5315. TRẺ CON THÌ BIẾT CÁI GÌ!

TRẺ CON THÌ BIẾT CÁI GÌ! 
Ảnh PNTB (đã được bảo lãnh hình ảnh)
Đấy là câu cửa miệng của người nhớn. Mình cũng từng nghĩ và nói thế. Nhưng từ ngày làm ‘bảo mẫu’, trông thằng cu cháu nội từ 4 tháng tuổi đến nay đã gần một năm tuổi mới nhận thấy, mình già rồi mà vẫn ngu. Trẻ con chúng biết nhiều hơn mình tưởng.
Cháu chưa biết nói, vì từ lúc lọt lòng nó mới tiếp xúc với ngôn ngữ được mấy tháng giời. Đến người nhớn cho sang nước khác, xung quanh toàn một thứ ngôn ngữ lạ, thì hàng năm mới vọ vẹ được vài câu, chắc gì bằng đứa trẻ 16 tháng tuổi nói tiếng mẹ đẻ?
Nhưng thấy cháu chưa biết nói, cứ tưởng nó không biết gì thì quả là COI THƯỜNG TRẺ CON. Khi mẹ hay bà cháu đi đâu về mình kể: Hôm nay thằng cu quấy lắm, nó vòi vĩnh, đòi nọ đòi kia, không được là cu cậu sinh sự…Để ý thấy cháu lắng nghe và “tỏ thái độ”. Hóa ra nó chưa nói được nhưng cũng nhận ra ông đang “nói xấu” mình. Ngạc nhiên hơn là khi cháu đòi cái remote điều khiển ti vi, sợ cháu làm hỏng, mình đưa cho cháu cái remote “chết” (một sự lừa dối trẻ con), cháu chơi một tí rồi lấy tay hẩy ra, đòi cái có thể khiển được. Hai cái remote về hình thức bề ngoài cơ bản giống nhau, chỉ khác là một cái đã hỏng. Tưởng cháu không biết, mình mang lộn hai cái với nhau rồi để cháu chọn thì cả mười lần như một, cháu đếch thèm thò tay vào cái remote “chết”. Cả hai ông bà nhìn cháu “lựa chọn” mà phì cười. Đấy, cứ bảo trẻ con thì biết cái gì!... 
Mới 10 tháng tuổi, nhưng thả ra cho cháu chơi đồ chơi: cái ô tô nhựa, cái xe đạp mi ni, con búp bê bông… Cầm vào vật gì, thằng bé cũng có vẻ “nghiên cứu”. Nó mày mò những dấu hiệu “lạ” trong đồ chơi, lấy ngón tay sờ mó, tìm kiếm, chọc ngoáy… Có lẽ đó là sự phản ánh “bản chất tò mò”, bản chất “tìm hiểu thế giới” của con người. Và chính điều này phản ánh bản tính vốn có của con người là CHỦ THỂ SÁNG TẠO, sáng tạo ngay từ lúc lọt lòng, không chờ đến lúc có bằng tiến sĩ… dỏm. 
Trong ứng xử với trẻ con, có người biết khơi dậy tính sáng tạo, bằng cách phát huy tự do sáng tạo của con trẻ, nhưng có kẻ chỉ tìm cách áp đặt, chỉ muốn trẻ con nhất cử nhất động răm rắp theo mình – một cách kìm hãm trí sáng tạo của trẻ… (viết đến đây, mình thoáng nghĩ đến sự nghiệp 'trồng người' của chúng ta mấy chục năm qua, không biết thành 'cây gì, con gì'?…). 
Mình không phải là nhà khoa học tâm lý trẻ thơ, cũng chẳng là cái gì cả, nhưng qua đó đã thấy được, trước một đứa trẻ, người nhớn cần tìm hiểu để biết phần nào “thế giới bên trong” của nó, từ đó suy ra cần có ứng xử cho hợp lý, cho phù hợp với “hiện thực khách quan”. Nhớ có lần đọc Karl Mark, thấy ông viết: “Mỗi con người là một thế giới người…”. Nghĩa là không thể đơn giản hóa con người đến mức muốn nó thế nào cũng được.
Qua tiếp xúc, quan sát, lắng nghe cháu nội…mình nhận ra một chân lý, nếu cứ ra vẻ ta đây người nhớn, cứ “độc quyền chân lý”, cứ lấy mình làm trung tâm, cứ mặc nhiên nghĩ rằng, trẻ con thì biết cái gì, rồi từ đó áp đặt, sai khiến, bắt nó phải làm theo, thì có già đời cũng vẫn còn ngu!
Thế mà xưa nay có khối người trên thế giới này, do may mắn, được mặc áo quan, đội mũ quan lại tự huyễn mình là thánh nhân, coi người dân như những con cừu. Họ không hề biết đến những 'con cừu' đó muốn gì mà ngược lại chỉ thích cả đàn cừu phải làm theo ý mình, kể cả bảo chúng nằm ngửa ra để cạo lấy lông làm áo rét. Nhưng quần chúng nhân dân không phải cừu, nên nhiều phen các quan bị phản kháng vã mồ hôi hột. Nhưng trong tay sẵn có cái gậy, con cừu nào không chịu thì ghè cho nó một cái, để răn đe cả đàn.
Vậy thì ngay cả một đứa trẻ chưa biết nói, về mặt nào đó nó cũng là “sư phụ” của mình, nếu biết quan tâm, lắng nghe sẽ học được nhiều thứ. Người có văn hóa phải biết lắng nghe, lắng nghe cả ngôn ngữ cũng như hành động của người khác, kể cả một đứa trẻ. Đôi khi có thể nó làm mình khó chịu, vì nó không làm theo ý mình, nhưng đó là sự phản ánh chân thực cuộc sống. Cuộc sống vốn là khách quan, nó chả phụ thuộc vào ông nọ bà kia gì, kể cả họ tự xưng là ông Giời.
Nếu không tôn trọng cuộc sống, tôn trọng sự thật thì dù có sống lâu, già đời cũng dẫn đến lú lẫn mà thôi. 
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.