5465. NGHĨA THÚC BẤT NGỜ

NGHĨA THÚC BẤT NGỜ
PNTB
Đám mây hình Thiên sứ
(Hình trên mạng)
Thượng tuần tháng Hai năm Nhâm Thân 1992 là những ngày mà thày tôi – thân phụ tôi đang hấp hối. Bệnh tình ông quá nặng, bệnh viện trả về nằm chờ về với Tổ Tiên.
Nhà tôi đang xây, mới hoàn thành phần thô, chưa lát nền, thày tôi nằm tạm trong hai gian nhà gỗ mỡ lợp bã và giấy dầu. Ở cửa bếp có một cái giếng khơi nhỏ, nhưng nước rất trong và mát. Hôm mồng 9 tháng Hai, có ông thợ đào giếng cho người hàng xóm sang tắm nhờ.
Quê ông ở Yên Bái, hoàn cảnh cũng không đến nỗi nào, nhưng ông vẫn đi làm thuê như bản năng của một người lao động chân tay. Ông kể, tôi đi bán nước chè, các con không cho đi. Chúng can không được, đá bẹp của tôi 4 cái ấm nhôm. Thế là không đi bán nước nữa, còn sức, tôi đi đào giếng thuê xa tít, bọn trẻ không có cách nào giữ được. Dù đã bẩy mươi tuổi, tôi vẫn khỏe thế này cơ mà. Vừa nói, ông vừa gồng cánh tay lên cho vợ chồng tôi xem…
Ngày ấy xà phòng còn hiếm, dùng xong phải cất đi sợ chuột tha. Ông hỏi vợ tôi, chị có xà phòng cho tôi mượn tí. Vợ tôi lấy bánh xà phòng thơm đưa cho ông. Tắm xong ông mang xà phòng vào nhà trả thì thấy thày tôi nằm bất động trên giường, chỉ thoi thóp thở, luôn có người túc trực. Ông hỏi han đôi chút về thày tôi, rồi vừa sờ nắn chân tay, mặt mũi ông cụ, vừa nói chuyện như một người độc thoại, dù ông tôi gần như không biết gì: “Anh năm nay bẩy nhăm, thế là hơn em 5 tuổi. Xin được kết nghĩa anh em với anh. Ai rồi cũng phải về Cõi Phật. Thế này là anh cũng sắp đi rồi. Khi nào đi, em sẽ tiễn anh và cầu mong cho anh được siêu thoát nơi vĩnh hằng…”.
Rồi ông quay ra nói với vợ chồng tôi: “Ông cụ sắp đi rồi, chỉ mai mốt là cùng. Tôi xin được túc trực ở đây trông nom “anh tôi” lúc lâm chung, ngay từ đêm nay. Rồi ông dặn vợ tôi: chị phải chuẩn bị mấy thứ lá thơm để đun nước tắm cho ông, cả vải liệm, quần áo mới, cả đồng tiền cổ, bát gạo… để khi ông đi hẳn, tôi khâm liệm cho anh tôi ra đi cho mát mẻ…”. Ông còn dặn nhiều thứ lắm, như một người đầy kinh nghiệm chuẩn bị hậu sự cho người sắp khuất. Ông bảo, lúc tôi khâm liệm ông cụ, ít nhất phải có một người nhà phụ tá và chứng kiến, chứ tôi không làm một mình… Tôi đã hiểu ý ông muốn nói gì…
Đêm ấy, phiên chú em tôi trực, nhưng ông vẫn ngồi cạnh, theo dõi từng nhịp thở yếu ớt của thày tôi. Thày nằm ngửa, chân tay buông thẳng, đôi mắt khép hờ. Nhịp thở đã rất khó khăn. Hít vào thì ít, thở ra thì nhiều. Hình như cánh mũi không đủ rộng để cho hơi thở ra, thày phải thở phì ra khuôn miệng móm mém.
Ông Thiện (tên ông thợ đào giếng), một người không quen biết, chỉ loáng cái đã thành người anh em kết nghĩa, nói chữ là “nghĩa đệ” của thày tôi khi thày đang chờ đợi từng phút giây để lên “cõi niết bàn”. Và đương nhiên Ông cũng là “nghĩa thúc” của chúng tôi trong khi chưa kịp biết tên tuổi. Tất cả ông hoàn toàn tự nguyện, tự nhận lấy một công việc mà người đời thường ngại. Thành ngữ Việt có câu: “Ngại như bố chết”. Đến bố chết mà nhiều người con còn ngại, huống hồ người không máu mủ ruột rà. Thế mà ông Thiện tự nhiên đến với thày tôi, với gia đình tôi như một người thân thích từ kiếp trước! Hay là chú tôi, mấy ông chú ruột đã khuất bóng từ thời trẻ, mà tôi còn không biết mặt, bây giờ xui khiến, nhập vào ông Thiện để đưa tiễn thày tôi lên giời?
Khoảng 4 giờ sáng, ông Thiện gọi tôi: “Anh chị dậy thôi, ông cụ đi rồi!”…
Và thế là ông Thiện đã chủ trì và trực tiếp khâm liệm cho thày tôi rất bài bản. Khi phát tang, ông nói với vợ tôi là dâu trưởng: “Tôi xin được để tang anh tôi!”. Và đương nhiên, trên đầu ông trắng toát một vành khăn tang. Ông cũng túc trực bên linh cữu, khiến nhiều người trong họ không hề biết mặt ông bao giờ, nhưng không dám hỏi danh tính. Còn tất cả khách đến phúng viếng, đưa tang chắc chắn đều nghĩ, đó là một nhân vật rất gắn bó với người vừa nằm xuống.
Theo tục lệ, gia đình tổ chức thờ kèn qua một đêm (hồi ấy không phóng thanh lên loa ầm ĩ như bây giờ). Trong đêm thờ kèn, thỉnh thoảng có một người thân trong dòng họ, anh em, con cháu, nhờ thợ kèn “khóc than” thay, để thể hiện tấm lòng của mình đối với người vừa khuất. Ông thiện bảo vợ tôi, chị cho tôi xin vài nghìn để tôi nhờ thợ kèn khóc anh tôi. Vợ tôi đưa cho ông 10 nghìn. Ông bảo, không, chị chỉ đưa tôi hai ba tờ 2 nghìn thôi. Mỗi lần khóc 2 nghìn, tôi khóc anh tôi đêm nay hai, ba lần…
Giếng nhà ông hàng xóm đã đào xong, nhưng ông Thiện ở lại để cúng ba ngày cho ông tôi rồi mới về Yên Bái. Gia đình tôi đưa tiễn ông ra tận bến tàu như tiễn một người thân đi xa… Trong lúc tang gia bối rối, không ai nghĩ ra được phải lưu lại ít nhất một dòng địa chỉ của ông. Vì thế, sau khi chia tay ông, tiễn ông lên tàu, tôi bỗng có cảm giác như tiễn ông …lên giời.
Cho đến nay, dù đã một phần tư thế kỷ trôi qua, nhưng vợ chồng tôi không thể quên những giờ phút đặc biệt ấy, những giờ phút có một “nghĩa thúc” bất ngờ xuất hiện chỉ  trong khoảng 30 tiếng đồng hồ rồi lại như bay về Tây Thiên… 
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.