5466. Trợ giá gạo cho nông dân, cựu thủ tướng Thái Lan « gánh họa »
Trợ giá gạo cho
nông dân, cựu thủ tướng Thái Lan « gánh họa »
![]() |
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được rất nhiều người đến ủng hộ trước cửa Tòa Án Tối Cao tại Bangkok, ngày 21/ 07/2017.©REUTERS/Chaiwat Subprasom |
Tại Thái Lan, phiên tòa hình sự xét xử cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra
diễn ra vào ngày 21/07/2017. Bà bị cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng khi thực hiện chính sách trợ giá gạo cho nông dân, gây thiệt
thại 5 tỉ euro cho ngân sách nhà nước. Tập đoàn quân sự cầm quyền, lực lượng
đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã cho tịch biên tài sản
của bà.
Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI
Arnaud Dubus cho biết hiện vẫn còn rất nhiều người ủng hộ cựu thủ tướng
Yingluck và quyết định trên của chính quyền quân sự Thái Lan đã khiến họ bất
bình. Mỗi lần bà Yingluck xuất hiện trước tòa, hàng ngàn người tới để hoan hô,
cổ vũ bà. Tập đoàn quân sự cầm quyền lo ngại rằng sẽ có rất đông người đến ủng
hộ bà vào ngày tòa án tối cao ra phán quyết cuối cùng. Vì thế, các vị tướng cầm
quyền làm tất cả mọi việc để ngăn cản những người tới tòa ủng hộ cựu thủ tướng.
Trở lại với chính sách trợ giá gạo tại
Thái Lan dưới thời thủ tướng Yingluck Shinawatra, thông tín viên Arnaud Dubus
giải thích :
« Trong thời gian lãnh đạo chính phủ từ
tháng 07/1011 cho tới khi bà bị lật đổ vào tháng 05/2014, thủ tướng Yingluck đã
cho thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân : chính phủ mua gạo của
nông dân với giá cao hơn 50% so với giá trị trường. Nông dân thì tất nhiên là
vui mừng, nhưng chính sách trên đã khiến ngân sách nhà nước thâm hụt 5 tỉ euro.
Sau khi đảo chính, tập đoàn quân sự và
phe ủng hộ họ, đánh giá là chương trình trợ giá gạo thực chất là tham nhũng và
họ cho rằng các quan chức cấp cao trong chính phủ của bà Yingluck cũng đã cảnh
báo bà rằng đó là một chính sách « hao tiền, tốn của » nhưng bà không nghe. »
Chính vì thế, tập đoàn quân sự đã đưa
cựu thủ tướng Yinluck ra xét xử:
« Trước tiên là trong một phiên tòa hình
sự với cáo buộc « lơ là khi ở trên cương vị thủ tướng. Bản án cuối cùng sẽ được
tuyên vào tháng 08/2017. Bà Yingluck có thể sẽ bị tối đa 10 năm tù. Tuy nhiên,
ngay từ tuần cuối tháng 07, tập đoàn quân sự đã tịch biên tài sản của cựu thủ
tướng, với tổng giá trị là 1 tỉ euro (1/5 số tiền mà chương trình trợ giá gạo
gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước) ».
Trên thực tế, trước đây, nhiều thủ tướng
Thái Lan cũng đã từng có các chính sách gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước,
nhưng không ai bị xét xử, buộc tội như cựu thủ tướng Yingluck. Thông tín viên
Arnaud Dubus nhấn mạnh :
« Ngay cả tập đoàn quân sự cầm quyền
hiện nay tại Thái Lan cũng có chương trình hỗ trợ nông dân trồng cây cao su gây
tốn kém nhiều cho ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể tới việc tập đoàn quân sự
đã tiêu tốn hàng tỉ euro để mua vũ khí, đặc biệt là tàu ngầm và máy bay chiến
đấu.
Một số người ủng hộ bà Yingluck cho rằng
chính sách trợ giá gạo cho phép hàng chục triệu nông dân Thái Lan cải thiện
điều kiện sống, trong khi các chi phí mua vũ khí chỉ có lợi cho giới quân sự mà
thôi. »
Nếu cựu thủ tướng Yinglick bị kết án
nhiều năm tù, bà sẽ trở thành người « tuẫn giáo » trong mắt người ủng hộ và bà
sẽ càng được nhiều người yêu mến. Nếu bà không bị tòa án tối cao kết án tù, tập
đoàn quân sự chắc chắn sẽ bị phê phán mạnh mẽ. Xin nói rõ là tại Thái Lan, tư
pháp hoạt động khá độc lập với chính quyền. Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa,
mọi chuyện sẽ đều không có lợi cho tập đoàn quân sự cầm quyền.
Thùy Dương (RFI)
Nhận xét