5139. Nghĩ về lời hát mở đầu trong phim Tam quốc Diễn nghĩa

Nghĩ về lời hát mở đầu trong phim Tam quốc Diễn nghĩa
PNTB

Điện ảnh Trung quốc cũng rất kỳ công xây dựng bộ phim nhiều tập từ nguyên tác của La Quán Trung. Và Đài THVN đã mua phim này chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Thính giả xem mãi không chán.

Khỏi nói về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật điện ảnh, mình còn thích lời bài hát mở đầu bộ phim. Đó là một bài thơ, (không biết ai dịch mà hay thế?). Chả hiểu hết nhưng cũng vỡ ra được một cái gì theo cảm nhận của riêng mình. Còn ai bảo đúng, bảo sai cũng mặc.

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông 
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng 

Thị phi thành bại theo dòng nước 
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không 

Núi xanh nguyên vẹn (vẻ) cũ
Bao độ ánh chiều hồng

Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi 
Vốn đã quen gió mát trăng trong 
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ 
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”. 

Tác giả muốn nói thiên nhiên thì có vẻ như vẫn vậy: “Núi xanh nguyên vẹn cũ / bao độ ánh chiều hồng”. Núi vẫn màu xanh như vẫn xanh, trời chiều vẫn bao độ tỏa ánh hồng như thế. Nhưng các triều đại trong xã hội thì đổi thay chóng mặt…

Tiếu lâm Việt Nam có truyện “ngửi chữ”, nói về anh chàng mù có tài ngửi chữ là biết truyện gì. Khi đưa ra một cuốn sách, anh ta nâng lên mũi hít hít rồi nói: “Tam quốc diễn nghĩa chứ gì”. “Sao biết?” “Thì toàn mùi binh đao”. Đúng vậy, xem phim “Tam quốc” chỉ thấy đánh nhau. Tại sao chỉ thấy đánh nhau? Nguyên nhân cũng bởi cái máu tham của con người. Do máu tham mà các thế lực cầm quyền không chịu ngồi yên, luôn tranh giành, chiếm đoạt…, cho nên sinh ra chiến tranh.

Những cuộc tranh bá đồ vương, nồi da xáo thịt, thí đi biết bao sinh mạng, máu xương…của binh lính, của thường dân để dựng nên ngai vàng tráng lệ cho một nhóm người… Nhưng rốt cuộc thì bao nhiêu anh hùng cũng bị ngọn sóng bạc đầu cuốn trôi, bao nhiêu “thị phi thành bại” cũng ra biển Đông cả. Dẫu có cướp được ngai vàng tráng lệ, thành quách nguy nga… có khi cũng chẳng còn gì:

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông 
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng 
Thị phi thành bại theo dòng nước 
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không” 

Bài ca cũng so sánh với cuộc sống lam lũ của những người dân đánh cá, kiếm củi, những người lao động dưới đáy xã hội. Với họ, (lớp người “vạn đại”) thì chỉ cần thưởng thức “gió mát trăng trong”, với “vò rượu nếp vui gặp gỡ” là đủ. Còn chuyện đời, dù chiến tranh hay hòa bình, dẫu đã từng xảy ra bao bi kịch, vào sinh ra tử với đủ các cung bậc của hỷ, nộ, ái, ố, với bao nước mắt, nụ cười, thậm chí cuộc sống đế vương… cuối cùng cũng tan vào chén rượu, chả có nghĩa lý gì:

“Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi 
Vốn đã quen gió mát trăng trong 
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ 
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”. 

Vì thế, dân thường chả ai muốn gây chiến tranh làm gì và có muốn cũng không được. Lịch sử thế giới đã chứng minh: Thông thường, mọi cuộc chiến tranh đều do các thế lực cầm quyền đầy tham vọng gây ra. Người dân chỉ là nạn nhân của những cuộc tranh bá đồ vương, chịu hậu quả của sự thèm khát đất đai, tài nguyên,  quyền lực, danh vọng, tiền bạc và gái đẹp của các thế lực mà trong cuộc chiến, bên nào cũng tự cho mình là phải, là chính nghĩa…

Tất nhiên, có những cuộc chiến chính nghĩa, để dành lấy giá trị cuộc sống là độc lập, tự do và sự bình yên của chính mình thì người dân tự nguyện dấn thân. Nhưng sau khi kết thúc chiến tranh, không ít những thế lực cầm quyền phản bội lại quần chúng nhân dân, chiếm đoạt thành quả để củng cố quyền lực, tranh dành, cắn xé nhau trong nội bộ, vun vén cho “lợi ích phe cánh”, tập đoàn, đảng phái, thậm chí lợi ích cá nhân, dòng họ…, nên mục tiêu của quần chúng không đạt được.

Đó là câu chuyện bi hài kịch: “mèo lại hoàn mèo”. Tam quốc diễn nghĩa chỉ là một lát cắt trong lịch sử thế giới.

(PNTB) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.