5636. TS. ĐOÀN HƯƠNG BỊ “VẠ MIỆNG”?

TS. ĐOÀN HƯƠNG BỊ “VẠ MIỆNG”?
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB 
Ảnh: Cố NSNA Nguyễn Thọ

TSKH. Đoàn Hương vốn là người nổi tiếng. Số đông, nhất là lớp trẻ từ lâu đã rất ngưỡng mộ chị, nhất là khi chị bình thơ. Chị có giọng nói khàn khàn mà hút hồn người, bởi nghệ thuật ngôn từ của một tiến sỹ văn chương được kết hợp với lượng tri thức khá phong phú, đa lĩnh vực. Trong nhiều năm qua, chị thường xuyên được VTV3, chương trình “Cafe sáng” mời đàm về nhiều chuyên đề hấp dẫn của cuộc sống. Điều đó càng làm cho chị trở thành NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG.
Mà phàm đã là người của công chúng thì thường bị săm soi. Nói không quá, có thể từng nốt ruồi nhỏ đến sợi tóc vương trên má…, đố có qua được con mắt số đông. Chỉ một chút sơ xuất, nhất là trong phát ngôn là có thể bị “ném”. Hôm 23/9, nói về chuyên đề “Vạ miệng”, Đoàn Hương “chém” rất hay. Chị dẫn câu của Đức Phật có dạy rằng, trên đời này có ba thứ mà khi buông ra không bao giờ lấy lại được. Đó là mũi tên khi đã rời cung, hai là lời nói và ba là thời gian. Thật trớ trêu, chính cái chữ “Vạ miệng” mà Đoàn Hương bàn trên sóng truyền hình hôm đó nó lại vận ngay vào chị…

Từ khi phát triển facebook thì ai bị ghét là có hiện tượng bị “ném đá, ném đất, ném cà chua trứng thối”. Nhưng cả khi yêu cũng vẫn có thể bị “ném”, ném yêu. Người đời thường mắng nhau cả trong khi yêu lẫn khi ghét. Chỉ có những người “vô danh”, không ai biết đến thì muốn làm dơi làm chuột gì cũng chẳng kẻ đoái hoài.
Với Đoàn Hương, mình đã từng có một kỷ niệm. Ấy là 15 năm trước (2002), trong một dịp tổ chức Đêm thơ của Hội Văn nghệ tỉnh, mình mời đích danh TS Đoàn Hương lên Lào Cai để tạo khí thế cho đêm thơ và cũng làm sang cho Hội. Xong việc, mình đưa Đoàn Hương với tư cách là khách quý đi thăm Sa Pa và chụp một bức hình lưu niệm. Bởi thế, khi thấy chị bị “ném đá” trong sự cố mạng mẽo vừa qua, mình có phần lưu tâm và hôm nay viết bài này.
Gần đây, một tờ báo phản ánh rằng: “Khi tham gia chương trình Café Sáng của VTV3 vào ngày 28/11, bàn luận xoay quanh đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, TS. Đoàn Hương đã có đoạn nói như sau: “Khi một ý tưởng mới ra đời, trước hết phải suy ngẫm, nhìn nhận nó bằng con mắt khoa học. Đây là một công trình khoa học cho nên phải có ý kiến của các nhà khoa học chứ không phải là một đám quần chúng không hiểu gì cứ ào ào vào ném đá…”.
“Ngay sau ý kiến này của TS. Đoàn Hương, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều, thậm chí là "ném đá" cho rằng, bà đã có phát ngôn không đúng, thiếu tôn trọng mọi người khi sử dụng từ "đám quần chúng".
“Một độc giả chia sẻ: “Tiến sĩ có nói câu "đám quần chúng không hiểu gì ào ào vào ném đá đấy". Có chắc họ không hiểu không. Tốt nhất xin lỗi đi!”. Một độc giả khác: “Bà có nghĩ rằng lời của mình nói đúng ngữ cảnh? Còn nếu là tiến sĩ ngôn ngữ mà vẫn không biết cách diễn đạt để người nghe hiểu đúng ý thì lỗi là của chính bà”…
Tóm lại, có thể chị đã “sểnh mồm” cái mệnh đề: “đám quần chúng không hiểu gì”, khiến dậy sóng dư luận? Âu đó cũng là “vạ miệng”?
Trước đó, TS Đoàn Hương cũng từng bị “ném đá” sau Chương trình Café sáng  ngày 23/9, đúng cái hôm luận đàm về “Vạ miêng”. Xin trích một đoạn (gỡ băng). Đoàn Hương: “Thực ra ở VN công bằng mà nói là chưa có văn hóa facebook và văn hóa mạng. Và trong các trường phổ thông người ta cũng chưa dạy các em học sinh điều ấy. Cho nên người ta coi facebook là một nơi mà người ta tưởng là người ta giấu mặt đi và ném đá vào người khác. Có một nhà báo đã nói rằng trong túi để sẵn một vài hòn đá và ném bừa vào đâu đấy và làm tổn thương bất kỳ ai…”. Nhà báo Hồng Cư: “Mà tôi nghĩ nhiều khi nguyên nhân sau xa có thể rất đơn giản là có nhiều thời gian rảnh rỗi…”. Đoàn Hương: “Hoàn toàn chính xác. Người ta đã có con số tổng kết rằng 50% trên facebook là vô công rồi nghề”…
Mình không muốn bình luận về những phát ngôn trên, vì cộng đồng mạng đã có quá nhiều ý kiến. Chỉ nghĩ rằng, dù là Tiến sỹ khoa học, đầy kinh nghiệm, thì chị Đoàn Hương cũng là một con người có đầy đủ tình cảm hỷ, nộ, ái, ố… và đã là con người thì không phải, không thể luôn luôn đúng, trừ Thánh Thần. Hơn nữa đều là những phát ngôn tức thời trong một chương trình đàm luận. Trong dòng hưng phấn của mình, khi đến một ngữ cảnh nào đó, với logic tư duy nào đó đã “buột miệng” một vài từ ngữ “nhậy cảm”, đụng chạm đến lòng tự trọng của số đông người nghe thì dư luận sẽ nổi sóng. Thiết nghĩ, trong rất nhiều cuộc đàm luận mà chỉ trong một giây phút nào đó “sểnh mồm” một hai câu, cũng không có gì khó hiểu. Vì thế theo mình, trong một chừng mực, cộng đồng chúng ta cũng nên phần nào lượng thứ? Còn về phía Đoàn Hương, nếu chị suy nghĩ thật kỹ, thấy câu nào phát ra hơi quá với thực tâm của mình, bị “vạ miệng” thì cũng nên có một lời xin lỗi. Thiết tưởng như thế, khác nào như tưới nước vào đám cháy. Tin rằng, hành động đó sẽ chỉ làm cho hình ảnh của chị đẹp hơn mà thôi, bởi xưa nay chị từng được đa số công chúng ngưỡng mộ. Chắc chắn sẽ không ai cố chấp. Số đông bao giờ cũng thông minh hơn chúng ta tưởng.
Nếu mình nhớ không nhầm thì chị Đoàn Hương còn lớn tuổi hơn mình? Vậy là cả ơ góc độ tuổi tác và trí tuệ, với mình, Đoàn Hương vẫn là người Chị đáng kính. Những lời chân thành này là xuất phát từ một người ngoài cuộc, tin rằng có thể khách quan hơn người trong cuộc.
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.