5282. Bàn về đối thoại

Bàn về đối thoại
Hữu Minh /Fb.Minh Hữu Quang
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị -
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Mấy hôm nay thấy dư luận chia làm 2 phe có quan điểm trái chiều nhau trong việc ông Võ Văn Thưởng, Ủy Viên Bộ Chính Trị - Trưởng Ban Tuyên Giáo TW thông báo rằng ông đang trình ban bí thư về việc tổ chức đối thoại với người khác quan điểm. đường lối với đảng CSVN. (ở đây gọi chung là phía đối lập)
Cá nhân tôi ủng hộ việc đối thoại này, và tôi từng viết 2 bài về việc này, nên cũng có sinh ra nhiều dư luận trái chiều. Thôi thì viết ra đây để rộng đường dư luận.
Thứ nhất, chúng ta cần nhớ là việc đối lập là luôn bị đảng lâu nay cho là "thế lực thù địch và phản động", chứ đảng chưa thừa nhận đối lập là cần thiết cho sinh hoạt chính trị của một quốc gia. Thậm chí có những lãnh đạo cấp cao của đảng, khi tỏ ra có quan điểm trái với quan điểm chung, dù có lợi cho dân cho nước (ví dụ như việc cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khi về già hay có ý kiến trái chiều) nhưng vẫn bị quản chế không cho tiếp xúc báo chí là chuyện dễ thấy.
Trong tư thế đó, đảng luôn coi đối lập là cần "xóa sổ", là "tội phạm". Thế nhưng nay ông Thưởng dự định cho mời phía đối lập để đối thoại. Không biết quyết định này là của đảng hay là từ đề xuất của cá nhân ông Thưởng, nhưng tôi cho rằng việc mời đi đối thoại như thế là một tư thế khởi đầu cho việc đối lập phải được thừa nhận, chứ không còn là tội phạm hay "phản động". Chả ai đi mời một người "cần xóa sổ" đi đối thoại cả. Như vậy dù là ngầm hay công khai, tư thế của chúng ta đã dần được công nhận.
Nếu đảng đã chịu ngồi đối thoại với đối lập thì về sau ngành công an không thể và không còn lý luận để bắt bớ làm khó những quần chúng có giao lưu đối thoại với đối lập nữa. Đảng ngồi đối thoại được với đối lập thì vì sao nhân dân không ngồi được ? tại sao những người đối lập không thấy ra lý luận này để có thêm công cụ nhằm đấu lý với đảng, tạo thêm ưu thế cho quần chúng âm thầm lâu nay ủng hộ mình.
Thứ hai, những người đối lập với đảng CSVN muốn tư duy của mình được quần chúng dễ dàng và thuận tiện ủng hộ thì phải tỏ rõ tư thế đối lập danh chính ngôn thuận. Việc từ chối đi dự đối thoại nếu đảng mời sẽ làm quần chúng nghĩ rằng không biết việc đối lập của chúng ta có gì khuất tất, có ôn hòa thật sự để họ tin cậy đi theo hay không ? đối lập cần được sự thừa nhận (để tiến tới công nhận) của nhân dân và của đảng là không phải việc phạm pháp. Đây là điều mấu chốt cần thiết để lớn mạnh.
Chúng ta không thấy Mỹ-Trung-Nga..vẫn đối thoại dù sau lưng vẫn kình chống tranh giành nhau hay sao ? Và cả Mỹ vẫn đối thoại với đảng CSVN. Nhiều người muốn VN trở thành "giống Mỹ", thế sao không học được cái làm lớn và cách nghĩ lớn của họ ?
Thứ ba là những người đối lập tham gia đối thoại với đảng CSVN không phải nhìn ở vấn đề tin hay không tin đảng, mà là vấn đề cần thiết hay không cần thiết làm điều này. Nếu thông qua đối thoại mà có thể tác động được, nhỏ hay lớn tính sau, vào việc đảng phải điều chỉnh hành vi và chính sách để có lợi cho dân chúng thì chúng ta phải làm. Còn nếu sau đó đảng không thay đổi thì quần chúng trách đảng, chứ họ sẽ không trách chúng ta đã bỏ qua cơ hội lên tiếng nói thay họ.
Thứ tư, việc cho rằng đối thoại là việc đảng "dụ ra để bắt" theo tôi là chuyện lo hơi..xa. Chuyện khác chưa nói, riêng ở VN hiện nay theo thống kê của Bộ Công An, có khoảng 500 "đối lập" có chút tên tuổi mà họ đã nắm hồ sơ, chưa kể một số hồ sơ dính dáng chút chút đến 500 tên tuổi kia, theo các bạn không đủ để đảng bắt chăng ?
Cuối cùng là chúng ta nếu đi đối thoại, chúng ta lựa chọn "tư thế xuất phát" như thế nào và đề nghị đảng đối thoại những vấn đề gì để có thể (có hi vọng) mang lại lợi ích, thiết thực, sát sườn cho quần chúng là điều quan trọng nhất.
Chính trị,suy cho cùng, là một quá trình tích lũy và tranh thủ mọi cơ hội, dù nhỏ, để có thể mang lại lợi ích cho số đông quần chúng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.