5464. Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn

Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn


Trước đây có tài liệu viết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương (Mười Hương) bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở khu biệt giam Chín Hầm, nơi được coi là địa ngục trần gian ở Huế. Người ta bảo ông bị các cai ngục của Ngô Đình Cẩn tra tấn vô cùng man rợ. Trong lần gặp ông để viết về Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo, tôi hỏi ông có chuyện đó không, ông trả lời là ông có bị giam ở Huế nhưng bị tra tấn thì không.
Ông Mười Hương kể, trong thời gian ông bị giam, Ngô Đình Nhu có đến gặp ông. Cuộc gặp này có mặt Ngô Đình Cẩn. Theo ông Mười Hương thì vừa gặp ông, Ngô Đình Nhu nói ngay : “Cộng sản các anh ác lắm. Họ Ngô của tôi suýt nữa thì tuyệt tự…”. Ông Mười Hương nói : “Nhưng cụ Hồ đã không làm khó cho ông Ngô Đình Diệm…”. Ngô Đình Cẩn nói chen vào : “Đúng rồi, cấp trên của các anh thì rất tốt, làm bậy chỉ có cấp dưới thôi”. Ngô Đình Nhu cũng tán thành với ý kiến của Ngô Đình Cẩn. Mục đích cuộc gặp là để biết người biết ta thôi, không hề có chuyện thuyết phục “quy hàng”, nhưng vì cuộc gặp không mong muốn đó mà sau này ông Mười Hương đã bị không ít đồng chí của mình làm khó dễ. Nhờ các đồng chí cấp trên cao nhất của ông hiểu được sự quang minh chính đại của ông nên ông không bị làm sao, mới có thể lên làm tới chức Bí thư Trung ương Đảng. Người bảo vệ tư cách ông Mười Hương chính là ông Lê Đức Thọ.
Sở Nghiên cứu chính trị xã hội do bác sĩ Trần Kim Tuyến cầm đầu là cơ quan mật vụ khét tiếng, là cánh tay đắc lực của ông Ngô Đình Nhu. Tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc) từng là sĩ quan của cơ quan đó. Theo ông Ba Quốc kể lại với tôi thì cơ quan này không mặn mà lắm với hoạt động chống Cộng, mặc dù có nhận viện trợ của Mỹ để hoạt động chống Cộng. Nhiệm vụ của nó chủ yếu là xử lý những vấn đề nội trị để củng cố chế độ. Ông Ba Quốc kể, có một khoản tài trợ 50 triệu đồng (là khoản tiền rất lớn lúc đó) để mua một chiếc tàu hiện đại dùng để đưa điệp báo ra miền Bắc, nhưng bác sĩ Tuyến chỉ sử dụng một số tiền rất nhỏ để mua một tàu cũ nát, số tiền còn lại dùng vào việc khác theo lệnh của ông Nhu. Khi không thấy hiệu quả của hoạt động điệp báo ngoài Bắc, người Mỹ cho thanh tra việc mua tàu, biết tin này ông Tuyến đã cho nó nổ tung ngoài khơi để phi tang, cho phép thủy thủ lặn xuống biển để thoát nạn.
Về nhân vật Ngô Đình Cẩn, báo chí Sài Gòn vẫn miêu tả là một tên nhà quê ăn trầu, bất tài vô dụng và độc ác. Nhưng theo lời kể của ông Mười Hương và ông Phạm Xuân Ẩn mà tôi nghe được thì Ngô Đình Cẩn không giống như vậy. Ông Cẩn không hành hạ tra tấn những cán bộ Việt Minh nằm vùng mà chính quyền Sài Gòn bắt được ở miền Trung, nhưng thủ đoạn chính trị thì thật đáng sợ. Ông đối xử tử tế với những người bị bắt, đặc biệt là những người mà ông biết là cán bộ có tầm cỡ, giam một thời gian rồi thả ra. Để làm gì vậy ? Hầu hết những người do ông Cẩn thả ra đều bị tổ chức của cách mạng nghi ngờ, những cán bộ cấp dưới của những người ấy cũng bị nghi ngờ nốt. Kết quả là Ngô Đình Cẩn đã vô hiệu hóa một lực lượng đáng kể của cách mạng mà không cần phải tra tấn, giết chóc.
Tướng Phạm Xuân Ẩn nói với tôi, trong số anh em của ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn là người tài giỏi nhất. Nếu ông Diệm và ông Nhu nghe lời ông Cẩn thì chế độ của họ Ngô khó mà sụp đổ. Ông Ẩn cũng cho tôi biết, sau khi giết hai ông Diệm và Nhu, quân đảo chính đã ra Huế bắt ông Cẩn. Lúc đó ông Cẩn có giữ một tài sản 2 triệu đô la. Khi lên cầm quyền, tướng Nguyễn Khánh đã yêu cầu ông Cẩn nếu chuyển 2 triệu đô la đó cho ông ta thì được tha, nhưng ông Cẩn dứt khoát không chịu, ông đã nhắn tin cho người quản lý chuyển 2 triệu đô la đó cho Giáo hội Công giáo và chịu chết. Ông Ẩn còn bảo, khi ra pháp trường, ông Cẩn vẫn ung dung, mặt không hề biến sắc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.