5572. XÚC ĐỘNG KHI NGHE CA KHÚC CHÈO GIỖ ĐỒNG ĐỘI

XÚC ĐỘNG KHI NGHE CA KHÚC CHÈO GIỖ ĐỒNG ĐỘI

(Clip tải từ YouTube)

GIỖ ĐỒNG ĐỘI là ca khúc chèo do nghệ sĩ Quốc Anh soạn lời theo làn điệu Du Xuân, đã có nhiều ca sĩ hát. Nhưng mình có cảm tình nhất với chất giọng và cách thể hiện của NSUT Thùy Linh.
Tình cờ bắt gặp giọng hát Thùy Linh trên YouTube với ca khúc này, bỗng bị hút hồn. Nghe liền ba lần, mà lạ, lần nào cũng không cầm được nước mắt. Từ trổ mở đầu, với kỹ thuật nhả chữ rất chuyên nghiệp, rất có mầu, mượt mà, tròn vành, rõ tiếng, vang, rền, nền nẩy, đầy đặn ...đã thu hút người nghe.
Tuy nhiên, chỉ khi bắt đầu vào trổ 1 với lời văn: “Xót thương tiểu đội giỗ chung một ngày” thì nước mắt mình bắt đầu trào ra. Trổ hát này, cả lời ca đến người thể hiện tiếp tục lấy “cái lông ngỗng” phẩy nhẹ vào trái tim người nghe những câu đầy hình ảnh: “Người Hà Nam, người Thanh Hóa chưa đầy tuổi hai mươi, thịt xương vùi lấp khắp đồi”... Câu văn như thế của một giai điệu chèo trữ tình do NSUT thể hiện mà không trào lệ mới là lạ. Sau đoạn nhạc lưu không, vào tiếp trổ 2 “Nỗi đau mất bạn cuộc đời khôn nguôi/ Lòng tôi thương nhớ bồi hồi…và khi nghệ sĩ thả những câu: “còn một mình tôi về thăm bạn dưới chân đồi…” thì trái tim người nghe như nghẹn lại và nước mắt lại trào.
Sự thổn thức của con tim người nghe được dịu dần sau 16 nhịp của đoạn nhạc nền, mình tranh thủ lau nước mắt, ngỡ giờ thì không còn phải lau nữa. Nhưng không, bắt vào trổ 3 với những câu: “Nén hương tôi thắp giữa trời hôm nay, cúi lạy cỏ cây. Tôi nghe dưới đất dày vọng đến đâu đây...”. Vâng, không phải như người ta thường nói lạy hương hồn các anh hùng liệt sĩ, mà ở đây có sự bất ngờ là “cúi lạy cỏ cây”! Lạy cỏ cây cũng là lạy hương hồn các anh, những người bạn đồng ngũ xấu số, xưa kia là xương là thịt, còn bây giờ chỉ thấy cỏ cây! Chính sự thật thà dung dị ấy có ai ngờ đã lấy đi thêm của người nghe những giọt nước mắt tiếc thương, tiếc thương cho các chàng trai “chưa đầy tuổi hai mươi” mà “thịt xương vùi lấp khắp đồi…”.
Tuy nhiên, sau 2 phách xuyên tâm, câu văn lại là “…hành quân vang khúc hát ngân dài” thì đã bộc lộ một sự cố ý của tác giả soạn lời để vẽ ra một cái gì đó không còn đau thương, không còn buồn chán, như bỗng tỉnh ra sau phút giây xúc động. Tác giả cố tạo một hình ảnh “đẹp” của những người đồng đội đã chết vẫn như còn hành quân và hát vang “khúc hát ngân dài”…
Vâng, chính câu kết sáo ấy, (tất nhiên phải viết như thế cho nó lạc quan) mà mình hết thổn thức, chỉ còn lại một tiếng thở dài…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.