chú rể với ánh mắt tò mò, ngó nghiên, tay chỉ chỏ.
Khi an vị xong, hai họ đứng lên giới thiệu. Bên đằng trai, mình đứng lên giới thiệu, chưa đến chục người, nên cũng không mất nhiều thời gian, nói ngắn gọn. Riêng đằng nhà gái, ông bác đứng lên, trông rất tội. Ánh mắt nhìn trước nhìn sau, đằng hắng một tiếng, nói trịnh trọng:
- Kính thưa các cấp chính quyền, thưa quan viên hai họ…
Mình nhìn quanh, hỏi nhỏ một người bên đằng gái:
 - Chính quyền cũng dự à!
Người đó gật đầu, nói vừa đủ nghe:
- Đám cưới hay cả … đám ma cũng phải mời họ. Không có là không xong. Sau này có xin chứng thực giấy tờ hành lên, hành xuống, khổ lắm!
Rồi ông ta khều nhẹ tay, bí mật chỉ cho mình một người đàn ông dáng béo trục, béo tròn, da mặt mặt hồng hào, mắt cúi xuống bàn, cười lơi lả với một phụ nữ ngồi cạnh, nói thì thào:
 - Ông phó bí thư  kiêm chủ tịch xã đấy!
Không hiểu sao cảnh ấy cũng làm cho mình cảnh giác, tý nữa có phát biểu gì cũng nên cân nhắc.
Ông bác bên đằng gái sau lời thưa gửi, giới thiệu tiếp đến những họ hàng, bà con. Mình để ý, bên đằng gái, trừ mấy người ông, người bác tuổi khá cao, còn lại toàn bà lão, đàn bà, con gái… Đàn ông là trung niên, thanh niên đi đâu hết cả rồi? Đến cả lúc cao trào là hát mừng, cũng chỉ mấy người con gái đứng lên hát, mà đám cưới lại hát toàn những bài hát buồn, buồn đến não lòng: “ Đừng xa em đêm nay, đêm rất dài…” Rồi một chị, có lẽ tuổi cũng đã lớn, hát được câu đầu, đến câu sau là khóc: “ Ba đi xa, ,thì con với mẹ. Mẹ đi xa thì con với ba. Cả nhà ta đừng đi đâu xa. Đi là nhớ, gần nhau là cười…” (1). Đám cưới, ngày vui mà khóc thì quá buồn. Nhưng hình như… nội dung bài hát đã nói đúng tâm trạng của những người phụ nữ ngồi đây, nên dứt bài hát, họ vỗ tay rất to đề nghị người phụ nữa kia hát lại và họ hát hòa theo. Mình thắc mắc, tự tìm hiểu mới phát hiện ra rằng: Làng này, đàn ông đủ sức, đủ tuổi thường đi làm xa để kiếm tiền nuôi gia đình. Một người bên đằng gái cho biết, không riêng gì làng này, các làng khác xung quanh đây đều thế cả. Ở nhà đói lắm, kiếm ăn khó lắm, phải đi xa, có khi đi biền biệt mấy năm mới về. Các làng nghèo đều vắng hết đàn ông, trong làng toàn đàn bà. Đàn bà vắng chồng, vắng cha, vắng con khắc khoải chờ đợi ngày đoàn tụ trong năm. Những ngày đợi chồng, đợi cha, đợi con chỉ mong có một chỗ dồn lại để hát, hát nỗi khao khát đến cháy bỏng: “… Cả nhà ta đừng đi đâu xa. Đi là nhớ, gần nhau là cười…”.
Vừa hát vừa ăn liên hoan, đám cưới làng, không cao lương mỹ vị. Nghèo, giản dị, chân tình. Món đầu, mình thấy, bánh cuốn chấm nước mắm ớt tỏi. Món sau mình thưởng thức, thịt heo cuốn bánh tráng. Món tiếp theo, bánh hỏi ăn với lòng heo luộc…Những món ăn dân giã, đúng giờ, đúng bữa, nên ăn rất ngon.  Ngon hơn nữa, gần như không có khách sáo, mỗi món bưng ra, lại có người khoe: “ Tôi làm đấy, anh ăn thử đi, xem có ngon không ?”. Thấy mình như không hiểu, người đó giải thích: “ Đám cưới của cháu, nhưng là của làng, mọi người cùng góp công vào cho cháu hạnh phúc. Món này, nhà này nấu, món kia, nhà kia nấu rồi đúng giờ mang đến. Tiền công xá, thực phẩm chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu làm thế nào để đám cưới mọi người cùng chung vui, ai cũng được hưởng, mấy khi được thế này…”.
Văn hóa làng, xã mặt văn minh, mình  tưởng giữa cảnh xô bồ này đã biến mất. Có lúc mình bi quan, như đi dự đám cưới ở thành phố chẳng hạn. Vào đám cưới  bỏ vội chiếc phong bì mừng hạnh phúc vào thùng, ký ngoằng một cái vào tấm vải để trên bàn rồi dắt vợ vào ngồi bên trong, bên tai những tiếng đàn, tiếng trống nghe chát chúa, người ngồi bên cạnh nói, cũng không biết họ nói gì.  Khung cảnh xung quanh ồn ào, cả hàng trăm người, có khi lên cả nghìn, ngồi cùng bàn cũng không biết mình đang ngồi với ai?  Ăn uống, hát hò tất cả như diễn, không hề có cảm xúc. Ăn thì vội, chưa xong món này, nhà hàng đã dọn, đưa lên món khác… Trên đứng hát, cứ hát, ai muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi,  rõ nhất là tiếng chỗ này “dô”, chỗ kia “dô”… nhuộm nhạm, lôm nhôm… Chỉ mong đám cưới mau kết thúc để về…
Đám cưới làng mình đang chứng kiến đây, rõ là nghèo, các món ăn gần như tự nấu, phía sau khói bếp đốt bằng rơm vẫn bốc lên thành ngọn, có lúc bị cơn gió đưa, khói theo vào vây lấy thực khách, mùi nồng nồng, ngai ngái. Mình cố hít mùi làng quê ấy, thấy thơm lạ lùng. Khách dự cũng là người quanh làng cả, nhiều tiếng chúc hỏi thăm nhau, từ chuyện làm ăn đến chuyện gả chồng, cưới vợ cho con cái y như trong một gia đình lớn.
Cũng có chỗ mà mọi người không dám ngồi gần, chỉ qua lại xã giao là chiếc bàn để riêng cho ông phó bí thư kiêm chủ tịch xã ngồi. Khuôn mặt ông đỏ hồng vỉ rượu, ngả ngớn vì nói, cười hỉ hả có vẻ như ăn ngon, bên cạnh mấy vị cao niên đang ngồi lặng lẽ tiếp rượu, đưa mồi cho ông ta.
Cũng là một hình ảnh “lạ” trong đám cười làng mình chứng kiến.
Lúc họ nhà gái tiễn họ nhà trai ra về, cô dâu theo chú rể, những ánh mắt buồn nhìn theo, cánh tay quệt hàng nước mắt, lời giã từ: “ Làm dâu nhà họ phải sống tốt nghe con, nhà mình nghèo chỉ còn cái đức. Con nên giữ để bên chồng trọng nhà mình …”
Họ nhà gái đi theo đoàn rước dâu một đoạn đường dài để tiễn…
Lên xe mình nhìn lại.
Xe đã nổ máy.
Vẫn mấy ánh mắt đó nhìn theo…
---------------------------------
(1) Lời bài hát "Cả nhà thương nhau" - Nhạc và lời: PHAN VĂN MINH

(Theo Blog Trần Kỳ Trung)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.