5615. Lạm bàn về nói ngọng và viết sai chính tả

LẠM BÀN VỀ NÓI NGỌNG VÀ VIẾT SAI CHÍNH TẢ 

    HIỆN TƯỢNG
Người Việt Nam có ý thức dân tộc phải bắt đầu từ những việc nhỏ, như nói đúng âm chuẩn, viết đúng chính tả tiếng Việt. Muốn học ngoại ngữ, trước hết cần phải nói chuẩn, viết đúng chính tả tiếng mẹ đẻ.
Người nói ngọng, viết sai chính tả khiến công chúng nghi ngờ tầm văn hóa của người đó… Thôi thì những người lao động phổ thông, chân lấm tay bùn, ít được học, có nói, viết sai đôi chỗ còn châm chước được. Nhưng đã là chính khách, là trí thức như nhà giáo, nhà báo, nhà văn, diễn viên, ca sĩ…mà nói ngọng, viết sai chính tả thì thật khó coi. Có lần nghe một ông “cốp” phát trên sóng truyền hình: “Kính thưa đồng chí Lông Đức Mạnh…”, lão Mộc hàng xóm nhà tôi hỏi: “Này ông ơi, Tổng bí thư Đảng đổi họ rồi à?!”…
Trong phát âm chuẩn tiếng Việt (theo âm Hà Nội), trên đại chúng phổ biến được mặc định chấp nhận một vài phụ âm nói thay thế phụ âm khác cùng cặp. Ví dụ: MẶT TRỜI phát âm thành MẶT CHỜI, RÉO RẮT thành GIÉO GIẮT hay DÉO DẮT, TRUNG BÌNH thành CHUNG BÌNH… Phát âm trên Đài TNVN hay Đài truyền hình quốc gia hầu hết đều thế cả. Điều đó không thuộc phạm trù nói ngọng.
Tuy nhiên, sự lẫn lộn giữa phụ âm L và N thì rất khó chấp nhận. Một chính khách đứng trước diễn đàn Quốc hội mà nói NÍ NUẬN, hay NÀM ĂN,  HÀ LỘI thì đến trẻ con nó cũng phì cười.
2.    MỘT SỐ TỪ DỄ VIẾT SAI
2a. Phụ âm S/X.
Nhiều người, kể cả một số tờ báo hay viết sai cặp phụ âm này trong một số từ như NĂNG SUẤT thì viết thành NĂNG XUẤT; SUẤT ĂN thì viết thành XUẤT ĂN; SÚC TÍCH thì viết thành XÚC TÍCH… Nguyên nhân chính là khi phát âm không chuẩn được mặc định chấp nhận nên khi viết cử tưởng thế là đúng.
2b. SÁP NHẬP và SÁT NHẬP, KHUYẾN MÃI và KHUYẾN MẠI, TRI THỨC và TRÍ THỨC.
Theo Từ điển tiếng Việt, khi nhập 2 cơ quan lại thành 1 hoặc 2 tỉnh thành 1 tỉnh…thì phải viết chính xác là SÁP NHẬP. Theo từ Hán Việt, chữ SÁP: () nghĩa là Cắm vào, chêm vào, kết hợp với chữ NHẬP, thì thành SÁP NHẬP có nghĩa là gộp lại. Thế mà không ít trường hợp cứ viết thành SÁT NHẬP (!) Từ SÁT NHẬP về bản chất chả có nghĩa gì, nhưng Từ điển tiếng Việt cũ (1977) giảỉ thích là “biến âm của từ SÁP NHẬP”.
Trong tiếng Việt, do yếu tố lịch sử, được sử dụng phần lớn những từ Hán Việt, do người sử dụng không hiểu gốc gác của nó nên dùng tùy tiện thành ra nhiều khi không chuẩn. Theo tôi, từ KHUYẾN MÃI (một từ Hán Việt) bị dùng không chuẩn thành KHUYẾN MẠI khá phổ biến. Hán ngữ phiên âm ra Việt ngữ chữ MÃI là MUA, chữ MẠI là BÁN. Trong Từ điển tiếng Việt có từ “Mãi lộ” được giải thích là tiền phải nộp cho bọn côn đồ để được đi qua (nghĩa là MUA đường).  Khi một nhà kinh doanh muốn KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI MUA bằng việc giảm giá hay tặng thêm khách hàng cái gì đó thì họ đều có quảng cáo, nhưng không dùng từ KHUYẾN MÃI (khuyến mua) mà lại dùng từ KHUYẾN MẠI (khuyến bán). Tất nhiên người ta cũng vẫn hiểu nội hàm của khái niệm dùng chưa chuẩn này là khuyến mua.
TRI THỨC là những hiểu biết tiếp thu được của con người trong quá trình hoạt động trí óc. Ví dụ Tri thức khoa học; tri thức toán học; tri thức triết học, xã hội học… Còn TRÍ THỨC là để chỉ những CON NGƯỜI làm việc bằng trí óc đến một mức độ nào đó. Thông thường như Giáo sư, Tiến sĩ, Luật sư, hoặc Cử nhân khoa học nói chung; những Nhà văn, Nhà báo… Tóm lại TRÍ THỨC là con người có TRI THỨC. Thế nhưng trong thực tế nhiều người sử dụng lẫn lộn từ này, thậm chí có ngài mệnh danh “trí thức” cũng sử dụng… lộn vèo! Ví dụ họ viết: “Anh ấy là một con người giầu TRÍ THỨC (!)”, hoặc “Chúng ta cần phấn đấu để làm giầu TRÍ THỨC của mình bằng cách tiếp thu có hiệu quá TRÍ THỨC của nhân loại”. He he, chán mớ đời!  
2b. ĐẠT và ĐOẠT
Chữ ĐẠT và ĐOẠT đều là từ Hán Việt. Theo Từ điển tiếng Việt hiện tôi có thì chữ ĐẠT có đến 5 nghĩa: 1: Gửi tới (tống đạt văn bản); 2. Đạt mục đích (phấn đấu); 3. Thu được kết quả thực hiện (đạt thành tích sản xuất hay học tập…); 4. Thông suốt (thấu lý, đạt tình…); 5. Nói vận may: Vận đạt.
Còn chữ ĐOẠT có 2 nghĩa: 1. Cướp lấy (Đoạt sóc Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan – nghĩa là Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù. Thơ Trần Quang Khải). 2. Chiếm được phần thắng (Đoạt giải vô địch, Đoạt cúp VAPA, Đoạt cúp vàng Hội chợ thương mại….).
Những người, những tổ chức hoạt động đều phấn đấu để ĐẠT thành tích phấn đấu như năng suất, sản lượng trong sản xuất, trình độ tiếp thu trong học tập… thể hiện ở mức độ, khối lượng tri thức có được. Đó là mục đích thì dùng chữ ĐẠT là chuẩn. Nhưng khi đi thi thố chiếm được bằng khen, được cúp…thì phải dùng chữ ĐOẠT, vì cái đó không phải mục đích của hoạt động. Hoạt động sản xuất hay học tập… mà chỉ mong đạt mục đích Bằng khen, Cúp này nọ…thì sẽ sinh ra bệnh giả dối, thậm chí có thể bỏ tiền ra “chạy” cho được những thứ vinh danh ấy để đạt "mục đích". Nếu coi thứ đó là "Mục đích" thì thật hão huyền, háo danh.
Một Biên tập viên của một tờ báo ngành ở trung ương “khoe” tôi: “Có nhiều người gửi bài đến báo tôi lại viết “ĐOẠT giải thưởng này nọ”, khi biên tập, tôi cứ phải chữa lại là ĐẠT giải…”.
Nghe xong, tôi chả biết nói gì, chỉ nghĩ bụng, biên tập thế thì “lợn lành chữa thành lợn què!”… 
Những chữ sai chính tả (sưu tầm trên mạng): 








Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.