5572. Giải điều cấm kỵ: Mỹ học của cái Tục

Giải điều cấm kỵ: Mỹ học của cái Tục

Chu Mộng Long: Trước hết, tôi khen trình độ văn hóa và sáng tạo của cán bộ văn hóa Cần Thơ. Hình ảnh cái cổng mừng Xuân (hình ở cuối bài) là đẹp và có ý nghĩa. Cũng khá khen cho người phát hiện quan hệ phồn thực giữa cái hình ảnh trang trí ấy với chiếc quần lót phụ nữ.
Nhưng tôi lại không khen cái cơ quan an ninh văn hóa và truyền thông của Cần Thơ. Họ có mũi mà không có mắt. Đó là sự thiếu hiểu biết văn hóa, thậm chí đạo đức giả và đồng bóng.

Vẻ đẹp hình ảnh trang trí ấy thuộc mỹ học của cái Tục. Tục là phạm trù đối lập với cái Thiêng trong tư duy nhị nguyên, khởi đầu từ siêu hình học. Trước khi siêu hình học ra đời, nguyên nghĩa Tục là những gì thuộc thế giới trần tục – thế giới người, bao gồm cả ăn uống, tiêu hóa, lao động sản xuất… đặc biệt là hoạt động tình dục – cội nguồn của sự sinh sôi nảy nở. Ban đầu loài người tôn thờ cái Tục, cho nên Tục cũng là Thiêng. Tín ngưỡng đầu tiên của nhân loại là tôn thờ bộ phận sinh dục. Cho nên bộ phận sinh dục được cách điệu, được trang trí một cách trang trọng và trở thành cái thẩm mỹ. Bộ Linga – Yoni của Ấn Độ giáo là một điển hình tín ngưỡng phồn thực, cũng từ đó sinh ra các thần Shiva, Brahma. Cho đến nay, tín ngưỡng ấy vẫn còn dư sinh trong tâm thức nhân loại và lắng đọng trong chiều sâu của vô thức. Không phải ngẫu nhiên mà những thứ gắn liền với bộ phận sinh dục đều được trang trí đẹp đẽ; chẳng hạn như các mẫu mã của đồ lót, thậm chí là sự cầu kỳ của cái băng vệ sinh, “siêu mỏng”, “có cánh”, “an toàn và thoải mái”. Con người hơn động vật ở chỗ, nó luôn biết làm đẹp ngay trong những cái tưởng chừng không đẹp.
Cái Tục đối lập với cái Thiêng là do tôn giáo độc thần. Để tuyệt đối hóa vai trò thống trị của Thượng Đế chí tôn và các thánh thần tưởng tượng trên trời, độc thần giáo đã cấm dục. Như Thiên Chúa giáo cấm Adam – Eva ăn Trái Cấm, như Phật giáo chủ trương diệt dục… Với nhị nguyên luận đối lập tuyệt đối giữa Tục và Thiêng cùng với sự cấm dục, cái Tục bỗng dưng bị xem là cái xấu xa, bẩn thỉu, tội lỗi. Cũng bắt đầu từ đó, loài người rơi vào đạo đức giả. Một mặt, loài người vẫn phải dục (kể cả vục đầu vào cái đó) để sống, để sinh tồn, để tìm khoái lạc trần gian; mặt khác, nó lại tự chỉ trích cái cội nguồn sinh ra nó là xấu xa, bẩn thỉu, tội lỗi để chứng tỏ nó có đạo đức, văn hóa.
Tự xem mình do Trời sinh ra (Thiên tử) không liên quan gì đến bộ phận sinh dục của con người chỉ có thể là những ông vua của thời đại phong kiến độc tài toàn trị, trong khi không có ông vua nào không sinh ra từ bộ phận sinh dục và không mê đắm sắc dục. Sự hoang tưởng về cội nguồn thần thánh, đam mê sắc dục nhưng lại khinh bỉ cội nguồn đích thực sinh ra mình là một kiểu phức cảm có tính nhân loại. Freud gọi đó là một triệu chứng, một căn bệnh tâm lý của loài người, cần phải giải quyết trong nền văn minh của chúng ta.
Cách giải quyết tốt nhất là giải tỏa những cấm kỵ và xóa bỏ sự đối lập nhị nguyên của siêu hình học. Không có lý gì con người khinh bỉ, ruồng bỏ cội nguồn sinh ra mình. Không có lý gì con người từ chối cuộc sống trần thế để chạy trốn vào thiên đường hư ảo. Kẻ khinh bỉ, ruồng bỏ cội nguồn của mình là kẻ mất gốc. Kẻ từ chối cuộc sống trần thế là kẻ coi thường sinh mệnh của mình. Cái Tục là Thiêng nếu con người biết trân trọng yêu quý nó. Thiên đường nằm ngay trên trần thế chứ không ở cao xanh.
Siêu hình học là cha đẻ của giáo dục dối trá và cội nguồn của sự thống trị độc tài. Khi xem tồn tại là sự vô hình, con người đã từ chối cái hiện hữu vật chất nơi trần thế để đeo đuổi vào một thế giới khác và rơi vào vô minh. Ông vua thời phong kiến được sinh ra từ bà mẹ bằng da bằng thịt nhưng sau khi được sinh ra liền bị tách khỏi mẹ để có niềm tin rằng ta là Thiên tử. Đó là lý do anh ta nắm hết quyền sinh quyền sát trong tay và coi mạng người như cỏ rác. Đến con người bình thường của chúng ta cũng không thể biết được đầy đủ sự mang nặng đẻ đau của người mẹ, cái giờ phút mà người mẹ vượt qua cửa tử để có được một sinh linh nơi trần thế. Mỗi đứa trẻ ra đời trong nền giáo dục như vậy thường tưởng mình là con trời nên mới dễ có hiện tượng bất hiếu và lộng hành giữa nhân gian. Tôi nhớ một lần, đã lâu, bạn tôi có tâm sự qua email về sự ngạc nhiên khi sinh đứa con đầu lòng ở Mỹ. Sinh con xong, bệnh viện tặng một đĩa CD quay cận cảnh mình sinh nở. Hỏi để làm gì, họ bảo để cho sau này đứa bé xem và biết mình đã sinh ra như thế nào. Cái hình ảnh vật vã đớn đau ấy là giờ phút thiêng liêng để đứa bé không thể quên cội nguồn của mình.
Xem cái sinh ra mình xấu xa, bẩn thỉu chỉ có thể là bọn mất dạy!
Và tất nhiên, những bọn mất dạy ấy khi cầm quyền chỉ biết cấm kỵ, trừng phạt để chứng tỏ mình có dạy. Và khi cấm kỵ, trừng phạt người khác, bọn đó sẽ độc quyền làm chuyện mất dạy!
Cái cổng mừng Xuân mang hình ảnh cái Xuân tình, dù chỉ là cái vỏ bọc, là một sáng tạo độc đáo, có thể là sáng tạo rất vô thức theo nguyên lý dịch chuyển phân tâm học. Và sự liên tưởng của người xem cũng là sự trỗi dậy hiển nhiên của vô thức. Chẳng có gì là tục tĩu khi cả hai đều mang vẻ đẹp trang trọng, thiêng liêng nhất của cuộc sống trần thế. Nó tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ và sự phồn thực của mảnh đất Tây Đô.
Việt Nam có nhiều tôn giáo nhưng không là sự thống trị của tôn giáo độc thần. Nhãn quan mỹ học cổ đại lẫn hiện đại của nhân loại không xem cái Tục là xấu xa, bẩn thỉu. Việc cấm đoán hay trừng phạt thể hiện một tâm lý bệnh hoạn, đồng bóng và một triệu chứng độc tài không thể chối cãi!
————–
P/S: Các bạn nên nhớ cái Tục chỉ đẹp khi nó được trang điểm, cách điệu bởi ý thức và sáng tạo thẩm mỹ của con người chứ không phải phơi trần tự nhiên là đẹp. Điều này tôi sẽ viết trong một bài khác.
(Blog Chu Mông Long)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.