5064. Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai
Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai
Tiến sĩ Lê Kiên Thành
![]() |
Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng có tới 70% người Việt là nông dân và đang nghèo. |
PNTB: TS Lê Kiên Thành đã mạnh dạn viết bài này, mon men động đến những vấn đề nhiều người đã biết nhưng không dám nói. Và ông chỉ ra rằng "Đổi mới" năm 1986 chỉ là ta biết "Vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình", dám làm những cái mà vì lý do nào đó ta không dám làm, khiến đất nước trì trệ. Cách đây 30 năm ta dám bỏ 4/10 điều không dám, còn lại 6 điều. Nay nó lại thêm ra 4 điều khác, nên lại là 10 điều không dám làm. Nên sau 30 năm nếu tiếp tục "đổi mới", phải tiếp tục "vượt qua nỗi sợ hãi", dám làm những cái dù có thể nó "động đến những lý thuyết cốt lõi mà chúng ta đã lựa chọn" ? Và lần này khó khăn hơn vì nếu đổi mới nó còn động đến quyền lợi của một nhóm người có chức có quyền... Dù gì thì với vị trí con trai của cố TBT Lê Duẩn, ông cũng chỉ nói đến mức ấy.
1-3-1987 có lẽ là ngày không thể quên được trong ký ức
của nhiều người dân Việt Nam thế hệ chúng tôi, đó là ngày mà chính phủ chính
thức tiến hành giải thể các trạm kiểm soát hàng hoá trên các tuyến đường nhằm
thúc đẩy lưu thông hàng hoá.
Thế hệ chúng tôi, những đứa
trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bao cấp lần đầu tiên có khái niệm về thị
trường, về một nền kinh tế hàng hoá thực sự.
Dù mệnh lệnh Đổi mới đã được
Đảng và Chính phủ phát đi năm 1986, thì ngày mà mệnh lệnh đó chính thức trở
thành thực tiễn cuộc sống với tôi vẫn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. 30 năm sau
sự kiện đổi mới đó, tôi mơ ước rằng, tôi sẽ được chứng kiến cuộc đổi mới lần
thứ hai của đất nước trước khi quá muộn, với cả cá nhân tôi và với cả dân tộc
này.
Có rất nhiều các học giả, các
nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề về cuộc đổi mới lần 2
trong năm qua dưới góc nhìn khoa học, tôi chỉ xin phép được nói, với tiếng nói
của một Đảng viên tha thiết với Đảng và tha thiết với dân tộc này.
Năm 1986, sau nhiều năm trời
sống trong thời kỳ bao cấp, đứng trước sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống XHCN
trên thế giới, người Việt Nam
chúng ta từ trên xuống dưới hiểu rằng, đổi mới là mệnh lệnh, là điều không thể
tránh.
Nói về cuộc đổi mới năm 1986,
tôi cho rằng, nếu cắt nghĩa một cách đầy đủ, một cách sâu xa, thì thực ra những
việc chúng ta làm không phải là đổi mới; Chúng không sáng tạo ra một cái mới và
nhờ cái mới đó mà thay đổi vận mệnh của mỗi chúng ta nói riêng và của dân tộc
nói chung.
Cái chúng ta làm 30 năm trước
là tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì
lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình.
Ví dụ khi đổi mới, chúng ta
trao lại ruộng đất cho nông dân tự canh tác: việc đó không phải là mới, đó chỉ
là việc chúng ta không làm trong thời gian dài và giờ quay lại làm nó.
Khi đổi mới, chúng ta cho phép
tự do giao thương: việc đó cũng là việc vốn đã tồn tại trên đất nước này cả
nghìn đời.
Dù ai cũng hiểu là không thể
khác, nhưng đó là quyết định vô cùng can đảm của những người lãnh đạo.
Năm đó, khi thực hiện những cải cách về kinh tế, chúng
ta đã tạo ra nền kinh tế thị trường, xu hướng tất yếu của một xã hội vận động.
Nhưng vấn đề là kinh tế thị trường ấy động chạm đến những lý thuyết cốt lõi mà
chúng ta đã lựa chọn cho con đường đi của đất nước.
Lúc nền kinh tế thị trường ra
đời, có những người băn khoăn về chuyện đổi mới đã nhắc lại câu nói của Mac:
“Chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra CNTB”. Hiểu theo cách đó, thì thừa
nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho
phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng
đất nước XHCN này.
Vượt qua những nghi ngại, việc
đất nước thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ đã chứng tỏ rằng cuộc đổi mới 30
năm trước là đúng đắn.
Rất nhanh sau đó, chúng ta
thoát khỏi nạn đói và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Nền kinh
tế khởi sắc, tăng trưởng vượt bậc. Và chúng ta đã thoát khỏi nguy cơ hiển hiện
của sự sụp đổ sau những bài học từ Liên Xô và Đông Âu.
30 năm sau đổi mới, không thể
không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không
thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải
nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 – và cuộc đổi mới này – giống như 30
năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!
Cái được mà kinh tế thị trường
(KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém.
Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước
đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN. Với định hướng đó, chúng ta tìm
cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục
tiêu chủ đạo của nền kinh tế.
Nhưng qua năm tháng, thay vì
biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung
nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và
tham ô đều là lớn nhất.
Thay vì trở thành trụ cột,
DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta
bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.
Ngoài sự méo mó đó, chúng ta
cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã
hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng
ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân.
Giờ nước ta đang là nước xuất
khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ
nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là
nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70%
này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm
sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng.
Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù
học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng
giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi
hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh
tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô
cùng không công bằng.
Chúng ta cũng phải đối mặt với
sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường,
xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó
là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi
trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc
về những người có tiền, có quyền.
Cho đến giờ chúng ta mới đang
xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc
hội từ lần này sang lần khác.
Sẽ là không quá nếu chúng ta
nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều
vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh.
Như tôi đã nói ở trên, cuộc
đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để
chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm
1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ
bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những
năm tiếp theo.
Nhưng có một vấn đề nảy sinh
là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra
10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng
chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng,
không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp
hơn 30 năm trước.
Vì sao thách thức hơn?
Vì năm đó khi chúng ta đổi
mới, đó là lúc Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng. Khi đó xuất phát
điểm của chúng ta thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng chúng ta trong sáng hơn bây
giờ rất nhiều.
Ngày xưa xã hội chúng ta không
nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta
đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền
giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang
phải đối mặt bây giờ.
Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT
vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB vào đất nước của chúng
ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và
thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước
chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước
đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại.
Đó vừa là lý do chúng ta phải
đổi mới, nhưng cũng đồng thời là những thứ sẽ thách thức chúng ta nếu muốn đổi
mới lần 2.
Khi tôi hình dung về cuộc đổi
mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh
trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong
thời gian tới?
Trong cuộc đổi mới năm 1986,
người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết
của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ.
Nhưng đến hôm nay, chính một
bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với
những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất
nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì
đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những
lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi.
Đổi mới lần này, chúng ta sẽ
phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có
tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ.
Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn
30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác,
họ sẽ được ủng hộ.
Cuộc đổi mới lần 2 tuy cực kỳ
khó khăn, phức tạp, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, chúng ta sẽ thực hiện được cuộc
đổi mới ấy, như nguyện vọng của tất cả những người yêu nước và tha thiết mong
đất nước này lớn mạnh. Và nếu có cơ hội, một Đảng viên như tôi, cũng mong được
góp hết sức mình vào cuộc đổi mới ấy, với bất kể thách thức nào!
Nhận xét