5260. Bà Phan Kế Toại - người chị gái của hai giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng

BÀ PHAN KẾ TOẠI - NGƯỜI CHỊ GÁI
CỦA HAI GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN HUYÊN, NGUYỄN VĂN HƯỞNG
(Trích bài viết của Nhà báo Hàm Châu)

GS Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908 tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội; quê chính ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ. Mồ côi cha từ năm tám tuổi, cậu bé Huyên được mẹ cho đi học chữ Hán với niềm hy vọng sau này cậu sẽ theo nghề ông nội làm thuốc Đông y.
Nho học lụi tàn, “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co”, cậu Huyên cùng người chị gái là Nguyễn Thị Mão và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được mẹ cho chuyển sang học “trường Tây”.
Mặc dù vậy, mấy năm học chữ Hán không phải là vô ích. Sau này, viết những công trình nghiên cứu Việt Nam học, lúc cần thiết, Nguyễn Văn Huyên thường chú thêm chữ Hán, chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày... để bảo đảm tính chính xác cao và tiện cho việc tra cứu.

Sau khi thi đỗ tú tài phần 1, Nguyễn Văn Huyên cùng Nguyễn Văn Hưởng được mẹ cho sang Pháp học tiếp. Ngày 2/12/1926, hai anh em đến nước Pháp. Thi lấy bằng “tú tài Tây”, Nguyễn Văn Huyên ghi tên theo học tại Đại học Sorbonne, Paris, một trong những trường đại học lâu đời nhất châu Âu.Hai anh em Huyên và Hưởng sống rất cần kiệm. Mùa đông, không có áo dạ khoác ngoài hợp mốt, phải mặc áo bông cũ mẹ khâu từ trong nước gửi ra. Buổi tối, ăn ở một quán nhỏ, có khi mười ngày liền không đổi món, khiến cho cô chủ quán người Pháp rất đỗi ngạc nhiên!
Ngày nghỉ, hai anh em mỗi người một xe đạp đi dạo xem nông dân hái nho, rồi cùng hái với họ, được ăn nho thoải mái, nhưng không có tiền công! Quen đi xe đạp từ dạo ấy, cho nên về sau, trong kháng chiến chống Pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên có thể đạp xe từ Tuyên Quang vào Thanh Hoá chỉ đạo công tác giáo dục Khu 4, rồi lại đạp xe quay trở về Tuyên Quang qua bao nhiêu đèo dốc, ổ gà. Ở trong nước, người chị gái Nguyễn Thị Mão trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn toán ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Bà dạy toán nhiều năm tại Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Trường Trưng Vương, Hà Nội hiện nay), hưởng lương theo ngạch Tây nên rất cao, nhờ vậy mới có tiền gửi sang Pháp giúp hai em trai du học.
Nhưng rồi bà Mão kết hôn với ông Phan Kế Toại, có gia thất riêng, không còn giúp hai em được nhiều. Sau khi đỗ cử nhân luật, Nguyễn Văn Hưởng trở về nước. Nguyễn Văn Huyên vừa tiếp tục học lên cao vừa kiếm sống bằng cách dạy tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ Phương Đông. Tiếng vang của một công trình khoa học lớn Ngày 17/2/1934, Nguyễn Văn Huyên trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông - Nam Á. Chủ tịch Hội đồng chấm luận án, GS Vendryès, coi đây là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.
Hai bản luận án được Chủ nhiệm Khoa Văn Đại học Paris R. Delachoix và Chủ tịch Viện Hàn lâm Paris S. Charléty tự mình xem lại và duyệt in, ngay sau đó, được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách, và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các tạp chí nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan...
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Mão (Bà Phan Kế Toại), chị gái của GS Nguyễn Văn Huyên. Ảnh chụp năm 1931. Trong sách "Tiếp bước chân cha".
Nguồn: Fb. Nguyễn Xuân Diện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.