5566. Làm người tử tế: Dễ mà khó!

Làm người tử tế: Dễ mà khó!
 Quốc Phong  

MTG - Bế mạc Hội nghị Trung ương 6 sáng ngày 11.10, Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến khâu xử lý cán bộ sai phạm thuộc diện BCH Trung ương quản lý, đã đánh giá: Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.
Hôm nay 12.10, chúng ta đưa tiễn Phó giáo sư Văn Như Cương (1.7.1937 - 9.10.2017) trở về với cát bụi. Ông là một nhà giáo nổi tiếng, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học (bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1971 tại Liên bang Xô Viết), nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1, người khai mở đầu tiên cho hệ thống trường phổ thông dân lập của nền giáo dục của chế độ ta (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội).
Thầy Văn Như Cương đã hơn một lần nói với các bậc phụ huynh rằng: “Đối với con cái, nếu yêu cho roi vọt là quan điểm sai lầm, thì yêu cho ngọt cho bùi cũng sai lầm không kém”. Ông ra đi để lại nỗi nhớ tiếc cho biết bao thế hệ học trò không chỉ của ông mà rất nhiều người khác quan tâm đến sự phát triển giáo dục nước nhà. 
Hôm nghe tin thầy Cương đi nằm viện vào tháng 3 vừa qua, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh đã lên ý tưởng thực hiện món quà tinh thần đầy ý nghĩa, đó là dàn đồng ca khổng lồ 4.000 trò hát bài hát truyền thống nhà trường và hàng nghìn cánh hạc giấy bay lên với lời cầu chúc: "Mong thầy khỏe mạnh để trở về!"
Câu chuyện trên  đã khiến cộng đồng mạng xúc động thật sự. Sự kiện trên cũng chẳng khác gì cảnh hôm mới rồi, tập thể cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân Viện Huyết học và truyền máu Trung ương chia tay GSTS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng nghỉ hưu.
Trên báo điện tử Zing, tôi thấy có câu chuyện thật đáng suy nghĩ về chuyện con người ta, ai cũng có thể có thiếu sót; điều quan trọng là biết nhận ra và cầu thị, biết sửa chữa. Tờ báo kể rằng: Nghiêm khắc và luôn hướng đến sự trọn vẹn cả về đạo đức lẫn kết quả học tập như vậy, nhưng bản thân thầy Cương cũng nói con người không ai hoàn hảo cả, thầy cũng có lúc phạm lỗi. PGS Văn Như Cương từng kể năm 2013, có lần thầy ngồi xe máy đèo ba cùng hai người bạn mà không đội mũ bảo hiểm. Một học trò nhìn thấy viết thư cho thầy: "Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người". Nhận được thư, thầy bất ngờ và cảm động: "Cảm ơn em đã có lời nhận xét và phê bình… Thầy có lỗi, thầy xin lỗi !"
Câu chuyện nhỏ ấy khiến thầy trở nên đáng mến, vì dũng cảm nhận lỗi trước học trò. Sự dũng cảm còn thể hiện sự kiên định trong triết lý giáo dục của nhà giáo này suốt 30 năm nay. Cách giáo dục nghiêm khắc ấy có kẻ khen, người chê nhưng tình cảm của nhiều thế hệ học sinh với thầy giáo 80 tuổi thì không thể phủ nhận.
Như vậy, để làm người tử tế ở đời, cũng không thật quá khó. Song, nếu chúng ta lại nghe thầy khuyên trò mình rằng: "Các em có thể trở thành người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác... nhưng trước hết, phải là người tử tế !" thì xem ra thật không hề dễ chút nào!
Phải chăng đây chính là chiếc chìa khóa "giải mã" vì sao nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi chia tay các thành viên Chính phủ khoá trước bỗng dưng nói rất "gan ruột" về câu chuyện ông mong được "làm người tử tế". 
Như vậy, làm người tử tế là rất khó chứ đâu dễ nếu chúng ta không luôn tu dưỡng, dù là vào cuối đời! 
Tôi thì hay suy luận theo kiểu của người làm báo, có lẽ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 2 chục năm từng là thành viên các cấp của Chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ cũng thấy được những gì mình đã làm được và chưa làm được cho đất nước nên mới nói những lời "gan ruột" của ông đến vậy chăng? 
Bất giác tôi lại nhớ, mà có lẽ cũng không phải là điều vô tình khi mới đây, hôm 7.10, tại Hội trường Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính sau khi trao quyết định của Bộ Chính trị cho tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa do ông Nguyễn Xuân Anh trước đó đã mắc phải một số khuyết điểm nghiêm trọng nên đã bị cách chức Bí thư Thành ủy và cho thôi chức Ủy viên Trung ương. Ông Phạm Minh Chính đã nhắc lại những vi phạm, khuyết điểm của một số lãnh đạo thành phố vừa qua, và nói: "Đây quả là điều đau xót mà không ai mong đợi, nhưng nó đã xảy ra". 
Ông Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ với cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và gia đình ông Xuân Anh, một gia đình có truyền thống cách mạng, trưởng thành lên cũng từ mảnh đất này: “Tuổi trẻ năng động sáng tạo sẽ giúp đồng chí rút ra bài học sâu sắc trong cuộc đời công tác, làm việc của mình để phấn đấu vượt lên, tiếp tục là người đảng viên có nghị lực, bản lĩnh chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức và trưởng thành, có đóng góp cho Đảng, Nhà nước và Đà Nẵng trong thời gian tới”... 
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng kêu gọi mọi người trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ và người dân Đà Nẵng tiếp tục giúp đỡ ông Nguyễn Xuân Anh trở thành đảng viên tốt, có những đóng góp cho đất nước, cho Đảng và nhân dân...
Bế mạc Hội nghị Trung ương 6 sáng ngày 11.10, Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến khâu xử lý cán bộ sai phạm thuộc diện BCH Trung ương quản lý, đã đánh giá: Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc. Nhấn mạnh đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng ủy viên Ban chấp hành trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện: "Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa)", Tổng bí thư cảnh báo...
Làm một người tử tế, điều tưởng khó mà cũng thật dễ và điều tưởng dễ mà sao thật khó nếu như chúng ta nghiệm lại từ những điều nêu trên. Song dù là khó hay dễ thì bao giờ cũng cần xem như một lẽ sống, một sự phấn đấu ở mỗi con người chúng ta, dù có làm công việc gì đi nữa trong xã hội này thì cũng thế! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.