5047. Người hùng biết sợ

Người hùng biết sợ

Truyện ngắn của PHẠM DUY NGHĨA


Tôi lớn lên cùng Vũ ở nông thôn miền núi. Từ nhỏ Vũ đã là đứa trẻ khác lạ. Người nhỏ và sắt lại như một thỏi chì. Đôi mắt màu nâu hoang dại có viền sắc lạnh như mắt chim rừng. Mỗi ngày mở miệng không quá ba lần, lúc nào cũng lầm lũi.
Hơn mười tuổi Vũ đã nổi danh là người không biết sợ một thứ gì trên đời. Trèo lên ngọn cổ thụ cao ngất bắt tắc kè. Bám vào vách đá dựng đứng lấy tổ chim. Lùng sục trong hang hốc tăm tối tìm dơi. Giữa mùa đông buốt giá từ mỏm núi nhảy xuống hồ bơi ngang bơi dọc. Chết thì thôi. Đời đói nghèo, có gì vui thú lắm đâu mà phải tiếc.
Xóm tôi ở tựa lưng vào đồi, nhìn ra một cánh đồng. Đi hết đồng thì tới hồ. Đi dọc theo hồ tới chân gò sẽ gặp một bãi tha ma. Người không biết sợ cái gì thì ít nhất cũng sợ ma, nghĩ thế nên vào một tối mùa thu, một kẻ trong chúng tôi đã thách Vũ đi một mình đến bãi tha ma đó. Không nói nửa lời, Vũ lặng lẽ đi. Ma chẳng qua là người sống được chuyển biên chế vào một cõi khác chứ có gì đáng sợ đâu, chuyện vặt.
Chúng tôi ngồi chờ ở bãi cỏ ven đồi. Vũ đi dưới trăng mờ cho tới khi khuất hẳn, lâu sau mới trở lại, quần găm đầy cỏ may. Cả lũ chưa kịp vỗ tay thì Tuân buông một câu ráo hoảnh:
– Có ai đi theo mày đến tận nơi đâu. Chả có bằng chứng nào là mày đã đến đó cả.
Tuân là tay giỏi lí sự và hay lên mặt đàn anh nhất trong đám chúng tôi.
Vũ lại lầm lụi đi. Tôi thấy thương Vũ. Rồi bóng Vũ hiện ra ở cuối đồng, vác theo một cái gì đó vàng vàng. Về đến nơi, Vũ ném xuống cỏ trước mặt chúng tôi một vòng hoa tang héo quắt.
– Bằng chứng đấy.
Chúng tôi thất kinh. Đó là vòng hoa cúc trên mộ ông Đảm, chết vì chó dại cắn, mới chôn được vài ngày. Chưa hết, Vũ còn móc ra từ túi quần một nắm đỏ hoe, vứt xuống đất. Thì ra là những chân hương.
Sau kì tích ấy, Vũ được thưởng huân chương chiến công. Huân chương là một cục đá đen sì từ trên trời rơi xuống bãi cỏ ven hồ, trong lúc chăn thả trâu bò chúng tôi nhặt được. Người già trong xóm giải thích đó là mảnh thiên thạch vỡ ra từ một hành tinh nào đó gần trái đất. Bọn trẻ chúng tôi kính cẩn gìn giữ, coi đó là một vật thiêng.
Việc Vũ được thưởng huân chương của trời không làm ai ghen tị. Vũ xứng đáng, tất nhiên, nhưng chúng tôi tin nhất định cậu ta sẽ bị hồn ma ông Đảm về bóp chết. Chẳng phải đâu xa, chính thằng Tích em họ tôi khi thả trâu ở ven đồi đã đái vào một mô đất mà không biết đó là mộ, về đến nhà con chim ở háng đột ngột sưng vù. Không đái được, cu cậu phát rồ. Mẹ Tích phải nhờ thầy ra ngôi mộ đó làm lễ một ngày mới khỏi.
Nhưng đến hết mùa thu, khi rặng bạch đàn ven cánh đồng có những chiếc lá đã chuyển màu từ xanh sang đỏ tía, khi những cụm khói xanh lơ đã vẩn lên trên dãy đồi sau xóm báo hiệu mùa đốt nương, Vũ ta vẫn nhơn nhơn sống như thường. Đúng là ma bắt tùy người. Đến chết Vũ còn chẳng coi là gì, thì ma nào thèm bắt Vũ.
Một hôm, Tuân nói:
– Ra bãi tha ma một mình kể ra cũng đáng nể, nhưng tao chưa phục lắm. Nửa đêm lên đỉnh đồi cọ mới kinh.
Anh ta lí luận:
– Vì bãi tha ma có nhiều mồ mả, tạo cảm giác đông vui. Đến một ngôi mộ ở nơi khuất nẻo thì ghê hơn, đó là quy luật tâm lí.
Chúng tôi thừa nhận Tuân nói đúng. Rừng cọ ở trên ngọn đồi phía sau xóm, vầu nứa mọc rậm rì, riêng tại đỉnh đồi có một khoảng đất trống quạnh hiu giữa vài gốc cọ thưa thớt. Mùa đông cũng như mùa hè, không hiểu vì sao bất cứ ai đi qua đó đều thấy lạnh và rợn người lên. Nghe nói một cô giao liên được chôn ở đó thời chiến tranh, chẳng biết hư thực thế nào, nhưng mỗi khi có việc qua đồi ai cũng đi vào những bãi rậm xung quanh mà tránh đi qua khoảng đất kì lạ đó.
Cho một tỉ đồng cũng không dám lên đỉnh đồi cọ vào ban đêm, bọn trẻ chúng tôi bảo nhau. Một tỉ là bao nhiêu, không hình dung nổi, ở cái thời bao cấp đói nghèo ấy, chỉ biết là nhiều lắm. Vậy mà không ai dám lên. Lên đó, không bị cô giao liên bóp chết tươi thì cũng sợ đến vỡ tim mà chết.
Thế mà Vũ dám nhận lời thách đố.
Ấy là một đêm mùa đông, trời rất tối. Đúng mười hai giờ kém năm phút, Vũ rời nhà lên rừng cọ. Theo thoả thuận thì Vũ mang theo đèn pin nhưng không được bật đèn. Chúng tôi, choai choai lớn bé hơn chục thằng, nhấp nhổm như một bầy cóc ngoé ngồi đợi ở bên kia đồi, cạnh con đường dẫn về xóm. Nhìn lên quả đồi âm u bí hiểm mà kinh. Gần một giờ sáng, có ánh đèn pin xanh lét loé lên hai lần trên đỉnh đồi cọ tối đen, đó là tín hiệu đã đến nơi của Vũ. Khi Vũ băng rừng xuống tới chân đồi, chúng tôi sờ nắn quanh mình cậu ta và phát hoảng. Người Vũ lạnh như một thây ma.
Khi được hỏi có gì lạ ở trên đó không, Vũ lắc đầu. Hình như cậu ta giấu chúng tôi điều gì. Một tháng sau Vũ mới kể, khi Vũ qua khoảng đất trống ấy, trong bóng tối có tiếng người nói thều thào, nhỏ thôi nhưng nghe rõ mồn một: “Đi đâu về mà khuya thế”.
Đi đâu về mà khuya thế… Câu nói ghê rợn ấy ám ảnh chúng tôi suốt thời thơ ấu ở một miền đồi.
Sau kì tích thứ hai này, Vũ được cả xóm phong anh hùng. Lễ tấn phong cho Vũ cũng đơn giản, diễn ra vào một buổi sáng mùa xuân trời đẹp, tại lối đi nhỏ bên bờ rào có những cây mận nở đầy hoa. Hoa được rắc trắng xoá lối đi, chúng tôi ngồi thành hai hàng danh dự dọc hai bên, và khi Vũ từ cổng vườn bước ra, đi vào giữa, tất cả đứng dậy chào. Không khí trở nên trang trọng đến mức chỉ còn nghe thấy tiếng hoa mận rơi khẽ trong vườn. Mặt Vũ lạnh tanh, đầu đội vành nguyệt quế kết bằng hoa mua, chéo qua ngực là sợi thừng trạc trâu tượng trưng cho dây chiến thắng.
Cần nói thêm rằng, việc phong tặng danh hiệu cao quý này đã được thiếu niên cả xóm họp bàn rất kĩ trước đó, có biểu quyết và biên bản hẳn hoi. Một lần nữa, không ai ghen với Vũ.
Chính Tuân là người đứng ra đọc quyết định trong lễ tấn phong cho Vũ. Anh ta tâm phục khẩu phục, thừa nhận Vũ là an
***
Học xong phổ thông, hầu hết thanh niên xóm tôi ở nhà đi cày, riêng Vũ thi đỗ vào khoa văn một trường đại học. Cũng chẳng ai lạ. Vũ vốn là thằng tài tử, cái giống lầm lì cả ngày không móc ra khỏi miệng được một tiếng ấy đôi khi lại đột xuất thông minh. Thực ra Vũ học toán khá hơn học văn, nhưng bố Vũ khuyên: “Xưa nay các ông to ở nước mình ít nhiều đều dính dáng đến thơ phú văn chương. Mày nên học văn để sau này dễ được làm quan. Chỉ có bọn ngu mới ghét văn, chứ ở nước ta học văn bao giờ cũng thức thời”.
Vũ nghe bố, chọn ngành văn. Còn tôi, nhờ quay cóp, cũng đỗ vào trường trung cấp ở một tỉnh trung du, học ngành giao thông vận tải.
Một ngày mùa xuân, tôi đến thăm Vũ.
Ngôi trường của Vũ nằm ở một vùng mây nước đẹp mê hồn. Một dải hồ xanh bạc mênh mông uốn quanh dãy đồi bạch đàn quanh năm không ngừng gió. Kề ngay sát trường là đồi sở, thứ cây trồng để lấy tinh dầu, cứ đến mùa hè là bung ra ngạt ngào hoa trắng. Bốn mùa không khí cứ như mơ.
Tôi đến cổng kí túc xá, hỏi thăm Vũ. À, Vũ quái nhân, ai cũng biết. Một sinh viên nam nói. Vì sao lại gọi là quái nhân? Bỏ học. Đánh nhau. Đàn hát cả đêm. Sinh nhật đọc diễn văn, mở quốc ca, bắt tất cả người dự đứng dậy chào cờ. Uống rượu xong nhai nát cả chén thủy tinh, nhảy từ ban công tầng ba xuống đất. Còn nhiều trò khác lắm.
Thì ra là vậy. Trong lúc chờ Vũ đang học ở trên lớp, tôi lê la quanh mấy hàng quán dọc kí túc xá, ăn xoài xanh chấm muối với mấy nàng sinh viên đang nghỉ học để ôn thi. Mấy nàng này có vẻ lười học, chỉ thích xuống đường ăn vặt, người mặc quần ngủ nổi rõ xilip, kẻ thì váy xống thướt tha. Nghe tôi tự xưng là bạn của Vũ khoa văn, một nàng nhìn tôi chằm chằm, nàng kia đánh rơi miếng xoài trên tay xuống đất. Anh là bạn của anh Vũ thật á? Eo ôi ngưỡng mộ quá. Anh ấy là người hùng sinh viên, niềm tự hào của khoa văn trường em đấy. Con gái chúng em chết anh ấy như rệp. Anh ấy mà chơi đàn, thôi cứ gọi là mê li.
Khi Vũ ở giảng đường về, tôi không còn nhận ra. Quả là danh bất hư truyền. Ngoài khoác áo da đen sì, trong mặc áo thun đen tuyền có in cái đầu rực lửa của ca sĩ Michael Jackson, lại kiếm đâu ra chiếc mũ phớt màu lông chuột đội nghênh ngang. Mấy thứ đồ ấy cũng rẻ tiền thôi nhưng trông Vũ lẫm liệt như một cao bồi miền viễn Tây thực sự.
Vũ bắt tay tôi, bộ dạng vẫn lạnh lùng như ngày ở nhà.
Rồi dẫn tôi vào kí túc xá. Phòng Vũ có ban thờ, treo sợi dây đai vàng xỉn, không biết là đai gì. Trên tường nhằng nhịt những cảnh đấm đá kinh người, những thế võ quái quỷ của môn phái nào đó được vẽ giống như thật bằng than đen. Ngoài ra còn chi chít những vệt nâu thâm mà tôi đoán là máu khô, bởi vừa bước vào phòng một mùi tanh tanh đã xộc ngay vào mũi.
***
Tôi ở chơi tại đó mấy ngày nghỉ cuối tuần. Tiếng là đến thăm nhưng chẳng mấy lúc được gần Vũ. Cậu ta lang bạt suốt ngày, đêm về lại vắt vẻo ở ban công tầng ba giữa đám bạn bè, đàn hát, uống rượu đến khuya. Hát rồi uống, uống rồi hát, rồi xoang xoảng đập chai. Say thì nôn, nôn xong lại uống, đêm này qua đêm khác những bãi nôn mốc trắng và đóng vảy ở chân tường. Người hôi hám nhưng chất giọng của Vũ thật thiên thần. Con gái tất cả các phòng đổ ra ngoài ban công như gà thò cổ ra khỏi chuồng nghe Vũ hát. Nửa đêm mất điện, các nàng lại kêu ré lên kinh hãi khi Vũ dùng lược kẹp vào mảnh giấy thổi điệu kèn y hệt đám ma.
Có đêm Vũ chốt cửa phòng, và thay vì tiếng đàn, tôi ngửi thấy mùi khói hương phảng phất cùng tiếng khấn văng vẳng bên trong. Con cầu xin Phật tổ. Con cầu xin sư tổ. Con cầu xin bảy vị sư phụ của đồ nhi. Bá thiên đạo trưởng. Hoàng thiên đạo trưởng. Thanh trúc đạo trưởng. Bá hạnh ngũ đục. Ngư câu lão ông. Nga mi lão tổ… Liền đó là tiếng phun phì phì như của rắn hổ mang, tiếng da thịt quật xuống nền thình thịch và tiếng đá vào tường đánh rầm. Khi cánh cửa bật mở, tôi thấy trên tường in năm vệt máu đỏ loè mang hình năm đầu ngón chân của Vũ.
Trưa thứ bảy, đang ngủ, tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn ào. Trai tráng từ đâu kéo đến đông nghịt trước kí túc xá, lớn tiếng đòi sinh viên nam khoa văn ra nộp mạng. Tình thế căng thẳng đến mức cổng kí túc xá phải khoá lại. Hình như có mâu thuẫn giữa sinh viên với bọn thanh niên đua đòi ngoài thị xã. Hình như chúng đã đánh một nhân viên bảo vệ vỡ đầu.
Thầy chủ nhiệm khoa xuống đường. Thầy hiệu trưởng xuống đường. Đám đông không chịu giải tán. Nghe nói nhà trường đã gọi công an. Một sinh viên nữ quá khích ném xu chiêng quần lót từ trên tầng xuống đám đông. Không khí hỗn loạn không thể tả.
Các tầng xôn xao gọi nhau. Vũ quái nhân đâu? Vũ quái nhân đâu? Vũ mất tích từ sáng. Có người trông thấy Vũ say rượu ngã chúi vào bờ rào, nhếch nhác thảm hại vô cùng. Có người nói Vũ bị dân trong làng chặn đường đánh hộc máu mồm. Lại nghe Vũ bị bọn ngoài thị xã lừa, cho uống bia pha thuốc ngủ và xẻo mất dương vật rồi, không trở về trường được nữa.
Tôi thực sự hoang mang.
Bỗng tiếng ồn ào lắng xuống. Ai đó hét lên: “Duy Vũ Quái Nhân!”
Thì kia, Vũ đang đứng trên nóc phòng bảo vệ ở cổng kí túc xá. Áo choàng đen kịt, áo thun màu đỏ tươi nổi bật dòng chữ trắng UNBEATABLE – bất khả chiến bại. Mũ phớt kiêu bạc, tay chống cây gậy dài. Như khối tượng đồng mang quyền trượng trong tay, dưới trời lồng lộng xanh, Vũ nhìn xuống đám đông, im lặng.
Đám khiêu chiến ngước nhìn Vũ. Có tiếng cười cợt, nhưng phần nhiều là ánh mắt nể nang. Một số kẻ bắt đầu rời khỏi đám đông. Mười phút sau, vụ náo loạn chấm dứt.
Lần đầu tiên, tôi thấy được quyền uy của Vũ.
“Thực ra võ công của Vũ không phải nhất trường. Học lỏm từ mỗi môn phái một ít, sức Vũ cùng lắm địch nổi chục người, nhưng khí phách oai dũng, sự can đảm tuyệt vời cùng sự hào hiệp quảng giao khiến bất cứ ai nghe cái tên Duy Vũ Quái Nhân đều e nể”. Anh bạn cùng tầng với Vũ giải thích với tôi như vậy. “Cái nhìn xuống đối phương của Vũ hôm nay, chắc hẳn sinh viên giới sẽ còn tốn thêm nhiều nước bọt để bình luận. Trong chiến đấu, cái nhìn ấy có thể đẩy lui cả một sư đoàn”.
Một cô nàng viết vào nhật kí: Hình ảnh anh Vũ đứng trên nóc nhà hôm nay đã tạc vào lịch sử sinh viên như một biểu tượng lộng lẫy và kì diệu nhất. Nó khiến cho ước mơ cháy bỏng của đời mình ngày càng hiện hình đau đớn, không gì khác, là được hiến thân cho anh ấy dù chỉ một lần.
Chiều chủ nhật lại xảy ra sự kiện lớn. Không biết từ đâu, có tin báo về rằng có người bị giết trong chiếc lô cốt bỏ hoang trên dãy đồi bạch đàn. Thầy trò trường Vũ lũ lượt kéo nhau leo dốc ngược đồi. Tôi cũng đi. Mấy nàng sinh viên thướt tha váy xống ăn xoài chấm muối hôm nọ cũng đi. Nghe nói lô cốt này có từ thời chiến, nay trở thành lâu đài lí tưởng của bầy chuột, nơi tị nạn của trộm cắp và điểm hẹn hấp dẫn của những đôi sinh viên yêu nhau thắm thiết không có tiền đi nhà nghỉ làm tình.
Tôi theo mấy nàng váy mỏng lên tới đỉnh đồi đúng lúc Vũ từ lô cốt bước ra, tay nâng một thi thể phụ nữ không đầu. Cái thây trắng nuột, không có áo quần. Trên cao, ráng chiều rực rỡ khiến bầu trời như được dát vàng, và chiếc áo đẫm máu của Vũ cứ ngời lên như chiến bào đỏ thắm. Các sinh viên nữ ngất ngây nhìn Vũ như nhìn trang hảo hán trong một cảnh phim.
Nhiều người thắc mắc, cán bộ nhân viên của trường chết hết rồi sao mà để cho một mình Vũ chui vào lô cốt tìm xác nạn nhân. Thì ra mấy tay bảo vệ chần chừ, cố tình chậm lại phía sau để Vũ vượt lên trước. Có tay thầm thì với Vũ, mày tài ba dũng cảm nhất nước, mày xông vào trước, nếu mày còn sống tối nay chúng tao có rượu đãi mày.
Vũ nâng xác chết như vị hoàng tử nâng một con thiên nga trắng muốt xuống đồi. Đi tới đâu, ruồi nhặng cùng các nàng sinh viên quấn quýt bám theo đến đấy. Sinh viên từ trường nô nức kéo ra chân đồi đón Vũ, như đón một người anh hùng.
Đến hết ngày hôm ấy, khi đài truyền thanh trường đại học thông báo “lực lượng chức năng của trường đã nhanh chóng tìm được xác chết trong lô cốt”, đầu của nạn nhân đã được Vũ và các bạn tìm thấy ở bờ cỏ ven hồ, cách lô cốt một dải đồi. Lắp đầu vào cái xác trần truồng, người chết hiện nguyên hình là Liên – sinh viên năm cuối của khoa văn, nổi tiếng xinh đẹp, lăng nhăng, từng làm tan nát trái tim nhiều ông thầy và bạn trai cùng khoá.
***
Tin Vũ bị đuổi học đến với tôi vào một ngày đầu mùa hè. Thực ra tội của Vũ chẳng có gì, chỉ là tham gia vào một vụ trói người, xát xà phòng lên đầu nạn nhân và bật quạt điện cho bong bóng xà phòng bay vào mắt. Có thế thôi mà trở thành vụ án gây chấn động trường đại học. Tôi vội bắt xe về trường Vũ xem sự thể thế nào.
– Thoát rồi – Vũ nói – Chỉ bị cảnh cáo thôi.
Thì ra Vũ thoát nạn là nhờ tập thơ.
Tập thơ ấy tôi đã tình cờ được xem trong lần đầu đến thăm Vũ. Đó là một cuốn sổ ghi khoảng dăm chục bài thơ viết tay của Vũ, từ đầu đến cuối rặt một giọng nổi loạn bất cần. Loại thơ điên, như cỏ hoang hoa dại mọc tự nhiên, không bao giờ ngoi được lên mặt báo. Bản gốc bẩn lem nhem, đầy vết vân tay, vết ố của rượu, nước mắt sinh viên nữ và hình như cả nước bọt của các nàng bắn vào. Về sau nó được sao chép thành nhiều bản, gọi là Quái Nhân thi tập, lưu truyền trong các khoá sinh viên. Khi Vũ sắp bị đưa ra hội đồng kỉ luật ở khoa văn, thầy chủ nhiệm khoa, mới tu nghiệp ở Nga về, nghe nói Vũ là sinh viên lập dị khác người đã mượn ở đâu về một bản thơ Quái Nhân để “nghiên cứu” Vũ.
Đọc xong bài đầu, thầy đập tay đánh rầm làm cốc chén nhảy lên khỏi mặt bàn:
– Thằng này khá.
Tôi muốn người ta đập chết tôi
chặt chân chặt cẳng vứt lên đồi
xương làm mắc áo da làm trống
rồi ném đầu tôi cho chó xơi.
Tôi muốn người ta chọc tiết tôi
máu đem hoà lẫn với sương trời
sớm ngày đem tưới vô chậu cảnh
nuôi khóm hồng nhung thêm thắm tươi.
Rồi một ngày kia ở một nơi
chàng mang hoa đẹp đến cho người
môi nàng chúm chím duyên nồng thắm
hôn đoá hồng thơm đỏ tuyệt vời.
Thịt chế thành phân đem bón chơi
mênh mông khoai lúa trổ xanh bời
gió ôm hương sữa chui vào đất
nơi đó hồn tôi nhoẻn miệng cười
– Một khí tiết đáng nể! Một cá tính đặc sắc! Giọng điệu thì phát xít, nhưng thông điệp thì rất nhân văn! – Thầy chạy lên căn hộ của trưởng phòng đào tạo trong khu tập thể trường giữa đêm khuya – Thầy đọc xem, đuổi học một sinh viên như thế này thì phí quá.
Thầy trưởng phòng đào tạo gật gù:
– Đúng, thơ có tư tưởng. Nó muốn xả thân vì nhân loại, cộng đồng.
Thầy chủ nhiệm khoa sôi nổi:
– Mấy chục năm trong nghề rồi chu du xứ người, tôi nghiệm ra rằng, phàm là sinh viên, những đứa nào hiền lành ngoan ngoãn khi ra trường chỉ thành công chức xoàng, sống cuộc đời an phận, không làm nên trò trống gì. Những thằng ngổ ngáo cá biệt kia mới làm nên sự nghiệp. Chắc thầy nhớ, nhà bác học Edison lừng danh từng suýt bị đuổi học vì tội nghịch ngợm gây khói “đốt trường”. Thầy nghe tiếp này…
Tôi đã sống những tháng ngày bốc lửa
hiến trọn linh hồn theo tiếng gọi muôn nơi
tim long cơ và bật máu phun vòi
hồn man dại tiếng nhạc rừng chát chúa.
Tôi đã sống những tháng ngày bốc lửa
đốt cạn thân tàn trong rượu bỏng bia suông
vui hoang sơ như thú dại sổng chuồng
chửi quá khứ tẩm xăng vào hiện tại
cho đến lúc hoá ma tàn quỷ dại
gục tại đấu trường tôi kiệt sức nằm rên
vỡ tung ra như đậu trắng trên nền
lờm lợm máu và tanh tanh mùi óc
tôi sẽ chết chẳng cần ai khóc
tang lễ cử hành do bọn kiến và giun
giữa đồng không dặt dẹo cô hồn
làm bạn với một bụi cây dương xỉ.
– Hay! – Thầy trưởng phòng đào tạo kết luận – Thằng này đích thực là nghệ sĩ lãng tử giang hồ. Nó còn có ích cho đời. Thầy phải cứu nó.
Ít ngày sau, tại hội đồng kỉ luật của khoa văn, Vũ gần như trắng án. Tội trói người chỉ được xem như trò nghịch, phút ngông cuồng dại dột, của một sinh viên có tật có tài.
Nhưng đến hội đồng kỉ luật cấp trường, vụ của Vũ được xử như một phiên toà. Hôm ấy là một ngày nắng vàng, cán bộ tổ chức dùng loa kêu gọi lớp trưởng bí thư mọi lớp mọi khoa có mặt tại hội trường lớn. Thầy chủ nhiệm khoa văn chẳng những không bênh được Vũ, còn bị nhà trường phê phán nặng nề. Là xét lại, hữu khuynh, là ảnh hưởng tư tưởng tự do châu Âu, buông lỏng kỉ luật của khoa, để lũ giặc sinh viên làm loạn.
Vũ bị đình chỉ một năm học.
Một năm ấy, Vũ lên miền núi, đến một tỉnh rất xa. Hôm Vũ đi, tôi cũng có mặt, trời nổi gió, thổi u hoài da diết suốt một dải đồi. Có sinh viên nữ không kìm được lòng mình, quỳ xuống ôm chân Vũ lúc chia tay, khóc ngất bên bờ rào hoa tím.
Vũ theo một toán người vào rừng xẻ gỗ. Sau khi đánh dập mũi gã toán trưởng quen lấy thịt đè người, Vũ dạt về tỉnh khác, nhập vào đoàn đi đào đá đỏ. Nửa năm gặp toàn đá xỉ, một sớm kia Vũ đào được viên hồng ngọc cỡ bạc tỉ đúng lúc xảy ra cuộc huyết chiến tranh giành lãnh địa giữa các phe nhóm. Sợ bị cướp giết, Vũ nuốt viên ngọc vào bụng, định chuồn về thành phố mổ bụng ra lấy ngọc. Một tên bưởng trưởng khét tiếng võ nghệ sau khi phát hiện đã đuổi theo Vũ dưới trăng vàng dọc bờ sông, quyết thủ tiêu bằng được Vũ trong đêm. Bị dính hai cú đấm thép tưởng chừng nát cả gan ruột, Vũ dùng mẹo lừa hắn xuống sông đập vỡ hai đầu gối hắn rồi chạy thoát về Hà Nội, trước khi được cả bãi đá tôn làm anh hùng.
Viên rubi trong bụng Vũ khi được lấy ra, các chủ hiệu đá quý ở Hà Nội đều lắc đầu. Nó bị hai vết rạn, chỉ đáng vài triệu bạc là cùng. Vũ chết lặng. Rõ ràng trước khi nuốt vào bụng, viên ngọc còn trong suốt, đỏ tươi. Đó là điều bí hiểm không bao giờ giải thích được trong đời Vũ.
Mãn hạn kỉ luật trở về trường, Vũ như một người khác hẳn. Dành hết thời gian cho việc học, Vũ nổi tiếng là sinh viên giỏi tiếng Anh nhất trường những năm ấy. Cũng nhờ quen với việc dạy thêm ngoại ngữ mà trước khi khép lại đời sinh viên thăng trầm Vũ lại ghi thêm một thành tích: giải nhất hội giảng sinh viên khoa ngữ văn.
Những thế hệ sinh viên sau này chỉ còn biết đến huyền thoại về một Vũ ngang tàng hoang dã qua những vần thơ
Tôi chỉ một chú mèo hoang động cỡn
đánh thức đêm đen với tiếng gào táo tợn
làm kinh hoàng bọn chuột nhắt dở hơi
làm vui tai bầy chó mực chán đời
hay như một que diêm đời vứt bỏ
trong nháy mắt cháy bùng phóng lửa
đốt trụi ngàn lau doạ lũ ó diều
thiêu đám trăn già và chọc tức hùm beo.
Ừ vậy đó dẫu biết mình nông nổi
thích vui sống đâu phải là có tội
kia thời gian không biết đợi bao giờ…
***
Ra trường mỗi người một nơi, công việc bộn bề, bẵng đi mấy năm tôi không gặp Vũ. Nghe nói Vũ sống không yên ổn. Anh lao vào đấu tranh chống bất công, tham nhũng, nay tố cáo người này, mai lật đổ người khác, làm ở cơ quan nào cũng chỉ một thời gian ngắn rồi lại bật ra. Tình cờ đọc một tờ báo, tôi thấy có bài viết về anh, gọi anh là người hùng chống tiêu cực. Tác giả dẫn lời tuyên bố của Vũ: “Đời tôi chỉ sợ người tốt. Ngoài ra không biết sợ gì”.
Bài báo còn in ảnh Vũ, đôi mắt gườm gườm như hận thù. Đôi mắt ủ đầy giông bão.
Lần lữa mãi, tôi cũng bỏ ra một ngày về thủ đô thăm Vũ. Gia đình anh ở tại căn hộ tầng một của khu tập thể trong một ngõ hẻm. Trong nhà đồ đạc sơ sài, trên tường treo ảnh Văn Cao, ở dưới là cây đàn guitar cũ kĩ. Vợ Vũ gầy, nhợt nhạt như mảnh trăng non, đôi mắt trông lúc nào cũng buồn. Hai đứa con, một gái một trai, có vẻ ngoan và cũng gầy như mẹ.
Vợ mình bị vạ lây từ mình nên nó chán chường, Vũ nói. Tự dưng bị đẩy ra khỏi biên chế cơ quan, hàng ngày phải đạp xe đi làm công nhân một xí nghiệp cách nhà vài chục cây số, sức đàn bà không chịu nổi đành bỏ về bán hàng thuốc nước bánh kẹo lặt vặt ở vỉa hè. Đứa con gái lớn học giỏi nhưng không xin được vào trường điểm gần nhà, phải học trường khác ở xa. Chả phải vì mình không có tiền chạy đâu, mà khi biết nó là con mình họ đã gạt hồ sơ ngay không cần giải thích.
Tôi ăn trưa với gia đình Vũ. Bữa ăn diễn ra trong không khí tẻ nhạt. Vũ cầm chén rượu với vẻ lóng ngóng, lúc này tôi mới phát hiện bàn tay anh bị cụt ngón trỏ. Chúng nó dùng đá đập nát ngón tay mình đấy – Vũ giải thích – sau khi bất ngờ tông vào xe của mình làm mình ngã giữa đường. Chúng nó là ai? Tôi hỏi. Là chúng nó, là hai thằng đi xe máy bịt mặt, chứ biết là ai.
Tôi ngạc nhiên, võ nghệ đầy mình, sao để chúng đánh. Vũ nói, nó tương ớt bột vào mắt, đau lắm, chả nhìn thấy gì.
Vợ Vũ lặng lẽ ăn, cả bữa gần như không nói câu nào. Khi hai vợ chồng vào buồng trong, tôi nằm nghỉ ở phòng ngoài nghe thấy tiếng họ nói chuyện. Hình như Vũ đang dính vào một vụ đấu đá nào đó. “Chúng nó sẽ giết anh, giết em, có khi giết cả các con mình nữa. Tại sao anh không thể sống bình thường như mọi người khác? Anh quá biết trong xã hội này chúng nó không từ một thủ đoạn nào” – tiếng vợ Vũ như khóc. Tiếng Vũ: “Anh biết, nhưng em cho anh theo đuổi hết vụ này đã. Đấu tranh này là trận cuối cùng”.
Tôi rời nhà Vũ với tâm trạng nặng nề. Biết nói gì đây. Vũ ơi, đời chúng mình chỉ như một que diêm ẩm, sao cứ đòi đốt cháy cả khu rừng. Không thương nổi vợ con mình, sao thương được ra xã hội. Tháng ngày nhọc nhoài trôi. Hai năm sau, có lần vào facebook xem một video clip, tôi tình cờ bắt gặp Vũ đi trong một đoàn biểu tình. Linh cảm điều gì đó chẳng lành, tôi thấy lo cho Vũ.
Ngay đêm ấy tôi mơ thấy Vũ. Một buổi chiều nắng rất vàng, có chiếc xe đầy bụi đường ập đến trước cửa nhà Vũ. Vũ bị đẩy lên thùng xe, chỉ kịp mang theo một cái lược. Các anh đưa tôi đi đâu? Vũ hỏi. Ba Vì. Để làm gì? Trên đó có một đàn bò đang rất cần anh.
Đêm khác tôi lại mơ thấy cánh cửa nhà Vũ đầm đìa máu. Máu đỏ tươi rực rỡ trên mặt gỗ và chảy xuống thành những dòng kẻ sắc như khuông nhạc. Mùi máu sực lên lợm đến mức làm tôi tỉnh giấc ngay sau đó.
Hôm sau tôi quyết định đi Hà Nội. Vào xế chiều. Không gọi điện trước cho Vũ.
Tôi tìm vào ngõ hẻm trong đêm. Một tiếng lá bàng rơi cũng làm tôi hồi hộp. Đến trước khu nhà còn sáng điện, tôi đứng lặng người. Cửa nhà Vũ đỏ loang màu máu. Màu của sơn. Ai đó đã hắt cả thùng sơn đỏ vào cánh cửa.
– Chúng nó cảnh cáo mình đấy – Vũ giải thích – Sáng ngủ dậy, mở cửa ra đã thấy đỏ lòm như thế rồi.
Tôi hỏi chúng nó là ai. Vũ cười. Thì là chúng nó, chứ biết là ai.
Vũ dạo này đẫy ra. Anh cho biết đã được bổ nhiệm làm trưởng phòng, năm tới có thể lên phó giám đốc một cơ quan văn hoá. Vợ cũng xin được vào làm ở một công ti trong nội thành.
– Cậu xem, tớ mới có chức tước một năm mà của nả đã đầy nhà – Vũ khoát tay chỉ đống bàn ghế giường tủ, cười nhạt.
Trong lúc chờ vợ làm món để uống rượu, Vũ chậm rãi rót trà ra hai chiếc tách. Anh nói:
– Họ cất nhắc mình là có mục đích. Lấy chức vụ, quyền lợi để ràng buộc mình. Mình muốn nhúc nhích đấu tranh cũng không được.
Tôi im lặng. Vũ đổi cách xưng hô:
– Anh biết đấy, gầm trời thênh thang, đời thằng Vũ này có sợ cái gì. Nếu chỉ một thân trên cõi đời thì chết ngay bây giờ cũng được. Nhưng mình còn có vợ có con, không thể đem vợ con ra đánh bạc. Mỗi lần nhìn vào mắt đứa con gái, đôi mắt nó trong veo như nền trời hè, tôi lại không đành…
Tôi nhìn bức ảnh Văn Cao trên tường. Những ngón tay khô gầy của ông nâng chén rượu, bình thản. Và nhìn cái vòng kim cô vô hình trên đầu Vũ, tôi hỏi, phải chăng trước cái ác, anh đã đầu hàng.
– Con bé hàng ngày đi học khá xa, ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra trên đường. Anh thấy đấy, lối vào ngõ này cũng tối.
Vũ nói như lảng tránh.
Đêm ấy, bên mâm rượu, Vũ dùng bàn tay bốn ngón xé mực khô chấm vào đĩa mù tạt. Nước mắt anh chảy ra, không biết vì xúc động hay vì cay. Nhìn những cử chỉ vụng về của anh, cùng đôi dép lê loẹt quẹt, bộ quần áo ngủ kẻ sọc, lần đầu tiên tôi cảm thấy cái gì đó hèn hèn.
Sáng hôm sau, lúc ra về tôi hỏi Vũ vì sao anh không sơn lại cánh cửa. Vũ giải thích, vợ anh muốn giữ nguyên như thế để làm dấu hiệu nhắc nhở chồng. Sờ tay lên cửa, anh nói, giọng u uất:
– Tôi sợ cái màu này lắm rồi.
Ra khỏi thành phố, tôi chợt nảy ý định thăm lại nơi Vũ đã từng vang bóng một thời. Xuống xe khách giữa đường, tôi đi bộ vài cây số vào thị trấn. Không rẽ qua kí túc xá trường đại học, tôi lặng lẽ đi về phía hồ, theo con đường vắt qua dải đồi vắng vẻ. Đang là mùa đông, gió vi vút trên đồi xa. Dưới kia, mặt hồ xanh biếc hiện ra qua những thân bạch đàn trắng tinh, vài chùm lá lật phật reo trong gió một ngày nắng ấm. Nhìn màu lá bạch đàn đỏ úa, tôi nghĩ đến cái màu đã đi theo Vũ quá nửa cuộc đời. Chiếc áo thun rực lửa. Máu của nàng sinh viên cụt đầu. Máu nhuộm những vần thơ. Viên ngọc rubi, cùng màu sơn trên cánh cửa.
Nhìn lại lần cuối mặt hồ xanh biếc, tôi rời khỏi khu đồi, lòng bâng khuâng buồn. Dẫu sao, tôi đã được sống cùng thời với Vũ.
Hà Nội, 5-2016
P.D.N

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.