5361. Các vị ĐBQH chọn bố mẹ hay chọn chính quyền?

Các vị ĐBQH chọn bố mẹ hay chọn chính quyền?

Nguyễn Ngọc Chu / Chiếu Làng


Chỉ những người có Hiếu có Tín có Nghĩa với bố mẹ mình thì mới có Trung có Tín có Nghĩa với Tổ quốc của mình. Còn những kẻ đã bán đứng cả bố mẹ mình thì sẽ bán đứng tất cả. 
Câu hỏi giản đơn với sự lựa chọn quá rõ ràng cho mọi người, ngoại trừ nhiều vị ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua điều 19 Bộ LHS hôm 20-6-2017.
LUẬT PHÁP CỦA MỘT CHÍNH QUYỀN VÀ GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT CỦA NHÂN LOẠI 
Một chính quyền chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Bởi thế luật pháp của chính quyền đó cũng có thời gian sống và phạm vi hiệu lực hữu hạn cùng với sự tồn tại của chính quyền. Các chính quyền khác nhau sẽ có luật pháp cai trị khác nhau. Thường thì chính quyền sẽ ban bố những bộ luật có lợi cho sự cai trị của chính quyền. Đó là những điều dễ hiểu.
Nhưng mâu thuẫn và đấu tranh buộc các chính quyền phải sửa đổi pháp luật cai trị cho phù hợp với hoàn cảnh và tiến bộ xã hội. Những điều tốt sẽ được phát huy, những điều xấu bị hủy bỏ. Một chính quyền tốt cho đa số dân khi có luật pháp cai trị tiến bộ phục vụ cho lợi ích của đa số dân. Một chính quyền xấu cho dân khi luật pháp cai trị phục vụ cho thiểu số. Đó cũng là những điều dễ hiểu.
Từ quá trình phát triển, loài người đã đúc kết được những giá trị phổ quát mà luật pháp của bất cứ thể chế nào cũng phải tôn trọng. Những giá trị phổ quát nàỳ sâu rộng và tồn tại dài lâu hơn luật pháp của một thể chế. Trong số các giá trị phổ quát được xã hội loài người đúc kết, có các quyền cơ bản của con người và các phẩm chất đạo đức làm người.
Bởi thế, các quyền con người như tự do bình đẳng, các phẩm chất đạo đức như Tín Nghĩa là những giá trị mà luật pháp của bất cứ thể chế nào cũng phải tôn trọng. Xóa bỏ hay không tôn trọng những giá trị đó sẽ dẫn đến sự bất ổn trong xã hội mà hệ lụy là làm cho chính quyền suy vong.
Bắt con cái phải tố giác bố mẹ hay luật sư phải tố thân chủ là đi ngược với những giá trị phổ quát mà nhân loại đã đúc kết.
TẠI SAO THỜI CỤ HỒ KHÔNG CÓ KHOẢN 3 ĐIỀU 19?
Không có lẽ 72 năm qua, nước ta không đối mặt với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và xâm phạm an ninh quốc gia? Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước đã ở trong những hoàn cảnh gian nguy hơn nhiều, nhưng chính quyền không cần đến con cái phải tố cáo bố mẹ và luật sư không phải phản lại thân chủ. Tại sao bây giờ, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật tốt hơn nhiều cùng với đội ngũ cơ quan tố tụng đông đảo, chính quyền lại cần đến sự phản bội của con cái và luật sư để tìm ra thủ phạm?
Như cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An từng nhận xét, Hiến pháp nước ta mỗi ngày càng xa Hiến Pháp năm 1946. Bây giờ Bộ LHS cũng theo chân mà thua cả thời mới lập chế độ.
CÁC THẦY CÔ SẼ KHUYÊN HỌC TRÒ NHƯ THẾ NÀO?
Khi phải đối mặt với một câu hỏi như thế từ học trò, các thầy cô sẽ khuyên học trò như thế nào? Đắc tội với bố mẹ hay đắc tội với chính quyền?
Thân mình sinh ra trên đời là do bố mẹ mà có. Nếu phản bội lại bố mẹ thì sống trên đời để làm chi? Vì bố mẹ mà phải phạm tội với chính quyền rồi mất mạng cũng có chi là luyến tiếc. Còn hơn thoát tội với chính quyền mà phạm đại tội bất Hiếu bất Tín bất Nghĩa với bố mẹ.
Trong hai đường đều phạm tội thì chọn phạm tội với chính quyền chứ không bao giờ được phạm tội với bố mẹ. Đó là lựa chọn duy nhất không bàn cãi.
Chỉ những người có Hiếu có Tín có Nghĩa với bố mẹ mình thì mới có Trung có Tín có Nghĩa với Tổ quốc của mình. Còn những kẻ đã bán đứng cả bố mẹ mình thì sẽ bán đứng tất cả.
CÁC VỊ ĐBQH SẼ CHỌN LỰA AI?
Như Thương Ưởng (khoảng 390 – 338 TCN) từng ban bố những đạo luật hà khắc vô nhân tính có lợi cho chính quyền nhà Tần, trong số đó - không kể bố mẹ anh em, “Ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng”. Kết cục, khi thất sủng phải trốn chạy, Thương Ưởng bị chính đạo luật do mình ban ra giết chết.
Các vị ĐBQH sẽ chọn lựa ai nếu bố mẹ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Tố giác bố mẹ mình để thoát tội với chính quyền nhưng phạm đại tội với bố mẹ? Hay không tố giác bố mẹ để giữ đạo làm con mà chịu tội với chính quyền?
Đến lúc đó, các vị ĐBQH thông qua điều 19 Bộ LHS hôm 20-6-2017 mới hiểu được, tại sao những người có Hiếu với bố mẹ, những người trọng Tín Nghĩa mới kiên trì đấu tranh cho giá trị phổ quát làm người mà hàng ngàn năm, không phải một dân tộc, mà cả loài người quý trọng. Những giá trị đó thúc đẩy sự tỏa sáng của Dân tộc nên quý hơn nhiều so với sự tồn vong của một chế độ.
TS Toán học Nguyễn Ngọc Chu 
(Chiếu Làng)

Nguyễn Thông: Quốc hội xắn nhát xẻng cuối cùng đào huyệt chôn giới luật sư

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, định viết, định thôi. Xứ này thiếu gì luật sư, luật gia, thày cãi, có cả Liên đoàn luật sư quốc gia, rồi tỉnh thành nào cũng có Đoàn luật sư, họ im không lên tiếng, mắc mớ gì tới mình. Nhưng sự khó chịu để âm ỉ trong người, giữa những ngày bức bối nhiệt độ cao thế này, không xả ra có khi điên mất. Thôi thì dăm ba chữ, chả nhằm cứu ai, trước hết chỉ cứu cái thân mình.
Chả là chiều 20.6, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi (2015) với đa số phiếu, trong đó vẫn giữ nội dung “luật sư phải tố giác thân chủ”. Khi luật đã được thông qua và ban hành thì chỉ có chấp hành, cấm cãi.
Điều đáng nói, nội dung này khi còn dự thảo được trình Quốc hội để lấy ý kiến đã bị dư luận phản đối dữ dội. Hầu hết cho rằng không thể như vậy được, trên thế giới chả có ai làm thế. Xưa nay, xứ ta cứ thích đi một mình một đường, cứ đòi “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam”, đường ta ta cứ đi, kệ chông gai ngăn trở. Cũng có trường hợp đi được tới đích nhằm chỗ sáng tươi, nhưng phần nhiều đâm đầu vào ngõ cụt, vực sâu, mà trường hợp dứt khoát yêu cầu luật sư phải tố giác thân chủ là một ví dụ.
Người ít học nhất cũng hiểu rằng luật sư là người bảo vệ cho thân chủ. Dân gian gọi nôm na là thầy cãi. Luật sư có nhiệm vụ cãi cho người mình nhận bảo vệ trước tòa. Dù thân chủ là bị cáo (cáo buộc có tội) hay nguyên cáo (đứng ra tố cáo, khởi kiện) thì luật sư được bên nguyên hoặc bên bị thuê đều phải tìm mọi cách bảo vệ khách hàng của mình (thân chủ). Đó là trách nhiệm của luật sư, và chỉ có trách nhiệm ấy, không còn gì khác.
Luật pháp quy định người bị cáo buộc phạm tội bị đưa ra tòa xét xử luôn có quyền yêu cầu luật sư bảo vệ. Rất nhiều trường hợp bị cáo không nêu ra yêu cầu ấy thì cơ quan pháp luật chỉ định luật sư đứng ra làm việc đó. Tức là không để bất cứ ai bị thiệt thòi quyền bào chữa trước tòa. Cũng có trường hợp bị cáo nói rõ không cần luật sư mà sẽ tự bào chữa, pháp luật cũng chấp nhận.
Khi bị cáo thuê luật sư, hoặc có những luật sư tự nguyện bào chữa và được bị cáo chấp nhận thì đã xác lập mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ. Bị cáo tin tưởng, thâm chí tin tưởng tuyệt đối vào luật sư, sẵn sàng cung cấp mọi tài liệu cần thiết, thổ lộ mọi sâu kín, bí ẩn để luật sư nắm vững vụ việc, từ đó luật sư tranh cãi có lợi cho thân chủ của mình. Bị cáo đặt niềm tin vào luật sư, giống như trao cả cuộc đời mình vào vị cứu tinh.
Hãy đặt ra trường hợp, sau khi luật sư nhận được những thông tin từ thân chủ, thay vì dùng nó để bào chữa cho bị cáo, thì luật sư đem đi báo nhà chức trách (công an, kiểm sát). Hành động ấy, nói cho cùng, là sự phản phúc, phản bội, không chỉ đối với người đã đặt niềm tin vào mình, mà cả đối với lương tâm mình, nghề nghiệp của mình. Chỉ bằng việc tố cáo, luật sư đã tự biến mình thành mật thám, Giuda (Judas) chứ không còn là trạng sư, thầy cãi nữa.
Thời phong kiến, ngay cả những bộ luật bảo thủ bảo hoàng nhất cũng còn cho phép bậc cha mẹ có quyền không tố cáo con cái nếu chúng vi phạm pháp luật. Vấn đề mà luật phong kiến xem xét là khía cạnh đạo đức, lương tâm.
Cũng có thể cơ quan pháp luật sau khi tiếp nhận thông tin (tố cáo) sẽ giữ bí mật về nguồn cung cấp nhưng tôi đoan chắc rằng luật sư tố cáo đó sẽ không bao giờ yên ổn về lương tâm nghề nghiệp, rồi sớm muộn cũng phải bỏ nghề, trừ trường hợp là kẻ táng tận lương tâm. Tưởng không ai biết nhưng trời biết, kẻ nhận thông tin từ mình biết (sẽ coi mình chả ra gì), bản thân mình biết, giấu làm sao được.
Một khi luật sư đã đứng ra tố thân chủ thì đương nhiên không thể tiếp tục bảo vệ cho người ta nữa. Ai sẽ đứng ra bảo vệ tiếp cho bị cáo. Không ai cả. Quyền được bào chữa sẽ bị tiêu hủy, quyền con người bị dập tắt, chỉ bởi một quy định không giống ai.
Và thật lạ, một hệ thống luật pháp lại ngang nhiên sử dụng những kẻ phản bội, phản phúc, rồi nó sẽ đi về đâu.
Đã từ khá lâu rồi luật sư ở xứ này bị nhà cai trị lợi dụng, coi như cây cảnh, bonsai, để trang trí cho bức tranh dân chủ công lý. Nay thêm nhát xẻng này, cái hố đã xong, chỉ cần lấp đất là hoàn thành cuộc chôn vùi.
Lão Maddox hàng xóm nhà tôi, khi đọc cái thông tin về sự tố cáo phản bội kia đã chốt lại rằng không ngờ cơ quan chuyên đẻ ra luật pháp lại thông qua một thứ luật vô pháp đến vậy.
21.6.2017
Nguyễn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.