5124. Nhân đọc bài “Buồn hơn nỗi buồn”.

Nhân đọc bài “Buồn hơn nỗi buồn”
PNTB

Trên “Góc nhìn” của trang Vnexpress, nhà báo Đức Hoàng có bài “Buồn hơn nỗi buồn”. Đọc bài này, mình nhớ đến tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” của Friedric Engels, người bạn chí cốt của Karl Marx. Tác phẩm là sự tố cáo đanh thép tội ác của CNTB giữa thế kỷ XIX. Nó được ra đời sau khi Engels làm công nhân ở Anh (1842) và ông đã trực tiếp quan sát những nơi công nhân sinh sống để rút ra kết luận: “Giai cấp công nhân không những là những con người cùng khổ nhất trong xã hội tư bản mà còn mang sứ mệnh tự giải phóng giai cấp mình…”.
Chẳng lẽ đã sắp qua 2 thế kỷ, “tình cảnh giai cấp công nhân Anh” lại lặp lại ở xứ ta – một đất nước “trung thành với chủ nghĩa Marx, nhằm tôn vinh Giai cấp công nhân, đánh đổ chủ nghĩa tư bản” (?)
Chẳng lẽ những gì là hiện thực cuộc sống hiện tại lại là “một phóng chiếu lộn ngược” với Chủ nghĩa Marx, như cách nói của nhà nghiên cứu Lữ Phương? (Trong bài phản ánh của BBC Việt ngữ ). Theo Lữ Phương thì chúng ta đang đi trên con đường “Chủ nghĩa tư bản man rợ”, chứ không phải Chủ nghĩa xã hội của Marx. Ông bảo, nó là “phóng chiếu lộn ngược”. Có thể “Thí dụ như giai cấp công nhân lãnh đạo thì bây giờ là giai cấp bị bần cùng hóa và người ta đang phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản man rợ hiện giờ. Nông dân cũng vậy, bây giờ là cướp đất, cướp nhà của người ta. Tức là một cái phóng chiếu lộn ngược lại hoàn toàn.” Tất nhiên, đó là dưới con mắt của Lữ Phương.
Khi phân tích chỉ riêng một nỗi khổ của công nhân về việc không có nơi gửi con để đi làm tăng ca, mưu sinh kiếm sống…, Đức Hoàng khẳng định: “Không chỉ có lũ trẻ là nhóm yếu thế. Chính cha mẹ chúng, những thanh niên vì nhiều lý do phải rời quê đi kiếm ăn xa, cũng yếu thế”. Và khi anh nói rằng, anh đã nhìn thấy đằng sau cái nghèo (của người công nhân) là: “những cuộc đấu tranh quyết liệt để “mặc cả” vài trăm nghìn đồng lương tối thiểu vùng…”; là “những doanh nghiệp FDI sa thải hàng nghìn công nhân mỗi năm để tránh phải tăng lương, tăng bảo hiểm, rồi sau đó tuyển mới hàng nghìn người khác và trả cho họ mức lương khởi điểm…để “tiết kiệm”. Rồi là “có rất nhiều câu chuyện, có khi là một vùng quê đã phải nhường lại toàn bộ đất nông nghiệp cho một KCN trên giấy, hay là một ván bài kinh tế nào đó họ không bao giờ được tham gia”. Và là “những thiết chế khá đầy đủ, các ban bộ và tổ chức để bảo đảm và tăng đời sống người lao động, nhưng luôn khiến người quan sát tự hỏi: họ đã làm việc hiệu quả chưa?..”
Cuối cùng bài báo kết luận: “Một cuộc thanh tra, và có thể là một điểm giữ trẻ bị đóng cửa, hay thậm chí là một ác mẫu bị khởi tố, không chạm được vào căn nguyên sâu xa của câu chuyện. Nó buồn hơn cả một nỗi buồn”.
Vâng đúng như vậy. Tất cả những bê bối của cuộc sống, có thể được giải quyết cụ thể một việc này, việc kia hay một một kẻ bị xử lý, để tạm thời “hạ hỏa’ cho những bức xúc xã hội. Nhưng đó chỉ là cái “ngọn”, còn cái “gốc” của nó là “Căn nguyên sâu xa của câu chuyện” thì “không chạm vào”. Hay không dám chạm vào !
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.