5455. Lan man chuyện chó mèo…, nghĩ về cái ác…
Lan man chuyện chó mèo…, nghĩ về cái ác…
Nguyễn Ngọc Dương/PNTB
1.
Năm lên 8 lên 9, tôi thường
hay đi chăn trâu với người anh họ lớn hơn 3 tuổi. Một hôm thấy anh ra bãi muộn
hơn mọi ngày, vừa cưỡi trâu vừa khóc. Tôi hỏi:
- Anh bị thày anh đánh à? Anh
lặng thinh. Khuôn mặt vẫn buồn rượi, đôi mắt đỏ hoe. Lát sau anh kể:
- Con Vện người ta bán mất rồi,
họ mua để làm thịt. Nói đến đấy anh lại bưng mặt khóc…
Mọi ngày khi cưỡi trâu ra
đồng, con Vện le te chạy theo sau, cái đuôi ngoáy tít như phất cờ, vừa chạy vừa
hít hít vệ cỏ hai bên đường như thể định tìm một cái gì. Nhưng hôm nay không có
nó, cả hai anh em đều mất một “thằng bạn” rất thân và “được việc”. Con Vện rất
khôn. Anh lấy hòn đất ném vào bụi dứa dại, bảo vào bắt chuột ra đây. Nó xông vào
bụi dứa. Vừa khịt khịt vừa ăng ẳng một lúc rồi lôi ra một con chuột đồng. Miệng
ngoạm “chiến lợi phẩm”, bốn chân “phi nước đại” đến bên chủ, ngửa cổ chờ “ý
kiến giải quyết”…Khi hai anh em mải đánh khăng, con trâu định lân la đến bên
ruộng lúa, chưa kịp vặt khóm nào thì con Vện đã ngậm cái dây thừng kéo trâu ra…
Anh kể, chiều qua có người đến mua, anh dứt khoát không cho bán. Thày bu anh và tốp thợ mua chó tìm mọi cách dỗ dành để anh đồng ý. Nhưng không xong. Anh bảo, không ai được đến gần con Vện. Hai ông thợ chó cầm một cái que bằng cành tre đực dài hơn cánh tay, ở đầu que có buộc một sợi dây thừng đánh thòng lọng, cứ nhăm nhe, nhăm nhe... Còn anh thì thủ sẵn hòn đất bằng cái đấu và tuyên bố: “Chú nào vào gần con Vện, cháu sẽ cho ăn củ đậu…”. Thế là họ về.
Anh kể, chiều qua có người đến mua, anh dứt khoát không cho bán. Thày bu anh và tốp thợ mua chó tìm mọi cách dỗ dành để anh đồng ý. Nhưng không xong. Anh bảo, không ai được đến gần con Vện. Hai ông thợ chó cầm một cái que bằng cành tre đực dài hơn cánh tay, ở đầu que có buộc một sợi dây thừng đánh thòng lọng, cứ nhăm nhe, nhăm nhe... Còn anh thì thủ sẵn hòn đất bằng cái đấu và tuyên bố: “Chú nào vào gần con Vện, cháu sẽ cho ăn củ đậu…”. Thế là họ về.
Cơm tối xong, lên giường ngủ,
anh gọi con Vện đến gần, nằm ngay cạnh giường. Nhưng sáng ngủ dậy thì không thấy
nó đâu! Đêm qua họ đã bắt nó đi lúc nào rồi! Anh bị choáng, ngồi khóc và nhất
quyết không đi chăn trâu nữa. Thày anh dỗ dành: “Con mà không đi chăn trâu, nó
sẽ chết đói mất. Đống rơm nhà mình cũng sắp hết rồi!...”. Dùng dằng mãi, cuối
cùng vì thương con trâu đói, anh vẫn phải cưỡi nó ra bãi, mà trong lòng thì
không nguôi nhớ thương con chó, nhất là hình dung thấy người ta làm thịt nó.
Có nhiều dân tộc trên thế
giới không ăn thịt chó. Ngay ở trong nước, tộc người Dao cũng vậy. Nghe đâu chó
có liên quan đến truyền thuyết Bàn Vương, thủy tổ người Dao… Nhưng người Việt
nói chung, thịt chó lại là món khoái khẩu. Ở vùng đồng bằng Bắc bộ có câu:
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ chết xuống âm phủ biết có hay không”. Có thể
nói, thịt chó là một trong những món ăn đặc sản mà ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng
có hẳn một khu phố chuyên thịt chó lừng danh…
2.
Đã từng chứng kiến người ta
mổ chó ở nhà quê, tôi không sao quên được.
Con chó bị trói giật cánh khuỷu, treo ngược lên gốc cây cau, đầu dốc
xuống. Mõm con chó đã được quấn chặt bởi một sợi lạt mềm, khiến nó không thể
kêu, không thể cắn, chỉ ư ử ư ử như người khóc trong oan ức. Rớt dãi nó phì ra
hai bên mép, đôi mắt gườm gườm nhìn con người. Những giọt nước mắt của nó nhỏ
xuống như thay cho lời van xin mạng sống…
Lúc ấy trong đội hình “đao
phủ” người thì mài dao, kẻ thì chuẩn bị một cái chậu nhôm rắc vào dúm muối ăn để
hứng tiết canh; người thì chuẩn bị bó rơm khô để thui; người thì đi hái lá
húng, kẻ lại bắc nồi nước lên cái bếp tạm kê bằng mấy hòn gạch ở góc sân để làm
nồi luộc lòng, luộc sỏ. Có lẽ do đói nghèo triền miên nên “đánh chén” trở thành
một nét “văn hóa” của người Việt? Những cuộc mổ chó để đánh chén bao giờ cũng
nhộn nhịp tưng bừng.
Ám ảnh nhất là lúc người ta
cắt tiết, hóa kiếp con vật khốn nạn. Đầu tiên là vặt bớt lông ở cổ con chó. Một
người cầm dao cứa một nhát. Máu đỏ rịn ra. Người kia lấy cái đũa chọc vào vết
cắt, lần đến một động mạch lớn khều ra rồi dùng con dao rất bén cứa một nhát.
Máu tươi vọt ra như cầu vồng. Người thứ ba hứng vội cái chậu. Người ta thò cả
bàn tay vào chậu tiết khua khoắng cho tan muối để tránh máu đông. Bàn tay con
người vấy máu đỏ lòm…Con chó cố sức giẫy dụa, nhưng hoàn toàn bất lực. Nó gồng
mình lên, tưởng như có thể làm đứt được cả một búi dây thừng thít chặt bốn
chân…Tiếng ư ứ của nó phát ra cùng với những giọt nước mắt trào mạnh. Mũi dãi
nó sùi ra quanh sợi lạt càng nhiều. Thế mà cái đuôi vẫn ngoáy tít như thường
ngày nó mừng ông chủ, bà chủ đi xa về…Chỉ mấy phút sau, từ hậu môn của nó đùn
ra một đống phân, suýt nữa thì rơi vào chậu tiết. Con chó đuối sức dần, không
còn giẫy dụa nữa. Có lẽ hồn nó đã lìa khỏi xác, về với kiếp khác. Không biết
kiếp sau nó có làm chó nữa không?!...
3.
Riêng mổ trâu thì đến nay tôi
mới chỉ chứng kiến một lần. Mổ trâu không phải chỉ ở một xóm, dăm bẩy nhà như
mổ chó. Thường thì mổ trâu là “việc làng”, cả làng đều có mặt dù có được ăn hay
không. Phải là đình đám, hội hè thì mới mổ trâu. Thấy nói thời xưa là những nhà
địa chủ giầu nhất làng, nhất xã, nhất tổng có đại sự hay quan nghè vinh quy bái
tổ mới mổ trâu để khao làng, khao tổng. Nhưng đã có mổ trâu, mổ bò thì tiếng
bay khắp vùng chứ không thể dấm dúi được. Chả thế thành ngữ có câu: “Cứ ầm ĩ như
mổ bò!”…
Con trâu có “án tử” được dắt
ra bãi đất trống ở đầu làng, buộc đó từ sáng sớm. Khoảng bẩy tám giờ, người ta
bắt đầu “hành hình” cái con vật “đầu cơ nghiệp” ấy. Đội quân “đao phủ” khá
đông. Một người cầm cái vồ gỗ (ở quê tôi thường dùng đập đất chân ruộng màu),
tiến lại gần con trâu, giơ cao cái vồ lên, đập một nhát thật mạnh vào vùng hành
tủy đầu trâu. Con vật to khỏe như thế mà không kêu được một tiếng. Nó đổ vật
xuống như một cây cổ thụ bị đốn. Thế rồi họ bâu vào làm những gì nữa thì tôi
không dám xem tiếp, bởi cảm giác ghê sợ vì sự sát sinh của loài người khôn
ngoan đối với con vật ngu dại…
4.
Đời tôi chưa bao giờ dám chủ
động giết một con vật bốn chân, (chỉ có vài lần bắt buộc phải mổ con gà con
chim). Duy có một bận, cách nay đã 39 năm ngộ sát con mèo mà cứ ám ảnh mãi. Mỗi
khi nhớ lại vẫn cảm thấy tội lỗi và ghê sợ. Năm 1978, thời kỳ cả đất nước còn
đang chìm trong chế độ bao cấp bằng tem phiếu, mỗi người dân chỉ được phân phối
vài lạng thịt tiêu chuẩn một tháng. Những người lớn tuổi, sống trong giai đoạn
ấy chắc đến nay không thể quên cái cảm giác thèm khát miếng thịt, con cá như
thế nào. Nhà ai nuôi được vài con gà mà mổ một con là vô cùng quan trọng.
Một hôm có ông khách quý tới
nhà, tôi mới dám mổ con gà 7 lạng. Luộc xong, chặt riêng hai cái đùi đặt vào
đĩa để lên nóc chạn dành riêng cho con gái cưng mới bốn tuổi. Quay đi quay lại,
con mèo quắp mất, tha lên tận đỉnh đồi. Tôi giận quá. Khi con mèo chén xong 2
cái đùi gà quay lại bếp, tôi điên tiết vớ cái que khời bếp vội vàng đập cho nó
một cái. Cũng chỉ định “cảnh cáo” bệnh ăn vụng của nó, nhưng chẳng may, nhát
đập vào đúng yếu huyệt trên đầu con vật. Thế là nó lăn ra giẫy một lúc rồi… tắt
thở! Tôi vô cùng ân hận. Ông hàng xóm bảo, thịt mèo ngon lắm… Nhưng tôi còn
bụng dạ nào mà làm thịt con mèo để ăn? Tôi nuôi nó mấy năm giời, quý nó lắm,
thậm chí đi đâu mấy ngày còn nhớ... Vợ tôi đành cho ông hàng xóm mang đi…Sau
khi ăn ông ấy khoe: lúc mổ, trong dạ dày của nó vẫn còn đầy thịt gà… Tôi sởn tóc
gáy, và cái hình ảnh ấy cứ ám mãi đến giờ.
Từ đó, tôi không nuôi được
mèo, nhà có chuột nhưng nuôi con mèo nào là chết con ấy. Chẳng duy tâm nhưng
trong lòng vẫn nghi ngờ mối liên hệ với việc ngộ sát con mèo ngày xưa!..
Từ nhiều năm nay, tôi không
dám nhìn người ta làm thịt những con vật bốn chân. Tất nhiên không phải người
tu hành nên tôi vẫn ăn thịt súc vật như mọi người. Nhưng có lúc đang ăn nghĩ
nghĩ ngợi ngợi thế nào lại quay ra gắp rau… cho lành. Thế mới biết, đạo Phật
chủ trương không sát sinh cũng có lý. Bởi khi người ta thường xuyên sát sinh
con vật máu mê bê bết như thế, sẽ dẫn đến chai lỳ cảm xúc, cũng dễ “dạn dày” và
coi thường cái chết của đồng loại! Phải chăng điều đó làm cho cái thiện và cái
ác chỉ còn một ranh giới mong manh? Không phải ngẫu nhiên mà luật pháp và dư
luận xã hội cấm hay phản đối việc phổ biến những hình ảnh bạo lực, kể cả hành
vi bạo lực với loài vật...
Từ những con vật, tôi hay
liên tưởng đến con người, dẫu biết rằng con vật và con người “khác nhau về chất”,
như triết học Karl Mark đã chỉ ra. Rằng con người có tư duy, lý trí, tình cảm;
con người có ngôn ngữ, hiểu khái niệm, phạm trù…, còn con vật thì không. Nhưng
tôi cho rằng, tuy con vật không biết nói, nó vẫn có tình cảm, có tri giác, biểu
tượng và cảm giác đau đớn như con người, khi bị gây thương tích…
5.
Hàng ngày đọc trên mạng, chứng kiến thế giới bao nhiêu tội ác. Hình như ở những đất nước mà nền văn hóa
càng thấp, sự phân hóa cộng đồng càng lớn thì tội ác càng nhiều? Nền giáo dục
nào chỉ quan tâm dạy khoa học mà thiếu dạy nhân cách thì cái ác dễ phát sinh, có
khi phát sinh ngay ở học đường? Chế độ chính trị nào độc tài, thiếu dân chủ thì
vũ khí tự vệ của họ chỉ có bạo lực là chính, phương thức ổn định xã hội của họ
sẽ thiếu đức trị và không dung nạp nền pháp luật công minh? Điều đó đồng nghĩa
sự dung dưỡng cái ác?
Người ta thường nói, ác như
loài dã thú... Phải chăng muốn nói loài thú cắn xé nhau, xé xác nhau để ăn
thịt, như hổ báo với hươu nai, như sư tử với thỏ, như cáo với gà… Song, đó là
quy luật sinh tồn. Chúng sẽ không tồn tại được nếu không làm điều đó. Nhưng loài
vật không “khôn ngoan” trong sự giết hại đồng loại…
![]() |
Một người dân Bắc Kinh đứng chặn trước đoàn xe tăng trên Đại lộ Trường An ngày 5/6/1989. Bức ảnh này đã trở thành biểu tượng cho cuộc biểu tình tại Thiên An Môn. Ảnh Reuters. |
Con người thì khác. Lịch sử
ghi nhận con người từng giết nhau không biết ghê tay. Chỉ nhìn lại mấy chục năm
qua, đã có nhiều cuộc giết người để lại dấu ấn nhơ nhuốc trong lịch sử nhân
loại. Nổi bật phải kể đến như vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc, những cuộc giết
người trong cách mạng văn hóa và giết người cướp nội tạng trường phái Pháp luân
công cũng ở nước này. Họ đã cố bưng bít nhưng gần đây đã phát lộ. “Cái kim bọc
giẻ lâu ngày cũng ra”. Một điển hình nữa là cuộc diệt chủng ở Campuchia diễn ra
trong khoảng giữa 1975 đến 1979 dưới chế độ Khme đỏ do Pôn pốt lãnh đạo. Họ đã
giết đồng loại bằng công cụ của thời trung cổ - dao, cuốc, búa chim… để hóa
kiếp từ 1.4 đến 2.2 triệu người, khoảng 25% dân tộc này? Tuy con số người chết
vẫn còn đang tranh cãi, nhưng hàng nghìn ngôi mộ tập thể đã được khai quật,
xương sọ người chất như núi! Trên Wikipedia đã chép: “Một lãnh đạo Khmer Đỏ nói, phải "thanh lọc quần
chúng"[12], và các vụ giết người bắt đầu”… Còn
nhiều lắm những cuộc thảm sát khác chỉ sau một cái hất hàm, phẩy tay hay đưa mắt của kẻ
có thế lực…
Người đàn ông được xếp hàng để thực hiện
trong cuộc diệt chủng Campuchia. C. Năm 1975
Nguồn: https://www.pinterest.com/pin/442126888389852285 |
Sự giết hại lẫn nhau ghê gớm
nhất phải kể ra là những cuộc chiến tranh tàn khốc trên khắp thế giới. Chiến
tranh thường là do mâu thuẫn của bộ máy cầm quyền các quốc gia. Những cuộc
chiến tranh phi nghĩa đem đến hậu quả “Trâu
bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Có khi chỉ vì một cô công chúa, mà hai nước
mang quân đánh nhau, tàn sát hàng vạn sinh linh cả những người lính và thường
dân. "Chém cha cái sắc khuynh thành/ Làm
cho đổ quán xiêu đình như chơi” (Nguyễn Du). Tất nhiên, trong một số cuộc
chiến vẫn có một bên chính nghĩa, một bên phi nghĩa, nhưng thường thì bên nào
cũng tự nhận chính nghĩa để lừa mị quần chúng.
Cũng trong lịch sử loài người
đã có nhiều tên tay sai ác ôn của bộ máy độc tài, phát xít, tàn bạo, thường
đánh đập, tra tấn con người đến chết mà “đối tượng” không hề có thù oán cá nhân,
thậm chí vô tội. Khi con người được huấn luyện trở thành máu lạnh, thì hắn có
thể hành hạ đồng loại dã man như thể hành hạ một con chó mang làm thịt! Hắn không còn xúc cảm, không biết ghê tay, không sợ báo oán.
Cái gì khiến con người lâm
vào tội ác man rợ hơn loài súc vật? Chỉ có thể giải thích rằng, nguyên nhân cơ
bản của nó là do lợi ích. Đó là tiền bạc, tài nguyên, đất đai, lãnh thổ, chức
tước, bổng lộc…
Thông thường cái ác sinh ra
từ sự tranh giành lợi ích. Nhưng, muốn có lợi ích thì phải có quyền lực. Tiếng
Việt có từ QUYỀN LỢI nghĩa là QUYỀN LỰC + LỢI ÍCH, trong đó quyền lực chỉ là
phương tiện để đạt mục đích lợi ích. Vì vậy muốn đạt được mục đích thì điều
kiện tiên quyết phải ĐOẠT ĐƯỢC PHƯƠNG TIỆN – QUYỀN LỰC.
Và để đoạt được quyền lực,
người ta sẵn sàng thủ ác. Ở xã hội văn minh, đề cao dân chủ, công lý, thượng
tôn pháp luật… thì đó chính là công cụ hạn chế cái ác. Nhưng trong một chế độ
xã hội không theo kịp các nền văn minh nhân loại thì sẽ thiếu dân chủ, vai trò
của pháp luật và công lý bị lu mờ, cái ác dễ dàng tự tung tự tác, mọc lên như
nấm độc, nó biến con người thành dã thú./
Tháng Cô hồn 2017. PNTB
Tháng Cô hồn 2017. PNTB
Nhận xét