5092. Thày tôi

Thày tôi 
Cụ Nguyễn Văn Du (91918 - 1992)
PNTB - Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 25 của Thày tôi. Post lại bài viết này (rút trong tập Ký Mảnh vườn ký ức, NXB Hội Nhà văn 2014) như một nén tâm nhang tưởng nhớ Thày.
Thày tôi sinh năm Mậu Ngọ - 1918. Thày được học chữ quốc ngữ đến trình độ lớp bốn, là một trong những người có học vấn khá nhất trong bối cảnh gần như cả làng mù chữ. Vì vậy, thày tôi được Ủy ban Kháng chiến Hành chính cho làm Phó ban Văn hóa xã.
Thày tôi kể: năm 1950, quê tôi nằm trong vùng tề. Các hoạt động của chính quyền nhân dân rút vào bí mật, thậm chí ngừng hoạt động bởi toàn bộ địa bàn hoàn toàn thuộc địch kiểm soát. Nhà tôi có một căn hầm bí mật ở ngoài vườn có cửa thông vào trong gian buồng, để khi ông chú họ tôi là cán bộ Việt Minh ở huyện thỉnh thoảng về có chỗ trú ẩn. Chú là họ hàng về đằng bà nội tôi, người thuộc làng An Cầu, xã Vĩnh An. Có hôm giữa đêm, ông xuất hiện như một bóng ma ở trong nhà. Thày bu tôi dậy, thắp nhỏ cái đèn mổ vội con gà làm cơm cho chú ăn. Hôm sau, chú nằm ở dưới hầm cả ngày. Rồi một lúc nào đó giữa đêm lại “biến mất”. Bên hông chú lúc nào cũng đeo khẩu súng lục. Một hôm, chú chỉ về một lúc rồi lại đi ngay. Thày tôi nhớ lại, hôm ấy chú ra khỏi nhà được khoảng mười phút thì thày nghe thấy mấy tiếng súng nổ ở phía Đồng Tráng... Mấy hôm sau, thày bu tôi được tin chú đã hy sinh.
Năm ấy bu tôi mới sinh thằng Dũng. Thày tôi làm thêm ba gian nhà ngang bằng tre, lợp rạ. Nhà đã lợp xong, chỉ còn trát vách bằng bùn rơm cho kín là ở được. Khoảng 6 giờ sáng mùa đông, trời chưa sáng rõ mà sương mù lại dày đặc. Thày tôi mặc thêm cái áo cho ấm rồi bảo với bu: “Tôi lại xóm Đông nhờ các bác sang trát nốt cho kín cái vách nhà dưới. Bu nó lừa con ngủ rồi nấu cơm cho các bác ăn sáng!”. Vừa ra đến ngõ ngoài, thày nhìn thấy hai bóng người. Họ sấn vào trước mặt, một người dằn giọng: “Anh Du, anh đi đâu sớm thế?” Chưa kịp trả lời thì người kia đã nói: “Anh không được đi đâu bây giờ. Anh theo chúng tôi ra đình”. Tưởng ai hóa ra toàn người quen trong xã, nhưng họ là lính dõng. Mỗi người đều có một khẩu súng trường lăm lăm trên tay. Họ áp tải thày tôi ra đình. Ra đến đình đã thấy lố nhố hằng chục thanh niên trong làng ngồi trong sân. Xung quanh là những người lính dõng. Có mấy sĩ quan đang chụm đầu bàn việc...
Đúng 7 giờ, một tên đứng trên bậc thềm trước sân đình dõng dạc hô: “Tất cả đứng dậy!”. Mọi người lục tục đứng lên. Viên sĩ quan nói: “Bây giờ tôi đọc đến tên ai thì người đó đứng sang phía bên phải. Nghe chưa!”. Trong số những người được xướng tên, có thày tôi, Nguyễn Văn Du và chú ruột tôi, Nguyễn Văn Triêm. Tất cả là tám người trong “danh sách đen”. Những người không có tên được thả về. Còn lại thì bị dẫn giải lên Bốt Nhà thờ Thiết Tranh ở xã trên, cách khoảng ba, bốn cây số...
Chiều hôm ấy, thày tôi bị dẫn vào một phòng hỏi cung. Bên cạnh bàn hỏi cung là những dụng cụ tra tấn như roi da, côn, dây chão buộc sẵn trên xà ngang, kìm, búa, chậu, thùng đựng nước lỉnh cà lỉnh kỉnh... Một viên sĩ quan ngồi đối diện mở đầu: “Anh Nguyễn Văn Du, mọi hoạt động của anh cho Việt Minh chúng tôi đã có nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, nhà nước Đại Pháp luôn khoan hồng đối với những người thành khẩn, và kiên quyết trừng trị những kẻ ngoan cố. Bây giờ tôi hỏi: hiện anh đang giữ chức vụ gì cho Việt Minh?”. Im lặng. “Có người báo anh thường xuyên chứa chấp bọn Việt Minh qua lại trong nhà, đúng không?”. Thày tôi đáp: “Tôi không quen ai tên là Việt Minh cả. Tôi không làm gì hết”. Cứ một bên hỏi, một bên “không biết”, “không làm gì”, kéo dài mười mấy phút khiến tên sĩ quan hết kiên nhẫn. Hắn hất hàm, bốn thằng ở góc phòng xô ra xốc nách thày tôi lên, vật xuống chằng vào cái dây chão thòng từ trên xà nhà xuống. Vừa trói chúng vừa bảo: “Cho mày đi tàu bay xem có còn ngoan cố không!”. Khi chằng được dây vào người, rút lên, thày tôi bị treo sấp, lơ lửng như con ếch. Hai thằng hai bên cù vào lườn thày, thày buồn quá lấy hết sức bình sinh đạp một phát thật mạnh. Một thằng bị đạp trúng ngực loạng choạng bật vào tường, kêu “ối!” một tiếng. Thế là chúng bâu vào đấm, đá như thể tập quyền anh, chơi thật lực vào đích đấm; “Mẹ mày, này giẫy này! Này Việt Minh này! Này ngoan cố này!...”. Thày tôi nghiến răng. Nhưng mỗi lần chịu một đòn, ông kêu ối giời ôi, đau quá! Nhưng lúc sau chỉ “hự, hự”… Đánh chán bằng tay, chúng lấy cái roi cặc bò quất thật lực vào đùi, vào mông, vào lưng thày tôi. Thày bảo lúc đầu còn nhìn thấy ngọn đèn tọa đăng, sau chỉ thấy vàng vàng, rồi mờ dần, mờ dần rồi không thấy gì nữa…
Khi tỉnh dậy, thày thấy mình nằm trên một vũng nước lạnh. Định thần lại, nhìn lên thấy sao trên giời nhiều lắm. Có tiếng dế kêu râm ran. Có những con ngóe nhẩy lên người, lên mặt. Thày tưởng như đang nằm trên một ruộng mạ vừa nhổ hết. Nhưng xung quanh lại có tường xây, cứ khoảng hơn một sải tay lại có một cái lỗ hình chữ nhật dài và hẹp. Hóa ra đây là cái lô cốt không có mái lợp. Những hình chữ nhật sang sáng kia là lỗ châu mai… Thày tôi khát nước quá, ông cố lết người vào gần cái lỗ châu mai mà bên ngoài thấy có bóng người qua lại. Thày vừa gọi vừa rên: “Ối giời ơi, có ai đấy không? Cho tôi xin hớp nước…!”. Một giọng phụ nữ trong trẻo: “Đánh thì đánh, nhưng người ta khát cũng cho hớp nước, kẻo phải tội!”. Mấy phút sau, vẫn giọng nữ: “Anh kia, có uống nước không”. Thày tôi: “Vâng, xin cảm ơn bà!”. Người phụ nữ, chắc là vợ lính (thày đoán vậy) nghiêng cái ấm tích, thò vòi vào lỗ châu mai. Thày nghển cổ lên, ngậm vào vòi ấm uống một hơi cạn hết ấm nước. Ông cảm giác thấy nước mát lắm, nhưng không biết nước mưa hay nước lã múc ở dưới ao lên. Trong lúc đang uống, người phụ nữ ghé vào lỗ châu mai nói nhỏ đủ để thày tôi nghe thấy: “Nếu anh đã khai thì khai hết ra từ đầu. Nếu đã không khai thì tuyệt đối không được khai nhận gì. Anh mà nửa vời, họ đánh chết đấy!”.
Thày tôi thầm cảm ơn người phụ nữ tốt bụng. Ông nghĩ, hóa ra trong hàng ngũ địch vẫn có người tốt. Uống nước xong chỉ mấy phút sau, thày thấy bụng như trương lên. Trong bụng réo ù ù như sấm dậy. Bỗng người thấy nôn nao, bụng đau quặn và rồi ở hậu môn nước tháo ra như tháo cống. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thày tôi đã nghĩ đến cái chết. Ông lịm đi trong cái lô cốt ấy…
Sáng hôm sau, bu tôi gửi thằng Dũng đằng bà ngoại, mang cơm lên cho thày. Khi đưa cơm vào tận nơi, thấy thày bị đánh mặt mày sưng húp, người nhũn như tàu dưa, hai tay không cầm nổi cái thìa. Bu khóc nức nở. Thày nói nhỏ: “Chú ý con dấu… cái sổ tài chính…”. Bu gật đầu. Từ bốt nhà thờ Thiết Tranh về, bu tôi chân thấp chân cao vừa đi vừa khóc, chỉ sợ thày tôi bị đánh chết. Về đến nhà bu lục lọi tìm ngay được con dấu của Ban Văn hóa xã ném xuống ao bèo, còn cái sổ ghi thu – chi tài chính của Ban thì bu mang ra chôn cùng với cái đầu máy khâu mà thày  chôn ở dưới gốc chanh ngoài vườn. Đúng ngày hôm ấy, có hai thằng đến nhà khám xét, lục tung mọi thứ nhưng chẳng tìm được vật chứng gì. Bọn này ngu thật, nếu chúng thông minh ra, bắt người, khám xét ngay thì chắc thày tôi khó mà thoát.
Hôm sau, thày tôi lại bị gọi lên dụ dỗ, nhưng nghe người vợ lính, ông kiên quyết không nói gì. Lại bị đánh, lại ngất đi và bị vứt vào cái lô cốt hôi thối ấy. Nửa đêm tỉnh lại, thày tôi nghe thấy tiếng kêu, rên của mấy ông bạn cũng đang bị tra tấn, đánh đập ở trên phòng. Đến ngày thứ ba, thày nghĩ, không biết trận này nữa liệu có trụ được không. Nhưng lạ thay, hôm nay chúng gọi tất cả lên cho ăn uống tử tế rồi tuyên bố: “Hiện tại, chưa có đủ bằng chứng buộc tội cho các anh, chúng tôi tạm tha cho về địa phương. Nếu phát hiện có dấu hiệu theo Việt Minh, chống lại nhà nước Đại Pháp thì chúng tôi sẽ bắt…”.
Thày kể: Trong bữa ăn thịnh soạn hôm ấy có một ông cũng bị bắt, bị đánh khóc hu hu: “Hôm nay được các quan cho ăn uống thế này mà tay không cầm được bát! Hu hu!...”. Thày tôi điên tiết lườm ông ta một cái, nhưng không dám nói gì. Thế là thày tôi và mọi người được thả. Nhưng ai cũng thân tàn ma dại, không đi nổi. Bu tôi phải nhờ người mang võng lên cáng thày và chú tôi về. Riêng chú Triêm tôi, sau khi về rất yếu. Năm sau, 1951, ông bị ho ra máu và mất tại nhà…
Từ cuối năm 1952 đến 1955, thày tôi dạy Bình dân học vụ. Hồi ấy tôi còn bé, chưa đi học nhưng vẫn nhớ thày tháo cánh cửa nhà trên ra làm bảng viết. Viết bằng than củi chứ không có phấn trắng. Những người trong làng đến học, đọc đồng thanh: “Mở tủ, mũ to”, “O tròn như quả trứng gà / ô thì đội nón, ơ là thêm râu”…
Khi Cải cách ruộng đất về làng năm 1955 – 1956, thày tôi nghỉ hết mọi việc. Không khí của cuộc Cải cách ruộng đất rất căng thẳng khi các mối quan hệ trong làng bị thay đổi quá đột ngột. Một số bà con, anh em họ hàng chú bác chẳng may bị quy vào thành phần phú nông, địa chủ, trở thành kẻ thù của cách mạng thì cũng trở thành kẻ thù của người thân. Ra đường gặp nhau không dám chào, nhiều khi phải lánh mặt. Còn những người là địa chủ, phú nông, dù là bậc trên nhưng nhìn thấy con cháu cũng phải cúi đầu chắp tay: “Con chào ông bà nông dân ạ!”…
Ở xã tôi bị phân chỉ tiêu phải tử hình hai người. Có một người địa chủ bị bắn rồi. Trong lúc đang thiếu một “vật tế thần” nữa thì “may mắn” cho đội cải cách ruộng đất là có một vụ hỏa hoạn. Cái bếp của một gia đình cốt cán ở làng bên bị cháy. Sau này nghe đâu do chủ nhà ủ nồi cám lợn sơ xuất để lửa bắt vào đống rạ đun bếp… Nhưng một ông hàng xóm “có lý lịch không tốt” bị tố cáo là thủ phạm đốt nhà cốt cán. Ông ấy trước kia từng đi lính bảo hoàng. Từ ngày về lại ăn chơi rất ga lăng, đi xe bình bịch, nói tiếng Pháp như gió… Thế nên khi bị tố cáo là người ta tóm ngay ông ấy. Ông ấy tên là T…Ông bị xử tử hình chỉ một tháng sau vụ hỏa hoạn xảy ra. Hôm bắn ông T, tôi còn nhớ nghe tòa án tuyên: Căn cứ điều 6 khoản 3 Hiến pháp nước Việt nam dân chủ cộng hòa, căn cứ…nay tòa án nhân dân đặc biệt tuyên án tử hình tên T ngay tại chỗ.
 Sáu bẩy anh du kích lực lưỡng vào xốc nách ông T lôi ra hai cái cọc chôn trên miệng hố (hình như để làm huyệt chôn luôn), hai cái cọc được nín vào một cái xà ngang nom như cái xà đơn để tập thể thể dục. Vì ông T khỏe lắm nên vật vã mãi họ mới trói được ông lên cái xà ngang ấy. Mồm ông bị nhét một miếng giẻ để không kêu được, mắt ông bị bịt bằng một mảnh khăn đen… Nhưng lúc họ bắn ông thì tôi sợ nên lẩn ra mãi bở ruộng phía xa, chỉ nghe thấy tiếng pằng pằng pằng pằng…
Sở dĩ tôi nhớ lâu những chi tiết ấy vì sau đó bọn trẻ chúng tôi đi chăn trâu thường diễn lại cảnh đấu tố và tử hình địa chủ. Và cái ấn tượng ghê sợ, khác thường ấy đã in vào trí óc của những đứa trẻ thì muốn quên cũng khó.   
Sau vụ tử hình ông T một thời gian, ở làng tôi cũng lại xảy ra một vụ hỏa hoạn tương tự. Lại cái bếp của một gia đình cốt cán bị thiêu rụi. Cháy đâu không cháy mà cháy nhà cốt cán thì chỉ có “địch”. Người ta lại đi tìm địch ở trong làng. Anh tôi năm ấy 16 tuổi. Các buổi tối, anh thường đi ngủ tập trung với cánh thanh niên choai choai cùng lứa. Một hôm, anh về nói nhỏ với thày tôi: “Thày ơi, tối hôm qua con nghe lỏm được trong cuộc họp, có người phát hiện vụ cháy bếp nhà anh K có lốt giày Tây. Họ bảo, giày Tây ở làng này chỉ có anh Du!”. Thày bu tôi tái mặt. Điệu này thì nguy rồi!... Đúng là cả cái làng hơn bẩy chục gia đình chỉ một  mình thày tôi có đôi giày Tây bằng da bò, màu zôn. Đôi giày được mua từ thời còn trẻ. Sau này, thỉnh thoảng đi chợ làm máy khâu thày tôi mới xỏ giày. Không ngờ cái đôi giày độc đáo này bây giờ làm hại thày?...
Quả nhiên đúng chiều hôm ấy, có một đoàn bốn năm người đến nhà. Họ hỏi: “Có phải ông có đôi giày zôn không?”. “Vâng tôi có, nhưng các ông hỏi làm gì ạ. Đã từ lâu rồi, tôi không đi giày”. “Xin ông mang cho xem đôi giày”. “Giày tôi để khó lấy lắm, xin phiền các ông vào trong buồng”. Thày tôi mở cửa buồng cho sáng, châm thêm ngọn đèn, vặn to lên. Mọi người vào buồng chứng kiến, đôi giày vẫn để trên bậu tường. Bụi phủ kín. Đặc biệt là những sợi màng nhện chăng qua miệng giày vẫn còn nguyên. Cứ như “hiện trường” ấy thì đôi giày dễ có đến mấy năm chưa ai đi... Thế là thày tôi thoát nguy cơ một tai nạn khủng khiếp. Họ về rồi, thày bảo, “Mấy cái mạng nhện nó cứu mạng sống của tao!”
Tôi có ông bác ở thôn An Cầu xã Vĩnh An là anh em con cô con cậu với thày tôi. Nhà ông khá giả, nên bị quy là “địa chủ cường hào gian ác”. Tuy nhiên trong kháng chiến, ông là một trong những người ủng hộ tích cực cho Chính phủ. Người con gái lớn theo Việt Minh làm cán bộ phụ nữ của huyện. Không hiểu sao, ông thuộc đối tượng phải xử tử hình. Thày tôi kể: “Hôm ấy, vào một buổi sáng, bầu trời rất u ám, dân làng nghe tiếng loa thông báo mời mọi người ra trường đấu để đấu tên địa chủ T.V.C. (tên của bác tôi). Đó chính là hôm sẽ tuyên án và tử hình ông. Nhưng đến 7 giờ trời mưa như trút nên cuộc đấu tố bị hoãn lại. Sáng hôm sau, cũng lại tiếng loa như thế và trời cũng lại mưa. Cả nhà, cả họ ai cũng xót xa cho bác, nín thở chờ phút hành quyết bác ở tòa án đặc biệt của xã. Đến hôm thứ ba thì nghe tin: Có lệnh của Hồ Chủ tịch dừng tất cả các án tử hình... Thế là ông bác tôi thoát chết. Ông sống được thêm bốn mươi năm nữa. Chị H con gái cả của ông sau lên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là đảng viên kỳ cựu làm ở Báo Phụ nữ cho đến khi nghỉ hưu. Nhiều người con của ông tham gia quân đội, có người là thương binh... Sau khi ông bác tôi thoát chết thì nghe thấy chủ trương của Đảng là tiến hành Sửa sai...Đảng đã nhận ra sai lầm trong tổ chức thực hiện Cải cách ruộng đất. Bác Hồ rất buồn. Năm 1960, Đại hội III của Đảng ở Hà Nội, khi kiểm điểm về Cải cách ruộng đất, người ta thấy Bác lấy khăn mù xoa chấm nước mắt...
Trước đó, khi chính sách sửa sai của Đảng đã về đến làng mà thày tôi vẫn như chưa hoàn hồn bởi những gì ông vừa chứng kiến. Thày bảo: “Tất cả như một cơn ác mộng!”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.