5271. Cụ Hồ trăng trối điều gì lúc lâm chung?

Cụ Hồ trăng trối điều gì lúc lâm chung?
Phùng Hoài Ngọc/ May 19, 2017 
Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”
Lịch sử Việt Nam hiện đại có một lỗ trống rất to: Cụ trăng trối điều gì?
Hiện nay có rất nhiều người tò mò về cuộc đời của Cụ Hồ, nhưng tài liệu chính thống do nhà nước công bố quá ít. Bất cứ tài liệu gì về cuộc đời Cụ đều cần, điều kiện tiên quyết là tài liệu phải có độ tin cậy cao. 
(Chúng tôi không bàn đến những tài liệu về đời tư của Cụ khắp trên mạng internet vì không có bằng chứng, nhân chứng. Những tài liệu đó được nhà cầm quyền gọi là “tài liệu bôi nhọ xuyên tạc”).
Một trong những điều mọi người muốn biết về cuộc đời Cụ HCM là phút lâm chung trong ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Cụ Hồ trăng trối điều gì với các đồng chí gần gũi như người thân của Cụ, đặc biệt là với hậu thế chúng ta ?
Một người như Cụ, chắc chắn trước khi từ giã cõi đời phải có nhiều người ở bên cạnh, tập trung cao độ chờ từng biểu hiện nhỏ từ Cụ, để xem Cụ nói gì mà còn ghi lại, không được thiếu một chữ. Bên cạnh đó, đáp ứng tối đa nhu cầu cuối cùng của một người thân sắp đi xa mãi mãi.
Không có hồi ký, tài liệu khác của những người gần bên Cụ phút lâm chung. Không ai kể lại phút lâm chung Cụ dặn dò gì. Các nhà làm sử hiện đại lấy cái gì viết tiểu sử, chẳng lẽ bỏ trống, chẳng lẽ chỉ có một bản Di chúc tam sao thất bổn Cụ đã khởi viết từ hơn ba năm trước, sửa chữa nhiều lần và hai lần công bố khác nhau ?
May quá, vẫn có ông Vũ Kỳ- một nhân chứng trong phút lâm chung kể lại cho nhạc sĩ Trần Hoàn nghe, được tái hiện “không sót một chữ” trong một ca khúc nổi tiếng.
Ca khúc đó nay trở thành sử liệu quí độc nhất vô nhị. “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. (Bài hát sau đó nằm trong cụm tác phẩm của Trần Hoàn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật).
Chúng tôi đọc được Tư liệu trên do nhà văn Tạ Duy Anh (tác giả tiểu thuyết “Bước qua lời nguyền” nổi tiếng) viết trên trang blog của nhà văn Trần Nhương.
Đây là trích đoạn nói về phút lâm chung của Cụ (chúng tôi in đậm và tô màu để lưu ý):
“Chuyện kể rằng trước lúc người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ. Bác đành nằm yên.
Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví. Nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ. Mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi…Bác muốn nghe một câu hò Huế, bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền. Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim. Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca. Trước lúc đi xa, qua bên kia bầu trời Người muốn đem tận vô cùng. Bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.
Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao, bỗng có em gái nhỏ, bước vào gần Bác.
Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở tái tê. Rằng "người ơi người ở đừng về". Bác nhìn em rơm rớm hàng mi”.
(…)
Phải chăng nhạc sĩ hư cấu ? Chao ôi, sao lại có một cụ già lâm chung trong vật vã đau khổ và cô đơn như vậy được !
Nhạc sĩ không hư cấu, đây bài báo: Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của Hoàng Thu Phố, đăng trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày mùng 2 tháng 9 năm 2013 sẽ không ai nghi ngờ nữa:
“Sinh thời nhạc sĩ Trần Hoàn không có nhiều dịp được gần Bác Hồ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn in đậm trong trái tim ông. Tình cảm ấy luôn thôi thúc người nhạc sĩ rút ruột gan mình giống như con tằm nhả tơ làm kén. Năm 1989, một lần nằm trong bệnh viện Việt Xô chữa bệnh cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư kí riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động.
Nội dung câu chuyện được nhạc sĩ chuyển tải nguyên vẹn trong ca từ của bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, không hư cấu hay thêm bớt một chi tiết nào cả (chúng tôi nhấn mạnh). Bài hát giống như một lời dặn của người Cha già trước lúc đi xa, mong cho con cháu mãi yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Về bài hát này, lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết, ông muốn khai thác chất liệu dân ca để bài hát có thêm sức sống, đồng thời vận dụng thể loại ba lát để truyền tụng lại một câu chuyện đã xảy ra một cách chân thực (nhà báo in đậm nhấn mạnh, chúng tôi tô màu). Lời bài hát chỉ nhẹ nhàng, mộc mạc, giai điệu giống như lời thủ thỉ tâm tình nhưng lại gây được hiệu quả rất lớn. Và nhạc sĩ đã rất thành công với phong cách này.
Người nghe ấn tượng sâu sắc với "Lời Bác dặn trước lúc đi xa” qua giọng ca trứ danh của các nghệ sĩ nhân dân như Thu Hiền, Thanh Hoa… Có người còn cho rằng chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã hát cùng nghệ sĩ Thanh Hoa, rất thành công, trong lần ra mắt đầu tiên của bài hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Khi đó, nhạc sĩ vừa đàn vừa hát trước anh em cựu học sinh Quốc học Huế. Cũng chính tại đây nhạc sĩ còn được đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu rất khen ngợi” (Hết trích Đại Doàn Kết)
LỜI BÀN CỦA NGƯỜI YÊU SỬ HỌC
Vậy là, có thể yên tâm những gì nhạc sĩ kể lại, qua lời một bài hát, thật trăm phần trăm (Nếu ông Vũ Kỳ bịa ra, thì vẫn còn lời xác nhận của các cụ Võ Nguyên Giáp và Tố Hữu những người gần gũi Cụ lúc lâm chung, trên báo Đại Đoàn Kết thuật lại như trên).
(Ngoài ra, trên báo Tinnhac.com, nhà báo Hoàng Cúc khẳng định: “Không hư cấu và thêm bớt bất kỳ 1 chi tiết nào, cũng không hô hào khẩu hiệu để ca ngợi Bác, nội dung câu chuyện xúc động và thấm đẫm tình người ấy đã được nhạc sĩ Trần Hoàn truyền tải trọn vẹn trong ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”).
Hai lần trước Cụ yêu cầu nghe hát, không ai trả lời (có lẽ người thân vắng mặt hoặc ngủ say, chỉ có thư ký Vũ Kỳ chứng kiến, cũng không đáp lời Cụ).
Lần thứ ba, một em gái nhỏ (?) bước vào hát cho Cụ nghe bài quan họ.
Vậy là trước khi nhắm mắt, Cụ Hồ không có cơ hội dặn lại điều gì ? Nếu có dặn thì chỉ em gái nhỏ ấy nghe được (tất nhiên người thứ 2 là ông Vũ Kỳ kể lại cho nhạc sĩ nghe, nay cả hai đều đã qua đời, để lại bài hát), như tên của bài hát nói rõ “lời Bác dặn…”. Phút chót, Cụ khóc vì cô đơn, đau buồn tột độ, khóc không ra tiếng (Bác nhìn em rơm rớm hàng mi).
Giới sử học nhất thiết phải tìm ra “em gái nhỏ” hiện nay ở đâu để biết “lời dặn cuối cùng” của nhân vật lịch sử. Nên nhờ đài VTV, báo Nhân Dân thông báo rộng rãi trong ngoài nước.
Em gái nhỏ ơi, giờ này em ở đâu ? Em mang theo một “lời dặn dò mang tính lịch sử” quan trọng của nước Việt Nam ta đấy.
Các nhà làm sử và lớp con cháu hậu thế chắc chắn sẽ không thể bỏ qua tư liệu có một không hai này khi nghiên cứu về Cụ (ý kiến nhà văn Tạ Duy Anh).
Người viết sử rất cần bằng chứng.
CÓ một dị bản về phút lâm chung của Cụ còn được kể trên báo Quân đội Nhân dân điện tử với bài “Ba lần Bác cười trước lúc đi xa”. Kể rằng: Một y tá Trung Quốc được cho là cận kề với cụ HCM trước lúc lâm chung, "Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người." (cô y tá này kể trên báo chí Trung Quốc, chúng tôi chưa kiểm chứng được nên không tính)
Tôi vào link báo QDND kiểm chứng thì bài đã bị xoá.
Vậy thì, giả thuyết y tá Trung Quốc hát bài ca TQ vào phút lâm chung của Cụ không còn bằng chứng. Vậy thì gác lại.
Chỉ còn ca khúc của Trần Hoàn vẫn tồn tại.
Các nhà viết sử hãy tạm bằng lòng với bằng chứng này thôi.
Lịch sử Việt Nam hiện đại có một lỗ trống rất to: Cụ trăng trối điều gì?
Phùng Hoài Ngọc
(VNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.