5356. Báo Giáo dục Việt Nam lên tiếng về việc bắt nhà báo Lê Duy Phong
Báo Giáo dục Việt Nam lên tiếng về việc bắt nhà báo Lê Duy Phong
![]() |
Hình ảnh về vụ bắt giữ ông Lê Duy Phong những thứ vật chứng được coi là tang vật của vụ việc - Ảnh Công an Yên Bái cung cấp |
(Người Lao động) - Theo Tổng biên tập Báo Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Bình, việc bắt
giữ nhà báo Lê Duy Phong nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái
có những bất thường cần được làm rõ.
Theo thông tin Công an TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cung cấp cho báo chí, vào 12
giờ 45 ngày 22-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái đã bắt quả tang
ông Lê Duy Phong nhận tiền của một doanh nghiệp. Ông Lê Duy Phong (32 tuổi),
vào thời điểm đó là trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cơ quan công an cho biết sự việc xảy ra tại nhà hàng ăn uống Oanh Hiện ở tổ 66,
phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái. Tại đây, khi ông Lê Duy Phong nhận tiền của
doanh nghiệp thì bị cơ quan công an bắt quả tang, lập biên bản và tạm giữ ông
Phong để điều tra.
Theo cơ quan công an, việc
bắt giữ ông Phong vì việc trên có dấu hiệu hành vi lợi dụng hoạt động báo chí
để chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 24-6, ông Nguyễn Tiến Bình,
Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết Ban biên tập báo chưa
nhận được thông báo chính thức nào từ phía Công an TP Yên Bái về việc nhà báo
Lê Duy Phong bị bắt.
"Chúng tôi đã liên lạc với Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái, đề nghị có một cuộc làm
việc chính thức giữa báo và phía Công an tỉnh Yên Bái để làm rõ anh Lê Duy
Phong bị bắt vì lý do gì để báo có những động thái chính thức về mặt hành
chính"- ông Tiến Bình cho hay.
Theo thông tin ông Bình nắm
được tới thời điểm sáng 24-6 qua nhân chứng, có doanh nghiệp gọi điện thoại mời
ông Phong lên tư vấn giúp. Ông Phong không có thoả thuận hay vòi vĩnh gì về
tiền bạc. Khi doanh nghiệp đưa tiền ra bàn thì công an ập vào luôn. Ngoài ra,
số tiền doanh nghiệp đưa ra là 50 triệu chứ không phải 250 triệu đồng. Việc
nhận 50 triệu đồng là quá bất thường với tính cách của ông Lê Duy Phong.
Ông Bình cũng đề nghị chuyển hồ sơ về Bộ Công an để điều tra nhằm đảm bảo khách
quan. Ai sai đến đâu sẽ phải chịu đến đấy, báo cũng không dung túng bao che.
"Anh Lê Duy Phong đang điều tra nhiều vụ việc tại Yên Bái, trong đó có vụ
việc liên quan đến giám đốc Công an tỉnh mà công an tỉnh lại trực tiếp bắt giữ,
điều tra thì tôi cho rằng, sẽ không đảm bảo khách quan"- ông Tiến Bình
nhấn mạnh.
Tổng biên tập Báo Giáo dục Việt Nam cho hay thực tế ông Lê Duy Phong là người
trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên
Bái. Những việc này đều có các căn cứ và báo sẽ không gỡ bài.
Sau khi đăng tải những bài viết như vậy, báo chịu rất nhiều áp lực. Có nhiều
người đến gặp và điện thoại đề nghị gỡ những bài viết này và dừng các hoạt động
điều tra. "Tuy nhiên, báo không đồng ý và tiếp tục làm"- ông Bình
nói.
Ông Nguyễn Tiến Bình cũng nêu ra một điều mà ông cho là bất thường khác là
doanh nghiệp đưa tiền cho ông Lê Duy Phong đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên
Bái nhưng không liên quan tới bất kỳ vụ việc nào mà Báo Giáo dục Việt Nam đang
thực hiện. "Tôi muốn đặt câu hỏi doanh nghiệp này là doanh nghiệp nào? Tại
sao lại đưa tiền khi không có gì liên quan tới tờ báo? Tôi cho rằng đây là một
bất thường cần được làm rõ"- ông Nguyễn Tiến Bình nói.
Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.
Nhận xét