5564. TÙY BÚT VỀ THƠ

TÙY BÚT VỀ THƠ
PNTB

Nói đến THƠ thì mình “ngoại đạo”. Phát một câu thế cho vuông. Thế nhưng không có nghĩa là mình mù tịt về Thơ. Cũng cảm nhận được thơ hay và thơ dở. Loại dở thì có nhiều cách gọi khác nhau. Ví dụ nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần viết: “Nhiều người bảo bây giờ lắm thơ quá, đất nước mình “lạm phát” thơ. Nhưng không phải. Thơ đúng là thơ, tức thơ hay vẫn hiếm. Có chăng chỉ nhiều VĂN VẦN hay VÈ mà người ta cứ ngộ nhận là thơ…”.
Trong bài: “Bộ Y tế nên có thuốc đặc tri cai thơ”, Trần Đăng Khoa viết: “Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khắc Trường, tác giả của cuốn tiểu thuyết lừng danh “Mảnh đất lắm người nhiều ma” bảo: “Nhà nhà làm thơ – Người người làm thơ – Vè nhất định thắng – Thơ nhất định thua”. Mình nghĩ, chắc không phải anh Trường chê vè, vè cũng có giá trị của nó, nếu nó có ích cho cuộc sống. Chắc anh muốn nói không nên đánh lộn vè với thơ, vì thơ phải “đau” đời như đau đẻ, có khi cả tháng, cả năm mới ra được một câu, một bài, còn vè một ngày viết cả trăm câu. Cứ có trình độ tuyên truyền (tuyên giáo) là làm được vè…
Điều đáng nói là những tập “vè” ấy bây giờ được xuất bản như… lá rừng. Từ các NXB chuyên ngành Văn học đến các NXB ban ngành trung ương hay địa phương đều có thể cho ‘ra lò’ bên cạnh số ít những tập thơ “đường được”, thì có quá nhiều những tập “lá rừng”, vô thưởng vô phạt, nhạt như nước ốc, mấy ai muốn đọc. Trong cái đống "hỗn mang" như núi ấy, người đọc đỏ mắt bới tìm, mất thời gian, công sức đọc, nhưng đa phần chỉ thấy những chữ vô nghĩa, tối tăm, rối rắm, chả rung cảm, vun đắp, nâng đỡ tâm hồn con người, chả phục vụ gì cho đời sống, cho quốc kế dân sinh. Đặc biệt là loại văn vần sáo rỗng, nghe như đang gân cổ lên hô những khẩu hiệu có sẵn thì nhiều. (Tất nhiên ngoại trừ cái thời còn ‘trứng nước’, ông Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng) nói thẳng: “Tôi viết bài thơ /Ghép bằng khẩu hiệu”…Nó có nhu cầu trong điều kiện lịch sử nhất định. Nhưng cái thời ấy qua lâu rồi). Nói không ngoa, hiện nay có không ít “tập thơ” in khá đẹp, nhưng nó sáo sến, bắt chước nhau đánh bóng chữ, song chỉ góp phần làm… “ô nhiễm môi trường” thơ!
Thực ra, hiện tượng này chỉ “phát triển” từ sau “đổi mới”, chứ trước kia không bung bét ra như thế.  Nguyên nhân chính là do:
- Có nhiều người sính thơ, trong đó cả quan chức nghỉ hưu, rỗi rãi. Đêm nằm chắp vần, sáng ra gọi bạn bè đến khoe là đã sáng tác ra… thơ. Dù đọc lên nghe như văn vần, thì cũng không bạn bè nào nỡ thật thà chê bai, mà thường thốt ra vài lời khen ngợi cho vui vẻ, cho lành. Vì khen thì chả mất gì, ngược lại mà chê có khi mất bạn như chơi. “Văn mình, vợ người”, âu cũng là chuyện thường tình. Được khen, đêm mai lại ra bài nữa! Thế rồi một tháng là có cả một tập “thơ” thậm chí “trường ca”, khiến “tác giả” ăn không ngon, ngủ không yên vì… sung sướng!
-  Thơ làm được nhiều, mà chỉ “úi sùi xó bếp”, tức là chỉ đọc cho mấy anh bạn già hoặc trong câu lạc bộ người cao tuổi nghe thì họ cho là phí… của giời! Thế nên phải tìm đến Nhà Xuất bản, nhất là những nhà xuất bản ngành Văn, để in thì nó mới sang. Những thằng muốn chê cũng “ngọng”, vì bằng chứng là Nhà xuất bản quốc gia về Văn chương đây nhá. Mở mắt to ra mà dòm này!... Những người yếu bóng vía nhìn thấy cũng… hãi hết hồn!
Thơ như thế mà các NXB vẫn duyệt, vẫn in? Điều này quá dễ hiểu và cũng dễ thông cảm: Nếu không cho in thì… “đói”. Lương anh em trong NXB ba cọc ba đồng thì sống sao đặng trong cơ chế thị trường? Đọc qua tập thơ chỉ cần có vần có vè, câu chữ vô thưởng vô phạt không đụng chạm đến chính trị chính em, đến quốc sự, chỉ nói về hoa lá, chim bướm, yêu đương chung chung, nhòa nhòa nhạt nhạt là ô - kê. Vậy nên thơ mới được xuất bản nhiều đến thế! Mình không có điều kiện thống kê về “năng suất”, “sản lượng” thơ của đất nước trong thời gian qua như thế nào, nhưng chắc hẳn khó có nước nào trên thế giới sánh kịp!...
Thực ra, trong nhân dân ta có nhiều người thích làm thơ, làm để giải tỏa nỗi niềm riêng tư, hoặc chia sẻ tâm hồn với bè bạn, người thân thật sự đồng cảm…Thì đấy cũng là một nét văn hóa đáng yêu. Tuy nhiên, lợi dụng cơ chế “có tiền mua tiên cũng được”, nên cố “mua” lấy cái giấy phép của những NXB danh tiếng để lòe thiên hạ… thì chả đáng yêu tẹo nào!...
Còn nhớ, có ông cỡ Trung Ủy - bí thư tỉnh lúc sắp hưu ra mấy tập thơ liền, in hàng nghìn cuốn để “quảng cáo” tài làm thơ. Có những bài được mấy cha nhạc sĩ đàn em dán giai điệu vào để “chắp cánh” cho thơ bay cao, bay xa… Trước mặt quan chức này toàn thấy những lời có cánh. Nào là thơ Anh nhân văn, thơ Anh như đã có sẵn nhạc, tiếng là làm chính trị mà Anh thật sự là người giầu tâm hồn nghệ sĩ…Nghe bài thơ của Anh được phổ nhạc mà sởn da gà, vì nó quá hay!… Nhưng lúc vắng mặt, cũng mấy thằng này ghé tai nhau: “Háo danh cả thôi. Thơ với chả thẩn nghe như cái con củ cặc!”
Có lẽ cũng một phần do thơ sản xuất ra quá nhiều, khiến nhiều người dị ứng với thơ, như thể người ta bị bội thực. Thế nên TS – Nhà văn Phạm Duy Nghĩa đã viết: “Người ta đi dự Ngày thơ chủ yếu là đi chơi, đi xem chứ không phải là đi nghe thơ, thưởng thơ - Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nói gì cũng được, xin đừng đọc thơ - tâm lí ấy, lâu nay, là có thực”… Như vậy, đến thơ hay còn chả muốn nghe nữa là…!
Nói về vấn đề này, chắc cả ngày không hết chuyện, toàn chuyện bi hài. Vậy thôi không nói nữa, xin trích hai câu thơ, thực chất là một bài thơ được cho là hay của một nhà thơ trẻ - khiếm thị Nguyễn Việt Anh để kết cho tùy bút này:
 “Gồng mình lên để nói không
Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi”.
Chỉ hai câu lục bát, chẳng cần đến trường ca nhưng nó khái quát được một nỗi niềm về cuộc sống cộng đồng. Khi VĂN HÓA DỐI TRÁ lên ngôi thì những gì CÓ người ta cứ nói thành KHÔNG. Khi nói CÓ thành KHÔNG thì phải “gồng mình”, phải lên gân lên cốt, phải cãi cối cãi chày… Ở đây, nhà thơ trẻ khiếm thị Nguyễn Việt Anh, dù không còn đôi mắt để nhìn trực diện những kẻ “nói Có thành Không” ấy, nhưng bằng trái tim nhân hậu, anh vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ “CHI BẰNG NÓI CÓ CHO LÒNG NHẸ VƠI”.
Ai bảo thơ như thế không hay?!  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.