5415. Xảo thuật ngôn từ
Xảo thuật ngôn từ
![]() |
Nhiệt điện Vĩnh Tân đang gây ra nhiều tác động về môi trường cả trên cạn lẫn đáy biển. ẢNH: CHANGE (TNO) |
Chiều 14.7, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) họp
tổng kết 6 tháng đầu năm 2017. Đây là sự kiện bình thường bởi chả riêng bộ này
mà nhiều bộ ban ngành khác cũng vào mùa sơ kết ấy. Tuy nhiên đã xảy ra chuyện
không bình thường là lãnh đạo Bộ dứt khoát không cho giới báo chí truyền thông
vào dự. Dư luận xì xào hay là có tật giật mình, đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại
chứ có nhẽ đâu thế.
Cái lý để cấm cửa báo chí có thể một phần do những lùm xùm xung quanh vụ Bộ
TN-MT cho phép Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được phép “nhận chìm xuống
biển gần 1 triệu mét khối vật chất” (từ “nhận chìm” và “vật, chất” là nguyên từ
trong giấy phép cấp ngày 23.6.2017 của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc
thay mặt Bộ trưởng ký). Dư luận xã hội phản đối dữ quá, báo chí săm soi ghê quá
nên dường như họ ngại bị vặn vẹo, khó trả lời.
Nói không quá, vấn đề môi trường đang là chuyện hằng ngày nóng hổi nhất trong
đời sống cũng như trên mặt báo. Nỗi lo môi trường bị hủy hoại thành mối quan
tâm của mọi người, từ vị lãnh đạo cao nhất quốc gia đến người dân vô danh tiểu
tốt. Cách đây ít ngày, trên ngay chính tờ báo điện tử Một Thế Giới này, trong
mục này đã có bài (Xả thải và tự sát của
tác giả Đoàn Đạt) phân tích sâu sắc nguy cơ nói trên, cho thấy môi trường biển
đang đứng trước sự tận diệt vô cùng kinh khiếp bởi con người. Chính vì vậy, tôi
không nhấn sâu vào điều đó nữa mà quành sang chuyện khác có liên quan.
Trở lại cái giấy phép của Bộ TN-MT và những trả lời của ông Thứ trưởng Nguyễn
Linh Ngọc với báo chí, cũng như những phân trần của Phạm Ngọc Sơn (Phó tổng cục
trưởng Tổng cục Biển đảo) tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận, người ít học nhất
cũng thấy Bộ và các quan bộ đang ra sức bảo vệ việc họ đã cho phép đổ xả chất
thải xuống biển. Dường như theo ý họ, đây là việc hết sức bình thường, đúng
luật, không gây nguy hại gì. Họ ngầm tuyên bố đã làm chỉ có đúng, đừng thắc
mắc, ý kiến ý cò. Vẫn cái lối ngụy biện xưa nay của khá nhiều quan chức.
Lý sự phân trần gì đi nữa cũng vẫn lộ ra những quanh co, xảo ngôn. Đường đi hay
tối, nói dối hay cùng, huống hồ tìm cách phủ nhận sự thật. Buồn cười nhất là để
né tránh sự thực trần trụi xả thải ra biển, các vị ấy chơi chữ “nhấn chìm”,
“vật, chất”. Sao không nói trắng phớ ra là cho phép đem đổ ùm ra biển, đổ những
thứ thải bỏ không thể dùng được vào việc gì. Tưởng nói thế, ngôn ngữ nhẹ bỗng
thế thì sẽ thuận tai dân chúng chăng, bớt lời ra tiếng vào chăng. Các vị đã
nhầm, con người bây giờ không dễ bị lừa, nhất là định lừa họ bằng văn bản nhà
nước. Có một thời, cách nói, cách diễn đạt, dùng từ kiểu tránh trớ, uốn éo, uyển
ngữ đã khá phổ biến, cốt để làm loãng vấn đề, đánh lừa dư luận, kéo suy nghĩ
con người ra xa điều thực chất, kiểu như tịch thu vàng thì nói “kim loại có màu
vàng”, quá nhiều quan chức tham nhũng thì gọi là “bộ phận không nhỏ”… cũng ít
nhiều gây hiệu quả. Tuy nhiên, suy xét tận gốc thì cách đó cũng chả xa sự lươn
lẹo, gian dối bao nhiêu. Mà gian dối thì làm sao bền, sớm muộn cũng bị phơi
bày.
Vụ “nhấn chìm vật chất” cũng vậy. Nếu các vị cố sống cố chết bảo rằng 1 triệu
mét khối đó không phải là chất thải, không độc hại, chúng chỉ là cát sỏi nạo
vét, là bùn, vỏ sò vỏ hến… thì dân chúng xin được hỏi sao lại phải mất công đem
đi đổ bỏ. Trên khắp nước này, mà ngay ở tỉnh Bình Thuận thôi, đang có biết bao
công trình cần “vật chất” để san lấp, thậm chí nếu bán cũng có người mua, cơn
cớ gì phải tốn phí phương tiện, nhân lực kéo chở chúng ra đổ bỏ ngoài biển. Chỉ
có khi đã xác định đó là chất thải (chưa nói có độc hại hay không) thì mới dám
liều “lãng phí” thế. Các vị cầm đầu Bộ TN-MT đã giấu đầu hở đuôi, cái đuôi bảo
thủ, cố chấp, làm càn.
Đừng vì mục đích phát triển kinh tế bằng được mà chấp nhận trả bằng mọi giá.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.
Biển khơi bao la nhưng không phải là vô tận. Hủy hoại môi trường biển tức là
hủy diệt tương lai của loài người, trong đó có chính mỗi người chúng ta, con
cháu ta. Bài học Formosa còn nóng hổi, đừng cố tình, nhắm mắt quên. Suốt bao
năm buông lỏng tình trạng phá rừng đã khiến rừng xứ ta cạn kiệt, gây bao tai
họa trước mắt và lâu dài vẫn chưa đủ hay sao mà giờ đây tiếp tục nhào ra biển,
tàn phá hủy hoại biển. Rồi dân tộc sẽ về đâu, sẽ sống làm sao trên cái nền tảng
độc địa ấy?
Phải chặn ngay trước khi quá muộn.
15.7.2017
Nguyễn Thông
(Blog Nguyễn Thông)
Nhận xét