5599. Hát lên sau “Bài ca tháng 10″…

Hát lên sau “Bài ca tháng 10″…
Hà Hiển /Tản mạn
Mình đã chăm chú xem từ đầu đến cuối chương trình văn nghệ và lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do BCHTW đảng CSVN, quốc hội, chủ tịch nước và mặt trận tổ quốc tổ chức do VTV phát trực tiếp sáng Chủ nhật vừa qua.
Nhận xét chung: Phần hội có nhiều bài hát Nga và Việt làm cho những người ở lứa tuổi U50 – U60 nhớ lại những kỷ niệm thời quá khứ của mình, trong đó có những hình ảnh của Liên Xô và mối tình hữu nghị Việt – Xô một thời. Phần lễ trang trọng với bài diễn văn dài của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Còn sau đây là một vài cảm nhận cụ thể hơn:
1) Diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – mình chăm chú nghe nhất đoạn sau đây:
“Càng nhớ ơn sâu sắc, gắn bó mật thiết với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, với những cống hiến vô giá của nhân dân Liên Xô đối với nhân loại và mối tình thắm thiết Việt – Xô bao nhiêu, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chúng ta càng đau xót bấy nhiêu trước biến cố đầy bi kịch xảy ra ở Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Vẫn biết cách mạng là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp, không phải là con đường bằng phẳng, dễ dàng, có khi nó phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, quanh co, khúc khuỷu, thậm chí có lúc tạm thời thất bại, thụt lùi, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng trước biến cố đó. Với tinh thần cách mạng trong sáng và tính khoa học nghiêm túc, một mặt, chúng ta kiên định đánh giá khách quan về ý nghĩa bất biến của Cách mạng Tháng Mười cũng như những thành tựu và cống hiến to lớn của Liên Xô trước đây; mặt khác, chúng ta cũng tỉnh táo nhận diện những nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa tới sự việc đau buồn đó; và điều quan trọng hơn là cần rút ra những bài học sâu sắc để tiếp tục kiên trì và kiên quyết theo đuổi mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tránh rơi vào những sai lầm đã làm Liên Xô đổ vỡ.
Ngay từ năm 1991, Đảng ta đã nhận định rằng, biến cố lịch sử này có nguyên nhân sâu xa là, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và quốc tế, cũng có những khuyết điểm, sai lầm chậm được phát hiện và khắc phục, nhất là về những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới cùng với việc xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó. Đặc biệt, có hai nguyên nhân cơ bản và trực tiếp liên quan chặt chẽ với nhau: Một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ trong quá trình cải tổ; và hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện mục tiêu xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Đặc biệt khi Tổng Bí thư đề cập 2 nguyên nhân gây ra “biến cố đầy bi kịch” này “Một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ trong quá trình cải tổ; và hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện mục tiêu xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa” thì mình để ý xem sắc mặt của các quan khách Nga được mời tham dự xem thái độ của họ ra sao để đoán trong số họ có ai đã từng là đảng viên cộng sản đã “mắc sai lầm” hoặc thậm chí là “thế lực thù địch” đã từng thực hiện “diễn biến hòa bình” ở Liên Xô ngày trước. Họ là ông đại sứ và các nhân viên của Đại sứ quán Nga, có thể có thêm một số sinh viên hay những người khác được mời tham dự buổi lễ này. Thú thật là rất khó để đánh giá thái độ của họ qua nét mặt vì từ đầu đến cuối mình thấy nét mặt khá đăm đăm của họ gần như không thay đổi và không có bất cứ một biểu cảm đặc biệt nào.
2) Chương trình văn nghệ: Các nghệ sĩ hát hay, múa dẻo, các bài hát cùng hình ảnh minh họa khắc họa khá ấn tượng không khí của cách mạng một thời với màu đỏ rực chủ đạo và các chiến sĩ hồng quân cưỡi ngựa bắn súng trên sa mạc… Rất thú vị là mình được nghe lại bài hát do 2 nữ ca sĩ trẻ đẹp vừa đi vừa hát hỏi nhau rằng ở nước mình “bạn thích cây gì nhất…”. Riêng câu “Một mùa thu tháng tám con đường ấy, đường chúng tôi đi theo con đường Bác Hồ” thì hình như không đúng nguyên bản. Mình nhớ lời bài hát mình nghe được ngày xưa là “đường chúng tôi đi theo con đường tháng Mười”. Chẳng biết vì sao lại đổi lại như thế. Nhưng mà thôi, không sao, minh thấy hát thế nào cũng phải. Bác Hồ cũng đi theo con đường cách mạng tháng Mười và cả bác và cách mạng tháng 10 đều đã trở thành quá khứ rồi. Hãy cứ hát lên hoặc nghe để cùng nhớ về một thời quá khứ bạo liệt cho nó máu !
Trong bài hát ấy còn có câu “Bài ca tháng 8 hát lên sau bài ca  tháng 10” chắc là tác giả có ngụ ý cách mạng tháng 8 của Việt Nam là tiếp bước của cách mạng tháng 10. Đấy là cách mạng tháng 8 ở Việt Nam. Còn ở Liên Xô năm 1991 cũng có cách mạng tháng 8 và “bài ca tháng 8” ấy ở nước Nga vĩ đại còn được viết sau cả “bài ca tháng 8” ở Việt Nam những gần 50 năm. Không biết 100 năm tới còn những “bài ca” tháng nào sẽ được hát tiếp nữa không?
Còn hôm nay, khi nghe lại những bài ca trong chương trình văn nghệ này,riêng bản thân mình thì thấy thời gian như lùi lại đến tận nhưng năm 1977 hay 1987 vào những dịp kỷ niệm 60 hay 70 năm cách mạng tháng Mười và lại nhớ hồi ấy vừa ăn bo bo vừa suốt ngày nghe những bài hát ấy trên làn sóng phát thanh hay trong các chương trình văn nghệ cả chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Lại nhớ câu hỏi của bác Cả “không biết 100 năm nữa có tiến lên được CNXH không?”. Xem chương trình này xong, mình cảm giác như quay trở về quá khứ hàng chục năm, và vì thế có lẽ phải cộng thêm vào “100 năm không biết” ấy ít nhất cũng hàng chục năm đã biết rồi ấy nữa?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.