5126. Đôi lời về Văn hóa thời đại

Đôi lời về Văn hóa thời đại
PNTB

Ba mươi lăm năm trước, khi làm luận văn tốt nghiệp lớp Triết học Marx – Lenine, do bức xúc trước thái độ của một số người có “nhiệt huyết cộng sản” nhưng lại chà đạp lên khoa học, nôn nóng muốn “nhẩy một phát” từ một nước lạc hậu lên Chủ nghĩa xã hội, nên mình đã chọn một đề tài nhằm 'kìm hãm' bớt sự bốc đồng của họ.
Khi đọc những tác phẩm của Lenine, mình rất thích những quan điểm của ông là, cần phải học tập Chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, những người ngu ngơ về chủ nghĩa Marx – Lenine ở nhiều cấp lúc ấy vẫn cổ súy tẩy chay hết tất cả những gì là 'sản phẩm của Chủ nghĩa tư bản'. Họ phủ định sạch trơn những thành quả của Chủ nghĩa tư bản (thực chất là của nhân loại) về văn hóa và dạy chúng mình phải: “Chống Văn hóa tư sản (Chủ nghĩa tư bản), chống Văn hóa Phong Kiến và khắc phục Văn hóa Tiểu tư sản”. (Sau này 1986, dưới sự lãnh đạo của TBT Trường Chinh, đảng mạnh bạo tiếp thu hẳn cái 'văn hóa lõi' - Cơ chế thị trường vẫn cho là của CNTB để cứu vãn tình hình đất nước). Thực ra thì cứ nói cho hay ho thế thôi, chứ ngay cả người dạy và người học cũng chẳng hiểu đến ngọn ngành cái văn hóa tư sản, văn hóa phong kiến, văn hóa tiểu tư sản nó mặt ngang mũi dọc ra sao. Giờ nghĩ lại thấy buồn cười vì cứ anh nọ lòe anh kia để thể hiện sự “trung thành tuyệt đối” với “văn hóa xã hội chủ nghĩa” (cái mà trong hiện thực chưa có).
Thời kỳ đó có nhà lý luận viết một bài đăng trong một cuốn Tạp chí có tiếng của cơ quan đảng, đại ý là về Kinh tế thì phải tiệm tiến, dần dần từng bước, nhưng về tư tưởng văn hóa thì khi đánh đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới, con người dứt khoát phải tiếp thu ngay tư tưởng văn hóa mới (Xã hội chủ nghĩa), văn hóa không cần “thời kỳ quá độ”. (Ý ông ta là muốn mọi người phải tuyệt đối theo ý của đảng, không được khác ý, nhưng cách trình bầy lại không rõ ràng…). Để phản biện tư tưởng ấy, mình chọn đề tài: “Tìm hiểu tư tưởng của V.I.Lenine về xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Trong một tác phẩm của Lenine, hình như trong bài “Sáng kiến vĩ đại”(?), xin lỗi lâu ngày mình không còn nhớ chính xác, ông viết sau Cách mạng tháng Mười, có câu: “Cái mà chúng ta cần nhất hiện nay là một nền văn hóa tư sản thực sự” (!). Ô hay, xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà lại “cần một nền văn hóa tư sản thực sự!”(?) Mình đã mang câu này ra thảo luận trước những đồng môn. Do sẵn định kiến với văn hóa tư sản, có người bảo, hay là ông nhầm? Mình lôi cả cuốn sách dày mấy trăm trang, rất đẹp, in tác phẩm của Lenine mượn ở thư viện về chìa ra. Họ lại nói: “Có lẽ do tam sao thất bản, sách dịch sai (!). Mình quyết cãi đến cùng: Một cuốn sách nằm trong bộ Lenine toàn tập (54 tập) do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Liên Xô in tặng Việt Nam, sao lại sai được! Vác sách lên thầy hỏi thì thầy bảo “Đúng rồi, không thể sai”.
Lenine còn viết: “Chúng ta không thể xây dựng xã hội mới bằng những bàn tay cộng sản sạch sẽ”, ý nói chính những con người cộng sản đang xây cái xã hội tương lai đầy lý tưởng kia thì tư tưởng của họ cũng đã bị “vấy bẩn” rồi. Khi chúng ta ca ngợi giai cấp công nhân là tiên tiến, là giai cấp lãnh đạo, thì ông Lenine cũng cảnh báo rằng, những người công nhân ở dưới xã hội cũ, bị áp bức bóc lột, họ luôn có xu hướng chống lại giới chủ, nên khi tiếp thu xã hội mới họ vẫn còn thói quen “chớp lấy một miếng thật bở rồi chuồn!”. Hồi ấy, bản luận văn của mình còn dẫn ra những hiện tượng công nhân nhà máy xi măng của ta khi đi làm mang cặp lồng cơm ăn trưa, tối về mang theo cặp lồng… xi măng, để dồn lại bán lẻ kiếm chút cải thiện…Cũng là chứng minh cho cái giai cấp công nhân ở dưới chế độ XHCN, cũng không thể “sạch sẽ, lý tưởng” như lời phán của những nhà lý luận ngồi ở Cung trăng.
Mình có ông bạn, hồi trước giải phóng (1975), ông dạy nhạc ở một trường học ở Lào Cai. Sau 1975 ông xin vào công tác ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Được mấy năm ông ra Bắc chơi, gặp nhau ông kể: “Hồi mới giải phóng tôi cứ nơm nớp lo sợ, khi thống nhất đất nước, cái “văn hóa tư sản độc hại” do Mỹ gieo rắc nhiều năm ở miền Nam nó lan ra ngoài miền Bắc Xã hội chủ nghĩa thì nguy to. Nhưng vào Sài Gòn một thời gian ngắn thì cái đầu tôi đã nghĩ khác. Ông chứng minh bằng những câu chuyện văn hóa đời thường của người dân. Ông bảo, khi mới vào Sài Gòn, xuống xe là có người lễ phép hỏi: “Thưa ông, ông về đâu để con chỉ dẫn?” thay vì ngoài Bắc lúc ấy, xuống xe nơi lạ, hỏi, người ta còn không trả lời. Một hôm đi toa lét công cộng, khi bước ra, ông gặp ngay một thiếu nữ trẻ, đẹp quỳ xuống, dâng ngay trước mặt một cái khay, trên đó đặt khăn bông ướt tỏa mùi nước hoa thơm phức và lễ phép: “Thưa, con mời ông dùng khăn lau tay ạ!”. Tất nhiên lau xong phải trả một chút phí, nhưng rất dễ chịu. So sánh với “văn hóa xã hội chủ nghĩa” ở Bắc Kỳ hồi ấy còn bao cấp, các cô mậu dịch viên lúc nào cũng có quyền vênh mặt lên, trả lời chỏng lỏn với khách hàng, gắt gỏng với người mua như thể “Phở chửi” ở Hà Nội gần đây (chỉ là cá biệt). Ở Sài Gòn, ông bạn lần đầu tiên đi nghe nhạc thính phòng, vừa nghe thì có người lẳng lặng đặt trước mặt một ly nước xô đa. Ông hiểu ra, ly nước đã nằm trong tiền vé rồi. Tuy nhiên, ông lại “bẩn bụng” nghĩ: “không biết làm cách nào mà Ban tổ chức quản lý được những cái ly, cái muỗng (ngoài Bắc gọi là thìa) khi tan cuộc. Kiểu này thì mỗi buổi không khéo mất đến hàng chục cái chứ chẳng chơi”. Ở ngoài Bắc lúc ấy, các hiệu phở đều phải đục thủng thìa để khắc phục tình trạng khách hàng “cầm nhầm”! Cái thời thiếu thốn mọi thứ khiến dân gian có câu: “Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm, thi đua ăn cắp vặt”. Hóa ra “văn hóa” nó sinh ra từ chính cuộc sống chứ đâu phải từ trên giời rơi xuống.
Nghe ông nhạc sĩ kể, mình nhớ đến trong một lớp lý luận ở Trường Nguyễn Ái Quốc thời mình đi học, nơi mà những con người được tuyển chọn đến học đều là ưu tú, trong sạch, xét lý lịch ba đời. Nói đến là học viên Nguyễn Ái Quốc thì ai cũng phải vị nể, tròn mắt, bởi đó là trường đào tạo những cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên của Đảng. Thế mà có lần lớp tổ chức đi viếng lăng Bác Hồ, người ta bắt quả tang một học viên ăn cắp cái cốc thủy tinh uống nước ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí minh, khiến Lãnh đạo nhà trường buộc phải đuổi học, vì nó làm ô danh cái nơi cao quý như thế.
Ông bạn nghe xong bảo, bây giờ thì tôi lại nghĩ ngược lại: Chỉ sợ thống nhất đất nước, cái “Văn hóa xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc nó tràn vào miền Nam
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.