5180. Cái “nọc” của đạo Nho

Cái “nọc” của đạo Nho
PNTB
Đạo Nho (đạo Khổng tử), tất nhiên có ưu thế, có giá trị nhất định trong lịch sử, có những yếu tố đến nay vẫn còn giá trị… nên nó mới tồn tại ở đất nước Trung Hoa, một trung tâm văn hóa lớn ở châu Á, thậm chí còn ảnh hưởng sâu nặng đối với nhiều nước xung quanh, trong đó có Việt Nam suốt hơn 2000 năm qua.
Trong suốt thời kỳ Phong kiến ở nước ta, đạo Nho được coi là 'chữ Thánh hiền'. Nó là nền tảng Hệ tư tưởng của xã hội này (Có lẽ còn quan trọng hơn cả chủ nghĩa Mác Lê nin hiện nay). Tuy nhiên, sau khi cách mạng thành công, đánh đổ chế độ Phong kiến, đảng cộng sản nêu cao khẩu hiệu phải “bài trừ văn hóa, tư tưởng Phong kiến”, tất nhiên cốt lõi là đạo Nho, để xây dựng hệ tư tưởng mới, tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Trong hệ thống tư tưởng Nho giáo, quy tắc “tam cương, ngũ thường” là cốt lõi, quy định về những mối quan hệ cơ bản trong xã hội. Dù về lý thuyết, đảng kêu gọi “tiêu diệt” nhưng trong thực tế, đến nay đã hơn 70 năm xây dựng chế độ mới mà nó vẫn tồn tại và vô tình hay hữu ý vẫn bao trùm lên xã hội?. Trong 5 mối quan hệ cơ bản là Quân – Thần (Vua tôi), Phụ - Tử (Cha con), Phu – Phụ (Vợ chồng), Huynh – Đệ (Anh em) và Bằng hữu (Bạn bè) dù nay có được cải thiện phần nào, ít nhất là về mặt hình thức, nhưng có vẻ cái “nọc” đạo Khổng 2000 năm từ trong huyết quản, xương tủy con người dường như vẫn không dứt ra được.
Do không có thời gian, mình chỉ điểm qua về một mối quan hệ đầu tiên: quan hệ Vua – Tôi. Tất nhiên bây giờ về hình thức thì không còn Vua nhưng vẫn có người đứng đầu hay một nhóm người đứng đầu quốc gia, cơ quan lãnh đạo thượng đỉnh (mà có lần ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nói rằng, đó là “ông Vua tập thể”).
Trong xã hội Phong kiến quan hệ này được quy định “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bảo bề tôi chết thì phải chết, nếu không chết là bất trung). Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, phó ban Tuyên giáo khi viết về sự “kiểm soát quyền lực”, ông không dám nói thẳng nguyên nhân gốc rễ của nó ngày nay, mà dẫn “kinh nghiệm” của xã hội Phong kiến nước ta rằng, “Một số triều đại đã từng có các quan ngự sử ghi chép trung thực, khách quan mọi việc liên quan đến các quyết định và ứng xử của nhà vua, của triều đình để lịch sử đánh giá, phán xét công, tội. Vua cũng không được kiểm duyệt các ghi chép này. Có các gián quan để can gián vua không làm việc sai; có trống để thần dân kêu oan; có “quan tòa” liêm chính để phán xử đúng sai…”. Nhưng theo ông, về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề… “Nguyên nhân là do quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật, còn nhân dân chỉ là đối tượng bị cai trị, không có quyền tự do, kể cả quyền sống, trái ý vua thì tùy theo mức độ và sự nóng giận của vua mà bị trị tội, kể cả tru di tam tộc.”. (vietnamnet.vn).
Trong bài: Bạn muốn duy trì “Lễ” (của đạo Nho) theo cách nào, khi bàn về việc có nên để khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trường học bây giờ không, ông Nguyễn Xuân Vinh đã viết:
“Nho giáo không giải đáp được vấn đề số phận và yêu cầu giải phóng con người vì nó loại bỏ con đường tư duy trừu tượng. Một điểm đặc trưng của Nho giáo là luôn luôn tư duy trở về quá khứ, ít nói đến hiện tại, không hướng đến tương lai. Đó là thứ tư duy bảo thủ, giáo điều. Cho đến ngày nay, hệ thống chính quyền nào chịu ảnh hưởng của Nho giáo thường “dị ứng” với mọi biến đổi nội tại và những ảnh hưởng từ bên ngoài, cản trở tiếp thu cái mới và hậu quả là cản trở sự phát triển của chính hệ thống đó.
"Tư tưởng chính danh của Nho giáo đề cao danh phận, làm cho con người luôn luôn mang tư tưởng hám danh, chạy theo chức vị, danh vọng và bổng lộc đến mức có nhiều người hám danh quên phận (phận sự, nghĩa vụ) và quên cả luân thường đạo lý…”.
Nhìn vào xã hội ta ngày nay, những “bệnh” phát sinh từ nguồn gốc Nho giáo được liệt kê trên đây, thì ai cũng nhận ra trong xã hội đương thời nó đang tồn tại như thế nào. Chẳng hạn: Có được quyền “cãi” lại cấp trên không?, Có được đưa ra chính kiến khác ý lãnh đạo không? Hay là không khéo bị quy ngay là “luận điệu của bọn phản động” để lấy cớ xử lý?... Rồi cả xã hội đua nhau chạy cho con đi học “để làm quan”, vì tiêu chuẩn của “quan” thời nay cũng chủ yếu là bằng cấp, chứ không phải thực tài. Cái “tư tưởng hám danh, chạy theo chức vị, danh vọng và bổng lộc đến mức có nhiều người hám danh quên phận (phận sự, nghĩa vụ) và quên cả luân thường đạo lý…” đã phát lộ rõ như ban ngày ở xứ ta.
Được biết, cuối năm 2014, Đại học Hà Nội đã thành lập “Học viện Khổng tử” mà theo ông hiệu trưởng trường đại học này nói là: “việc thành lập Học viện Khổng Tử sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung”. Nhưng mình nghĩ, có lẽ ông GS Hiệu trưởng này ngụy biện, chứ việc học tiếng Trung quốc hay “củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung “, đâu có nhất thiết phải thành lập học viện Khổng tử? Phải chăng, lý do chính có thể là việc tiếp tục tôn vinh và học triết lý đạo Nho?
Hóa ra, cái “nọc” của đạo Nho vẫn còn đậm đặc?
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.