5267. “TỐT” VÀ “XẤU”

“TỐT” “XẤU”
Mạc Văn Trang (Fb.Mạc Văn Trang)

Trong một xã hội hỗn tạp, những tổ chức, những con người bát nháo, làm sao phân biệt được đâu là “TỐT”, đâu là “XẤU”? Có nhiều cách, nhưng theo thuyết Hành vi (Behaviorism), cứ bằng quan sát khách quan, xem hành vi nào biểu hiện “TỐT” thì ta củng cố (khen, thưởng, động viên…); hành vi nào “XẤU” thì dập đi (chê, phạt, lên án…). Theo thuyết này, động cơ, mục đích, ý đồ, tình cảm… của con người bí ẩn ở bên trong “cái hộp đen”, ai mà biết được. Cứ quan sát hành vi biểu hiện ra bên ngoài mà đánh giá. Trong xã hội “chẳng có ai tốt, ai xấu, chỉ có những hành vi tốt và hành vi xấu”. Tất nhiên thuyết này bị phê phán là cực đoan, đồng nhất người với dạy thú làm xiếc v.v… Nhưng trong một xã hội hỗn tạp, bạn muốn phán xét nhanh, chỉ có cách này là khoa học, khách quan hơn cả.
Ai mà tin vào lời thề, lời hứa, “tự phê bình và phê bình”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” của các quan chức được? Chỉ có quan sát hành vi, việc gì có lợi cho dân, cho nước thì khen, ủng hộ; việc gì có hại cho dân, cho nước thì phê phán, đòi hỏi minh bạch trước pháp luật. Đơn giản vậy thôi.
Chẳng hạn thấy CA đánh người biểu tình ôn hòa, bạn lên án; nhưng thấy các chiến sĩ cảnh sát chống tội phạm ma túy vượt mọi hiểm hiểm nguy, truy bắt tội phạm, có người hy sinh, ta phải xúc động và ngợi khen chứ. Trong xã hội hiện nay xuất hiện ngang nhiên bao nhiêu cái xấu, cái ác, cái phi lý, mỗi công dân đều cần lên án; nhưng cũng xuất lộ bao nhiêu hành động tốt, tử tế, nhân đạo … cần ngợi khen để lan tỏa.
Có anh cai nghiện đến 10 lần, vào hết trại này đến trại khác. Anh ta nói với tôi, chúng con là loại cặn bã xã hội, có cai được, cũng chẳng ai thừa nhận mình! Tôi bảo, sao cậu lại nói vậy. Kệ người ta, không cần ai thừa nhận cả. Mình luôn tin rằng, mình là một con người, tự mình mỗi ngày làm tốt một việc, ta tự thừa nhận mình tốt hơn một tí và cứ thế mỗi ngày, từng việc tốt, sẽ làm ta tốt lên. Đứng lên từ những lỗi lầm, tự làm lại đời mình mới là vĩ đại. Hôm nay cậu đến đây, tự nguyện cai nghiện, như vậy là hành động rất tốt rồi. Ngày mai sẽ tốt hơn. Hãy biết tự tin, tự quý trọng bản thân mình, mới tự cứu được mình… Anh bạn trẻ ôm lấy tôi và khóc: Từ bé đến giờ con mới được nghe những lời như thầy nói! Càng những người yếu thế, càng cần được khuyến khích, đánh giá cao những hành vi tốt, giúp họ tự tin để vượt lên nỗi ám ảnh tự ti…
Có người nói, các báo đài “lề phải” đã tô vẽ, khen ngượi hết mức rồi, ta chỉ có phê cái xấu thôi. Như vậy cũng không đúng hẳn. Vì mỗi công dân, với thái độ đúng đắn vẫn luôn cần thể hiện thái độ riêng của mình trước hành vi của các cá nhân và tổ chức xã hội mà mình cho là “đúng”, “sai”, “tốt”, “xấu” ra sao. Từ đó tạo nên sự quan tâm của xã hội đến các sự kiện xã hội, hình thành dư luận xã hội và khi dư luận đồng thuận cao sẽ là sức mạnh xã hội ghê gớm…
Những cái nhìn thiên kiến “dán nhãn” vào cá nhân, nhóm người hay tổ chức để có thái độ phân biệt đối xử, làm xã hôi chia rẽ, nghi kỵ, hằn thù nhau. Phải vượt lên trên tất cả, có cái nhìn bao dung, tin tưởng vào tính thiện lương của con người, mới hy vọng tạo nên sự đồng thuận xã hội.
17/5/2017
MVT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.