5367. Vụ Đồng Tâm: Liệu có xử được “quan” trước?
Vụ Đồng Tâm:
Liệu có xử được “quan” trước?
![]() |
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 26 tháng 6 trong cuộc tiếp xúc cử
tri ở Hải Phòng khi được người dân chất vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ở
Đồng Tâm trả lời rằng phải xử lý cán bộ sai phạm trước rồi mới xử người dân.
Liệu viêc xử lý có thể diễn ra đúng như lời Thủ tướng nói hay
không?
Nguyên văn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông
trong nước trích dẫn:
“Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều
tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này phải xử lý
ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở xã đó.”
Ai là những “cán bộ” này?
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Khả Thành, đoàn luật sư Phú
Yên, những “cán bộ” phải chịu trách nhiệm trong vụ việc ở xã Đồng Tâm không chỉ
là những cán bộ xã:
“Tại vì quyết định thu hồi đất là của ủy ban nhân dân huyện mới
có chức năng thu hồi đất chứ ở xã họ không làm chuyện đó. Nhưng vụ Đồng Tâm kéo
dài như vậy thì chắc chắn rằng họ không đồng ý với cấp huyện và đã khiếu nại
lên cấp tỉnh nữa. Tôi nghĩ rằng cấp tỉnh chắc cũng giải quyết y như cấp huyện
nên người ta mới bức xúc như vậy.”
Tuy nhiên trong một đoạn video ghi cảnh một người dân đại diện
Tổ đồng thuận chống tham nhũng và người dân xã Đồng Tâm đọc bản tường trình về
đầu cuối vụ tranh chấp đất và mong Chính phủ kết luận vụ việc một cách công
minh, người dân này nói rằng họ đã gửi cả đơn từ khiếu nại đến tận cấp trung
ương:
...Ở Việt Nam rất khó, đôi lúc Thủ tướng nói và có văn bản cụ
thể nhưng họ không chịu làm mà trên đó thì không nắm được kỹ những việc ở dưới
này.
- LS. Nguyễn Khả Thành
“Suốt
từ năm 2013 đến nay chúng tôi đã gửi đơn thư kiến nghị, tố cáo, khiếu nại, kêu
cứu, kêu oan đi khắp các cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến cấp thành phố và cấp
trung ương nhưng tất cả đều đến nơi đúng địa chỉ mà không cấp nào giải quyết
cả. Chỉ là lần hồi cấp này đùn đẩy trách nhiệm cho cấp kia, không cấp nào chịu
trách nhiệm.”
Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa
người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng
đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng
Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp
đất đai.
Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình
Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.
Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân
Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động
làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối
thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.
![]() |
Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017. Citizen photo |
Nói với đài RFA, nhà hoạt động Lê Dũng Vova, một người theo dõi
vụ Đồng Tâm ngay từ những ngày đầu, xác định những việc “làm sai của cán bộ”
tại xã Đồng Tâm theo lời Thủ tướng nói:
“Đầu tiên là xã Đồng Tâm, sau đó là huyện Mỹ Đức, phải chịu
trách nhiệm vê việc làm sai pháp luật, bắt cóc dân, đánh dân, đánh cụ già, và
kể cả việc họ gây ra những bất ổn, tức là họ quản lý đất đai yếu kém. Họ không
quản lý chặt hồ sơ địa chính để liên tục cập nhật thông tin về đất đai của địa
phương, để xảy ra những chanh chấp.”
Về vụ 4 người dân xã Đồng Tâm bị côn đồ bắt bắt hôm 15/4 và bị
tra tấn dã man, người dân Đồng Tâm trong đoạn video nêu trên nói rõ:
“Những người dân xã Đồng Tâm bị côn đồ bắt đi đã giao cho Công
an Hà Nội và bị Công an Hà Nội tra tấn, đánh đập không thương tiếc. Riêng cụ Lê
Đình Kình chúng định thủ tiêu nhưng không thành, bị bại lộ. Chúng đã đánh cụ
Kình gẫy xương đùi và đến nay hơn 2 tháng vẫn chưa cử động được.”
Cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi là một trong 4 người bị Công an Hà Nội
bắt hôm 15/4 vì bị cho là có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc
“gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Tâm.
Từ nói đến làm
Luật sư Nguyễn Khả Thành nói rằng bản thân ông rất hy vọng lời
nói của Thủ tướng sẽ được thực hiện, nhưng kinh nghiệm của những vụ việc trước
cho thấy hy vọng đó khó có thể thành hiện thực:
“Thực tiễn ở Việt Nam lâu nay có những văn bản từ văn phòng
Chính phủ xuống tận đây nhưng người ta cứ tảng lờ chẳng làm gì nên cuối cùng
đông đảo dân mới bức xúc như vậy. Chứ nếu làm đúng theo pháp luật thì đâu đến
độ bức xúc thế này đâu. Ở Việt Nam rất khó, đôi lúc Thủ tướng nói và có văn bản
cụ thể nhưng họ không chịu làm mà trên đó thì không nắm được kỹ những việc ở dưới
này.”
Năm 2012 xảy ra vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ủy ban
Nhân dân huyện Tiên Lãng đã quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông
Đoàn Văn Vươn khiến gia đình ông này phản ứng bằng cách cho nổ súng và bình ga
tự chế để ngăn chận lực lượng cưỡng chế.
Đầu tiên là xã Đồng Tâm, sau đó là huyện Mỹ Đức, phải chịu trách
nhiệm vê việc làm sai pháp luật, bắt cóc dân, đánh dân, đánh cụ già, và kể cả
việc họ gây ra những bất ổn, tức là họ quản lý đất đai yếu kém.
- Nhà hoạt động Lê Dũng Vova
Vụ việc được mệnh danh là ‘tiếng súng’ Tiên Lãng khiến Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ lên tiếng cho rằng các quyết định thu hồi đầm nuôi
thủy sản, cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật. Tuy nhiên sau
đó, 6 người trong gia đình ông Vươn vẫn bị bắt, khởi tố và bị tuyên án tù.
Trong vụ Đồng Tâm, như đã nêu trong cam kết của ông Chủ tịch
thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, có điểm không truy cứu trách nhiệm hình sự
đối với người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên đến ngày 13/6 Công an Hà Nội vẫn ra quyết
định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại
tài sản ở địa phương này.
Nhà hoạt động Lê Dũng Vova cho rằng hiện tại chưa có cơ sở nào
để đảm bảo là lời nói của Thủ tướng sẽ được thực hiện:
“Tại vì từ xưa đến giờ có rất nhiều phát ngôn của các cấp từ
Quốc hội đến Chính phủ trở xuống. Họ nói một đằng nhưng không làm hoặc làm kiểu
khác. Cho nên bây giờ không có gì đảm bảo là họ sẽ làm những gì họ nó với báo
chí và công luận.”
Phát ngôn của Thủ tướng cũng được hiểu là người dân Đồng Tâm
cũng sai thì mới phải xử lý. Luật sư Nguyễn Khả Thành lại cho rằng mọi hành
động của người dân Đồng Tâm chỉ là “tức nước vỡ bờ”, do chính sự thiếu trách
nhiệm và cách hành xử của các cơ quan chức năng châm ngòi.
Lan Hương
(RFA)
Nhận xét