5623. Chu Mộng Long - Tuyên bố hậu 20/11
Chu Mộng Long -
Tuyên bố hậu 20/11
![]() |
Hình chụp hôm 24/10/2012: Một giáo viên dạy tiếng Anh cho các em học sinh một trường nội trú cấp hai ở huyện miền núi Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. |
Lẽ ra
tuyên bố sớm, nhưng vì với nhiều người, đây là ngày thiêng liêng như ngày giỗ
tổ của họ, cho nên phải chờ đến bây giờ mới tuyên bố, tránh gây sốc sinh căm
hờn!
Bắt đầu
từ ngày hôm nay, Chu Mộng Long, với tư cách là nhà giáo đã 25 năm đứng trên bục
giảng, tuyên bố tẩy chay các hủ tục trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Việc nhân ngày này, quan chức giáo dục cấp dưới lấy tiền quỹ cơ quan mua quà,
bỏ phong bì biếu tặng quan chức giáo dục cấp trên, các phụ huynh học sinh cho
đến sinh viên, học sinh các cấp đua nhau "đi thầy" bằng đủ các loại
hiện vật, phong bì phong bao, kể cả hoa quả là trái với cả 15 điều trong bản
Hiến chương của Nhà giáo.
Không chỉ trái với bản Hiến chương 15 điều về giáo dục nhân bản, khai phóng mà
nhân loại đã xây dựng cho giáo dục hiện đại, những hủ tục lâu nay trong ngày
nhà giáo còn trái với đạo đức, lương tâm nhà giáo. Nó làm cho dân khí bạc
nhược, dân trí thấp hèn. Nó tạo ra lối sống nịnh hót, tôn thờ thần tượng. Nó
làm cho nhiều nhà giáo bị ngủ mê trong những giá trị ảo. Chính nó sinh ra các
bạo chúa học đường với tâm lý nghiện quà, phong bì và hành hạ người học.
Không phủ nhận có những ứng xử nhân văn, quan hệ trong sáng giữa thầy và trò,
nhưng sự tôn sư trọng đạo theo cách lâu nay đã và đang làm chỉ là đạo đức giả.
Nó bị lạm dụng và làm cho xã hội đã suy đồi càng thêm suy đồi, quan hệ thầy trò
không còn trong sáng mà trở thành quan hệ tiền trao cháo múc, gây tổn thương
cho cả hai phía người dạy lẫn người học nếu cảm thấy còn có chút tự trọng và
nhân cách.
Sự thực, hủ tục Ngày Nhà giáo đang làm cho nhân cách người Việt, đặc biệt là
trẻ em, bị lệch lạc một cách nghiêm trọng!
Điều mà xã hội đang cần là nhà nước có chính sách tôn trọng nhà giáo bằng chính
giá trị của công việc và đồng lương chứ không phải đẩy mọi người vào tình thế
đãi bôi trong dịp lễ.
Nếu còn giữ gì đó ở ngày lễ này, đề nghị chỉ tổ chức nghi thức kỉ niệm chung
theo đúng tinh thần bản Hiến chương và cùng nhau cam kết thực hiện đúng Hiến
chương. Đó đã là tôn sư trọng đạo. Còn quà tặng chỉ là hủ tục thổ dân cần phải loại
trừ để vươn đến văn minh.
Ai đồng ý thì like. Còn cảm thấy khó chịu khi thấy mất phần thì cứ ném đá để
chủ trang biết đường tránh!
Chu Mộng Long
---------
HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO
Lời mở đầu
Các nhà giáo thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội, vì giáo dục trẻ
em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự
tiến bộ của toàn xã hội. Nghề dạy học đặt cho người thầy những trách nhiệm, và
những trách nhiệm này đòi hỏi những quyền tương ứng. Các nhà giáo cần có quyền
thực hiện một cách tự do toàn bộ những quyền dân sự và nghề nghiệp.
Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục,
nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học
sinh phát triển tư duy độc lập.
Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ,
khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn
hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai,
giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với
nhau.
Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da,
không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm
tin và định kiến của mình cho trẻ.
Nhà giáo không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều
1.
Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống
lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.
Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy
tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi
nhiệm.
Điều 4. Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm
và tự do chuyên môn của nhà giáo phải được tôn trọng, các sáng kiến cần được
khuyến khích, đặc biệt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo
khoa, cũng như trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn, thông
qua đại diện nhà giáo.
Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ
chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.
Điều 6. Tất cả các nhà giáo phải có quyền được đào tạo về mặt học thuật và
chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể, bao gồm cả những yêu cầu về
giáo dục để có thể theo học ở bậc đại học.
Hoàn cảnh xã hội và tài chính không được trở thành một rào cản để ngăn cấm một
sinh viên theo học để trở thành nhà giáo.
Điều 7. Nhà giáo cần được tạo cơ hội để tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên
môn. Họ có quyền tham gia các khóa học bổ trợ với sự hỗ trợ tài chính ở mức cần
thiết, kể cả việc tạo điều kiện đặc biệt để họ có thể tham quan, trao đổi ở
nước ngoài, nhằm giúp họ có kiến thức thực tế về cuộc sống của chính họ ở trong
nước cũng như ở nước ngoài.
Điều 8. Nhà giáo được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng
xã hội và giáo dục mà họ đảm nhận, để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề
nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính.
Đối với những nhà giáo có trình độ và thâm niên công tác ngang nhau, cần áp
dụng nguyên tắc trả lương công bằng, công việc như nhau thì lương cũng như
nhau, không phân biệt.
Điều 9. Nhà giáo được nghỉ có lương trong toàn bộ thời gian nghỉ của trường
học, được nghỉ ốm có lương và hưởng chế độ trợ cấp đầy đủ, kể cả trợ cấp cho
góa phụ, trẻ em và người phụ thuộc.
Điều 10. Nhà giáo có quyền được làm việc trong điều kiện thích hợp, với các
trang thiết bị cần thiết và quy mô các lớp học đủ nhỏ để giảng dạy hiệu quả.
Điều 11. Trang thiết bị trường học không nên phụ thuộc vào địa vị xã hội của
học sinh cũng như thể loại trường mà chỉ phụ thuộc vào mục đích hay nhu cầu
giáo dục. Các trường cần được cung cấp nơi ăn ở phù hợp để tạo điều kiện cho
đội ngũ nhân viên đủ trình độ, có thể đảm đương các dịch vụ chuyên biệt được
giao như chăm sóc y tế và nha khoa, cung cấp bữa ăn tại trường và giáo dục thể
chất.
Trường học cũng cần có các phòng thí nghiệm, phòng hội thảo và thư viện.
Điều 12. Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc
nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và nhà giáo, là phải loại
trừ áp bức và bạo lực.
Điều 13. Trẻ em lệch lạc về hành vi cần được giảng dạy trong các lớp học đặc
biệt nhằm điều chỉnh càng sớm càng tốt để các em có thể vào lớp học bình thường
và có cuộc sống bình thường.
Trẻ khuyết tật về thể chất không thể tham gia vào hoạt động học đường bình
thường cần được giáo dục trong các trường đặc biệt, bằng các phương pháp phù
hợp với đặc điểm và tình trạng khuyết tật của các em.
Điều 14. Cần hỗ trợ các nghiên cứu giáo dục tại các cơ sở giáo dục, nơi mà các
thực nghiệm về phương pháp có thể được tiến hành trong điều kiện thích hợp,
nhằm có thể đẩy mạnh tiến bộ của lý thuyết và thực hành về giáo dục. Cần có
dịch vụ thông tin để công bố các kết quả nghiên cứu.
Điều 15. Thông qua đại diện do mình bầu, nhà giáo cần có cơ hội để xây dựng các
chính sách nhằm cải thiện hoạt động quản lý các trường học và thực thi nghề
nghiệp của mình.
(FB.
Chu Mộng Long )
Nhận xét