5570. Bi hài Cu Seo Sếnh

Bi hài Cu Seo Sếnh
Truyện ngắn: Nguyễn Ngọc Dương
Hình minh họa
Tên thật của hắn là Cù Văn Sinh, người Kinh, nhưng từ hồi lên miền núi, có quan hệ với người H’mông, người Dao… nên người ta gọi chệch tên hắn là Cu Seo Sếnh, một cái tên đặc dân tộc.

Cu Seo Sếnh là bạn tôi từ thời để chỏm ở vùng quê đồng bằng sông Hồng, đến nay đã thuộc lớp U70, cả hai đều sống ở miền núi. Sếnh có một cuộc đời khá đặc biệt, đáng viết thành truyện, nhưng tôi không phải nhà văn nên không viết được. Những gì mà tôi kể dưới đây về hắn chỉ là những nét chấm phá, nhớ đâu nói đấy, chứ chưa hẳn là bức chân dung của Sếnh.

Hồi mới lên miền núi, hắn khoảng ngoài 20 tuổi, béo như con chim cút, da dẻ hồng hào, trên môi lúc nào cũng thường trực nụ cười với mọi người. Sở dĩ cười được suốt ngày là vì trong đầu hắn lúc nào cũng có sẵn những chi tiết hài hước, ngồi đâu Sếnh cũng có thể chia sẻ. Để nói ra những chuyện buồn cười ấy, bao giờ hắn cũng cười trước, cười cho đã rồi mới kể. Kể xong, mặt hắn lạnh tanh, nhường cho người nghe đến lượt cười rũ rượi…

Đúng là không bao giờ thấy hắn buồn, chả biết buồn là gì. Đó chính là nét độc đáo nhất của Sếnh. Bởi thế, vừa từ miền xuôi lên, không có bằng cấp gì, học vấn chỉ lớp 5 bổ túc văn hóa, Sếnh đã được tuyển ngay vào cơ quan Phòng Văn hóa - Thông tin, được bổ sung vào bộ phận văn hóa quần chúng, thường đến với các đội văn nghệ ở cơ sở. Sau một thời gian, Sếnh được cơ quan cho đi bồi dưỡng lớp nhạc cụ 6 tháng, rồi về kéo đàn phong cầm (accordeon). Ai hỏi học ngành gì, hắn trả lời: “Tớ chuyên môn chơi cái đàn… dập ra dập vào!”…

Năm 1974, Sếnh lấy vợ, đẻ liên tục 6 lần, 7 con, (trong đó có một lần sinh đôi, 2 trai). Tổng số một gái, sáu trai. Suốt mấy chục năm qua, nhà Sếnh luôn thuộc diện nghèo nhất xã, nhất là hồi lũ trẻ còn nhỏ. Có lần đến chơi tôi chứng kiến, đến bữa, vợ Sếnh luộc lưng rổ khoai lang, bốc khói nghi ngút. Bọn trẻ mỗi đứa nhặt vài củ, tản mát ra góc sân, đầu hè, bờ ao, ngoài vườn…, thế là xong bữa. Có hôm chị nấu nồi gang cơm, luộc rổ rau muống ao. Cơm chín, chị bê ra cửa bếp, mở vung, lấy đũa cả xới tung nồi cơm lên. Con bé Nhớn cầm cái muôi ra đứng cạnh nồi cơm, gọi to: "Nào!… cu Nhỏ, cu Nhóc, cu Nháy, cu Nhít, cu Tỵ, cu Tẹo về lấy bát ăn cơm !". Không biết từ những xó xỉnh nào, bọn trẻ chạy ào vào chạn bát, lấy mỗi đứa một cái bát tô với cái thìa ra gần nồi cơm, xếp hàng trật tự. Đứa đến trước đứng trước, đến sau đứng sau, không chen lấn xô đẩy, không phân biệt nhớn bé. Thực ra thì chúng cũng sàn sàn trứng vịt trứng gà. Cái Nhớn cầm muôi vục vào nồi cơm, chia phần. Tất cả lần lượt chìa bát ra. Cái Nhớn úp muôi cơm vào từng bát cho chúng. Đứa nào xong, ra rổ rau luộc thò tay bốc một bốc và một nhúm muối trắng bỏ vào bát, rồi ra ngồi hiên nhà, cửa bếp, chân đống rơm, gốc cây khế… mà ăn rất ngon lành.

Cái giếng khơi nhà Sếnh đào ngay đầu bếp, nước trong veo. Nhưng chẳng có tiền xây, nên vẫn là giếng đất, miệng giếng quấn đai tre nứa. Sếnh đóng những cái cọc bằng tre rồi ken nứa vào. Lâu ngày mưa nắng mục, gầu nước kéo bằng tay, bị va chạm đã trầng ra mấy chỗ. Một hôm, Sếnh đang lúi húi dọn dẹp ở trên nhà, nghe một tiếng “ùm” ở giếng. Hắn giật mình, nghĩ ngay đến đàn con… Vợ Sếnh ở bếp rú lên: “Ối giời ơi, có đứa rơi xuống giếng rồi!”. Bọn trẻ đang chơi trên sân, chạy xô lại như đàn vịt. Sếnh từ trên nhà cuống quýt nhảy như con căng cu ru xuống “hiện trường”, không kịp cởi quần áo, tùm ngay xuống giếng, lặn một hơi tận đáy. Loáng cái ngoi lên, ướt như chuột lột, mồm lắp bắp: “Không, không thấy đứa…, đứa nào…!” Vợ Sếnh chỉ đầu từng đứa trẻ, lẩm nhẩm: “Một, hai, ba…”, rồi reo lên: “Đủ rồi, đủ bẩy đứa rồi!”. Thì ra miệng giếng lở một tảng đất, giờ mới nhìn thấy.

Những tưởng cứ như thế, bọn trẻ sau này lớn lên sẽ may mắn trong cuộc sống, vì chúng đều hiền lành, ngoan ngoãn. Nhưng cuộc sống vợ chồng Sếnh đã phải chứng kiến khá nhiều bi kịch.

Đầu tiên là Nhóc, một trong hai thằng con trai sinh đôi hồi 7 tuổi đi chăn trâu ở bãi sông. Một hôm, gần tối không thấy về, Sếnh ra bờ sông tìm thì chỉ thấy bộ quần áo và đôi dép để trên bờ. Con trâu vẫn gặm cỏ gần đấy. Một đứa bạn trẻ trâu bảo: “Lúc nãy thằng Nhóc xuống tắm dưới sông, nhưng mãi chả thấy nó lên”… Thế là “mất tích” một đứa!

Hai năm sau, đang yên đang lành, thằng cu Nhít tự dưng sốt cao, co giật đùng đùng, đưa đi bệnh viện không cứu được. Sau mới phát hiện ra, trước đó một tuần, nó bị một con chó hoang trên đường cắn vào tay. Nhưng nó giấu, bố mẹ không biết, thằng em nó biết nhưng không nói, lúc anh chết nó mới tiết lộ. Cu Nhít bị nhiễm virus dại.

Thằng cu Nhít chết mới hơn một giỗ thì cu Tỵ bị một cơn đau đầu bất tỉnh nhân sự. Cả nhà hốt hoảng đưa đi bệnh viện, nhưng cuối cùng nó lại đi theo hai thằng anh. Thấy nói nó bị bệnh não. Thế là chỉ trong vòng bốn năm, ba thằng con trai, toàn trùng trục như củ khoai củ sắn, cứ lần lượt ra đi, bất đắc kỳ tử.

Năm 60 tuổi, Sếnh về hưu. Bà vợ tên là Thắm, hồi trẻ còn buôn bán vặt, giờ tuổi cao, sức yếu, chỉ quẩn quanh nội trợ. Con gái lớn đã đi lấy chồng, nhà nó cũng nghèo, nhưng đã yên phận. Thằng Nhỏ, sau con Nhớn là trưởng nam cũng đã lập gia đình ở riêng, làm nghề tự do, chỉ đủ “hai tay vày lỗ miệng”. Nhà Sếnh bây giờ chỉ còn hai vợ chồng với thằng Nháy và thằng út Tẹo, chỉ trông vào suất lương hưu của hắn.
Sếnh bảo: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Vợ chồng con cái cứ bằng lòng với cuộc sống của mình, “nhiều no ít đủ”, nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống vẫn có nhiều người khốn khổ hơn mình. Thế nhưng, giời chẳng thương tình, một bận, thằng Nháy bị mắc bệnh phải đi viện Lao điều trị. Sếnh ở viện trông con hơn một tháng. Bệnh viện chật chội, tối bố chui gầm giường. Nhà nghèo, con nằm viện có đồng nào phải dồn cho những chi phí không thể đừng, nên thường xuyên Sếnh phải nhịn đói để lấy tiền điều trị cho con. Đến bữa, hắn chỉ mua cái bắp ngô, củ khoai hoặc ổ bánh mỳ ở cổng bệnh viện lót dạ… Người nhà bệnh nhân cùng phòng nhiều người biết chuyện, ái ngại thương tình nên có lúc tạo điều kiện giúp đỡ chút đỉnh. Có người mang cơm cho người nhà là bệnh nhân, nhưng bệnh nhân không ăn được, liền nói khéo: “Bác Sếnh làm ơn ăn đỡ tôi suất cơm, vì ông nhà tôi yếu quá không ăn được, còn nguyên si đây”. Sếnh vui vẻ cảm ơn. Hắn đổ tất cả thức ăn: thịt, rau, canh, nước mắm…vào cái bát tô đựng cơm, trộn nháo nhào lên rồi úp mặt vào tường, lấy thìa xúc một mạch hết…

Cuối cùng thì thằng Nháy cũng đỡ, được ra viện.

Trước hoàn cảnh khó khăn, một người bà con đang làm ăn ở thành phố, nhận thằng Tẹo làm người giúp việc, nuôi cho ăn và còn trả lương. Thế nên suất lương hưu hai triệu rưỡi của Sếnh bây giờ chỉ còn cáng đáng có 3 người, hai vợ chồng già với thằng con trai không có công ăn việc làm, cũng thấy dễ chịu hơn.

Dù đời sống có thế nào đi nữa thì với bản chất của mình, Sếnh không bao giờ biết buồn là gì. Vẫn tếu táo, vẫn hễ gặp người là cười hề hề. Không mấy khi lão kể khổ với ai. Từ hồi về hưu, câu lạc bộ văn nghệ Hội người cao tuổi của xã đến mời tham gia. Bây giờ thì lão không kéo cái đàn “dập ra dập vào” nữa. Đàn ooc là phổ biến, nhưng lão không có tiền mua, không biết đánh. Bù lại, câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi lại thịnh hành dân ca và chèo, mà lão đánh đàn nguyệt trong dàn nhạc dân tộc thì khá siêu, nên rất “đắt hàng”.

Vợ Sếnh tuy chưa đến lục tuần, nhưng mái tóc đã trắng phau, lại mắc bệnh cao huyết áp. Có lần gặp tôi Sếnh kể: Hôm rồi, tôi có ông bạn từ xa đến chơi, nhìn thấy Thắm, vợ tôi nằm võng, liền nhanh miệng: “Dạ con chào cụ, cụ lên chơi bao giờ đấy ạ!”…Đập vào mắt khách chẳng là mái tóc bạc như cước. Ông ấy cứ tưởng bà cụ thân sinh ra tôi!”… Thằng Nháy gần 30 tuổi, chả học hành gì, lại yếu ớt, nên thỉnh thoảng xin đi làm thuê việc vặt, được hay chăng chớ.

Một hôm đi giao lưu văn nghệ về, thấy người ta bảo, bà Thắm bị đột quỵ, hàng xóm đưa vào bệnh viện rồi! Lão Sếnh cuống lên, ném vội cái đàn nguyệt xuống nền nhà, gẫy đôi cần đàn, tung hết cả dây…, nhưng lão không còn thì giờ để nhặt đàn lên. Lão phi thẳng vào bệnh viện… Từ hôm đó phải trông nom vợ, không đi đâu được. Tuy nhiên, bạn bè đến thăm, lão vẫn cười hề hề: “Con người ta ốm đau, bệnh tật là chuyện thường tình. Thậm chí không qua khỏi, có chết thì cũng là cái số giời, ai mà cưỡng được”.

Thế rồi sau ba tuần nằm viện, vợ lão cũng đỡ, được về. Nhưng bây giờ thì đặt đâu nằm đấy, không thể tự bưng bát cơm ăn, cũng không thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Nhưng may là đầu óc vẫn còn tỉnh, chỉ nói hơi ngọng. Lão Sếnh phải túc trực 24/24 giờ quanh vợ. Những lúc rảnh chân rảnh tay, lão ngồi bó gối một mình thì nét mặt cứ phẳng lặng như nước hồ thu. Đó là những phút giây rất hiếm hoi. Nhưng có người đến thăm là câu trước, câu sau lão lại pha trò, đánh tan không khí u uất trùm xuống mấy gian nhà tranh, vách nứa.

Cô Hòa đang tuổi sồn sồn, chưa tới ngũ tuần, sống vô gia cư, đi làm thuê, làm mướn, được biết đến tài năng của Sếnh trong đội văn nghệ, nên rất ngưỡng mộ. Khi biết vợ lão mắc bệnh không còn sức, Hòa động lòng đến thăm và tự nguyện ở lại, không đi làm thuê nữa, giúp lão Sếnh trông nom người vợ “bán thân bất toại”. Từ hôm có Hòa, cái nhà cái cửa lúc nào cũng sạch sẽ, cơm nước tươm tất, nhất là việc phục vụ chị Thắm, nâng lên đặt xuống, bưng bô đổ vịt… Cả hai vợ chồng lão rất cảm động. Thôi thì thêm người thêm bát thêm đũa. Suất lương hưu hai triệu rưởi nuôi đủ bốn người. Không khí trong gia đình vẫn đầm ấm, hạnh phúc.

Có người hỏi, sao vợ Sếnh không ghen nhỉ? Công bằng mà nói, hồi còn trẻ, Thắm cũng thuộc loại hoa khôi, mà sau khi lấy chồng, “sư tử Hà Đông” vẫn phải gọi Thắm bằng chị, bởi Sếnh rất hào hoa phong độ, đi đâu cũng thấy bóng hồng bám theo. Còn bây giờ đã đến nước này thì còn ghen với tuông cái nỗi gì! Sông có khúc, người có lúc. Những khúc thượng nguồn lúc khoan lúc nhặt, lúc êm ả, lúc thác ghềnh. Bây giờ đã đến khúc cuối, ra đến cửa biển rồi, chẳng con sông nào có thể giữ riêng cho mình một nguồn nước. Thế nên cứ phải để cho nó hòa chung vào biển cả mênh mông, nơi không bến không bờ… 

Nhưng thằng Nháy lại bỗng dưng đổ bệnh. Vào bệnh viện huyện, sơ cứu xong, người ta phải chuyển thẳng lên tuyến 1, vì nó bị tai biến mạch máu não, bị giật méo mồm và liệt nửa người, giống y như mẹ…, quả là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”! Lão Sếnh lại lọ mọ chăm con ở bệnh viện hơn một tháng. Qua được cơn nguy biến, có thể thoát lưỡi hái tử thần, bệnh viện cho về để điều trị tiếp tại nhà, chứ nằm viện mãi không thể chịu được “nhiệt”…

Đến nay thì cô Hòa đã xác định phải ở hẳn trong gia đình nhà Sếnh để chăm nom cho cả vợ và con lão như một người ruột thịt… Thậm chí Hòa còn giúp Sếnh quản lý mọi sinh hoạt gia đình và cả thời gian đi văn nghệ của lão. Nhờ có Hòa mà thỉnh thoảng đội văn nghệ xã có biểu diễn hoặc đi giao lưu ở đâu, Sếnh còn có thể tranh thủ đi được. Trong những dịp tiếp xúc như thế có nhiều người thương mến lão Sếnh lắm. Mỗi lần đi giao lưu về, lão thường xách theo khi thì con cá, lúc mấy mớ rau, túi hoa quả... Khi phát hiện ra những thứ quà cáp đó phần lớn là của các bà đơn thân trong các câu lạc bộ, Hòa rất không hài lòng. Cô nói: “Này, từ nay anh không được nhận quà cáp biếu xén gì của ai đâu nhé. Đói cho sạch, rách cho thơm, không được nhận của ai. Anh mà mang về là tôi ném đi đấy!”. Hòa “ra lệnh” như một bà chủ thực sự.

Nhưng với cái tính vô tư, ai bảo gì cũng nghe, ai cho gì cũng lấy, lão vẫn mang quà về. Tuy nhiên nể cô giúp việc, nên nhiều lúc cứ phải nói dối, rồi giấu giấu qué qué, nom rất buồn cười. Hôm rồi, tôi đến nhà chơi, nhân lúc Hòa đi chợ, vợ Sếnh và con trai nằm ở gian trong, ngoài phòng khách chỉ có tôi và Sếnh. Bỗng thấy lão cười khùng khục một mình. Tôi đoán, chắc lại có chuyện gì vui. Cười xong, Sếnh hạ giọng kể: “Hôm trước, đi giao lưu văn nghệ, bà Thà Câu lạc bộ Người cao tuổi xã Xuân Hồng cho con vịt, vừa mang về đến nhà thì Hòa ở dưới bếp đi lên. Tôi vội ném con vịt vào đằng sau cái tủ. Hòa hỏi: “Hôm nay anh có xách quà cáp của ai về không đấy?”. Chưa kịp trả lời thì con vịt ở sau tủ bị con mèo nhẩy đến vồ. Nó vừa giãy xoành xoạch vừa kêu “cà à ạc cạc cạc cạc…!” làm kinh thiên động địa. Tôi ngắn tũn mặt, há hốc mồm, chẳng biết nói gì…”.

Rồi lão cười hì hì. Lão bảo: “Hôm rồi xem ti vi thấy mấy ông quan chức lãnh đạo lắm tiền nhiều của, sống như ông hoàng, bà chúa, hàng ngày uống cái rượu gì nghe đâu những mấy chục triệu một chai…Kinh quá! Trong tay có hàng trăm, hàng nghìn tỷ, muốn gì được nấy. Chỉ hắt hơi sổ mũi một tí là bay ra nước ngoài nghỉ dưỡng như mình đi chợ Gốc mít….Thế mà đùng một cái bị công an đến nhà xích tay, giam nhà đá. Giời ôi, rét thế này mà tối nằm sàn xi măng thì chịu thế đếch nào được… Hóa ra, mình vẫn sướng hơn bọn họ. Hì hì….
(Lào Cai, ngày cuối năm Đinh Dậu – 2017)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.