5135. “Cán bộ” biến thành… “Quan” ?

“Cán bộ” biến thành…“Quan” ?
NND/PNTB
Một hình ảnh quan lại thời Phong kiến
Từ ngày có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến trước thời kỳ đổi mới, không thấy ai gọi cán bộ là “quan chức”. Còn nhớ, khi chuyển từ một đất nước Phong kiến nửa thuộc địa sang “chế độ dân chủ”, tất cả những người có chức sắc trong đảng, nhà nước, đoàn thể đều được dân gọi một từ rất trìu mến: “Cán bộ”. Đó là sự phân biệt rạch ròi giữa “cán bộ” của “thời đại dân chủ” với “quan chức” của thời “phong kiến thối nát”. Sau cuộc “cuộc cách mạng đổi đời” này, hàng mấy chục năm, dưới sự lãnh đạo của đảng và “nhà nước kiểu mới” người ta luôn có sự so sánh giữa hai chế độ và thấy rõ sự khác biệt.
Quan thời Nhà Nguyễn
Thời Phong kiến, tầng lớp quan chức là “quan phụ mẫu” –  quan luôn tự xưng là cha mẹ dân. Họ đứng lên đầu lên cổ dân. Họ đương nhiên có quyền hà hiếp người dân bằng đủ mánh khóe xảo quyệt và độc ác. Vì thế, giữa Dân với Quan có sự cách bức, xét cho cùng là bởi sự khác biệt về quyền lợi cơ bản. Đó là hai thế lực đối lập nhau trong xã hội. Một bên thuộc giai cấp thống trị (cai trị), mạnh thế. Một bên thuộc giai cấp bị trị, yếu thế. Hai thế lực đó luôn mâu thuẫn, nhưng vẫn tồn tại trong một sự thống nhất tương đối. Tuy nhiên, khi thế lực thống trị vượt quá giới hạn của sự hà khắc, vua quan tha hóa, dùng quyền lực áp bức nhân dân quá đáng, đến một mức mà lớp người bị trị không thể chịu đựng được nữa thì cách mạng xã hội tất yếu nổ ra (Đây chính là điều mà Karl Marx chỉ ra trong triết học duy vật lịch sử của ông). Những người trí thức tiến bộ, nhận ra xu hướng của lịch sử đã đứng về phía nhân dân, lãnh đạo quần chúng nổi dậy lật đổ chế độ chính trị đương thời để thiết lập triều đại mới.
Mâu thuẫn giữa giới quan chức với người dân là thường xuyên. Khi cuộc đấu tranh chưa thể công khai, chưa thể “đánh bài ngửa” thì nó được phản ánh trong nghệ thuật dân gian. Hầu hết những vai hề trong chèo cổ (đại diện cho dân) đều tìm cách phê phán quan lại bằng ngôn ngữ trào lộng. Còn nhớ trong một lớp hề, anh hề nói với một ông quan rằng: “Dạ bẩm quan, quan là quan thì quan quàn dân, còn con là dân thì con …dần quan ạ !”. Một câu chửi rất hài khiến quan chức khi xem chèo, dù có cay cú nhưng chỉ cười hề hề... (Nó na ná như chương trình Táo quân – Gặp nhau cuối năm của Đài THVN bây giờ).
Ngày nay lớp trẻ không hiểu lắm về sự “thối nát” của quan lại Phong kiến thì cứ đọc những tác phẩm văn học cận đại cũng rõ. Đó là “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan hay “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố… Trong xã hội ấy, bọn quan lại như lý trưởng, chánh tổng, tri phủ… và ngay cả người lính hầu (lính lệ) của họ cũng bị oán ghét… Tất nhiên đó là nói đại thể, nói cái phổ biến của xã hội, chứ đi vào những con người cụ thể cũng có những ông quan tốt, thương dân và được lịch sử ghi nhận, bởi họ có học, có tài, có đức và quan điểm vượt lên trên ý thức hệ của thời đại. Ví dụ như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm… mà muôn đời người dân thờ phụng.
Khi cách mạng tháng Tám thành công, chữ “quan chức” được thay bằng chữ “cán bộ”. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ được Hồ Chí Minh, người sáng lập chế độ mới đã dạy: “Cán bộ phải là đày tớ của dân”, “Cán bộ phải là công bộc của dân”… Cụ rút kinh nghiệm từ trong xã hội Phong kiến để dạy cán bộ và tin rằng, đó cũng là lời cảnh báo của Cụ, nếu không làm thế thì rồi sẽ lặp lại, mà dân ta có câu “mèo lại hoàn mèo”.
Khi đất nước đổi mới, chả hiểu sao “cán bộ” dần dần chuyển thành “quan”. Lúc đầu chữ “quan” này chỉ được rụt rè nêu ra như một từ để nhạo báng vài người nào đó trong đội ngũ cán bộ bị tha hóa, ý nói: “mày cũng không khác gì bọn quan lại Phong kiến thối nát ngày xưa”. Nhưng rồi dần dần không hiểu sao chữ “quan chức” được dùng ngày càng nhiều. Bây giờ thì ngay trên báo chí chính thống cũng được sử dụng đương nhiên, chẳng thấy e ngại nữa.
Ở tầng lớp cán bộ thấp như trưởng thôn bản, bí thư, chủ tịch xã đã có nhiều người chỉ thẳng ra là “bọn cường hào ác bá mới”, ví dụ như khi đọc loạt bài viết về Gánh nặng quê nghèo  đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam hồi năm ngoái.
Và nay thì đội ngũ cán bộ cao hơn, báo chí vẫn thả phanh nói khơi khơi là “quan chức”, chả cần phải gìn giữ. Bây giờ “cái bộ phận không nhỏ” nó đã nhiều, đến nỗi, ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Kỷ luật hết thì lấy ai làm việc !”. Bây giờ, việc “chỉ mặt đặt tên” và truy tố ra trước tòa án những quan chức “ăn của dân không từ thứ gì” (chữ của bà Nguyễn Thị Doan Phó chủ tịch nước), thì không khó tìm lắm, không muốn, chứ muốn tìm đâu chả thấy.
Với thái độ khoa học, mình không bao giờ vơ đũa cả nắm. Biết rằng, trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng còn không ít người tốt, xứng đáng là công bộc của dân, nhưng vì “ngồi cùng chiếu” với những ông “quan cách mạng” (chữ của Bác Hồ), nên cũng dễ bị vạ lây. Trong những năm gần đây, xã hội có thêm một thành ngữ: “Tuy ông ấy là cán bộ, đảng viên thật đấy, nhưng mà tốt”!... Một trong những người như thế là ông Nguyễn Sự, cựu bí thư thành ủy Hội An. Có lần ông nói: “Đã làm quan là phải đàng hoàng” (xem ở đây). Tất nhiên khái niệm “quan” của ông là người cán bộ chân chính của nhân dân.
Tục ngữ có câu: “Quá mù ra mưa”. Có lẽ đây cũng là một minh chứng. Khi đã “mưa” rồi thì ai còn để ý đến “mù” làm gì nữa.
Bây giờ chữ “cán bộ” chỉ được sử dụng chính thức trong các văn bản của đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị, còn trong đời sống xã hội, người ta gọi lớp người này là “quan chức”. Thật đáng phải suy nghĩ !
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.