5290. Sở hữu tư nhân về đất đai là tất yếu
Sở hữu tư nhân về đất đai là tất yếu
![]() |
Ảnh minh họa: PNTB |
Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa
nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân.
Có
hai lý do củng cố cho chế độ công hữu về đất đai. Thứ nhất, thể hiện được đúng
bản chất của đất đai không phải là của riêng ai, mà là tặng vật của tự nhiên
ban tặng cho cả dân tộc, có công sức gìn giữ và bảo vệ của tất cả mọi người.
Thứ hai, nếu tư nhân hoá đất đai thì dễ hình thành tầng lớp chủ đất mới, một số
người giàu có bỏ tiền ra để giữ đất, đầu cơ đất đai tạo nên trở lực lớn cho quá
trình đầu tư phát triển.
Nhưng
chế độ công hữu về đất đai cũng có một số nhược điểm từ thực tiễn. Thứ nhất,
người sử dụng đất không có động lực để sử dụng đất một cách tốt nhất, không
muốn đầu tư dài hạn vào đất đang sử dụng, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất vì
đất đai đó không phải là tài sản lâu dài của họ. Thứ hai, quyền định đoạt về
đất đai thuộc các cơ quan nhà nước dễ dẫn tới sự can thiệp hành chính vào thị
trường quyền sử dụng đất, tạo nguy cơ phát sinh tham nhũng, gây trở ngại lớn
cho đầu tư phát triển. Thứ ba, sự không chỉnh thể về lý luận và thực tiễn tạo
nên những khái niệm “giả vờ” gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật như quyền
sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, giá
quyền sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2003 đã phải định nghĩa giá quyền sử dụng
đất và nói rằng trong luật này gọi là giá đất. Sự thiếu minh bạch về khái niệm
dẫn tới khả năng thực thi sai pháp luật, làm lẫn lộn cách thức phân chia địa tô
giữa người sử dụng đất và Nhà nước.
Chế
độ công hữu về đất đai chỉ có ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ. Hiện
nay cũng chỉ còn ở một số nước như nước ta (sở hữu toàn dân), Trung Quốc (sở
hữu tập thể và sở hữu nhà nước), Cuba và Triều Tiên (sở hữu nhà nước). Ở các
nước thuộc khối Liên hiệp Anh, một phần đất đai được xác lập theo nguồn gốc là
của nhà vua, mọi người có thể mua và có thể thuê, thời hạn thuê dài nhất lên
tới 999 năm. Ở Đài Loan – Trung Quốc, hiến pháp xác định đất đai là tài sản của
cả dân tộc, Nhà nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai theo quy định
của pháp luật.
Chế
độ sở hữu đất đai hợp lý cho hộ gia đình, cá nhân
Tất
cả các nhà lý luận kinh tế chính trị học trên thế giới đều nói rằng sở hữu đất
đai là một loại sở hữu đặc biệt, không phải của tất cả mọi người mà cũng không
phải của riêng ai. Gọi là sở hữu gì cũng chỉ là thuật ngữ, nội dung cụ thể phải
được xác lập theo các quy định của pháp luật. Trên thực tế, nội dung cụ thể về
quyền định đoạt đối với đất đai ở ta hiện nay không khác mấy so với nội dung cụ
thể của quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước tư bản phát triển. Không có
sự khác nhau về quyền của Nhà nước và quyền của người giữ đất; chỉ có sự khác
nhau về phạm vi thực hiện các quyền đó.
Hộ
gia đình, cá nhân ở nước ta được sử dụng đất ở (không hạn mức thời gian và diện
tích), đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối (có
thời hạn tuỳ theo ngành), đất chuyên dùng (như đất ở đối với đất có nguồn gốc
từ đất ở và có hạn mức thời gian và diện tích theo mục đích sử dụng đối với đất
mới được Nhà nước giao). Theo luật Đất đai năm 2003, chế độ sở hữu toàn dân
hiện nay cũng không còn nguyên nghĩa là chế độ công hữu về đất đai nữa. Nhà
nước đã trao hết quyền sử dụng cho dân, trao hầu hết các quyền định đoạt tài
sản cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân (chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng,
cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn). Nhà nước chỉ còn giữ lại quyền định
đoạt về quy hoạch sử dụng đất và quyền cưỡng chế thực hiện quy hoạch sử dụng
đất (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất,
gia hạn sử dụng đất). Người nào có đất hiện nay cũng coi như đó là đất của
mình, chỉ còn một ám ảnh khi chẳng may bị Nhà nước thu hồi đất.
Khi
bắt đầu đổi mới, chỉ một chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá
nhân để sử dụng ổn định lâu dài đã tạo động lực giúp cho đất nước ta không chỉ
thoát khỏi nạn thiếu lương thực mà còn đưa nước ta trở thành một trong ba nước
xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đến nay, động lực này đã cạn, nhu cầu phát
triển đất nước để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 đang cần những
động lực mới hơn. Đối với đất đai, việc trao quyền sở hữu hạn chế cho mọi thành
phần kinh tế, trong đó có hộ gia đình, cá nhân, là một động lực mới. Trước hết,
làm cho người sử dụng đất an tâm đầu tư trên mảnh đất “của mình”. Đây cũng là
điều kiện quan trọng để người chí thú làm nông nghiệp mạnh dạn phát triển kinh
tế trang trại, đầu tư vào công nghệ nhằm tăng năng suất và sản lượng. Có như
vậy mới thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cho khu vực tam nông, việc chuyển
đổi cơ cấu lao động vùng nông thôn mới tiến hành được thuận lợi. Tiếp theo,
việc giao quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai cho hộ gia đình, cá nhân tương đương
với việc hạn chế lại quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của Nhà nước,
làm giảm đi đáng kể nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai.
Cơ
hội từ Cương lĩnh 2011
Hiến
pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến
Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà không có bất
kỳ một cơ chế kinh tế, xã hội nào để chuyển tất cả các loại sở hữu khác nhau
trước đó về sở hữu toàn dân về đất đai. Hiến pháp năm 1992 – hiến pháp của thời
kỳ đổi mới – tiếp tục giữ nguyên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Như vậy, từ
luật Đất đai năm 1988 cho đến nay (luật Đất đai 2003) đều được hình thành theo
chế định cơ bản của sở hữu toàn dân về đất đai như Hiến pháp đã xác lập.
Hiện
nay, chúng ta xác lập con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
các tư liệu sản xuất chính trong tương lai sẽ là công hữu. Điều tốt đẹp của
ngày mai chưa thể bắt đầu ngay ngày hôm nay, khi dân trí còn thiên về tư hữu,
động lực phát triển kinh tế vẫn phải dựa vào lợi ích cho cá thể. Bài học từ
thành tựu phát triển kinh tế nhờ chính sách giao đất của hợp tác xã nông nghiệp
cho hộ gia đình, cá nhân đã minh hoạ rõ điều này. Chế độ công hữu về đất đai
đòi hỏi phải có đủ điều kiện phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, tính hiện
đại của xã hội và nhận thức văn hoá cao của con người. Khi các điều kiện này
chưa đủ, chế độ công hữu về đất đai sẽ gây cản trở cho quá trình phát triển.
Khó
khăn nhất vẫn là các nhà lãnh đạo, quản lý phải thoát ra khỏi những tư duy
thường trực được hình thành từ thời kỳ kinh tế bao cấp, chỉ huy tập trung.
Trong
đại hội Đảng khoá XI vừa qua, đa số đại biểu đã không nhất trí với phương hướng
xác lập chế độ công hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu, mà nhất trí với
phương hướng lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp đối với từng giai đoạn cách mạng.
Đây chính là cơ hội lớn để chúng ta thảo luận việc lựa chọn chế độ sở hữu phù
hợp đối với đất đai trong giai đoạn hiện nay. Việc lựa chọn chế độ đa sở hữu
đối với đất đai – trong đó có tư hữu đất đai của hộ gia đình, cá nhân – sẽ có
thể được chấp nhận khi phân tích thấy hết được nhiều lợi ích hiện tại. Quá
trình phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ chuyển dần
chế độ đa sở hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu sang chế độ công hữu.
Khó
khăn chủ yếu của việc thay đổi chế độ sở hữu đối với đất đai không xuất phát từ
thực tế khách quan của quá trình phát triển mà tồn tại ngay trong tư duy của
các cán bộ quản lý. Có ba luồng tư duy hiện nay về vấn đề này. Luồng tư duy thứ
nhất mang tính chủ quan về lý luận, sợ rằng thay đổi chế độ sở hữu về đất đai
có thể gây tác động xấu đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Luồng tư duy thứ hai
cũng mang tính chủ quan về thực tế, lo rằng không còn chế độ công hữu về toàn
bộ đất đai sẽ không còn cơ hội về lợi ích, ví dụ như tham nhũng. Còn luồng tư
duy thứ ba mang tính khách quan từ thực tiễn, mong muốn có chế độ đa sở hữu về
đất đai cho phù hợp với hoàn cảnh phát triển hiện tại.
Những
bước chuẩn bị
Có
một số người cho rằng việc đổi mới chế độ sở hữu đất với đất đai là khó vì phải
sửa Hiến pháp 1992. Sự thực, Hiến pháp do nhân dân quyết định thông qua các đại
diện cho mình ở Quốc hội, tức là cũng do con người làm ra. Việc sửa Hiến pháp
không khó khi thực sự cần phải sửa vì mục đích tốt đẹp cho đất nước, cho nhân
dân.
Điều
khó khăn nhất vẫn là tư duy của các nhà lãnh đạo, quản lý có tầm ảnh hưởng lớn.
Thảo luận về vấn đề này thực sự khó khăn. Có một cách giải quyết hợp lý nhất là
trưng cầu dân ý – hãy để cho toàn dân có quyền quyết định! Muốn vậy, Quốc hội
cũng phải xem xét để thông qua luật về trưng cầu dân ý. Điều này cũng đòi hỏi
một thời gian nhất định nhưng không phải là khó. Khi chủ trương đổi mới chế độ
sở hữu đối với đất đai được quyết định thì cũng cần tới khá nhiều công sức
trong việc xây dựng luật Đất đai trên nguyên tắc của chế độ đa sở hữu về đất
đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai. Quyết định về chủ trương là điều
khó khăn nhất, khi nhận thức đúng đã rõ thì việc sửa Hiến pháp, hay xây dựng
luật Trưng cầu dân ý, hay soạn thảo lại luật Đất đai mới cũng chỉ là vấn đề kỹ
thuật, không có gì khó.
Có
thể nói tới 80% nội hàm về quyền sở hữu đối với đất đai đã là sở hữu tư nhân
rồi. Điều quan trọng là phạm vi quyền định đoạt của các cơ quan nhà nước đối
với đất đai còn quá lớn, các quyết định hành chính tác động trực tiếp làm “méo”
thị trường, khó ngăn chặn tệ nạn tham nhũng trong quản lý đất đai và đầu cơ
trong sử dụng đất đai. Khi quyết định hành chính có thể chuyển được đất do
người này đang sử dụng sang cho người khác sử dụng thì luôn gây nên bức xúc lớn
cả cho quá trình phát triển kinh tế lẫn nỗ lực thiết lập tính bền vững xã hội.
Chủ đầu tư “kêu trời” vì việc tìm kiếm đất để đầu tư khó quá, người đang sử
dụng đất cũng “kêu trời” vì bị thu hồi đất dễ quá, chỉ còn cách khiếu kiện
trong vô vọng.
Đã
đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực chất quan hệ đất đai ở Việt Nam. Tốt
nhất là gọi tên chế độ sở hữu đất đai, một chế độ sở hữu đặc biệt, như thông lệ
trên thế giới, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế phát triển, tạo cơ hội làm giảm
nguy cơ tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai. Chúng ta cần chấp nhận sở hữu
tư nhân về đất đai, thiết lập chế độ đa sở hữu về đất đai gồm cả sở hữu nhà
nước, sở hữu chung, sở hữu tập thể và sở hữu của tất cả các thành phần kinh tế
gồm cả sở hữu tư nhân. Ngoài những ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội, nhân văn trong
nước, đa sở hữu về đất đai còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập
quốc tế của nước ta.
SOURCE:
BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ SỐ NGÀY 18/3/2011
Tác
giả: GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo
dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham
khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư,
chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Nhận xét