5469. “NHẬN THỨC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH”- QUY LUẬT CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT KARL MARX.

“NHẬN THỨC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH”- QUY LUẬT CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT KARL MARX.
PNTB 
Karl Marx (1818 - 1883)
35 năm trước, khi dùi mài kinh sách Marxism, nhiều người trong chúng tôi đưa ra câu hỏi: Tại sao không gọi là Chủ nghĩa Mác – Ăng ghen – Lê nin, mà chỉ nói Chủ nghĩa Mác – Lê nin? Vậy thì vai trò của Ăng ghen (F. Engels) ở đâu? Các thầy đều thống nhất trả lời: “Bởi Enggels với Marx LÀ MỘT!. Hai tư tưởng ấy như hai cây violon trong một dàn nhạc giao hưởng, nên nói tên học thuyết không cần nói đến tên Enggels. Những người CS chúng ta phải hiểu rằng, nói đến Marx là đã có Enggels trong đó. Còn Lenine là giai đoạn 2, giai đoạn hiện thực hóa Chủ nghĩa Marx trên thực tế tại Nga và Liên Xô. Cho nên chỉ cần nói Marx, Lenine là đủ. Enggels, ta hiểu như cái gạch nối giữa Marx và Lenine…”
Để chứng minh cho sự “thống nhất tuyệt đối” của hai tư tưởng vĩ đại, khi học đến tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” tác phẩm viết chung của Marx - Enggels, thầy nói, trong “Lời nói đầu Hệ tư tưởng Đức” có một câu đến năm 1893 (?), sau 10 năm Marx đã mất, Enggels có sửa lại và ông viết: “Nếu Marx còn sống cũng sửa như tôi!”.
Nhưng nay vừa đọc một bài với tựa đề “ Karl Marx được tôn thờ khi nào?của BBC tiếng Việt tổng hợp quan điểm nghiên cứu của một số học giả Marxism châu Âu, thì có vẻ khác. Xin trích đoạn sau đây:
“…Vấn đề là Marx chưa bao giờ dự báo sự tan rã của chủ nghĩa tư bản như các tín đồ gán cho ông.
Marx chỉ mô tả chủ nghĩa tư bản là hệ thống liên tục gặp khủng hoảng nội tại rồi đổi mới.
Khái niệm về sự sụp đổ không tránh khỏi (zusammenbruchtstheorie) của chủ nghĩa tư bản trong tập 3 bộ Tư bản luận là do Friederich Engels đưa vào và nhấn mạnh sau khi Marx đã qua đời.
Vai trò của Engels, bạn thân và nhà bảo trợ cho Marx cũng được nói đến khá nhiều trong công trình của Gareth Stedman Jones, giáo sư Marxist từ Đại học Cambridge ở Anh.
Cuốn sách in ra năm 2016 của ông, "Karl Marx. Greatness and Illusion" lập luận rằng Engels không chỉ thu thập các bài viết, bản thảo của Marx để hoàn tất bộ Tư bản luận mà còn tạo ra sự sùng bái cá nhân Marx vì mục tiêu chính trị.
Theo Stedman Jones, để hỗ trợ cho phong trào Xã hội Dân chủ ở Đức, Engels đã cố tình đề cao cá nhân Marx như một nhà tiên tri nhìn thấy trước con đường cách mạng “tất thắng” cho những người cộng sản và hoạt động công nhân khi đó”….

Bài viết nhận xét tiếp: “Triết gia John Gray từ Trường Kinh tế London (LSE), khi giới thiệu cuốn sách về Marx của Stedman Jones, đã đồng ý với tác giả rằng đóng góp lớn nhất của Marx là phần phân tích thấu đáo về chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
“Mới chỉ xuất hiện non một thế kỷ (tính đến thời của Max), thị trường tư bản quốc tế đã tạo ra động lực và quyền lực (powers) ghê gớm, san bằng các biên giới, tự tạo ra nhu cầu để rồi cung cấp các cách thoả mãn những nhu cầu đó và lật đổ cả mọi định chế văn hoá, theo đánh giá mang tính tiên tri của Marx.
“Một thông điệp nữa của Marx, có lẽ là thông điệp cuối cùng ông gửi lại trước khi chết là làm sao cứu lấy các cộng đồng nông thôn trước khi chúng bị chủ nghĩa tư bản toàn cầu nghiền nát.
“Vào lúc cuối đời Marx bỏ công nghiên cứu về làng quê ở Nga và đánh giá cao phương thức sở hữu công (Russian mir) mà ông tin là có những phần đáng được giữ lại cho một xã hội tương lai.
“Có thể thấy cuộc hành trình "về quê" của Karl Marx qua các giai đoạn tư duy của ông: từ nhân vật cộng sản cấp tiến kiểu Đức hồi trẻ sang một nhà hoạt động xã hội ở Pháp và Bỉ, trở thành nhà phân tích kinh tế tư bản chủ nghĩa ở London và CÀNG VỀ GIÀ LẠI CÀNG ÍT ĐI TÍNH CỰC ĐOAN ĐỂ ĐÁNH GIÁ CAO QUAN HỆ XÃ HỘI Ở NHỮNG XỨ SỞ ÔNG TỪNG CHO LÀ LẠC HẬU” (Hết trích)
Tôi nghĩ (theo phương pháp duy vật của Marx), là con người, dù là thiên tài, cũng không ai có thể tránh được sai lầm. Lenine cũng từng nói đại ý: Không ai có thể tránh được sai lầm, chỉ có có kẻ ngu xuẩn mới không chịu sửa chữa sai lầm….
Marx là thiên tài. Tôi thừa nhận. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ ông là một vị Thánh trong như pha lê. Theo kết quả nghiên cứu về ông, nhiều người đều cho rằng, Marx có 2 thời kỳ: Marx trẻ và Marx già. Giai đoạn sau, ông nhận thức ngày càng đúng đắn hơn. Duy có một điều, BIỆN CHỨNG PHÁP của ông thì đến nay, tôi vẫn luôn bái phục, luôn nghĩ đó là một phương pháp nhận thức khoa học. Và chắc chắn, không chỉ những tín đồ của Marx mà hầu hết các nhà khoa thế giới đều thừa nhận.
Tôi luôn đinh ninh nguyên lý về NHẬN THỨC LUẬN của Marx trong phép biện chứng duy vật rằng, KHÔNG CÓ CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI, CÁI HÔM NAY CHO RẰNG ĐÚNG NHƯNG NGÀY MAI ĐÃ CÓ THỂ SAI…KHI THỰC TIỄN ĐÃ THAY ĐỔI, NHẬN THỨC PHẢI THAY ĐỔI THEO, LÀM NGƯỢC LẠI LÀ DUY TÂM. KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỨ CHÂN LÝ ĐƯỢC NẶN RA TỪ TRONG ÓC. CHÂN LÝ CHỈ CÓ THỂ ĐƯỢC CHỨNG MINH BẰNG THỰC TIỄN CUỘC SỐNG SINH ĐỘNG. Như vậy, tất cả những khẩu hiệu, những lời hay, ý đẹp…dù có được “sơn son thiếp vàng” nhưng nó không phù hợp thực tiễn, trái hiện thực cuộc sống thì nó đều trở thành bẽ bàng và không thể thuyết phục quần chúng.
Do đó, “NHẬN THỨC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH”- VỨT BỎ NHỮNG GÌ KHÔNG PHÙ HỢP THƯC TIỄN VỐN LÀ QUY LUẬT CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT KARL MARX.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.