5119. Đừng quên ký ức bị nguyền rủa của tuần báo 'Văn'
Đừng quên ký ức
bị nguyền rủa của tuần báo 'Văn'
LẠI NGUYÊN ÂN (nhà phê bình)
![]() |
Lạy cụ ah, bọn em kỷ niệm 55 năm bằng cách đập tan đội hình báo/tạp (ảnh minh họa trên Văn chương +) |
Trong năm 2017 này, cụ thể là đến đầu tháng 4/2017, sẽ là tròn 60 năm kể từ hội
nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam, diễn ra trong vài ba ngày đầu tháng 4/1957
tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, ngay cạnh sân Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong số những người cầm bút viết văn bằng tiếng Việt, hẳn đã và sẽ có không ít
người hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên bày tỏ thái độ không thật sự kính trọng
cái tổ chức mà suốt trên nửa thế kỷ tồn tại, tuy số thành viên ngày càng đông
đảo, nhưng chưa bao giờ tỏ rõ ra được là một tổ chức độc lập, tự lập của nhà
văn Việt Nam. Đây quả là một trong những vấn đề căn bản hiện tại và tương lai
của tổ chức này. Song tại đây, xin tạm gác điều vừa nói để nêu một sự kiện thuộc
lịch sử Hội nhà văn Việt Nam :
vấn đề danh dự của tuần báo “Văn” (1957-1958).
Những thế hệ cầm bút mới bước vào văn đàn vài chục năm nay có thể thậm chí
không có ý niệm gì về tờ báo này, hoặc thậm chí đã bị sang tai những lời giải
thích nào đó ít nhiều bóp méo hình ảnh thật của nó.
Tuần báo “Văn”, được xuất bản tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, từ ngày 10/5/1957,
hơn một tháng sau hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam; chủ nhiệm báo là
Nguyễn Công Hoan (1903-1977), chủ tịch đầu tiên của Hội; thư ký tòa soạn là
Nguyên Hồng (1918-1982), ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội.
Có thể nói, tuần báo “Văn” đã hoạt động trong sự phấp phỏng
của giới cầm bút khi đó đang sống và viết ở miền Bắc vĩ tuyến 17, là vì từ cuối
năm 1956 đến Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai họp ở Hà Nội hồi đầu năm
1957, những gì liên can đến báo “Nhân văn” và các cuốn “Giai phẩm” trong năm
1956 đã bị giới lãnh đạo lên án rất quyết liệt và nặng nề, nhưng từng cá nhân
những người cầm bút dính líu đến các hoạt động ấy thì vẫn còn tạm thời chưa bị
xử lý, vẫn còn tạm thời được sống và viết giữa những người cầm bút khác. Người
ta phấp phỏng về một động thái gì đó giống như giọt nước tràn ly, sẽ gây tai
biến, đổ vỡ. Và rồi điều không mong muốn ấy đã đến.
Chỉ 2 tháng sau khi tuần báo VĂN xuất hiện, trên tạp chí “Học tập” của Trung
ương Đảng (tháng 7/1957) đã có bài (của Thế Toàn tức Trịnh Xuân An) phê phán
tuần báo “Văn”, cho rằng những sáng tác đăng trên tờ tuần báo này không thể
hiện được “con người thời đại” (!) và nêu tên phê phán một loạt tác phẩm đã
đăng trên 10 số đầu, từ các bút ký như Phở (Nguyễn Tuân), Xiếc khỉ (Quang
Dũng), các truyện ngắn Nhật ký người mẹ (Lê Minh), Bóng tối (Nguyễn Châu Viên),
Căn nhà hạnh phúc (Nguyễn Hồng Điện), Bích-xu-ra (Thụy An), đến các bài thơ:
Gió (Xuân Diệu), Yêu nhau (Lê Đạt), … “Tờ báo “Văn” hầu như xa rời thực tế, xa
rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”! – Những lời
phê bình nặng nề và quá đáng này khiến cho cả những nhà văn đang làm việc tại
tòa soạn lẫn những cây bút cộng tác với tuần báo “Văn” đều cảm thấy bất bình.
Lên tiếng đầu tiên là thư ký tòa soạn Nguyên Hồng: ông không thể chịu đựng nổi
kiểu phê bình đao to búa lớn, in đậm tác phong quan liêu, trịch thượng, mà nội
dung phê bình lại hoàn toàn bộc lộ một tư duy giáo điều, công thức, sơ lược!
Nguyên Hồng và không ít nhà văn khác, đã không hiểu được rằng đấy chỉ là cái
bẫy đã gài sẵn. Lập tức tạp chí “Học tập” (tháng 8/1957, bài của Hồng Chương và
Trịnh Xuân An) đáp lại, tiếp tục quyết đoán rằng tuần báo “Văn” đã “đi trệch
đường lối”, và cảnh cáo “thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ
phạm khuyết điểm sai lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai
lầm mà không chịu khiêm tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả
kích và mạt sát báo chí Đảng”!
Giới nhà văn đứng sau tuần báo “Văn” cố nhiên không thể giữ được cái đầu lạnh,
họ tiếp tục phản ứng, trong đó có tiếng nói của cả những người từng trải như
Nguyễn Tuân (khi đó vẫn là một trong 8 phó chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ
thuật VN), lẫn của những cây bút khi đó vừa bước vào nghề như nữ nhà văn Lê
Minh; cũng có đôi người như Nguyễn Văn Bổng tán đồng với phía phê phán, nhưng
số người đồng tình với thái độ Nguyên Hồng vẫn nhiều hơn, trong số này có cả
Nguyễn Tuân, thậm chí cả Nguyễn Đình Thi, khi đó là tổng thư ký Hội liên hiệp
văn học nghệ thuật VN.
Sự kiện mà sau đó Bộ chính trị trung ương Đảng gọi là “cuộc tranh luận giữa tạp
chí “Học tập” và tuần báo “Văn” (nghị quyết số 30 ngày 06/01/1958 do Nguyễn Duy
Trinh ký), rốt cuộc đã bị xử ép một bề: tuần báo “Văn” bị xử thua, bị đóng cửa
sau số 37 (ngày 17/01/1958), mặc dù nội dung số Tết 1958 đã được chuẩn bị và
đưa tin chi tiết trên một vài tờ báo hàng ngày ở Hà Nội. Vả chăng, việc quy tội
cho tuần báo “Văn” cũng chỉ là cái cớ để người ta ra tay trừng phạt những nhà
văn nhà báo đã từng liên can ít nhiều đến báo “Nhân văn” và các cuốn “Giai
phẩm”, kết cục là có gần một chục người bị án tù với tổng cộng trên 50 năm tù
giam và hàng chục năm bị quản chế; vài người bị buộc ra khỏi Ban chấp hành Hội,
ba người bị khai trừ hội tịch vĩnh viễn, một số khá đông bị cảnh cáo; tất cả họ
đều bị treo bút vài ba năm song trên thực tế thời gian cấm đăng tải bị kéo dài
dường như vô hạn nếu không có thời đổi mới (1986-88).
Đến 25/05/1958, cũng tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, báo “Văn học” ra đời với
khẩu hiệu “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” gắn cùng tên báo. Đây cũng là tờ
báo của Hội nhà văn VN, do Nguyễn Đình Thi là thư ký tòa soạn, nhưng ngay từ
đầu “Văn học” đã nói rõ nó không phải là sự tiếp tục tuần báo “Văn”; trái lại,
chính báo “Văn học” ngay tại số đầu này, đã tuyên bố chối bỏ tờ báo đi trước,
hơn thế, còn cao giọng kết án tuần báo“Văn” trước đây “đã bị tư tưởng Nhân văn
lũng đoạn”, “đã đăng một số bài lệch lạc, chịu ảnh hưởng những tư tưởng thù
địch hoặc đề cao chủ nghĩa cá nhân suy đồi, rơi vào những quan điểm của chủ
nghĩa xét lại trong văn nghệ”, “những trang báo“Văn” đã bị hoen ố vì những bài
của nhóm “Nhân văn”,… “dùng mọi cách xảo trá để gieo rắc nọc độc phản lại tổ
quốc, phản lại nhân dân, chống lại chủ nghĩa xã hội, chống chế độ và chống
Đảng”…. Thái độ chối bỏ này, đặt vào thời điểm 1958 ở miền Bắc, cũng là điều dễ
hiểu.
Từ đó trở đi, ký ức về tuần báo “Văn” phai mờ dần trong giới cầm bút; tệ hơn
thế, mỗi khi được nhắc lại bởi một số quan chức văn nghệ hoặc nhà phê bình, tờ
tuần báo đầu lòng kia của Hội nhà văn VN lại hằn lên vì những lời nguyền rủa,
xem nó như một vết đen đáng xấu hổ của giới cầm bút trong buổi đầu tập hợp nhau
thành một Hội!
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Nhiều điều tưởng đã là khuôn thước bất di bất dịch
của một thời sáng thế mới, rốt cuộc đã không chịu đựng nổi thử thách của thời
gian và sự thật. Những gì mà người ta từng phát ngôn như thể lời tuyên cáo đanh
thép đối với các sáng tác thơ, luận, truyện, … trên một tờ tuần báo văn chương
hiền lành thuở nào, giờ đây nếu ai có dịp đọc lại, sẽ thấy nó cứng quèo, khô
xác và nực cười như lời của những vai hề; các tác giả của những phát ngôn ấy,
nếu còn sống, chắc phải lấy làm ngượng, và nếu có lương thức lương tâm, họ sẽ
phải ân hận khôn cùng.
Tuy thế, vẫn chưa có sự minh giải chính thức nào xung quanh những thiết án khi
xưa đối với tuần báo “Văn”, – cái thực thể chỉ tồn tại trên giấy nhưng gói
trong nó những kết quả sáng tạo tinh thần của rất nhiều người viết. Những người
chịu trách nhiệm chính của tuần báo “Văn” là Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng,
đều đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
Trong số những người từng đăng bài trên tuần báo đó, khá nhiều người cũng đã được
trao giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Các cá nhân cầm bút đã được vinh danh. Chỉ có tuần báo “Văn” thuở nào là vẫn
chưa được trả lại danh dự.
Đây không phải bài nghiên cứu để có thể đề cập chi tiết. Vượt qua những sự lên
án đã tỏ ra là sai trái khi xưa, có thể nói tuần báo “Văn” tuy chỉ tồn tại
trong 8 tháng, nhưng cũng đã chuyển tải được một phần đời sống văn nghệ đương
thời trên miền Bắc hồi ấy.
Đặt trong cái vòng kim cô kiểm soát văn hóa tư tưởng thuở ấy đang siết chặt
dần, tuần báo“Văn” chẳng thua kém gì so với các tờ “Văn học”, “Văn nghệ” về
sau. Tất nhiên đây là tờ tuần báo của những nhà văn nhà báo ở đầu thời đang
bước vào văn chương minh họa nên nó mới chỉ làm tròn bổn phận này ở các bài mục
“đánh địch” tức châm biếm, đả kích; còn lại, ở các phương diện khác, những
người sáng tác vẫn chưa quên những chuẩn mực văn chương nhân bản thông thường,
tuy rằng viết ra được tác phẩm hay bao giờ cũng là việc khó nhất. Trong số
những tác phẩm đăng lần đầu ở đây, được nhắc nhở sau này là các tác phẩm như
thơ: Hãy đi mãi (Trần Dần), Lời mẹ dặn (Phùng Quán), Bão (Tế Hanh), văn: Đống
máy (Minh Hoàng), Ông Năm Chuột (Phan Khôi), Tiếng bạc cuối cùng (Hồ Dzếnh), là
truyện dịch Phòng số 6 của Chékhov, là các tiểu luận Nguyễn Tuân về văn Thạch
Lam, kịch Vi Huyền Đắc, hoặc, một số tranh trào lộng về tệ quan liêu của Trần
Duy, v.v…
Tôi không nói tuần báo “Văn” (1957-1958) là tuyệt vời, tôi thấy chất lượng văn
chương và báo chí của nó là thường thường bậc trung; đặt trong lịch sử loại báo
chí văn chương ở Việt Nam từ xưa tới nay, nó không thể so sánh được với vai trò
của rất nhiều tờ báo khác mà ở đây tạm không nên nhắc tên. Nhân nhớ tới lịch sử
55 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến tuần báo “Văn”
(1957-1958) như một cơ quan đầu lòng của riêng Hội này, cái cơ quan chỉ tồn tại
được 8 tháng, và tuy đã đóng vai trò tấm gương soi đời sống văn học, đời sống
của Hội nhà văn Việt Nam những tháng ngày ấy, nhưng ký ức về nó vẫn là một ký
ức bị làm nhục, bị nguyền rủa. Vậy mà với thời gian, những gì in lên diện tích
các trang của 37 số báo “Văn” (1957-1958) lại tự chứng tỏ nó đáng được nhớ tới
với sự tôn trọng, với sự trân trọng.
Thiết nghĩ, nếu lịch sử Hội nhà văn Việt Nam vẫn được tính từ đầu tháng
4/1957 thì giai đoạn Hội có tuần báo “Văn” (1957-1958) không thể bị loại trừ!
Trong dịp kỷ niệm 55 thành lập Hội, thiết nghĩ nên có một vài nghi thức cần
thiết để trả lại danh dự cho tờ tuần báo “Văn” (1957-1958). Những người cầm bút
đứng trong Hội hôm nay nên biết đến toàn bộ các giai đoạn lịch sử Hội mình từng
trải qua.
2012-2017
Lại Nguyên Ân
(Theo Facebook Lại Nguyên Ân)
Nhận xét