5128. Đi tu cũng thích kỷ lục & đi tu cũng thích kiếm tiền.

Nguyễn Thông: Đi tu cũng thích kỷ lục

Như một sự mặc nhiên, người ta thường ngại nói điều gì đó đụng chạm đến tôn giáo, nhất là Phật giáo. Kiểu: có thờ có thiêng, có kiêng có lành. 
Tôi không theo đạo Phật nhưng tôn sùng giáo lý nhà Phật, mến cảnh chùa chiền, trọng người chân tu. Chính vì vậy thấy thứ gì, việc gì, người tu hành nào mượn màu sắc Phật để trái với giáo lý, phật pháp là tôi tởn.
Một trong những thứ ấy là chuyện người đã chọn tu hành nhưng cứ thích huếnh kỷ lục này nọ. Nào là tượng lớn nhất, chùa to nhất, lễ hoành tráng nhất, tranh Phật khủng nhất. Ấy là tôi muốn nhắc đến vị sư ông người Ấn Độ còn khá trẻ được người ta phong là Pháp vương Drukpa cứ lâu lâu lại sang xứ ta truyền đạo bằng cách lúc thì bê tượng phật ngọc lớn nhất đi khắp nơi, lúc thì tranh phật to nhất. Tôi không dám có ý nghĩ không hay về ngài, nhưng những việc ngài làm, tôi thấy không hợp với đạo Phật xứ này. Phật giáo VN là sự gần gũi, giản dị, đời thường, không phô trương, đạo lẫn với đời, "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực", sư đi cày ruộng... chứ không ồn ào, hư danh như vậy.
Trong tôi, hình ảnh Phật giáo là ngôi chùa nhỏ cổ kính ngân vang tiếng chuông chiều, chứ không có kỷ lục nào hết.
Nguyễn Thông
--------------------------------------- 
(PNTB) - Đi tu cũng thích kiếm tiền
Đồng ý với Nguyễn Thông: mình cũng rất ngại nói về tôn giáo. Trong thâm tâm mình rất quý trọng các nhà sư, những người luôn mang đến cho chúng sinh những điều thiện từ trong giáo lý đạo Phật. Nhưng nay,  tiện Nguyễn Thông nói về cái ông sư từ Ấn Độ sang ta truyền đạo thích kỷ lục…hoành, mình ké câu chuyện về ông sư đang trụ trì ở cái chùa mới (xin miễn nêu tên). 
Đó là ngôi chùa mới được xây từ sau hồi đổi mới đất nước để giúp chính quyền địa phương thu hút khách du lịch kiếm tiền, chứ ở đây trước kia không có chùa. Hồi chùa này mới xây (hơn chục năm trước), cứ đi qua đấy là mình nhớ câu ca dao: “Đôi ta như tượng mới tô / như chuông mới đúc, như chùa mới xây”.
Tất cả những cái gọi là công đức của phật tử, của du khách… mà nhà chùa thu nhập thì mình chẳng quan tâm. Thôi thì cũng là góp phần cải thiện cuộc sống vốn 'đạm bạc' cho những người tu hành. Nhưng có một việc thấy rất “gợn” là nhiều năm qua, cứ sau tết nguyên đán là chùa này kiếm tiền như lá mít, thông qua hình thức “dâng sao giải hạn”. Chỉ trong vòng mấy ngày đầu tháng Giêng, chùa nhận đăng ký không dưới 400 gia đình “dâng sao giải hạn”, mỗi hộ nộp 500 ngàn, vị chi là không dưới 200 triệu. Buôn gì mà nhanh thu tiền thế, nếu không phải là buôn thần bán thánh?
Điều đáng nói là cái việc ấy không nằm trong giáo lý Đạo Phật. Mình cũng có nghiên cứu về đạo Phật, một tôn giáo không duy tâm, không mê tín dị đoan. Hôm tết, tình cờ mình được tiếp đón một vị sư thầy tuy còn rất trẻ nhưng rất đáng kính đến chơi nhà. Trong bữa ăn mình mang chuyện này ra “phỏng vấn”. Sư thầy nói: “Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật”.
Thế là rõ. Hóa ra đi tu cũng thích kiếm tiền.
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.