5548. CAO QUÝ & THẤP HÈN

CAO QUÝ & THẤP HÈN
PNTB

Trên trang Đại Kỷ nguyên tiếng Việt, tác giả Văn Nhược đã tổng kết bốn phẩm chất cao quý của con người. Có thể nói, đây là những nét văn hóa phổ quát thuộc về trí tuệ & nhân cách, khiến cho ai đó được người đời ngưỡng mộ (nếu anh cao quý) hay khinh khi (nếu anh thấp hèn).
Đó là: Biết nhận sai; Khoan dung; Biết buông bỏ và Thành tín. 
Phân tích những nội dung đó, tác giả Văn Nhược viết hơi dài và có vẻ vẫn thiêu thiếu...
Vì thế mình tóm lược lại theo ý hiểu của mình như sau:
1.BIẾT NHẬN SAI
Cổ nhân có câu: “Ngẩng đầu giải thích không bằng cúi đầu nhận lỗi”. Nhưng đối với con người Việt Nam ngày nay, “cúi đầu nhận lỗi” đang trở thành thứ văn hóa xa xỉ, nhất là những cá nhân hay đơn vị làm hỏng việc. Chính Lenine, người thầy của Chủ nghĩa cộng sản từng viết: Ai cũng có thể có khuyết điểm, nhưng chỉ những kẻ ngu xuẩn mới không biết nhận và sửa chữa sai lầm…Ấy thế mà hậu duệ của ông bây giờ có nhiều người khi sai lầm thì chỉ mất thì giờ “đau đầu” tìm cách đổ lỗi loanh quanh cho người khác, cho khách quan này nọ...Dân mạng thì nói tếu là “Cãi chày cãi cối!”
2.KHOAN DUNG.
Đó là sự mềm mỏng mà có hiệu quả hơn hẳn cứng rắn, hùng hổ. Nhiều khi hùng hổ rốt cục chỉ là hổ… giấy. Người kém trí tuệ không thu phục được nhân tâm thường hay sử dụng biện pháp hùng hổ. Văn Nhược ví von hình ảnh cái răng và cái lưỡi. Cái răng ra đời sau cái lưỡi, nhưng nó cứng, có lúc còn cắn nhầm vào lưỡi làm chảy máu. Nhưng cuối đời thì răng cứ rụng dần. Còn lưỡi, mềm mại như thế vẫn bền và thọ cùng nơi sinh ra nó.
3.BIẾT BUÔNG BỎ.
Buông bỏ không có nghĩa buông xuôi, nhưng khi cần thì vẫn có thể buông bỏ những cái đã từng cho rằng không thể bỏ. Buông bỏ có liên quan đến “biết nhận sai”. Nhận thức là một quá trình. Trước kia tưởng nó hay nó tốt thì ôm lấy, mang về dùng. Nay thực tế thấy nó dở hơi thì bỏ đi, tiếc làm gì. Cứ níu kéo mãi cái lỗi thời chỉ thêm gánh nặng cho cuộc sống. Ở trong nhà, có nhiều đồ dùng cũ kỹ, lạc hậu nhưng ném cho đồng nát thì tiếc. Để lại thì vướng víu, cản trở, biết đâu một ngày nào đó nhà anh biến thành cái… thùng rác.
Tất cả đều biến chuyển khôn lường, chẳng có gì vĩnh cửu cả. Điều này thì cả Khổng Tử, Hegels và Marx đều giống nhau.
4. THÀNH TÍN.
Khổng Tử dạy muốn trở thành người quân tử phải thực hiện “Tam Cương, Ngũ thường”. TÍN là một trong 5 chữ của Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).
Nôm na, chữ Tín nghĩa là phải tạo được lòng tin của bạn hữu, của tất cả những đối tác có quan hệ.
Muốn có Tín thì phải Trung thực, nói sao làm vậy. Chứ “Nói lời chẳng giữ lấy lời/ Cứ như con bướm đậu rồi lại bay” thì mất hết lòng tin, bởi: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Một khi cứ nói khơi khơi, nói xong rồi thì hoặc “đầu voi đuôi chuột” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Thậm chí: “nói một đằng, làm một nẻo”, “Nói mà không làm”, “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”…Tất cả đều đã vùi dập mất chữ Tín.
Bốn đức tính trên nếu thực hiện tốt thì trở thành cao quý, trái lại là thấp hèn. Ấy là mình nghĩ vậy.
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.