5297. Đối thoại với chống... cộng

Đối thoại với chống... cộng
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Chiều qua gã leo tầng 16, tòa nhà nhìn ra Nam Sài Gòn thăm bác Tương Lai. Trà Tân Cương, mứt gừng Huế và mênh mông... thế sự.
Bác Tương con trai một ngài thượng thư triều đình Huế luôn giữ phong thái tự tại, ung dung dù đang ủ bệnh...mênh mông, dù tuổi gió đưa gió đẩy cây cải...
Mênh mông gì thì cái sự cũng quẩn quanh chuyện nước nước, non non. Bác hỏi gã, ông đi nhiều ngóng nghe chuyện "đối thoại" mà Võ Văn Thưởng vừa tung ra thế nào?
Gã đáp: Bác à, em nghĩ trước hết có thể có đối thoại thực sự giữa các bác lãnh đạo đảng với một số bác đảng viên có quan điểm khác như bác Nguyễn Trung, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Đào Văn Sâm, Phạm Chi Lan...
Hê, gã không nhắc đến tên bác Tương Lai, người từng là thành viên ban cố vấn cho hai đời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
Lý do, chắc bác Tương Lai cũng quá rành khi trước nhà các bác trên không hề có lính canh, còn nhà bác cứ chuẩn bị xảy ra sự kiện gì, mặc dù bác đi đâu cũng phải chống gậy, cũng có vài bạn trẻ cười cười lễ độ chào bác với câu lễ phép: bác ơi chân bác đau thế, bác xuống đường làm gì cho mệt?
Nghe gã nói thế, bác Tương Lai cười rõ giòn tan. Bác bảo, để tôi kể chuyện này cho ông nghe.( Bác hay gọi người ít tuổi hơn mình là ông).
***
Năm 2007, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân tại Hoa Kỳ, và giáo sư triết Lê Xuân Khoa cũng ở Hoa Kỳ với mong muốn tập hợp các trí thức trong và ngoài nước lập ra một Trung tâm gọi là "Nghiên cứu Việt Nam thế kỷ 21" để cùng trao đổi, đối thoại về con đường phát triển của đất nước. Kinh phí sẽ do tiến sĩ Phùng Liên Đoàn bỏ ra một nửa, nhà nước VN bỏ ra một nửa.
Nghe tin vậy cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ động mời giáo sư Lê Xuân Khoa về nước để cùng trao đổi thành lập Trung tâm trên. Ông Kiệt bảo tôi đại diện cho ông ra sân bay đón ông Khoa, sau đó ông Kiệt tiếp ông Khoa rất chân tình. Ông Kiệt muốn Trung tâm này đặt tại Hà Nội và vai trò là tập hợp trí thức bất kể chính kiến, xuất phát từ bất cứ đâu để phản biện cho các đường lối, chính sách của đảng và nhà nước VN.
Tôi và giáo sư Lê Xuân Khoa bay ra Hà Nội họp bàn với nhiều trí thức tên tuổi Hà Nội để xúc tiến thành lập Trung tâm này. Nhưng rồi có một số nguồn tin có trách nhiệm từ phía an ninh đến với tôi rằng giáo sư Lê Xuân Khoa và tiến sĩ Phùng Liên Đoàn là những phần tử chống cộng kịch liệt.
Ông Kiệt gặp tôi hỏi tình hình sao rồi. Tôi lo ngại nói với ông ý kiến từ phía an ninh. Ông Kiệt cười ha hả rồi không chút đắn đo nói với tôi: Họ chống cộng nhưng họ cũng yêu nước, muốn cho nước giàu thì mình mới cần ngồi với họ mà đối thoại mà bàn chuyện chứ.
***
Gã biết dự định thành lập Trung tâm trên không thực hiện được vì có quá nhiều cản ngại, nhưng từ chính cái ý định của tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, giáo sư Lê Xuân Khoa và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt sau đó một thời gian đã ra đời Viện IDS tập hợp các trí thức hàng đầu của VN chủ động đối thoại và phản biện các đường lối, chính sách của nhà nước.
Tiếc rằng, vâng, gã lại phải chậc lưỡi nhiều lần để nói câu tiếc rằng này, sau một thời gian phản biện thì có một thế lực cản trở bước tiến của dân tộc đã tìm mọi cách vô hiệu hóa Viện IDS do giáo sư toán hàng đầu, nhà ái quốc Hoàng Tụy là chủ tịch và tiến sĩ Nguyễn Quang A là giám đốc để dẫn đến nó phải tuyên bố tự giải tán.
Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)
---------------------------------------------------------------------------------
Xem thêm:
Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá
Hình minh họa của QĐND
Tất cả các chế độ dân chủ trên thế giới cho đến nay đều xem người dân là chủ thể kiến tạo chế độ xã hội, quản lý nhà nước… có quyền tự do ngôn luận, có quyền đối thoại với các cơ quan, tổ chức-bao gồm cả tổ chức đảng cầm quyền và nhà nước hiện hữu. Đây là một đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ.
Ở nước ta, trong tất cả các kỳ họp Quốc hội, bên cạnh những ý kiến của các đại biểu, các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu với các thành viên Chính phủ còn có “Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân” trong cả nước. Đó là một ví dụ về chế độ dân chủ nói chung, chế độ dân chủ của xã hội nói riêng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước” [1].
Đồng chí Võ Văn Thưởng còn nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý…”[2].
Có điều là sau ý kiến của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương được các phương tiện thông tin đại chúng đưa, nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn, trong đó có BBC, RFA, VOA… và đặc biệt trên các mạng “ngoài luồng”, một số phần tử đội lốt "nhà khoa học”, các “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” trong và ngoài nước đã comment ầm ĩ rằng: Ông Võ Văn Thưởng “nói thiệt hay nói giỡn vậy?"; “Đối thoại với ai? Về những gì?”... Thậm chí họ còn cho rằng, đối thoại bao gồm cả “tổ chức biểu tình phản đối… để gây áp lực 24/7 lên chính quyền… về chuyển đất nước sang dân chủ”...
Vậy các "nhà khoa học”, các “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam” suy nghĩ về chuyện “đối thoại” mà đồng chí Võ Văn Thưởng nêu ra như thế nào? Liệu đây có phải là cơ hội để các vị ấy được công khai truyền bá quan điểm chống chế độ xã hội, chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hay không?
Xem xét một số comment, bài viết về chủ đề này ở một số trang mạng của những “nhà khoa học”, "nhà báo”, “nhà dân chủ”, “nhân quyền” tự phong, người đọc không khỏi thất vọng, thậm chí là bức xúc về tư duy chính trị mang tính bạo lực chống phá chế độ của một số người, tuy số lượng không đáng kể.
Không phủ nhận rằng trong những ý kiến mà người viết bài này đã đọc có những suy nghĩ chân thành, chẳng hạn có người cho rằng, phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng là một “thông điệp tốt”. Có người cho rằng, ý kiến của ông Võ Văn Thưởng “không phải là một sự đột phá mà là bước đi tiếp theo từ một điều trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái”. Có thể tác giả (nói trên) đã nhớ đến nội dung phần phân tích nguyên nhân chủ quan (về tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên) đã ghi trong Nghị quyết Trung ương 4. Đó là những nguyên nhân chủ quan sau: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế… Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa kịp thời”. Có người cho rằng, ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng thể hiện thái độ “thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân” là “một dấu hiệu tốt”.
Tuy nhiên, đáng tiếc trong nhiều bài trên các trang mạng, người ta chỉ thấy những cách hiểu ấu trĩ, sai lệch và ý đồ chính trị thâm độc, lợi dụng ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng. Chẳng hạn:  
- Có người cho rằng, tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng là một “trò đối phó”. "Đây chỉ là “con bài” đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập, có thể chỉ được sử dụng như một thứ hàng trang trí, hoặc như một nơi trú ẩn khi còn đường lùi cho cuộc gặp ngày mai".
- Có người thì bôi nhọ Đảng ta, cho rằng “đây là thủ đoạn lươn lẹo vốn đã thành bản tính của các nhà chỉ đạo chính sách của Đảng Cộng sản?”. Rồi họ phân tích-đây chỉ là “tung tin để đánh làm mất hướng phong trào đấu tranh của quần chúng”, đặc biệt là quần chúng công giáo khu vực miền Trung đang có biểu hiện “bất tuân dân sự, vô hiệu hóa quyền lực của chính quyền và có xu hướng tiến tới giành quyền?"…
Về “chiến lược” tận dụng “cơ hội đối thoại”, những kẻ cơ hội này vạch ra, hay nói như họ là “lộ trình” đối thoại như sau: “Cần nêu một số vấn đề trước, mục tiêu cuối cùng để sau”. Tất nhiên, "mục tiêu cuối cùng để sau" là nhằm che đậy âm mưu, ý đồ chính trị thâm độc, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ chế độ xã hội và Nhà nước ta. Theo họ, những nội dung ưu tiên “đối thoại trước” không quá gay cấn để cuối cùng mới đến chuyện thể chế chính trị, đó là đòi đa nguyên chính trị… "bãi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nhân cơ hội bàn về đối thoại, có kẻ còn vận động cho các hành vi dùng bạo lực chống lại chính quyền nhằm “gây áp lực” chuyển sang chế độ “dân chủ”.
Thiết nghĩ, các “nhà khoa học”, những người tự xưng “đấu tranh cho dân chủ”, “nhân quyền Việt Nam” đã quá ấu trĩ hoặc đã cố ý hiểu sai ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng nói đến vấn đề đối thoại. Đặc biệt là họ dùng thủ đoạn lợi dụng “đối thoại” để gây sức ép, “lái” ý kiến về đối thoại sang quan điểm của mình, thậm chí lợi dụng câu chuyện đối thoại để tuyên truyền, cổ xúy cho những hành vi bạo lực, trái pháp luật.
Khái niệm đối thoại, về mặt ngôn ngữ có vẻ là một khái niệm mới, song về bản chất không khác khái niệm thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trong sinh hoạt Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Khái niệm đối thoại là cùng một cấp độ và thống nhất với khái niệm “quyền tự do ngôn luận, báo chí…”. Các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến nay, đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã quy định: “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25, Chương II).
Luật Báo chí 2016 cũng quy định: “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: 1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; 2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác” (Điều 11). Những quy định tại Điều 11, Chương II nói trên về bản chất cũng là đối thoại, thậm chí còn hơn thế nữa, người dân có quyền “khiếu nại, tố cáo” nếu có sự vi phạm quyền hợp pháp của mình. Còn nhớ, trước khi có Hiến pháp 2013, có Luật Báo chí, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ra đời từ chỉ thị này.
Báo cáo chính trị Đại hội XII có đoạn: “Tiếp tục phát huy dân chủ XHCN bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân”… “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu mà phải được xây dựng trở thành các định chế bảo đảm quyền lực xã hội thực sự thuộc về nhân dân.
Thiết nghĩ, “dự thảo” về hoạt động đối thoại mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra là để làm rõ và nếu có thể để hoàn thiện các quyết định của Đảng, Nhà nước. Các cuộc đối thoại với một số cá nhân nào đó cũng trong khuôn khổ đó chứ không phải để đưa ra hoặc thay đổi các quyết định của Đảng và Nhà nước; không thế đứng trên Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, các cuộc đối thoại phải nhằm phát huy dân chủ XHCN-nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc căn bản. Đó là xác định mục tiêu và con đường xây dựng xã hội XHCN ở nước ta. Mục tiêu và con đường đó dựa trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới), đồng thời lấy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước làm tiền đề. Nói cách khác, các cuộc đối thoại không thể vượt qua “lằn ranh đỏ” chính trị nói trên, vì đấy chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chủ đề các cuộc đối thoại do đó cũng không thể nhằm “xem lại”,  bác bỏ các giá trị của dân tộc ta, trong đó có thân thế, sự nghiệp, tư tưởng,  đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành quả vĩ đại của các cuộc kháng chiến anh hùng, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc…
BẮC HÀ
[1] , [2] Theo Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) ngày 18-5-2017, 14:40.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.