5099. Khi quyền lực được… ‘thả rông’

Khi quyền lực được… ‘thả rông’

NND/PNTB


Mấy ngày nay, sau bài báo Quan lộ thần tốc của 'hot girl' xứ Thanh được khởi động trên tờ báo quốc doanh Thanh niên, khiến dân mạng lại được dịp bùng lên như lửa bắt vào xăng.

Nguyên cớ là sự việc lùm xùm này đã làm nóng mạng xã hội khoảng hơn nửa năm trước, nhưng do có “chỉ đạo ngầm” ở đâu đó nên các báo lề phải hầu như im re. Tuy nhiên, để “thanh minh thanh nga” với mạng xã hội, báo Thanh niên đưa tin: “Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bác thông tin có 'bồ nhí', một bản tin kiểu “lạy ông tôi ở bụi này”. Qua nhiều bài viết trên mạng xã hội, người ta thấy rằng, cô ‘hot girl’ Trần Vũ Quỳnh Anh quả là “nhờ bóng tùng quân” mà một phút lên tiên…

Tôi không muốn bàn về bản thân sự việc mà nhân đây muốn đề cập sơ lược về nguồn gốc của những lùm xùm trong giới quan chức của ta xảy ra quá nhiều trong những năm gần đây, cũng phù hợp với đánh giá của đảng về “một bộ phận không nhỏ” đang làm mất uy tín của đảng, nhà nước. Đó chính là “sự tha hóa” của quyền lực khi thiếu sự kiểm soát.

Một lần ngồi với mấy vị sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, một ông bày tỏ: nghe đâu lão bí thư tỉnh nọ mới nghỉ hưu mà có khối tài sản khủng, nhưng không phải do kết quả “lao động thối móng tay” như kiểu ông Trần Văn Truyền Thanh tra đâu… Một ông khác bảo: “Thì vưỡn. Làm đến chức đấy mà không giầu mới lạ. Tuy nhiên, nếu cho tôi vào vị trí đó tôi cũng giầu, mà chú ngồi vào đấy chú cũng không thể nghèo như dân thường được. Một khi có quyền lực trong tay thì tiền bạc của nả nó cứ đến dửng dưng, không muốn cũng không được. Cái thể chế ‘thả rông quyền lực’ nó cho phép người ta giầu bất chính”.

Còn nhớ, năm ngoái ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo có loạt bài viết về ‘kiểm soát quyền lực’, đăng trên VietnamNet. Để tiếp cận vấn đề, ông Hoàng đã dẫn lời của một nhà kinh điển nào đó là: “Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.

Sau đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: Phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”... Hóa ra các ông ở thượng đỉnh của đảng cũng đã biết cái sự ‘thả rông quyền lực’ nó gây ra bao hệ lụy cho đất nước, bởi ‘quyền lực tuyệt đối sinh ra tha hóa tuyệt đối’. Tha hóa hiểu nôm na là “biến thành cái khác”. Tốt biến thành xấu. Liêm khiết, hiền lành, tử tế biến thành kẻ tham lam, nhũng nhiễu, độc ác. Người đáng kính trọng, đáng vị nể biến thành kẻ đáng khinh, đáng nguyền rủa… Đó là không ít quan chức, những người sử dụng quyền lực của Nhân dân giao cho một cách tuyệt đối, bậc càng cao, quyền lực càng lớn thì sự kiểm soát càng khó và dẫn đến sự tha hóa càng dễ khủng khiếp.

Vậy cái gì có thể kiểm soát được quyền lực? Phê bình và tự phê bình? Không. Cứ nhìn vào thực tế mà xem. Cái câu “đấu tranh là tránh đâu” đã ra đời cách nay gần năm mươi năm, nó đã trở thành tục ngữ. Báo chí cũng đã phản ánh quá nhiều về hiện tượng giả dối, trong cái gọi là “tình đồng chí trong đảng”, thiết nghĩ không phải nói nhiều, ai cũng có thể hiểu. Bây giờ còn được bao nhiêu phần trăm “tình đồng chí”, bao nhiêu phần trăm cái gọi là phê bình và tự phê bình đúng nghĩa?

Vậy pháp luật? Đúng ra, pháp luật dân chủ thật sự chính là cơ sở cho sự kiểm soát quyền lực hữu hiệu nhất. Thấy Tổng bí thư nói “nhốt quyền lực vào lồng quy chế lập pháp”, tôi đã mừng. Nhưng tiếc là không thấy bài báo nói về cái “lồng Quy chế lập pháp” nó thế nào. Nếu chỉ đưa ra những câu: “Kiểm soát quyền lực”, hay “Nhốt quyền lực vào lồng Quy chế lập pháp” nhưng không rõ phải làm thế nào, có đúng “quy luật khách quan” như triết học Mac xít đã chỉ ra không, thì rốt cục, đó cũng chỉ là những khẩu hiệu đẹp, chứ không có ý nghĩa thực tiễn. Xưa nay dân ta đã từng nghe nhìn quá nhiều khẩu hiệu đẹp, nhưng đối chiếu với thực tiễn thì nó xa lắc xa lơ… Tất nhiên còn nhiều người dân vẫn hy vọng ở những khẩu hiệu như “Dân chủ, công bằng, văn minh”, “Tất cả vì dân”, “Đảng không có quyền lợi nào hết, ngoài quyền lợi của dân tộc” vv và vv… Nhưng một khi cuộc sống cứ “phản ánh ngược” với khẩu hiệu thì nó là nguyên nhân của sự mất lòng tin.


Công bằng mà nói, pháp luật của ta cũng có một phần tác dụng, nhưng tiếc thay, nó chưa được Thượng tôn. Có nhiều cái còn ngồi trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật… Về công tác cán bộ, ông Vũ Ngọc Hoàng đã mạnh dạn nêu ra: Cách làm công tác cán bộ chủ yếu là sắp đặt theo ý chí và cách tư duy còn nhiều chủ quan của người lãnh đạo. Không ít trường hợp sắp xếp cán bộ theo quan hệ, hậu duệ, “lợi ích nhóm”; bị đồng tiền chi phối, thậm chí đồng tiền đã quyết định trong nhiều trường hợp; đề bạt con cháu, đồ đệ và những người ăn cánh”. (Kiểm soát quyền lực, nhiều việc lấy cớ 'nhậy cảm' để không minh bạch thông tin). Và ông còn mạnh dạn đề xuất: “Lãnh đạo chủ chốt phải qua tranh cử”. Nhưng nghe ra ở ta việc này còn xa lạ lắm.

Nói về cơ chế kiểm soát quyền lực, ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ mới dám nói ‘bóng gió’ về nguyên tắc. Xin trích một đoạn để độc giả tham khảo: Nói chung, các nhà nước phong kiến chưa giải quyết được việc kiểm soát quyền lực…
Một số triều đại đã từng có các quan ngự sử ghi chép trung thực, khách quan mọi việc liên quan đến các quyết định và ứng xử của nhà vua, của triều đình để lịch sử đánh giá, phán xét công, tội. Vua cũng không được kiểm duyệt các ghi chép này. Có các gián quan để can gián vua không làm việc sai; có trống để thần dân kêu oan; có “quan tòa” liêm chính để phán xử đúng sai…
Tuy nhiên, về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề kiểm soát quyền lực. Nguyên nhân là do quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật, còn nhân dân chỉ là đối tượng bị cai trị, không có quyền tự do, kể cả quyền sống, trái ý vua thì tùy theo mức độ và sự nóng giận của vua mà bị trị tội, kể cả tru di tam tộc.”. (vietnamnet.vn).

Thượng tôn pháp luật ở ta hình như bị cái gì cản trở na ná như quyền lực được tập trung vào một chỗ kiểu ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ra: “Nguyên nhân là do quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua là ý trời…” Như vậy ta có thể hiểu vấn đề dân chủ còn nan giải lắm. Còn nhớ, cách đây mấy năm tôi có đọc một bài viết của ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ông khẳng định đại ý: Trước đây chúng ta cứ nói đã hoàn thành Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân, nay chỉ việc tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng giờ nhìn lại thấy, chúng ta mới hoàn thành cách mạng Dân tộc, còn vấn đề Dân chủ chưa làm được gì.

Theo tôi, “cái lồng” để nhốt quyền lực như Tổng bí thư nêu ra chính là nền Dân chủ thực sự. Tuy nhiên nói như vậy hơi rộng và phải viết dài. Ở đây, ngoài việc thực hiện dân chủ thực sự trong bầu bán người lãnh đạo, như Vũ Ngọc Hoàng đề cập, tôi muốn nói đến một khía cạnh dân chủ khác là Báo chí. Báo chí phải được nói hết sự thật, không phải “vừa viết vừa run” như tình hình lâu nay, một đồng nghiệp thổ lộ với tôi như vậy khi viết những bài điều tra đụng đến quyền lực và ông cũng từng phải trả giá về việc đó. Trước đây tôi cứ nghĩ đơn giản: Luật báo chí đã ban hành thì việc quản lý báo chí cứ Luật mà làm. Nước nào chả thế. Nhưng ở ta còn luật bất thành văn, còn có thứ “siêu Tổng biên tập”, đứng trên, đứng ngoài pháp luật suốt ngày lo việc kiểm soát, chỉ sợ báo chí đụng vào chỗ “nhậy cảm” - một từ đã được dùng khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng đã phải lên tiếng trong bài "Nhiều việc bị lấy cớ là 'nhạy cảm' để không minh bạch thông tin" (vietnamnet.vn). Chính vì thế, nhiều vấn đề, báo chí của ta tuy nói đúng nhưng mới đúng có “một nửa sự thật”, còn một nửa sợ “nhậy cảm” nên đánh bài lờ. Chắc mọi người đều biết trong những năm gần đây trên mạng lan truyền một câu nổi tiếng thế giới: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật!”… Và bây giờ khi internet đã phổ biến, mà có sự việc báo chí “lề phải” vẫn giền giứ, có khi “lề trái” lên tiếng mạnh thì mới phải theo. Câu chuyện ‘Xứ Thanh’ trên đây cũng vậy. Đó chính là mảnh đất cho “quyền lực tuyệt đối” được tự tung tự tác.

Muốn “kiểm soát quyền lực”, không muốn “thả rông” nữa thì hãy làm cho pháp luật được thượng tôn bằng sự thay đổi cách nghĩ và cách làm thật sự, chứ không phải là những khẩu hiệu đưa ra cho đẹp…

10/3/2017 / PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.