5453. Năm ngày “cưỡi ngựa xem… nước Nga”

Năm ngày “cưỡi ngựa xem…nước Nga”
Ghi chép của Đồng Thị Chúc 
Tác giả Đồng Thị Chúc, người thứ 2 từ trái
Theo đoàn du lịch sang Nga trong chưa đầy một tuần, thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Với thời gian ngắn ngủi ấy tôi không dám có nhận xét toàn diện về nước Nga, chỉ dành chút cảm nhận về những cảnh quan đã nhìn thấy trên những con đường, địa danh mà mình vừa đi qua.
Đoàn chúng tôi gồm 13 người, hầu hết đã “nguyên”, “cựu”, nhưng là lần đầu tiên đến thăm nước Nga. Chiếc máy bay VietnamArline cất cánh lúc 11g trưa (giờ Hà Nội), đến thủ đô Moskva vẫn còn là ban ngày, hành trình bay 9 tiếng (mùa này chênh lùi 4 tiếng). Trên chuyến bay, số khách là người Việt Nam khá đông, thành phần đa dạng, đủ nam phụ lão ấu. Thế mới biết, thế giới bây giờ, cách nhau vạn dặm, thoáng chốc đã tay bắt mặt mừng. Còn nhớ, mấy chục năm trước, khi đi du học dù chỉ cách mấy tiếng bay mà tôi cảm thấy vời vợi ngàn trùng. Lúc ấy phương tiện chưa phát triển nên nỗi mong ước gặp mặt nhiều khi da diết, vô vọng, khao khát đến cháy lòng...!
Máy bay chạm đất trong tiếng vỗ tay của hành khách như sự chúc mừng tổ lái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sân bay và những phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh có vẻ rất cũ kỹ. Máy tính kiểm tra hộ chiếu nhập cảnh đôi khi cũng bị “treo".  Đoàn đã được hướng dẫn viên cho biết trước hiện tượng này nên cứ yên tâm mà đợi.
Ra đến cửa sân bay thì được thêm hướng dẫn viên của Công ty du lịch tại Nga đón tiếp. Thật không ngờ, người hướng dẫn đoàn này là Nguyễn Huy Hoàng -  một nhà thơ tên tuổi rất quen thuộc. Có lẽ Duyên thơ luôn theo bóng Người thơ?. Nguyễn Huy Hoàng tốt nghiệp khoa Văn tại Đại học tổng hợp Lomonosop hơn 30 năm trước, và sau đó tiếp tục học nghiên cứu sinh ở đây, đã trở thành tiến sĩ văn học. Số phận đã để nhà thơ lưu lại nơi này, tiếp tục nghiên cứu và viết, dịch những tác phẩm Văn học, như một sợi dây nối giúp ta hiểu thêm về đất nước Nga. Việc hướng dẫn du lịch không phải là việc chính của nhà thơ mà thỉnh thoảng cần giúp thì nhà thơ tham gia.
Ô tô 16 chỗ ngồi đưa đoàn về khách sạn cách sân bay hơn một tiếng đồng hồ. Xe bon trên đại lộ với nhiều làn đường, vậy mà theo nhà thơ Huy Hoàng cho biết, nếu đi vào giờ cao điểm của những ngày thường thì vẫn có lúc bị tắc đường. Đã quen với nơi ồn ào, chen chúc xe cộ trên đường phố Hà Nội, tôi nhận ra dù gì thì đường phố Thủ đô Moskva vẫn thoáng, rộng và sạch sẽ hơn nhiều. Nhà thơ Huy Hoàng cho biết, thành phố này không bao giờ bị đọng nước dù là mùa mưa, có mưa to thế nào thì chỉ một loáng là nước mưa thoát hết. Ở Moskva không thể có cái "niềm vui" hễ mưa to là đua nhau ra đường phố... bắt cá như ở Hà Nội!
Hai bên đường là những khu nhà kiên cố đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước, độ cao chỉ khoảng 5 tầng vuông vức, các cửa sổ nhìn ra đường và không ngôi nhà nào có ban công nhô ra. Không nhìn thấy cảnh giăng mắc quần áo trên ban công như một số khu chung cư "cổ lỗ sĩ” ở Hà Nội từ thời bao cấp nay vẫn còn. Đáng chú ý là rất ít các bảng treo quảng cáo, không có quán xá bán hàng bên vỉa hè. Nhà thơ Huy Hoàng nói: Ở Moskva không có việc xây nhà riêng, người dân cũng như cán bộ cao cấp đều ở chung cư. Vì thế gần một tuần ở Nga, tôi không được chiêm ngưỡng một "biệt phủ” nào như ở nước ta. Xen kẽ các ngôi nhà thường gặp những rừng cây Bạch dương, mùa này đang xanh lá, đua nhau xanh. Bởi chỉ vài tháng nữa khi sang tiết thu thì cây bạch dương đổi màu lá góp vào bức tranh “Mùa thu vàng", tạo ra ấn tượng của nước Nga. Cũng theo Huy Hoàng, cây xanh ở Moskva đã có từ hàng trăm năm nay, nó vẫn tồn tại như thế và nếu ai vô tình bức tử một cây nào là chính quyền thành phố "hỏi thăm”, đương nhiên sẽ phạt rất nặng... Viết đến đây, bỗng tôi nhớ mấy vần thơ của mình hơn hai năm trước:
 Hà Nội vừa chớm sang đông
 Hàng cây bị chặt đã không kịp vàng.
 Chiếc cưa máy thật phũ phàng
 Tung lên tiếng réo, phạt ngang tiếng lòng!
(11/ 2014 / ĐTC)
Hai ngày tiếp theo đoàn được đến ngắm các công trình xây dựng thật kỳ vĩ ở TP Moskva: Quần thể các công trình xung quanh Quảng trường Đỏ, điện Kremlin-  trước đây là nơi làm việc của các Sa hoàng và hiện tại là nơi làm việc của  tống thống Putin, tòa Đại giáo đường Đức Mẹ đồng trinh... Những công trình này tôi đã được xem đặc tả hình ảnh lung linh trên mạng. Nhưng giờ trực tiếp tận mắt thì bỗng nẩy cảm xúc thán phục người xưa. Họ đã nghĩ, đã biết tạo dựng những công trình kỳ vĩ như thế cho con cháu đời sau, như một sự lưu giữ nền văn hóa, văn minh của dân tộc Nga.
Khách tham quan thật đông, cả người châu Á châu Âu…, hết đoàn này đến đoàn khác, đi lại ào ào. Trên đoạn đường đến Điện Kremli, đoàn dừng lại trước lăng vị lãnh tụ vĩ đại, một thời tấp nập, mà bây giờ thật vắng lặng. Có một hàng rào ngăn không cho khách vào khu vực cửa lăng. Không có lính gác, không có vòng hoa... Những bước chân của du khách bước nhanh qua khu vực này như có vẻ họ không để ý đến nơi đây, nơi có một người nổi tiếng thế giới đang yên nghỉ. Người đó không phải chỉ là lãnh tụ nước Nga, lãnh tụ của Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết mà còn là Lãnh tụ của một nửa thế giới -–thế giới của những người Cộng sản. Người đó từng lãnh đạo thành công cuộc "Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại 1917", làm đảo lộn thế giới ở thế kỷ thứ XX - Vladimir Ilich Lenin. Trước sự "lạnh lẽo khói hương” này, tôi bỗng thấy se sắt lòng mình, bởi có những điều trước đây tưởng như "bất tử", nhưng sự thật phũ phàng nay đã đổi thay!...  
Một điểm tham quan gây ấn tượng không nhỏ đến du khách là thăm Bức tranh tròn Borodino, một bức tranh khổng lồ chạy vòng theo chu vi của ngôi nhà. Bức tranh mô tả trận chiến lịch sử giữa hai danh tướng Kutuzop chống lại đội quân xâm lược của tướng Napoleon Bonaparte khét tiếng người Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra trong ngày 07-9-1812 vô cùng ác liệt.  Kết quả là quân đội Nga đã đuổi được quân đội Naponeon ra khỏi nước Nga, nhưng để lại sự chết chóc đau thương của cả hai phía, khoảng trên 70.000 quân. Năm 1912 nhân kỷ niệm 100 năm trận chiến, nước Nga đã xây dựng nên ngôi nhà nhưng chưa hoàn chỉnh, cho đến 1952 thì khôi phục và tạo dựng nên bức tranh tròn khổng lồ như bây giờ. Đúng là một "bức tranh nổi", rất sống động, có cả trại lính, chiến hào, súng đạn, khói lửa và chết chóc... Sau này đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã tái hiện lại trận đánh trong tiểu thuyết bất hủ của ông: Chiến tranh và Hòa bình.
Tiện đường, nhà thơ Huy Hoàng dẫn đoàn thăm hệ thống tầu điện ngầm của thành phố. Đúng là ga tầu điện như một khu triển lãm nghệ thuật. Những bức tượng được khắc họa hình ảnh thật sinh động. Đèn chiếu sáng rực rỡ. Đoàn lên tầu đi vài ga để thêm trải nghiệm. Nét ưu việt cho khách đi tầu điện ngầm ở đây là duy nhất chỉ phải mua vé di chuyển một lần. Khi đã vào bến rồi là có thể chuyển tầu đi các tuyến cho đến lúc lên mặt đất.
Trên đường di chuyển, qua  nơi có bức phù điêu chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhà nước Nga đã dành một khoảng đất khá khang trang. Đoàn dừng lại được dăm phút ghé đến chào Bác, chớp vội đôi kiểu ảnh rồi lại đi tiếp.
Trong bữa ăn trưa, hướng dẫn viên đưa đoàn đến một quán cơm cạnh ngôi nhà được gọi là “Đôm 5” (phiên âm tiếng Việt, nghĩa là Ngôi nhà số 5) - nơi một thời cộng đồng người Việt đã dùng nơi này như một cái chợ trao đổi hàng hóa. Còn bây giờ thì yên ắng.
Chương trình dành cho đoàn một buổi chiều tự do đi bộ thăm phố cổ Arbat, một trong những con phố cổ nhất Maxcova, nhà thấp và không có xe cộ qua lại. Ở con phố này còn có ngôi nhà ba tầng của thi hào Nga A.X Pushkin. Đi dọc phố gần ngôi nhà ba tầng ấy có tượng của nhà thơ đứng một mình và phía đối diện bên kia đường là tượng đôi vợ chồng đứng bên nhau, người vợ cao hơn chồng một cái đầu. Theo chuyện kể thì chính cô vợ này đã gây ra cái chết của nhà thơ trong cuộc đấu súng với viên đại úy quân đội. Nhà thơ thì sao mà đọ súng được với sĩ quan quân đội chứ!
Thời tiết mùa này ở Nga chợt mưa chợt nắng nhưng chiều ấy lại mưa dài, mãi không tạnh. Hình như ông trời cũng muốn chia sẻ nỗi buồn với số phận nhà thơ khi có khách đến thăm. May mà lúc đó khách đã kịp chớp được đôi kiểu ảnh bên tượng đài nhà thơ rồi đi trú mưa chờ tạnh.
Sớm hôm sau đoàn lên tầu nhanh đến thành phố Saint Petersburg, thành phố cổ mà trong khoảng năm 1924 đến 1991 dưới chính thể Liên Xô, nó đã mang tên Leningrad (Ленинград – nghĩa là Thành phố Lê nin). Trong hành trình hơn hai tiếng, ngồi trên tầu ngắm hai bên đường mới cảm nhận được nước Nga rộng lớn biết nhường nào. Những vùng đất ven đường chủ yếu là trồng cây bạch dương, rất ít nhà cửa và đồng ruộng.
Saint Petersburg khá thanh bình. Xe cộ lưu thông trên đường phố vẻ thưa thớt hơn so với Moskva. Nơi đây khách du lịch đông nên nạn móc túi trộm cắp cũng vẫn thường hay xẩy ra. Một số đoàn du lịch của Việt Nam đã từng bị cướp giật ở đây, nhưng với đoàn chúng tôi thì đã an toàn.
Đoàn ghé thăm Bảo tàng nghệ thuật Hermitage (cung điện Mùa đông). Ở bảo tàng này đang được lưu giữ đến ba triệu hiện vật quý hiếm, gồm những tác phẩm hội họa, điêu khắc qua các thời đại và những cổ vật của các nền văn hóa xa xưa được trưng bày trong gần 1000 căn phòng rộng đẹp. Đúng là những tuyệt tác. Nhưng chỉ xem trong gần hai tiếng thì đã cảm thấy oải, bởi ngột ngạt trong không khí ồn ào của những dòng người, với tiếng thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ.
Hôm sau đoàn đến thăm Cung điện Mùa hè lộng lẫy xa hoa, với vườn thượng uyển có những bức tượng đồng hình nhân mạ vàng rực rỡ. Đến giờ phun những tia nước tạo ra hình ảnh sáng lung linh. Từ đây đi bộ một đoạn thì ra biển Ban Tích, nhưng dù là mùa hè mà không thấy bóng dáng người tắm biển, chắc là do bãi biển này có nhiều đá.
Đêm ở Saint Petesburg vào tháng Bẩy này vẫn là những “đêm trắng”. Hàng năm người dân Nga vẫn có một số đêm tổ chức lễ hội vui chơi chào mừng ánh sáng trời đêm. Đoàn đến đã không gặp đêm lễ hội nào nhưng giả dụ có gặp thì chắc cũng không tham gia được vì đi nhiều nên mệt, phải ngủ. Tuy vậy khi bất giác tỉnh giấc, vẫn nhận ra đêm tựa ban ngày.
Buổi chiều cuối đợt lưu lại ở TP Saint Petersburg đoàn được du thuyền trên sông Neva trong đoạn sông khoảng 28 km với thời gian hơn một tiếng đồng hồ. Ngồi trên tầu, ngắm Thành phố cổ mới thấy thật thơ mộng. Vẫn là những tòa nhà cổ xây rất kiên cố nhiều kiểu dáng chứ không đơn thuần “vuông hòm sắc cạnh” như hầu hết các tòa nhà ở Moskva. Nó lại gần sông, gần biển nên không khí chắc chắn sẽ trong lành hơn. Tuy vậy khi ngồi trên tầu bơi trên khúc sông này chui qua một số cây cầu treo hiện đại thì cảm giác hơi ngột ngạt bởi mùi dầu luôn xông lên rất khó chiu. Cứ tưởng là do con tầu chạy dầu nhưng đi ra tận khúc sông rộng mà mùi dầu ấy vẫn đeo bám. Nhìn xuống dòng nước phát hiện ra nước có mầu vàng đục thì biết là nước đã lẫn dầu. Khai thác du lịch mà không quan tâm đến môi trường thì dần dần sẽ mất khách. Miền Trung Việt Nam sau khi Formosa “ưu ái” xả chất độc xuống biển là bài học nhãn tiền... Trước lúc lên bờ, nhân viên tầu trưng cho xem những tấm ảnh của khách. Hóa ra lúc ngồi trên tầu, thấy cô gái chìa máy ảnh vào mặt, mình cứ tưởng để lưu ảnh kiểm tra. Nhưng đây là một chiêu kiếm tiền của không ít khu du lịch ở nhiều nước... Thôi thì bỏ ra 300 rup để lấy một tấm làm kỷ niệm vì ảnh lại có ghi tên địa điểm bằng tiếng Nga với con số 2017 (Rất tự nguyện!).
***
Ngày trở về Hà Nội cũng vào buổi sáng, thời tiết mát mẻ nhưng khá mệt. Tuy vậy ngẫm lại chuyến đi thăm nước Nga này cũng thật ý nghĩa. Đó là “Đất nước của V.I. Lenin, trung tâm của Liên bang CHXHCN Xô Viết, thành trì của CNXH". Đó là đất nước từng một thời gắn bó với Việt Nam như người “anh cả” đáng tin cậy. Cái thời ấy, Đồng Thị Chúc tôi đang ngồi trên ghế nhà trường Đại học Bắc Hàn, một quốc gia “đồng chí" với Việt Nam. Ngày ấy, trong giờ triết học Macxits - Leninis nghe thầy giảng say sưa về CNXH, về tương lai xã hội này sẽ phát triển và tươi đẹp ra sao. Rằng, "đó là một xã hội tương lai không còn người bóc lột người, một xã hội không còn giai cấp, nhà nước 'tiêu vong'..., mọi người đều bình đẳng, sống tự do, hạnh phúc, cùng làm cùng hưởng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu...”. Còn trò thì say sưa nghe, mắt ánh lên trước hào quang rực rỡ của tương lai dân tộc và nhân loại... Chả thế mà nhìn vào bảng tổng kết điểm tốt nghiệp môn triết học ấy, tôi đã được 9/10 điểm. Hơn 40 năm sau, trò trở lại trường cũ thì đã... "vật đổi sao dời". Thầy đã đi theo các cụ Các Mác, Lê Nin, còn trò thì tóc cũng đã trắng đầu. Tôi đã không kìm nén được cảm xúc khi đứng bên cổng ngôi trường cũ ở Triều Tiên và bỗng bật lên hai tiếng THẦY ƠI!
Thế là trong mấy năm gần đây, tôi đã đến với hai phương trời của Chủ nghĩa xã hội. Một là quốc gia “trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản”. Hai là nơi khởi nguyên ra hệ thống XHCN thế giới, đồng thời là thành trì của hệ thống này, nhưng đã tự sụp đổ cách nay 26 năm trước.
Mỗi chuyến đi dù có những cảm xúc khác nhau nhưng cả hai đều khuấy động tâm hồn tôi, đánh thức cảm giác về một giấc mơ thiên đường từng trải nghiệm…
Rót nửa chén rượu thơm, nâng cạn và mong...CHÉN ĐỪNG RƠI!*
Hà Nội, 01-8-2017  ĐTC.
(*Một câu thơ của ĐTC trong bài thơ có tựa là NỬA
“Rượu thơm nửa chén nửa chừng chén rơi.”)
(Bài tác giả gửi PNTB)                          

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.