5057. Chuyện tóc đít vịt và quần ống loe
Nguyễn Thông: Chuyện tóc đít
vịt và quần ống loe
![]() |
Hình minh họa (Internet) |
Hôm có việc đi Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi diện xe
cao cấp Thành Bưởi (xe Thành Bưởi chiếc nào mà chẳng cao cấp, nhà xe bảo vậy).
Ngồi gần chỗ tôi là một đôi trai gái. Trẻ trung, xinh đẹp, có học (nghe họ nói
chuyện thì nghĩ vậy). Nói năng cư xử nhã nhặn, có văn hóa, yêu nhau rất mực
nhưng ý tứ, không kệch cỡm. Nghĩ thầm trong bụng, họ là mẫu hình tuổi trẻ thời
nay. Mà thực ra những cô cậu như thế bây giờ không hiếm. Điều tôi muốn biên ra
đây là họ có mái tóc rất lạ. Cô gái nhuộm kiểu tóc Hàn Quốc, còn cậu người yêu
“hãi” hơn, hai bên thái dương gọt trụi, chỉ còn đỉnh đầu cái chỏm chào mào,
nhuộm xanh đỏ, trông hệt chóp con chào mào.
Nếu cứ nhìn vào dáng vẻ lạ lùng ấy mà vội đánh giá con người thì nhầm to. May
mà tôi ngồi gần họ, nghe họ trò chuyện, tận mắt nhìn cách họ cư xử, chứ nếu chỉ
gặp thoáng trên đường, tránh sao khỏi như nhiều người trong cách đánh giá. Nhẹ
thì cũng lầm bầm lố lăng bỏ mẹ.
Họ gợi cho tôi nhớ về chuyện tóc tai, quần áo hồi xưa, thời tôi còn trẻ. Thời
ấy, mái tóc cũng như bộ quần áo, rành rành là của cá nhân mình, mà không phải
của mình. Nó là của xã hội, được chi phối, quy định bởi xã hội, kiểu “bắt phong
trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đẹp - xấu, hay -
dở đều phải theo quy định của nhà nước. Nhà nước bảo đẹp thì là đẹp, bảo xấu
thì là xấu, cấm cãi.
Hồi tôi học cấp 2 (giữa những năm 1960), cả làng già trẻ lớn bé nếu cắt tóc
cũng chỉ biết chờ hai ông thợ cúp dạo: ông phó Bót và ông Sộp. Hai ông xách hòm
đồ nghề rảo khắp hang cùng ngõ hẻm, cứ cắt mỗi cái đầu là 1 hào. Chỉ có 2 kiểu
cắt: cắt cao, còn gọi là cắt móng lừa; hoặc húi trọc. Ngồi lên ghế, ông phó cầm
tông đơ đi vài đường, cạo nữa là xong. Đứa nào muốn khác kiểu thì phải lên
huyện. Về sau, có chú Xích đi bộ đội được giải ngũ, mở quán cắt tóc cạnh nhà
tôi, đem về bao nhiêu là kiểu, bấm kéo tanh tách giòn tan, thích kiểu nào cũng
chiều.
Một trong những kiểu tôi nhớ nhất là tóc đít vịt. Kiểu này do bọn thanh niên
thành phố sơ tán đem về làng. Hai tay chơi đít vịt nổi nhất là anh Hảo móm và
anh An gù. Hảo hơn tôi vài tuổi, hồi nhỏ đi đánh nhau ngoài ga xe lửa bị đâm
vào má, có vết sẹo lõm to khiến mặt bị móm, chắc bỏ học nhiều nên khi sơ tán
lại học cùng bọn tôi. Còn anh An bị gù lưng, chuyên chữa xe đạp, mở cái quán
gần ngõ nhà ông Tưởng, cạnh HTX mua bán. Hai vị này chả biết sợ ai. Đám chúng
tôi tóc tinh dững cắt cao 3 phân, mô đen xanh mai trắng gáy, còn tóc hai anh
này thật ấn tượng. Phần sau gáy luôn để thật dài, trùm cả cổ áo, phủ xuống vai.
Chả ai bảo là nghệ sĩ bởi tóc nghệ sĩ phải dài hết cả toàn bộ đầu, còn đây chỉ
dài gáy. Hình như dân anh chị thời ấy đều phải thế. Cứ thấy tóc đít vịt là phải
ngại, phải kiêng nể rồi.
Xã hội mặc nhiên đánh giá sự tốt xấu của con người qua mái tóc, kiểu tóc. Cán
bộ nhắc dân bọn đít vịt đi đến đâu phải dè chừng chúng nó. Không ăn trộm gà thì
cũng đào trộm khoai. Cứ có đám cãi nhau đánh nhau là nghĩ ngay đến đít vịt làm
thủ phạm. Đám này nếu tuyển quân, việc đầu tiên là bị gọt đầu. Nhiều anh tiếc
tóc đít vịt khóc như cha chết. Nhưng bộ đội không có đùa. Quân ngũ là trường
học lớn cải tạo con người. Thế mà ối anh đít vịt đã thuần, phải công nhận bộ đội
rèn người giỏi thật.
Sau năm 1975, tôi vào miền Nam
nhận việc. Không ít lần chứng kiến những chuyến về miền Tây Nam Bộ, đội thanh
niên cờ đỏ, dân quân du kích dàn hàng ngang tại bắc (phà) Mỹ Thuận chặn xe,
không phải để bắt bọn phản động, mà chỉ để cắt tóc đít vịt và rạch quần loe.
Không oong đơ lôi thôi, lôi xuống xe, đi vài đường kéo cắt phăng cái đít vịt,
rạch cái ông quần loe rồi thả cho đi tiếp. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nhận xét